Trong phòng làm việc của Tổng Thống Hoa Kỳ có chiếc bàn tên là Resolute Desk với một lịch sử khá ly kỳ. Nó được làm từ gỗ của một chiếc thuyền Anh Quốc mang tên Resolute. Nhưng vì sao nó lại vào đến phòng Bầu Dục của Bạch Cung?
Tác phẩm điện ảnh Gone With The Wind – Cuốn Theo Chiều Gió, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Margaret Mitchell đã có một lịch sử dài 81 năm. Gần đây, trong không khí bạo loạn chủng tộc của nước Mỹ, cuốn phim Cuốn Theo Chiều Gió lại được nhắc đến một lần nữa. Nhắc đến, ấy là do những người kêu gào Black Lives Matter cho rằng cuốn phim có một số tình tiết, quan điểm thể hiện sự phân biệt chủng tộc. Nó còn là một tác phẩm tôn vinh chế độ nô lệ, phớt lờ sự tàn ác và gieo rắc những định kiến đau lòng về người da màu. Nhà nghiên cứu phim Jacqueline Stewart cũng bàn về những ẩn ý về chủng tộc trong tác phẩm kinh điển này. Theo bà, phim tôn vinh vẻ đẹp miền Nam nước Mỹ trước thời Nội Chiến mà bỏ quên nỗi đau của các nô lệ. Những người Mỹ gốc Phi xuất hiện rập khuôn trong vai trò người hầu: lạc lõng và trung thành với những người chủ da trắng. Và Cuốn Theo Chiều Gió đã bị gỡ bỏ khỏi HBO MAX. Gần đây cuốn phim được phục hồi vị trí với một đoạn thuyết minh dài bốn phút giải thích việc tác phẩm “phủ nhận nỗi kinh hoàng của chế độ nô lệ”.
Sự thật Cuốn Theo Chiều Gió có đụng tới vấn đề kỳ thị chủng tộc không? Các bạn và Nguyễn xem Cuốn Theo Chiều Gió có thấy sequence nào diễn tả cảnh người da đen bị hành hạ, áp bức, nhục mạ? Ðâu, đâu thấy. Họ xuất hiện là những người làm trong điền trang Tara và người hầu cho chủ da trắng như tình trạng phổ biến trong xã hội thời đó -họ không hề bị bạc đãi, hành hạ. Vậy những người chống đối muốn gì? Ðể có những đổi thay cần thời gian và nỗ lực trau dồi tri thức và nhân cách của những người đang hò hét đòi hỏi. Thế giới bây giờ đã đổi khác và sẽ còn thay đổi. Chúng ta nên ghi nhận từ chính cuốn phim Cuốn Theo Chiều Gió: Hattie McDaniel là một trong các tài tử tham gia dự án Cuốn Theo Chiều Gió vào năm 1939, và vai diễn nàng hầu đã giúp cô trở thành nữ tài tử da màu đầu tiên chiến thắng giải Oscar danh giá. Vì lẽ đó, việc gỡ phim xuống nền tảng online HBO MAX được cho là không khôn ngoan, và có phần xúc phạm đến những đóng góp của cô dành cho bộ phim.
Với Nguyễn và bạn bè thì giá trị và lòng yêu thích cuốn phim và tiểu thuyết đã được khẳng định.
Ôi làm sao quên. Câu chuyện nàng Scarlett O’Hara trong cơn sóng gió của cuộc Nội Chiến (1861–1865), khi lên phim đã giành được 10 Oscar. Chúng ta cần biết việc chọn người đóng vai Scarlett đã thu hút nhiều tài tử điện ảnh nổi tiếng cùng thời như Talullah Bankhead, Paulette Goddard, Susan Hayward, Lana Turner, và cuối cùng Vivien Leigh đoạt được vai này.
Hơn cả một cuốn sách văn học thông thường, tiểu thuyết “Cuốn Theo Chiều Gió” dường như đã tạo nên một cuộc đời và nó cũng được tạo nên bằng cuộc đời. Cuốn sách kể về câu chuyện của Scarlett O’’Hara – một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, ở miền Nam Hoa Kỳ và những khó nhọc mà nàng cùng với gia đình, bạn bè và người yêu đã trải qua trong Nội chiến Hoa Kỳ và Thời tái xây dựng. Cuốn sách cũng kể về câu chuyện tình yêu kết tinh giữa Scarlett O’’Hara và Rhett Butler.
Một tác phẩm được gọi là một kiệt tác phải miêu tả được những khía cạnh chân thực nhất, sâu sắc nhất về con người. “Cuốn Theo Chiều Gió” là một trong số các tác phẩm như vậy. Là một cuốn tiểu thuyết kinh điển, vĩ đại, được công nhận bởi hàng triệu triệu độc giả trên toàn thế giới, dĩ nhiên giá trị của nó là vấn đề không cần bàn cãi.
Cuốn Theo Chiều Gió cũng nổi tiếng với trận cháy ở Atlanta kết thúc cuộc nội chiến và điền trang Tara. Một bạn văn của người viết đã ghi lại cảm xúc trong một đoạn văn xin được nhắc lại sau đây.
“Nhưng Atlanta không phải chỉ nổi tiếng vì trận lửa được ghi trong lịch sử. Mà nó mê hoặc người ta bằng một trận lửa khác. Một trận lửa cháy trên giấy mà mãi mãi sẽ không bao giờ tắt. Ngọn lửa trong cuốn tiểu thuyết “Cuốn Theo Chiều Gió”. Nữ văn hào Margaret Mitchell, một cư dân Atlanta đã viết lại toàn bộ cuộc chiến trong tác phẩm của mình theo cách nhìn của một người miền Nam. Tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió” lập tức trở thành một best-seller, đoạt nhiều giải thưởng và được dịch ra hàng trăm thứ tiếng. Ba năm sau, 1939, tác phẩm được dựng thành phim. Bộ phim “Cuốn Theo Chiều Gió” do đạo diễn Victor Fleming và với các diễn viên lừng danh Clark Gable, Vivien Leigh…”
Người ta yêu thích “Cuốn Theo Chiều Gió” không những vì tính cách sống thực của cuộc chiến trong tác phẩm mà còn vì ý chí quật cường, sức làm việc bền bỉ và cái nỗ lực đầy hy vọng của nhân vật nữ Scarlett O’Hara xây dựng lại tất cả sau chiến tranh. Ðây cũng là đặc tính của người Mỹ. Họ dành thời giờ và công sức cho việc xây dựng hơn là cứ nhìn đăm đăm vào quá khứ. Kết thúc tác phẩm, Margarett Mitchell đã để toàn bộ cuộc chiến cuốn theo chiều gió, và mở ra cho độc giả một niềm hy vọng không bao giờ tắt. “Tomorrow is another day.” Ðiều này luôn luôn đúng. Những gì của ngày hôm nay sẽ là quá khứ. Ngày mai là một ngày mới. Cuộc sống vẫn luôn là những cơ hội đang chờ đón người ta ở phía trước.
Cuộc chiến ở Atlanta, Georgia rộng lớn và khốc liệt trong bóng ảnh của điền trang Tara. Trong tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió” của Margaret Mitchell, điền trang Tara nằm ở gần Jonesborough (tức Jonesboro bây giờ). Nhà văn Margaret Mitchell dựng lên Tara mô phỏng theo trang trại thời kỳ tiền Nội Chiến, đặc biệt là đồn điền ở Clayton County, ở đó bà ngoại của Mitchell, vốn là con gái của một di dân Ái Nhĩ Lan đã sinh ra và lớn lên. Một khu điền trang lân cận là Twelve Oaks (Mười Hai Cây Sồi) cũng được nhắc đến trong tác phẩm “Cuốn Theo Chiều Gió”. Khu điền trang Tara được tái dựng lại trong truyện đã mang linh hồn của Miền Nam. Nó chính là Miền Nam trong khói lửa chiến tranh và ngay hiện thời. Một điều đặc biệt là chính tại ngôi nhà (mansion) của bà ngoại ở Clayton County, Margaret Mitchell trong buổi ấu thời đã nghe kể lại bao điều về cuộc Nội Chiến khi ngồi trước cổng nhà.
Trong “Cuốn Theo Chiều Gió”, điền trang Tara đã có một thời cực thịnh, nhưng rồi nó dần dần suy tàn vì cuộc bao vây của quân Miền Bắc và sự đòi hỏi đóng góp của lực lượng Miền Nam, cộng thêm tình hình bán bông vải qua nước Anh bị đứt đoạn. Từ đó, Tara rơi vào sự tan rã, nghèo đói. Chính Scarlett O’Hara đã kiên trì và dũng cảm làm việc, giữ cho Tara khỏi sụp đổ.
Từ hình ảnh trong tiểu thuyết, bước vào không gian của điện ảnh, điền trang Tara có nhiều thay đổi. Nó được nhà sản xuất phim David O. Selznick phục chế và tái tạo lại với những hàng cột (pillars) cao lớn và đại sảnh lộng lẫy. Những người hâm mộ gọi tác phẩm Cuốn Theo Chiều Gió của Margaret Mitchell là “Cuốn Thánh Kinh của Nước Mỹ”. Họ hình dung thấy điền trang Tara như một trong những dinh cơ đồ sộ của thời tiền chiến tranh nằm dọc theo con sông Mississippi hùng vĩ. Thế nhưng người ta kể lại rằng khi xem phim, Margaret Mitchell đã không nhận ra ngôi điền trang như bà miêu tả trong truyện. Tuy nhiên hình ảnh Tara như trong phim đã gây ấn tượng lớn, không bao giờ quên đối với khán giả năm châu qua hàng chục năm nay. Họ nhìn thấy sự hồi sinh của Tara sau chiến tranh, với dinh cơ tráng lệ và những đồn điền đất đỏ chung quanh. Tuy nhiên, trong tòa nhà sang trọng bây giờ, Scarlett không còn cảm thấy bình yên và hạnh phúc. Những năm tháng đẹp đẽ đã trôi qua, giờ đây Scarlett cảm thấy lòng trống vắng. Nàng xót xa cho mối tình đầu của mình với Ashley, và đau đớn vì đã đánh mất đi tình yêu của Rhett cũng như cái chết của con gái nhỏ Bonnie. Nhiều nhà phê bình nói rằng điền trang Tara chính là hình ảnh của Scarlett, từ hồn nhiên trong hạnh phúc xa hoa rồi bỗng mất đi tất cả để rồi bây giờ hồi sinh giàu có nhưng bóng hạnh phúc một thời đã bay xa.
Cuốn Theo Chiều Gió. Cả tiểu thuyết và phim điện ảnh đều là những tượng đài của nghệ thuật và sử thi. Bỏ nó đi là một sự điên rồ không thể nào tha thứ được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét