Cách nay 43 năm, lũ chúng tôi ở tuổi 18 đang háo hức chờ đến ngày lên đường đi du học trời Tây.
Nhưng theo quy định thì tất cả lưu học sinh đại học, thực tập sinh cùng nghiên cứu sinh sau đại học đều được học chính trị trước khi xa tổ quốc.
Sau mỗi buổi học, thì trưởng đoàn phải báo cáo tình hình trực tiếp về mọi khía cạnh nội dung, tư tưởng, phản ứng của học viên với lãnh đạo đoàn 871 và cục cán bộ.
Chỉ cần một dấu hiệu khả nghi ai đó kém lập trường chính trị, thì đương sự có thể bị gạt ra ngoài danh sách du học, để thay bằng kẻ khác “tin cậy” hơn.
Trưởng đoàn của tôi là đại uý, bác sĩ L. Dung, bằng tuổi bố tôi, và từng tham gia chống Pháp rồi về công tác tại khoa tim mạch viện 103.
Mỗi buổi chiều muộn, sau khi đi báo cáo tình hình thu hoạch, nhận thức trong ngày của các thành viên trong đoàn, thì ông đều nán lại dặn dò bọn trẻ chúng tôi cách ứng xử cho phải phép...
Một lần ông buồn rầu than vãn rằng nước sông Hồng đã ngập gần hết nhà của ông tại bãi đất bồi ngoài chân đê, nhưng ông vẫn phải tham dự học chính trị vô bổ, thảo luận và báo cáo mọi mặt đầy đủ, không thể về dọn nhà chạy nước lụt được.
Sát ngày lên đường, ông gọi riêng mấy đứa chúng tôi tới dặn dò cặn kẽ, ân cần như người cha với các con của mình vậy.
Ông nói :”Ngày mai tất cả sẽ vào lăng viếng Bác Hồ trước khi đi du học, đây là thủ tục bắt buộc, dù các cậu có ai từng đi rồi, thì cũng vẫn phải tỏ ra vui vẻ, chớ có dại mà nói tôi đi rồi, thì xin miễn nhé, nói như vậy rất nguy hiểm đấy...”.
Chúng tôi ngoan ngoãn thực hiện đúng lời tâm huyết gan ruột của trưởng đoàn mình, và tất cả đều cùng lên tầu hỏa liên vận đúng kế hoạch.
Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi vào lăng viếng Bác, vì chấp hành nhiệm vụ chính trị được cấp trên giao phó.
Sau ba năm sống cùng đại uý L. Dung tại Budapest, tôi mới hiểu những lời khuyên quý báu của ông là kinh nghiệm xương máu từ những đêm đấu tố, chỉnh huấn, chỉnh quân trong rừng rậm Việt Bắc năm xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét