Giáo sư Jana Lipman vừa xuất bản cuốn sách mới nhất về người Việt Nam tị nạn giai đoạn từ thập niên 1970 đến đầu những năm 1990. Mục đích của cuộc phỏng vấn này là giúp độc giả hiểu sâu hơn nghiên cứu mới này về một chương trong lịch sử hiện đại mà nhiều người Việt Nam ngày nay có thể chưa biết đến. Bản gốc bài phỏng vấn bằng tiếng Anh, trên trang tiếng Anh của Tạp chí Nghiên cứu Việt Mỹ.
(1) Thưa Giáo sư, trong lịch sử nghiên cứu về Việt Nam thời hậu chiến, cuốn sách “Trong trại tị nạn: Người Việt Nam tị nạn, người xin tị nạn và người hồi hương (Nhà xuất bản Đại học California, 2020), rất quan trọng vì nó cung cấp một tài liệu mới về giai đoạn lịch sử còn chưa được nghiên cứu thấu tỏ đó. Giáo sư cũng đã đồng dịch một cuốn hồi ký xúc động của cựu chỉ huy hải quân Nam Việt Nam Trần Đình Trụ, “Con tàu định mệnh: Hồi ký của một người Việt hồi hương” (Honolulu: University of Hawaii Press, 2017). Xin giáo sư cho biết lý do bà quan tâm đến đề tài nghiên cứu này.
À, chủ đề này đã đưa tôi trở lại nhiều năm, bắt đầu từ quyết định đi du học Việt Nam khi tôi còn là một sinh viên đại học. Năm 1994, tôi học tại Thành phố Hồ Chí Minh / Sài Gòn ở School of International Training (Trường Đào tạo Quốc tế). Tôi là một trong những nhóm sinh viên Mỹ đầu tiên đến Việt Nam học sau chiến tranh. Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng chuyến du học này đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi học tiếng Việt mỗi sáng và đi xe đạp khám phá thành phố vào các buổi chiều. Mặc dù tôi không tiếp tục học ngôn ngữ, nhưng những câu hỏi nảy sinh từ trải nghiệm đó về di sản chiến tranh, mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam và vấn đề di cư đã thúc đẩy sở thích nghiên cứu của tôi kể từ đó.
Cảm ơn bạn đã nhìn nhận cuốn “Con tàu định mệnh: Hồi ký của một người Việt hồi hương” của Trần Đình Trụ. Sau khi xuất bản cuốn sách đầu tiên về căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Vịnh Guantánamo, tôi bắt đầu nghiên cứu xem các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ đã được sử dụng làm trại tị nạn cho nhiều nhóm dân cư khác nhau (người Hungary, Việt Nam, Cuba và Haiti) như thế nào.
Trong quá trình nghiên cứu này, tôi tìm hiểu xem Hoa Kỳ đã biến Guam thành trại tị nạn vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam như thế nào. Như hầu hết mọi người đều biết, vào tháng 4 năm 1975, khoảng 120.000 người Việt Nam đã rời khỏi miền Nam Việt Nam, và phần lớn định cư ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trước khi họ đến lục địa Hoa Kỳ, quân đội đã gửi hầu hết số họ đến đảo Guam để xử lý.
Khi đọc Báo cáo “After Action reports” của quân đội, tôi bắt gặp những bức ảnh đáng chú ý về những người Việt Nam ở đảo Guam, những người muốn trở về Việt Nam và không muốn đến Hoa Kỳ. Những hình ảnh đó gây ấn tượng mạnh. Chúng bao gồm hình ảnh các cuộc biểu tình, cạo đầu tập thể và biểu tình đông người. Những người này tự gọi mình là những Người hồi hương, và họ muốn trở về Việt Nam.
Tôi đã tưởng rằng mình sẽ không thể tìm thêm thông tin về những Người hồi hương này, nhưng tôi đã rất sai lầm. Không chỉ có hàng trăm tài liệu của Hoa Kỳ về chủ đề này, mà sau đó tôi còn tìm thấy hồi ký của Trần Đình Trụ trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ ở Washington, DC. Tôi tin rằng đó là tác phẩm trực tiếp duy nhất của một người Việt Nam hồi hương từng ở tại Guam. Trần Đình Trụ là một thuyền trưởng cấp cao của hải quân Nam Việt Nam, và ông trở thành thuyền trưởng của con tàu mang tên Việt Nam Thương Tín, đưa hơn 1.500 người trở về Việt Nam vào tháng 10 năm 1975.
Buồn thay, chính phủ mới của Việt Nam đã kết án ông hơn một thập kỷ lao động cưỡng bức và giam giữ ông trong các “trại cải tạo”. Tôi và đồng nghiệp Trần Hòai Bắc đồng ý rằng câu chuyện này có sức hút mạnh mẽ và chúng tôi muốn đưa nó đến với nhiều độc giả hơn. Chúng tôi đã làm việc cùng với Trần Đình Trụ để dịch hồi ký của anh sang tiếng Anh. Tôi vô cùng tự hào rằng độc giả tiếng Anh giờ đây đã có thể tiếp cận câu chuyện và trải nghiệm của anh ấy.
(2) Nhiều người Việt Nam sinh ra ở miền Bắc Việt Nam sau 1975 không hiểu câu chuyện người Việt Nam tị nạn trong thời gian 1975-1989. Xin giáo sư cho chúng tôi một cái nhìn khái quát về thảm kịch lịch sử này: điều gì đã xảy ra và tại sao nhiều người muốn rời Việt Nam?
Có rất nhiều câu chuyện khác nhau. Một trong những mục tiêu của tôi là đi tìm những nguyên nhân nhiều người Việt Nam rời bỏ đất nước. Điều đó có nghĩa là, tôi đồng ý với sự nhất trí chung của nhiều học giả là có ba giai đoạn hay “làn sóng” chính.
Đầu tiên, vào năm 1975, khoảng 120.000 người Việt Nam đã rời đi vào tháng 4 năm 1975. Hầu hết những người đàn ông và phụ nữ này có liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ và có quan hệ với miền Nam Việt Nam. Họ sợ hậu quả phải gánh chịu nếu lại trong nước. Mặc dù đã có những người hồi hương trở về Việt Nam vào cuối năm đó, như tôi đã nghiên cứu, nhưng phần lớn định cư ở Hoa Kỳ, Canada và Úc.
Thứ hai, vào cuối những năm 1970, có một “làn sóng” người Việt di cư khác. Sau năm 1975, chính quyền cách mạng mới đã gửi quân nhân ARVN (Quân lực Việt Nam Cộng hòa) đến các trại được gọi một cách hoa mỹ là “cải tạo”. Đây là những trại tù. Đặc điểm chung là chế độ ăn uống nghèo nàn, tuyên truyền chính trị và lao động cưỡng bức. Nhiều người trong số họ được trả tự do sau hai đến ba năm, và do đó vào cuối những năm 1970, có một nhóm người Việt Nam muốn rời khỏi đất nước.
Ngoài ra, chính phủ đã tăng tốc kế hoạch xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân trong những năm này. Chính phủ đưa nhiều gia đình đến các Vùng Kinh tế Mới. Nhiều người miền Nam Việt Nam vốn vẫn đang chờ đợi xem chính phủ mới sẽ mang đến điều gì, và đến thời điểm này, họ trở nên vỡ mộng và lại muốn bỏ đi. Cuối cùng, trong những năm này, nhiều người Việt gốc Hoa đã được khuyến khích ra đi.
Chính phủ Việt Nam cũng đã tấn công vào sinh kế của những người làm kinh doanh. Tiếp đó, chính phủ tạo điều kiện cho họ di cư bằng cách nhận hối lộ và tổ chức những con tàu lớn mang họ rời khỏi đất nước. Nhiều người đã vượt biển rời khỏi đất nước trên những con tàu thương mại lớn như tàu Skyluck và tàu Hải Hồng, chứ không phải chỉ là những chiếc thuyền ọp ẹp như hầu hết người Mỹ hình dung. Chính sách chống Trung Quốc giai đoạn này cũng là một phần trong cuộc chiến ngắn ngủi giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1979. Những biến động dồn dập này đã gây ra cuộc khủng hoảng “thuyền nhân” đầu tiên ở Đông Nam Á, dẫn đến hàng chục nghìn người chạy sang Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Hong Kong.
Cuối cùng, vào những năm 1980, hàng nghìn người tiếp tục rời Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, vì một loạt lý do thậm chí còn lớn hơn. Những người phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bị ngược đãi do từng tham gia vào chính quyền miền Nam Việt Nam tiếp tục rời bỏ đất nước, bao gồm một số lượng lớn những người sống sót trong trại cải tạo. Những người khác ra đi từ miền Bắc Việt Nam, vì họ đã xung đột với các lãnh đạo địa phương. Một số là cựu đảng viên cộng sản, những người ban đầu đã ủng hộ cách mạng, và một số người phản đối chính phủ khác. Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ thường không thể “coi” những người này là “người tị nạn”, vì họ không liên quan gì với miền Nam Việt Nam.
Cuối cùng, một số lượng lớn người ra đi vì tổng hòa các lý do chính trị và kinh tế. UNHCR (Cao ủy người tị nạn Liên Hiệp quốc) và Mỹ thường cố gắng phân biệt giữa đàn áp chính trị và lý do kinh tế, nhưng trên thực tế, hai điều này thường được đan xen với nhau. Mỹ và Việt Nam cũng thành lập Chương trình Ra đi Có trật tự. Điều này giúp người Việt Nam có thể rời khỏi đất nước và tái định cư tại Hoa Kỳ mà không phải mạo hiểm tính mạng của họ bằng một chuyến hải hành nguy hiểm. Chương trình này bị đình trệ vào đầu những năm 1980, nhưng đã tăng tốc vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Nó cũng gắn liền với cuộc tái định cư của những người con lai Việt Mỹ và gia đình của họ.
Nói tóm lại thì đó không phải là một câu chuyện đơn lẻ.
(3) Nhiều người Việt Nam ngày nay ủng hộ cuộc đấu tranh dân chủ và tự do của người Hồng Kông vì Hồng Kông trước đây đã giúp đỡ người Việt tị nạn. Giáo sư đã viết trong một bài báo rằng hoạt động của những người bảo vệ nhân quyền ở Hồng Kông, những người đã giúp đỡ người tị nạn Việt Nam “[chứng minh rằng] việc đấu tranh cho nhân quyền của một nhóm thiểu số dễ bị tổn thương ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ tạo nên những nền tảng pháp lý và xã hội giúp bảo vệ quyền tự do dân sự mà tất cả mọi người đều được hưởng”. Xin giáo sư cho biết lịch sử của người Việt tị nạn ở Hồng Kông, và hãy giải thích mối quan hệ giữa hoạt động bảo vệ nhân quyền cho người Việt tị nạn ở Hồng Kông 30 năm trước và việc bảo vệ tự do, dân chủ ở Hồng Kông ngày nay.
Tôi xin bắt đầu với một điểm là lịch sử tị nạn của người Việt Nam ở Hồng Kông khá phức tạp, kéo dài hơn hai thập kỷ.
Từ năm 1975 đến đầu những năm 1980, Hồng Kông đã cung cấp một số lợi ích và trợ giúp hào phóng nhất cho những người tị nạn Việt Nam vào lãnh thổ này. Không giống như ở Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, chính quyền Hong Kong không bao giờ “đẩy” thuyền đi hay xua đuổi họ, thay vào đó, cung cấp những khu tị nạn đầu tiên.
Tuy nhiên, chính quyền Hồng Kông sớm nhận ra họ quá tải. Nhiều người Việt Nam đã sống ở các trại này trong nhiều năm. Điều này khiến chính quyền Hồng Kông đưa ra chính sách “trại khép kín” để không khuyến khích những người mới đến. Hồng Kông cũng tiếp nhận nhiều người hơn từ miền Bắc Việt Nam, nhiều người có thể đã phải đối mặt với sự đàn áp, nhưng câu chuyện họ kể không khớp với những gì Hoa Kỳ (hoặc UNHCR hay các quan chức Hồng Kông) coi là một câu chuyện tị nạn hợp pháp, chẳng hạn đó thường là chuyện một thành viên trong gia đình đã từng phục vụ trong quân đội VNCH và có quan hệ mật thiết với quân đội Hoa Kỳ.
Kết quả là Hong Kong phải đối mặt với vấn đề “những người lưu lại dài hạn”, với hàng nghìn người Việt Nam sống trong tình trạng lấp lửng, không rõ số phận đi về đâu, trong các trại tị nạn.
Hồng Kông cũng từng là thuộc địa của Anh. Người Anh và Trung Quốc đã thỏa thuận rằng Hồng Kông sẽ được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về quyền tự trị chính trị và nền pháp quyền của Hồng Kông (những xung đột vẫn gay gắt cho đến ngày nay). Các quan chức Hồng Kông (gồm người Anh và người Hong Kong) cảm thấy có nghĩa vụ duy trì các tiêu chuẩn nhân đạo. Đồng thời, họ muốn đóng cửa các trại trước ngày bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc là ngày 1 tháng 7 năm 1997.
Điều này dẫn đến quyết định gây tranh cãi của Hồng Kông là bắt đầu “sàng lọc” những người Việt Nam đến lãnh thổ này. Những người có thể “chứng minh” họ là người tị nạn sẽ được tái định cư ở Hoa Kỳ, Canada, Úc hoặc Tây Âu. Những người không thể “chứng minh” họ là người tị nạn thì bị đưa đến các “trại khép kín”, gần giống như nhà tù, và sau đó phải hồi hương trở về Việt Nam.
Vào những năm 1990, người Việt Nam trong trại và người Việt Nam ở nước ngoài bắt đầu phản đối các chính sách mới của Hồng Kông. Các quan chức chính quyền Hồng Kông lập luận rằng họ cung cấp các trại tị nạn nhân đạo. Họ đã đáp ứng các nghĩa vụ của mình với Cao ủy Liên Hiệp quốc về Người tị nạn (UNHCR), và họ phải đối mặt với áp lực lớn tại địa bàn. Họ tranh luận rằng họ đã làm tất cả những gì cần thiết. Mặt khác, Hồng Kông đã trở thành một nơi cực kỳ khắc nghiệt, và người Việt Nam trong các trại đã tổ chức những cuộc biểu tình lớn, tuyệt thực và phản đối quy trình sàng lọc bắt buộc hồi hương.
Lúc đó, người Mỹ gốc Việt thường cho rằng Hong Kong đã vi phạm nhân quyền của người Việt Nam. Ngoài ra, nhiều nhà hoạt động Hồng Kông đã lên tiếng ủng hộ và đấu tranh để cải thiện quy trình sàng lọc và chống lại việc bắt buộc hồi hương về Việt Nam. Họ nhận ra rằng việc bảo vệ các quyền của người Việt Nam theo đúng thủ tục và tinh thần pháp quyền sẽ là vấn đề quan trọng đối với Hồng Kông sau khi Trung Quốc thu hồi chủ quyền.
Trong cuốn sách của tôi, cuốn “In Camps”, tôi phân tích cách Hồng Kông trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận về chủ nghĩa nhân đạo và nhân quyền trong những năm 1990.
(4) Cuốn sách của giáo sư cũng nhấn mạnh rằng tấn thảm kịch thuyền nhân Việt Nam hơn hai thập kỷ trước đã định hình lại chính sách tị nạn quốc tế của Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ. Xin giáo sư vui lòng giải thích về điều này.
Đúng. Việc di cư của người Việt Nam nhận được sự quan tâm của Cao ủy Liên Hiệp quốc về Người tị nạn (UNHCR) và Hoa Kỳ hơn bất kì cộng đồng người tị nạn nào khác vào thời điểm đó. Hoa Kỳ quan tâm lớn đến vấn đề này rõ ràng là do họ can dự vào cuộc chiến ở Việt Nam.
Đối với UNHCR, đây là hoạt động trợ giúp người tị nạn lớn đầu tiên của tổ chức này ở châu Á, và nó đã tiêu tốn nhiều nguồn lực tài chính và nhân sự của tổ chức này trong hơn hai thập kỷ. UNHCR cũng làm việc với Việt Nam, các khu tị nạn đầu tiên và các nước tái định cư để phát triển các giải pháp mang tính khu vực cho người tị nạn.
Có hai hiệp định chủ chốt mang tính khu vực. Năm 1979, có một hiệp định cung cấp cho mọi người Việt Nam quy chế tị nạn trên thực tế, quyền được tị nạn lần đầu và quyền được tái định cư ở một nước thứ ba. Sau đó vào năm 1989, UNHCR đã hỗ trợ cho Kế hoạch Hành động Toàn diện (Comprehensive Plan of Action), chuyển sang các phiên điều trần cho từng người tị nạn riêng lẻ. Đây là công thức theo đó những người Việt Nam đến sau năm 1989 sẽ không mặc nhiên là người tị nạn trên thực tế, và thay vào đó, họ sẽ phải “chứng minh” trường hợp của mình thông qua các phiên điều trần cá nhân. Kế hoạch Hành động Toàn diện đã gây tranh cãi gay gắt, và hầu hết các tổ chức của người Việt Nam ở nước ngoài đều phản đối nó, vì nó bao gồm cả nội dung phải hồi hương trở về Việt Nam.
UNHCR khẳng định họ làm việc với các đối tác trong khu vực, cung cấp tiền cho những người hồi hương trở về và bắt đầu sinh kế mới, đồng thời chấm dứt cuộc khủng hoảng “thuyền nhân”. Đối với UNHCR, cần phải có một giới thuyết định nghĩa về người tị nạn, không phải tất cả những người trốn khỏi đất nước họ bằng đường biển đều là người tị nạn theo công ước Geneva 1951. UNHCR lo ngại nếu họ khẳng định tất cả người Việt Nam đều là người tị nạn, không tính đến thời điểm họ ra đi, thì các nước Đông Nam Á sẽ ngừng cung cấp các điểm tị nạn tuyến đầu.
UNHCR coi Kế hoạch Hành động Toàn diện là một giải pháp khu vực có giá trị, với sự hỗ trợ tài chính lớn từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu. Mặc dù có rất nhiều sai sót nhưng họ đã xây dựng được một thỏa thuận có tính khu vực. Đối với những người nghiên cứu như tôi, những người quan tâm đến người tị nạn ngày nay, thật khó có thể tưởng tượng sẽ xây dựng được một thỏa thuận khu vực tương tự ở Trung Đông hay Trung Mỹ hiện nay.
Đối với Hoa Kỳ, cuộc tị nạn của người Việt Nam trong những năm 1970 về cơ bản cũng đã định hình lại chính sách tị nạn của Hoa Kỳ. Số người khổng lồ chạy khỏi Việt Nam vào năm 1978 và 1979 đã tràn ngập các trại tị nạn tuyến đầu ở Malaysia và Thái Lan. Hoa Kỳ ban đầu thừa nhận những người Việt Nam tị nạn dựa trên những cơ sở ngoại lệ. Họ lúc đó không có luật tị nạn, do đó, người tị nạn Việt Nam trở thành vấn đề của quyền tổng thống hay quyền hành pháp.
Điều này đã khiến Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Người tị nạn (the 1980 Refugee Act) năm 1980, điều chỉnh chính sách người tị nạn của Hoa Kỳ. Đạo luật Người tị nạn cho phép Hoa Kỳ tự định vị mình là một quốc gia hào phóng chào đón người tị nạn. Tuy nhiên, chính sách tị nạn của Hoa Kỳ luôn mang tính chính trị, và với việc Hoa Kỳ đổi mới quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào giữa những năm 1990, Hoa Kỳ bắt đầu đối xử với người Việt Nam di cư như đối với người mang các quốc tịch khác.
Trên thực tế, các phiên điều trần cá nhân của người tị nạn và chính sách giam giữ mà tôi đã nói ở trên ở Hồng Kông, khá giống với các chính sách giam giữ và tị nạn mà Hoa Kỳ thiết lập cho người Haiti ở Florida (trung tâm giam giữ Krome) và căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở vịnh Guantánamo.
Ngày nay, dưới thời Tổng thống Trump, Hoa Kỳ có tỷ lệ tái định cư cho người tị nạn thấp nhất kể từ khi luật được thông qua vào năm 1980. Thay vào đó, chính sách của Hoa Kỳ trông giống Hồng Kông vào năm 1989-1997 hơn, nhấn mạnh vào việc giam giữ và trục xuất.
(5) Dù đã mấy chục năm trôi qua, người Việt hải ngoại vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với bà con ở Việt Nam và nhiều người thường xuyên về thăm quê cũ. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều nỗi giận dữ trong một bộ phận lớn cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như sự ngờ vực sâu sắc giữa họ và chính phủ Việt Nam. Giáo sư giải thích điều này như thế nào, và bà có lời khuyên nào cho cộng đồng hải ngoại hay chính phủ Việt Nam để cải thiện mối quan hệ giữa họ hay không?
Đây là một câu hỏi tuyệt vời, tuy nhiên, nó hơi nằm ngoài chuyên môn của tôi. Thay vào đó, cuốn sách của tôi xem xét cách người Mỹ gốc Việt đã giúp vận động và hỗ trợ người Việt Nam trong các trại tị nạn. Rất nhiều tài liệu học thuật cho rằng người tị nạn là người thụ động về mặt chính trị, và tôi muốn cuốn sách của mình xóa tan cách nhìn này.
Ví dụ, vào năm 1979, người Việt Nam tại Hoa Kỳ đã vận động UNHCR và ủng hộ hiệp định năm 1979 công bố quy chế tị nạn cho tất cả người Việt Nam, và họ bắt đầu xây dựng các mạng lưới để vận động cho việc tái định cư người tị nạn.
Trong những năm 1980 và 1990, người Mỹ gốc Việt càng tích cực hơn về mặt chính trị. Có những tổ chức vận động ở Washington, DC để Hoa Kỳ hỗ trợ nhiều hơn cho người tị nạn, có những tổ chức thì cử luật sư và người bào chữa đến Hồng Kông, và nhiều tổ chức khác thì làm việc để giúp người dân Hoa Kỳ hiểu về tình trạng các trại tị nạn.
Tác phẩm của tôi cho thấy người Việt Nam ở hải ngoại xác định mối quan hệ như thế nào giữa họ với người Việt Nam trong các trại tị nạn. Ngoại trừ “thời gian” hay “sự may rủi”, không gì có thể tách rời những người Việt ở Mỹ hoặc Úc ra khỏi những người đồng bào của họ đang chờ đợi trong các trại tị nạn ở Malaysia hoặc Philippines.
Có nhiều lý do chính đáng để các nhà báo và nhà văn khi ghi lại cuộc khủng hoảng tị nạn thì thường tập trung vào những người đang tuyệt vọng trong những chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên biển; tuy nhiên, tôi muốn thu hút sự chú ý của độc giả đến cả hoạt động của những người Việt Nam ở hải ngoại và các chiến lược chính trị của họ. Kết quả là, cuốn sách “In Camps” luận giải về cách người Mỹ gốc Việt (và những người Việt Nam ở các nước khác) đã tích cực hỗ trợ tái định cư cho đồng bào tị nạn như thế nào, và cách họ phát triển các chiến lược đa dạng để đưa câu chuyện của người Việt Nam trong trại tị nạn ra ánh sáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét