khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Cư xá Chu Mạnh Trinh, Gia Định, trước 30/4/1975- Tác giả Julie Quang



Một trong những góc nhớ của Saigon năm xưa đã có nhiều văn nghệ sĩ nhắc nhở, đó là cư xá Chu Mạnh Trinh. Đến nay những người cũ vẫn thản nhiên gọi y tên cũ mặc cho có đổi mới hay không? Từ thành phố đến thôn quê lên đường đổi mới nhưng lòng người vẫn “ôm ấp cái cũ ấp ủ hương xưa”. Những người của muôn năm cũ không màng đến sự thay đổi, cái mới không làm cái cũ biến đi vì cái tình với nơi ăn chốn ở đã ghi đậm trong lòng mỗi khi nỗi nhớ ngang qua ký ức giật lùi, là nó hiện diện ở ngay đó như vừa mới đây hay ngày hôm qua của Anh, của Chị, của Tôi.
 
Có lắm cư xá, nhiều chung cư quanh vùng Saigon - Gia Định - Chợ Lớn mỗi nơi mang cái vẻ riêng mà người của ngày đó vẫn hằn ghi trong lòng mối duyên tình về nơi chốn cũ. Cư xá Lữ Gia  gồm những người có địa vị trong xã hội, lắm bạc nhiều tiền hay cư xá sinh viên với ngọn đèn hiu hiu, tù mù ngọn nến và cái nỗi không tiền trả  tiền điện cho tháng rồi nên điện bị cúp ngang xương... chắc hẳn những sinh viên ngày nọ nay đã thành đạt  từ lâu những Luật Sư, Bác sĩ , Kỹ sư, Tiến sĩ  thành đạt ấy đôi khi trằn trọc thức giấc giữa đêm có chạnh lòng nhớ về cái cảnh chong đèn với sách vở và nỗi lòng cư xá cúp điện?
 
Không chỉ nhớ thoáng qua thôi mà hẳn kể lại với con cháu như một chuyện “truyền kỳ” từ đời nọ đến đời kia là niềm hãnh diện của Ông Bà, Cha Mẹ, cho tới nay chuyện truyền kỳ của gia đình hầu như “thất truyền” nơi hải ngoại và trong nước khi mọi chuyện đã khác xưa và những thứ không cần thiết đã trở thành cần kíp cùng nhất thiết trong đời sống như technology thì cái thuở ban đầu cái cảnh khó của thời sinh viên nghèo không chừng đã lùi về thuở hồng hoang bao đời!
 
Nhưng với giới Văn Nghệ Sĩ thì mặc cho không gian nghìn trùng cách trở chẳng màng thời gian đã trở thành con số tính nhẩm trên đầu ngón tay, họ cứ bay bổng qua bài viết trong tác phẩm văn chương hay Thi Ca gợi nhớ cả vùng trời ký ức. Trong “Chương Còm” của Duyên Anh có nói đến sinh hoạt thường ngày của lũ trẻ con trong cư xá. Người ta hay nói “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” khi gặp phải những đứa trẻ tinh nghịch phá làng phá xóm nhưng ở đây Chương Còm nhân vật có thật con trai của nhà Văn Duyên Anh - một cậu bé bé lắm chưa tới tuổi phá phách vả lại Chương còm bẩm tính hiền hoà không tham gia bất cứ trò chơi nào với bọn nhóc trong cư xá.
 
Sau năm bảy mươi lăm gặp Duyên Anh trong một quán ăn quận 13 Paris, nhà văn xác nhận “Chương Còm” viết trong cảm hứng từ bọn Tứ Quái Chu Mạnh Trinh hay Tứ Quý của Phạm Duy & Thái Hằng là tiền thân của ban nhạc The Dreamers. Nếu các con cháu nghệ sĩ Năm Châu và Kim Cúc dùng bộ ván làm sân khấu cải lương tập diễn thì bên hàng xóm vài năm sau cái Cư Xá im ỉm thường nghe tiếng đàn trống điện, giọng hát của Duy Quang, Thái Hiền, Julie Quang tập dượt cho những sáng tác mới. Và không cần gửi thiệp mời, bà con chòm xóm đã được nghe bài mới “Avant Premier” một cách sống động trước khi bài hát đem trình làng trên sân khấu, truyền hình, radio...  Đầu đường có nhạc sĩ Song Ngọc, hẻm C
 
- Nhạc sĩ Anh Tài (Tài ngò), ca sĩ Quỳnh Giao, nhạc sĩ Hoàng Nguyên, hẻm D - Nhà Văn Duyên Anh, Nghệ Sĩ  Năm Châu và Kim Cúc, Nhà Báo Bà Tùng Long... hẻm E - Gia đình Phạm Duy, Nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng (người viết nhạc cho ban tam ca hài hước AVT và là anh của nhạc sĩ Phạm Duy), hẻm F - Nhạc sĩ Tuấn Khanh tự ca sĩ Trần Ngọc, Hẻm chùa có Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, xưởng phim của Thái Thúc Nha bên cạnh đó là căn “nhà vườn” của Phạm Duy - căn nhà sau cùng trước khi di tản 75. Có lẽ Nhạc sĩ Phạm Duy là người có nhiều nhà nhất trong cái xóm văn nghệ này. Ngoài căn 215/2E đầu tiên (hiện nay gia đình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn cư ngụ ) đến căn “nhà giếng” hẻm F và “nhà vườn” hẻm Chùa.
 
Trong cư xá yên ắng buổi sáng như ban trưa nắng len vào từng góc khuất. Đầu ngõ, nơi mặt tiền đường có gia đình nhạc sĩ Song Ngọc, ông sang băng nhạc. Vào bên trong ngõ, có gia đình nhạc sĩ Tuấn Khanh tự ca sĩ Trần Ngọc cũng sang băng nhạc. Một hôm ông Trần Ngọc than vãn công việc sang băng ế ẩm ông Phạm Duy bèn nói chú đổi sang kinh doanh chuyện khác đi, trấn ngay đầu ngõ đã có Song Ngọc còn chú bên trong cùng làm ăn giống nhau thì chú thua là cái chắc bởi một người là Song và chú là Trần, đơn vị hơn thua đã định sẵn ở cái tên. Người viết thường qua lại với chị Quỳnh Giao ca sĩ và chị goá phụ trẻ vợ nhạc sĩ Hoàng Nguyên tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng thời đó.
 
Sáng sớm bọn nhóc đến trường, cánh đàn ông đến công sở, phụ nữ đi chợ cơm nước. Trong ngày có lẽ thời điểm này lý tưởng cho nhà văn ngồi vào bàn viết cho nghệ sĩ sáng tác , giấc ngủ đêm qua vừa tiếp nạp thêm nguồn năng lượng cho muôn loài cho người văn nghệ sĩ ghi lại vẽ ra cái muôn màu mọi vẽ của đời sống là những thứ mà văn nghệ sĩ luôn tìm kiếm từ chất liệu sống, điều đó cần có trong bất cứ tác phẩm nào và có lẽ đây là một cách giải thích vì sao cư xá  này quy tụ giới Văn đàn Sáng tác Nghệ thuật khá đông đảo. Ban trưa mặc cho nắng khét tóc cháy da, bọn trẻ luôn tụ tập nơi ngõ chính đánh đáo đá banh, tiếng hò hét của lũ trẻ phá tan cơn mơ màng của cư xá vốn dĩ im lìm như buồn ngủ ngày.
 
Buổi trưa lười trong ngày nắng hạ vắng tiếng rao hàng tiếng còi xe inh ỏi... điếc tai! nhưng không thiếu cái hừng hực sức sống của một mùa hè tuổi trẻ... Ở đó đọng lại một tiền thân của Tứ Quái Chu Mạnh Trinh - Tứ Quý của Phạm Duy và Thái Hẳng là buổi ban đầu của The Dreamers, của Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Thái Hiền và Julie Quang - những tên tuổi gắn liền với một thời hoàng kim âm nhạc Việt. Và người ta hẳn không thể quên nhất là những người đã từng ở trong cái Cư Xá Chu Mạnh Trinh mơ màng cơn buồn ngủ ngày nhưng đầy ắp kỷ niệm vui buồn của giới Văn Nghệ Sĩ miền Nam thời đó.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét