khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Một lời - Tác giả Dương Nghiễm Mậu



1- Những bản tin, những trang báo mỗi ngày, mỗi giờ cho tôi thấy những bi thảm và những hào hùng. Hàng trăm ngàn người với đôi bàn tay trắng đã lên đường trong một ý thức chọn lựa. Ở đây, dù xấu xa bẩn thỉu, nhưng nó vẫn còn hơn phải sống dưới chế độ Cộng Sản. Những bước chân đi tới phía đông, băng rừng, vượt núi, cái chết khít khao đã nói lên khẳng định đó. Nhưng vì đâu mà phải sống trong cơ sự này? lỗi vì ai? ai phải chịu trách nhiệm?

Không phải chỉ có Phước Long, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum mà bây giờ còn cả Quảng Ngãi, Quảng Tín, Trị Thiên, Bình Long… Người anh từ Huế vào, người còn ngẩn ngơ. Người chị bàng hoàng nói tới đoạn đường vượt Hải Vân vào Đà Nẵng… Những chiếc xe như súc vật, những xác nguời nằm như lá khô, pháo kích không ngừng, những bà mẹ, đứa bé bò trên mặt đường và chiếc bình sữa… Trong cồn cào của thời sự, những sự việc làm tôi chóng mặt. Tôi tự hỏi: có phải đã tới lúc mà mình phải cầm lấy mũi nhọn, phải, chỉ có thế trong chọn lựa một khi cơn lốc đến. Tôi không thể có một chọn lựa đầu hàng để sống như trâu chó. Tôi chỉ thương hai tấm con thơ… Có thể một cơ sự như thế sẽ đến không?

2- Phải làm gì bây giờ? một người hỏi tôi thế, rồi hai người hỏi tôi thế. Bây giờ không phải là để hỏi như thế. Câu hỏi là: từ trước tới nay anh đã làm những gì? Anh có trách nhiệm gì với hiện tại này không?

Với riêng tôi, nhìn lại quá khứ từ 15 năm trở lại đây tôi có thể hài lòng để nghĩ rằng mình đã làm hết, đóng góp hết những gì có thể làm, có thể đóng góp. Lập trường dứt khoát của tôi đã hơn một lần được xác định trên những giòng chữ viết. Ở đó bao hàm một phấn đấu không cùng.
Nhập ngũ, rồi lên đường tới những vùng trận địa, nay nơi này, mai nơi khác kéo dài trong nhiều năm, nhận trách nhiệm.

Tôi đã lên tiếng về những gì tôi thấy, tôi nghe, tôi nghĩ, ở đó là cuộc chiến đấu của những chiến sĩ, là tiếng kêu thất thanh của người dân trong lửa đỏ, là cảnh điêu tàn của quê hương. Hơn ai hết, tôi mong ước một hòa bình trở lại. Bao nhiêu người khác cũng đã làm thế, hoặc hơn thế. Với thực tại này, khi truy nguyên tìm câu trả lời về trách nhiệm, nó không thuộc về tôi nữa. Và hiển nhiên, con đường lựa chọn, tôi tiếp tục. Phải làm gì bây giờ, câu hỏi ấy không còn ý nghĩa với tôi. Và tôi trả câu hỏi lại cho người khác, cho những người khác.

3 - Văn chương có thể làm được gì trong tình thế này? Hãy gạt câu hỏi sang một bên. Hãy tưởng tượng tới một cảnh, người cầm bút ra nơi tuyến đầu, bên kia là giặc với những họng súng, rồi ở đó, người cầm bút lên tiếng: hỡi quân giặc, hãy đầu hàng và bỏ súng xuống… Với tiếng hô thật lớn, liệu giặc kia có đầu hàng, bỏ súng xuống hay cút đi không? Hay nói chưa hết câu, người cầm bút đã bị bắn gục? hoặc bằng một cách khác, những thơ truyện được đưa tới mặt trận… Đặt người cầm bút và văn chương vào một cảnh huống như thế là một sai lầm quá lớn. Đặt vấn đề như thế tức là phủ nhận văn chương và sức mạnh của nó. Bắn gục giặc cướp, bắt giặc đầu hàng, đuổi giặc đi xa, đó việc của những chiến sĩ nơi tuyến đầu. Nó không phải việc của người cầm bút, của văn chương. Mà văn chương thiết lập sức mạnh, cho những chiến sĩ, không phải trong một lúc, trong một giờ. Và như thế câu hỏi được đặt ngược trở lại: trong quá khứ, người cầm bút cũng như văn chương của ta đã làm được gì?

4- Cha tôi nói: hồi này thầy không ngủ được. Tôi không biết nói sao. Nhìn lại, trên 60 tuổi, bao nhiêu thăng trầm, những bôn trải từ 1945, để rồi năm 1954 ra đi với bao nhiêu ngậm ngùi. Lên đường, cha tôi vẫn nghĩ tới ngày trở lại, một hai năm nữa. Nhưng rồi không phải là một hai năm, hôm nay đã qua hai mươi năm, đứa em ngày lên đường mới 20 ngày hôm nay đã đến tuổi nhập ngũ… Rồi giặc nó vào tận đây sao? Tôi hiểu những gì cha tôi đang nghĩ, cũng như bao nhiêu người khác đã từng lựa chọn và tin tưởng. Ba mươi năm một cuộc chiến chưa ngừng lại và những tan nát còn không ngừng đổ tới… Năm 1954 gần một triệu người đã ra đi, bây giờ lại thêm một triệu người khác lên tiếng bằng chọn lựa. Có những người trong hai mươi năm đã phải phấn đấu để lập lại đời sống của mình không biết bao nhiêu lần. Tôi chưa thấy có một dân tộc nào lại phải sống trong kinh hoàng như thế. Dù phải chịu đựng, nhưng tất cả một đời sống lúc nào cũng là một phấn đấu. Có dân tộc nào bền bỉ và dũng mãnh như thế. Vậy thì tại sao cả khối dân tộc ta phải sống trong nhục nhằn, đau khổ chừng ấy. Bằng một cách nói tiêu cực: vận nước ta như thế sao? Hay nói với bằng chứng của lịch sử: chúng ta phải trả cái nợ máu của cha ông ta?

Có người đến hỏi tôi: có đi ra ngoại quốc không? Tôi đã trả lời dứt khoát: Tôi sống và chết tại nơi này. Người ấy hỏi: anh chấp nhận sống chung với người Cộng Sản? Tôi nói: tôi không phải là một con chó để nay sống với chủ này, mai sống với chủ khác chỉ vì miếng xương chúng liệng ra. Tôi tin tưởng con đường tôi đi. Có một nơi là lẽ phải và ánh sáng. Có một nơi là lẽ trái và bóng tối. Có trắng và đen không thể nhập nhằng được. Nếu tôi có chết chăng nữa, điều ấy tôi không ân hận. Lịch sử đã chứng minh rằng: nhiều khi cái chết là một điều tốt hơn là sống. Chết đi cho người khác sống, cho lẽ phải và sự thực, sống chết như thế cần thiết. Tôi bình tĩnh với quyết tâm đó.

Này những tên bất lương, hãy vơ vét, hãy chạy đi cho mau tiếp tục sống làm đầy tớ cho những tên chủ, và hãy đừng bao giờ ngửng mặt lên, hãy quên đi, đừng bao giờ nhắc đến hai tiếng Việt Nam.

5-Người phi công nói: chuyến bay đã không còn chỗ, nhưng người mẹ đã cố gắng đẩy đứa con lên, rồi người mẹ đứng lại, một tay đưa lên vẫy. Chiếc trực thăng bay lên và tôi nhìn thấy người mẹ quì xuống như cầu nguyện. Đẩy đứa con lên, tôi không quên được hình ảnh ấy. Có một nơi được gọi là hy vọng và cõi sống. Và một nơi là cõi chết. Có phải người mẹ kia đã muốn gửi đi đứa con trong hy vọng không? Khi trở lại, chúng tôi không còn thấy người mẹ đâu nữa. Dù sao tôi cũng còn hy vọng và cầu nguyện cho đứa trẻ kia gặp lại người mẹ thân yêu…

Sống tự do hay là chết. Điều đó được viết bằng xương và máu. Tôi mong ước mọi người cùng tôi góp lời cầu nguyện: cho chúng ta được sống làm người và thoát qua cơn thử thách này. Tương lai tùy nơi chúng ta với niềm tin đã có.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét