khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Kỷ Niệm Thời Đi Học








“Xin kính mời ông Hiệu trưởng và toàn thể quý Thầy – Cô dự lễ chào quốc kỳ …”

Tôi rán giữ hết sức bình tĩnh để nói vào cái micro dựng trước mặt …. Sáng thứ Hai nào cũng vậy … các trường ở Saigon đều tổ chức lễ chào cờ đầu tuần … Trường của tôi có lệ là giao cho lớp Nhứt nào đảm trách trực kỷ luật tuần đó chuẩn bị và điều khiển buổi lễ quan trọng này …

Lễ chào quốc kỳ là một yếu tố quan trọng trong chương trình học … thuộc các môn “Công dân Giáo dục” và “Đức Dục” ở bậc tiểu học ngày xưa …. Dù trước đó … hồi còn ở các lớp dưới … tôi đã được chứng kiến những buổi lễ như vậy …. nên cũng không thấy bỡ ngỡ lắm … Nhưng khi đến lượt mình đứng ra chịu trách nhiệm thì mới thấy … khớp …

Ông hiệu trưởng và các nam nữ giáo viên trong trường lần lượt bước ra khỏi văn phòng … tiến ra vị trí đối diện với lớp tôi …. phía bên kia kỳ đài …. Ngay trước vị trí của ông hiệu trưởng đứng … cũng có một micro tương tự như cái dựng trước mặt tôi …. Các thầy thì đều áo sơ-mi bỏ trong quần … các cô thì áo dài …. họ tề chỉnh xếp thành một hàng sau lưng ông hiệu trưởng …. Tôi nhìn sang tay mặt … phía hành lang trước văn phòng … Bác tùy phái của trường đang cầm trong tay mặt một cái dùi … tay trái ông vịn hờ trên mép cái trống lớn mà nhà trường dùng để báo hiệu giờ học … (treo trên xà nhà thòng xuống) .. Bác nháy mắt với tôi như muốn nói “Bình tĩnh đi con … Dễ mà!!!!!” …. Nhìn thấy cái nháy mắt của ông … tôi cảm thấy yên bụng một chút …

Chờ cho ông hiệu trưởng và các thầy-cô đã xếp vị trí xong … tôi quay lại nhìn các bạn trong lớp … tất cả đang đứng ba hàng dọc sau lưng mình … trên bậc kỳ đài là trưởng ban trật tự và trưởng ban học tập đang nắm chặt trong tay hai đứa nó sợi dây cột lá đại kỳ …. cả hai đang nhìn lại tôi với nét mặt cũng căng thẳng …. chắc không kém gì tôi lúc đó … Tôi nhìn sang phía bên kia kỳ đài … ông hiệu trưởng gật nhẹ đầu … vẻ khuyến khích … Phía sau lớp chúng tôi vẫn còn tiếng ồn ào xa phía cuối sân trường … “mấy đứa lớp dưới vẫn đang còn cười giỡn!!!” …. Tôi nghĩ thầm …

Hít một hơi dài … tôi lên giọng hô lớn vào cái micro …. “Tất cả chú ý !!! … Thao diễn …. nghỉ!” …. Tiếng lào xào ở cuối sân lắng xuống …. Tôi hít một hơi nữa dài hơn …… “Nghiiiiiiiiiiêêêêêêm!!!!!!! ….. Lễ chào quốc kỳ bắt đầu!!!” …. bác tùy phái đánh ba tiếng trống thật đanh … “Tùng ! Tùng! Tùng” … Sân trường lúc này im hẳn …. tôi tiếp tục hô lớn … “Thượng kỳ!!!!” …. “Quốc ca !!!!” …. lần này chỉ một tiếng trống thật ngắn vang lên … “Tùng!” ….. Tôi bắt nhịp …. “Này công dân ới !!!!! … 2 … 3” …,

Hơn 30 cái miệng sau lưng tôi hòa giọng thật hùng dũng ….

“Này công dân ới …. quốc gia đến ngày giải phóng ….

Đồng lòng cùng đi … hy sinh tiếc gì thân sống ….
Vì tương lai quốc dân …. cùng xông pha khói tên ….
                            
Làm sao cho nước Nam … từ nay luôn vững bền ….”

Hai bạn tôi trên kỳ đài bắt đầu từ từ …. một kéo … một thả dây …. lá cờ từ từ lên …

“Dù cho phơi thây trên gươm giáo …
                            
Thù nước … Lấy máu đào đem báo …..
                            
Nòi giống … lúc biến … phải cần … giải nguy …
Đoàn công dân ta … cố rèn .. tâm chí …. hùng tráng …
                            
Quyết chiến đấu …. Làm cho khắp nơi vang tiếng người nước Nam ….
                            
Cho đến muôn đời …”

Lá cờ đã lên đến nửa cột …. Giọng hát bên dưới hình như mạnh hơn …. khi vào điệp khúc của bài quốc ca …

“Công dân ơi !!!! Mau hiến thân dưới cờ !!!!
                            
Công dân ơi!!!!! Mau làm cho cõi bờ …
                            
Thoát cơn tàn phá …
                            
Vẻ vang nòi giống …. xứng danh …
                            
Ngàn năm giòng giống Lạc Hồng ….”

Tiếng hát vừa dứt thì lá cờ cũng lên đến ngọn cột …

“Lễ chào quốc kỳ chấm dứt !!!! Thao diễn … Nghỉ!!!! … Xin kính mời ông hiệu trưởng ban huấn thị …”

Ông hiệu trưởng ….. năm đó hình như đã ngoại ngũ tuần …. tóc đã bạc trắng … nhưng dáng đi vẫn còn lanh lẹ lắm … tiến lên trước micro và nêu lên những huấn thị cho một tuần lễ sinh hoạt của toàn trường … Ông nói không dài … nhưng có một đoạn mà tôi vẫn nhớ đến bây giờ … Đó là khi nói về lễ chào cờ, ban khen lớp chúng tôi xong, ông đã nói về …”những tiếng ồn ở cuối sân …” trong khi trên kỳ đài đang chuẩn bị làm lễ … “Cho dù hoàn cảnh đất nước ra sao …… bài quốc ca và lá quôc kỳ có thế nào đi nữa … các con hãy nhớ rằng còn được chào hai hình ảnh đó thì có nghĩa là chúng ta vẫn còn là người có tổ quốc … hãy trân trọng những lúc như vậy … đừng tỏ ra mình là những kẻ thất giáo, vô ơn đối với vuông đất dưới chân mình …”

Câu nói “… bài quốc ca và lá quốc kỳ có thế nào đi nữa …” … mãi đến cuối năm đó …. trong chương trình Quốc Sử lớp Nhất … tôi lờ mờ hiểu được … Và đến cuối bậc Trung học Đệ nhất cấp … trong môn Quốc Sử và Thế Giới Sử lớp Đệ Tứ (lớp 9 ngày nay) … tôi đã hiểu rõ hơn những lời của người hiệu trưởng năm xưa …

Thầy cũ nay đã về với hạc nội mây ngàn …. trò xưa giờ tóc đã lấm bụi phong trần … Nhưng những lời giáo huấn trong lễ chào cờ năm nào vẫn cứ vang vọng … Giáo dục tính cách công dân có lẽ không phải là những lời hoa mỹ … mà là những tiếng nói thật nhẹ nhàng … nhưng vẫn gợi được những ký vãng không phai …



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét