khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Phụ nữ và quyền lực -- Đặng Đình Túy




article_Gayet


Khi đã nắm trong tay quyền lực rồi thì tình yêu sẽ tự tìm đến bằng cách này hoặc bằng cách khác. Không biết trong lịch sử loài người có nhân vật nào cần tình yêu đến nỗi phải giành quyền lực để kiếm nó vì thực ra hễ có được cái này ta tất có cái kia. Tình yêu tự tìm đến một khi ta đã nắm được quyền lực trong tay, kể cả những quyền lực tí ti: ông xếp của một cơ quan hay một guồng máy cỡ thấp.


Con người thèm được ngưỡng mộ, có quyền lực tức sẽ đạt được ngưỡng mộ cho dù sự ngưỡng mộ đó bắt nguồn từ động cơ nào. Đối với người đàn ông, sự ngưỡng mộ thường được nhận rõ hơn nếu nó đến từ một phụ nữ.

Trong lịch sử, mỉa mai thay, mọi xáo trộn thường bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ mang giống cái. Không thiếu những anh chàng thân bại danh liệt chỉ bởi sự ngưỡng mộ vô bờ bến ấy. Cũng có những kẻ thoát khỏi nhưng cái giá phải trả khá nặng. Gương thân bại danh liệt gần chúng ta nhất là vụ ông cựu giám đốc quỹ Tiền tệ Quốc tế, Dominique Strauss-Kahn (gọi tắt là DSK). Năm 2012, vào thời gian chuẩn bị bầu cử tổng thống sau khi nhiệm kỳ Sarkozy mãn, Strauss-Kahn được coi như ứng cử viên sáng giá nhất của phe Xã hội Pháp. Ông là giáo sư dạy môn kinh tế. Đương kim tổng thống Pháp, François Hollande chính là một trong những môn sinh của ông. Là một kinh tế gia lỗi lạc, DSK từng giữ chức bộ trưởng kinh tế khi phe Xã hội còn nắm chính quyền cuối đời tổng thống Mitterand. Sau hai nhiệm kỳ của Jacques Chirac, một chính trị gia trẻ tuổi, xông xáo, đã đắc cử tổng thống, nối tiếp truyền thống phe hữu là Nicolas Sarkozy. Lên cầm quyền được hai năm, Sarkozy tiến cử  Strauss-Kahn vào chức giám đốc quỹ Tiền tệ Quốc tế mặc dù người sau này là của phe tả. Cũng có thể việc này là một hành động có tính toán ngầm cố ý đẩy một đối thủ đáng gờm đi xa (giữ IMF tất phải sang Mỹ làm việc, không xây dựng được lực lượng tự cơ sở tại Pháp) tránh việc tranh giành trong cuộc vận động bầu cử kỳ sau. Nhưng mọi tính toán (của Sarkozy, nếu có) đều hỏng, không phải hỏng do trời mà hỏng tại người. Hỏng tại chính cá nhân ấy : Strauss- Kahn đã tự làm hỏng đời mình một cách vô duyên hết sức. Ở địa vị của ông, quyền lực của ông, tại sao ông không ấm ớ với những người cộng sự (cỡ bà giám đốc phụ tá nọ, chuyện xảy ra từ hai năm trước) lại nhè một bà bồi phòng  khách sạn mà thò cò thẹt quẹt để đến nỗi bà ấy la lên ? Hư bột hư đường hết trơn, giờ này kinh tế gia ta đành kiếm sống bằng những cuộc mách kế, diễn thuyết, thay vì là đứng địa vị tổng thống quốc gia, –một nhà nước dù đang nghèo lần, thụt lùi lần nhưng hào quang chưa thực sự tắt–  đành phải nhường chỗ cho ông học trò yếu kém ngoi lên. Và chính hôm nay ông học trò  ấy lại mắc phải lỗi lầm của gia sư ngày trước, lại ăn vụng quên chùi mép để lộ tẩy !

Xã hội Pháp không phải là nơi người ta quen làm rùm beng những câu chuyện phòng the, miễn rằng các tác nhân khéo biết che đậy mọi sự thì ổn thôi. Lịch sử nền đệ ngũ cộng hòa kể từ Charles de Gaulle không hề có lộn xộn. Phải chờ đến ông tổng thống hào hoa François Mitterand người ta mới nghe những xầm xì. Từ những ca sĩ, những nhà văn (ông này bay bướm mà lại sính văn chương). Mitterand, nhà chính trị lỗi lạc nên với đời riêng ông cũng có những ngón làm rúng động dư luận, khi che dấu, lúc công khai nếu thấy cần. Vào cuối nhiệm kỳ hai (hiến pháp không cho phép một người giữ chức tổng thống quá hai nhiệm kỳ) ông tự ý tiết lộ việc mình có con riêng. Jacques Chirac cũng có những vụ ăn vụng lặt vặt mà báo chí chẳng hề đề cập. Sau Chirac là Sarkozy. Ông này chịu tổn thất ngay những ngày đầu tiên nhậm chức : ly dị vợ (bà vợ chủ động) và tán tỉnh kẻ thay thế nhưng để bịt miệng dư luận ông xác nhận, trấn an : việc ông làm không phải là chuyện trăng hoa mà là chuyện đứng đắn (c’est du sérieux!). Bây giờ đến phiên François Hollande. Lần đầu tiên một vị tổng thống không có vợ chính thức. Trước, bà Segolène Royal là người bạn đường cùng học chung trường (ENA, Quốc gia Hành chánh) cùng vào chung đảng (Parti Socialiste, đảng Xã hội) và cùng là cộng sự của nhau. Bà có bốn con với Hollande nhưng họ đã chia tay nhau, bây giờ Hollande ở với Valérie Trierweiler một phụ nữ ly dị đang đóng vai first lady chính thức bên cạnh Hollande trong các buổi thăm viếng, tiếp tân các chính khách quốc tế cho tới khi một vụ trăng hoa khác nổ ra tuần vừa qua (xem bài “Chuyện chim chuột của một tổng thống” cũng trên trang này). Thái độ các mệnh phụ này trước tình thế thường là nhượng bộ tìm cách  xóa lỗi ông chồng và để thêm phần … oanh liệt, các bà tuyên bố còn thương ông bằng năm bằng mười hồi trước. Bà Clinton nói vậy sau vụ Lewinsky. Bà Anne Sinclair vợ DSK cũng nói vậy sau khi đổ bể chuyện  phòng ngủ Novotel, New York. Còn bà Kennedy thì không nói gì hết sau khi không phải chỉ một vụ mà nhiều vụ léng phéng của John Fitzgerald. Cuối cùng thì ông bị ám sát và bà ôm cầm sang thuyền khác.

Đàn ông say mê quyền lực. Bản chất trời sinh đã khiến ông như vậy. Người có khả năng lớn thì nhằm quyền lực lớn, người khả năng nhỏ thì chỉ dám nhằm cái nhỏ nhỏ thôi. Nhưng tại sao một khi chinh phục được quyền lực thì lúc ấy mới thấy bóng dáng phụ nữ hiện ra bên cạnh? Không chừng nàng cũng sính quyền lực nhưng có cách chinh phục gián tiếp –nhờ qua tay chàng chăng? Vả lại, tuy “cùng nhìn về một hướng” nói như Saint Exupéry, nhưng dụng tâm mỗi kẻ khác nhau. Không có sự đụng độ bởi họ ở trong hai “nhóm lợi ích” riêng biệt. Mặc dù đã  nắm được nội dung câu chuyện, nhưng phải chờ đến  ngày tờ báo lá cải nọ ra mắt mới là lúc bà Trierweiler nhận ra ảnh hưởng to lớn của câu chuyện. Bị cú đập tâm lý ấy, đệ nhất phu nhân phải vào nhà thương nằm tỉnh dưỡng. Câu hỏi đặt ra sau đó là liệu đám cháy có hoàn toàn bị dập tắt hay không. Tất nhiên là phải có sự can thiệp trong nội bộ từ những nhân vật thân cận nhất của hai người, thậm chí ba người : chung quanh Hollande, chung quanh Trierweiler và chung quanh cô đào Gayet. Vì quyền lợi và danh dự quốc gia sẽ có kẻ phải hy sinh. Giữa hai phụ nữ ấy, ai sẽ là kẻ phải buông tay? Chắc là Gayet. Nhưng chuyện còn dài tùy vào “mối tình” Hollande-Gayet khăng khít đến đâu và áp lực đối với Hollande nặng nhẹ thế nào.

Nên biết thêm là tình hình nước Pháp hiện nay từ mặt kinh tế đến mặt chính trị đều xấu, có thể bảo là cực xấu. Nhân vụ này, có những ý kiến phê bình nặng nề rằng tổng thống  đã không coi trọng trách nhiệm mình trước tình hình đất nước lại lo chuyện theo gái ; thế nhưng có những trường hợp người đàn ông vì chịu đựng quá nhiều áp lực đã tìm tới người yêu như cách “giải nhiệt” phút chốc. Và …rất hiệu quả !

Nguồn: http://quangioloc.wordpress.com/2014/01/14/phu-nu-va-quyen-luc/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét