khktmd 2015
Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018
Những kí ức về thời chiến của cha
“Khi nghe kể lại những câu chuyện đó, tôi thực sự cảm thấy tồi tệ và kinh khủng bởi mức độ nặng nề của chúng. Thế nhưng một phần nào đó tôi lại dần thấu hiểu và cảm thông sâu sắc hơn cũng như biết ơn chính người đàn ông mà tôi từng nghĩ mình hiểu rất rõ, có lẽ tôi chỉ thực sự hiểu một phần rất nhỏ mà thôi.”
Có những sự thật mà tôi luôn được nghe:
Cha mẹ tôi là những người tị nạn đến đất Úc bằng thuyền.
Cha tôi là quân y.
Họ đã tìm đến đất nước tự do này để gầy dựng lại cuộc sống với hai bàn tay trắng, họ đã làm lụng vô cùng vất vả để tạo dựng tương lai cho chị em chúng tôi.
Khi còn nhỏ, tôi cảm thấy khó có thể chấp nhận được những sự thật trên khi đem so sánh với cuộc sống yên bình và thoải mái hiện tại. Khi lớn lên, chúng tôi chẳng thiếu thốn gì và cũng chẳng mong muốn gì thêm: chúng tôi sống trong một căn hộ khá to có hồ bơi, chúng tôi tổ chức không ít buổi tiệc sinh nhật, và nuôi cả một chú chó. Tôi cảm thấy mình chẳng có chút khác biệt nào so với bạn bè cùng trường.
Tôi chỉ hiểu biết về cha mẹ mình ở mức độ cơ bản vì họ hiện diện ngay trước mắt, thế nên dù có biết được những sự thật trên, tôi vẫn có cảm giác đó là những câu chuyện của người dưng nào đó chứ chẳng phải cha mẹ mình.
Họ từng kể cho chúng tôi nghe về quá khứ của họ, thế nhưng đó chỉ là những mảnh kí ức đứt quãng.
Chúng tôi đã nghe câu chuyện về chú chó đã chết trong chiến tranh, về mối quan hệ giữa anh chị em ruột của mẹ tôi khi còn ở Sài Gòn, về những cuộc tấn công trên biển bởi các ngư dân xa lạ khi họ vượt biên bằng thuyền ròng rã 10 ngày trời. Chúng tôi nghe kể về những ngày đầu tiên khi họ đặt chân lên đất Úc, những cú sốc văn hoá buổi ban đầu. Họ kể về những ước mơ, những khao khát về việc được một lần thấy lại căn nhà cũ ở quê hương, nhưng có lẽ sẽ chẳng bao giờ làm được.
Tôi thích nghe những câu chuyện đó cho dù nó đã ảm màu thời gian. Tôi hạnh phúc khi mình biết vừa đủ để biết ơn sự hi sinh của cha mẹ dành cho chúng tôi. Tôi tự hào vì mình biết nhiều hơn so với những đứa trẻ cùng là thế hệ thứ hai như tôi, và tự hào rằng gia đình tôi vẫn giữ được truyền thống của người Việt, tôi những tưởng mình biết thế đã là đủ.
Mỗi một lúc tôi lớn dần lên, tôi cảm nhận được sự cồn cào trong chính mình khi muốn tìm hiểu toàn bộ sự thật. Hồi mười mấy tuổi, tôi từng có ước muốn sẽ viết một cuốn sách về cha mẹ tôi, và trong suốt năm qua, tôi đã liên tục phỏng vấn họ để tìm hiểu những điều đã xảy ra – về thời thơ ấu của họ, về cuộc chiến mà một người là thường dân, một người là lính, các trại tập trung, vượt biển bằng thuyền, ánh sáng ở cuối con đường thiêng liêng, đánh dấu một sự khoải đầu mới – và tôi bắt đầu liên kết các mẩu chuyện lại với nhau.
Đó là quá trình của nỗ lực để đối mặt với quá khứ, cũng như là quá trình chữa lành những vết thương. Cha tôi đã tiết lộ những kí ức thời chiến mà ngay cả chính mẹ tôi, ông cũng chưa từng kể cho bà nghe, thế nên tôi không phải là người duy nhất lần đầu tiên được biết những câu chuyện này. ‘Chẳng có ai hỏi cả, nên cha chẳng kể ra’, ông nói.
Những câu chuyện đó khiến tôi buồn nôn và cảm thấy vô cùng kinh khủng bởi mức độ dã man của chúng, thế nhưng cũng thông qua chính những câu chuyện đó mà tôi đã hiểu hơn cũng cảm thấy biết ơn vô cùng, chính người đàn ông tôi những tưởng đã biết rõ bấy lâu nay, có lẽ tôi chỉ biết một phần rất nhỏ mà thôi.
Ông là một người thẳng thắn và kiệm lời, ông ít khi biểu lộ cảm xúc của mình trừ khi tất cả những cảm xúc đó có dịp bộc phát. Nhưng ông nói ông sẽ kể tôi nghe mọi điều, chỉ khi tôi hỏi ông.
Đôi khi khoảng cách giữa các cuộc phỏng vấn có thể mất lên đến vài tháng, vậy mà tôi vẫn thấy mình điên cuồng trong tất cả những cảm xúc, tôi cảm thấy quá tàn nhẫn khi để ông bà phải nhắc lại những điều này, nhưng nếu không nhắc lại thì nó cũng tàn nhẫn tương tự mà thôi, và thời gian chúng tôi có khá hạn chế.
Tôi muốn biết tất cả những điều về cha mẹ mình. Tôi muốn tìm thấy những thứ mà ông bà cất giấu, những sự thật tồi tệ hay những kí ức đẹp đã luôn hiện diện trong chính sự sống của chúng tôi, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi nhận ra. Sẽ chẳng còn có ý nghĩa gì nếu tôi phải tiếp tục sống cuộc đời mình mà chẳng hề biết điều gì đã làm nên chính nó – giống như cái cách mà chúng ta thường cho rằng mọi thứ hiển nhiên nó phải như vậy.
Lắng nghe những câu chuyện đã cũ đó và kể chúng lại bằng chính ngôn từ của tôi cũng là một cách để tôi hiểu và trân trọng cha mẹ mình. Tôi nhắm mắt và mườn tượng lại từng cảnh một tại mảnh đất mà tôi chưa bao giờ đặt chân đến nhưng luôn nung nấu một lần được tận mắt thấy. Tôi tự hỏi liệu tôi có được biết những câu chuyện này nếu tôi không thực sự tiến hành dự án sách của mình, hay tất cả những quá khứ đó sẽ đi theo cha mẹ tôi xuống suối vàng khi họ trăm tuổi.
Vẫn còn quá nhiều điều tôi vẫn chưa chạm đến được, nó làm tôi vừa cảm thấy sợ hãi nhưng cùng lúc lại phấn khích để tìm hiểu. Cuộc sống hiện tại của tôi gắn liền với tất cả những trải nghiệm và nghịch cảnh của cha mẹ tôi trong thời chiến, và tôi nhận thấy trách nhiệm phải tìm hiểu và tập hợp những câu chuyện trong lịch sử, vừa mang tính cá nhân vừa mang tính chính trị.
Có những điều, những phần mà chi tiết của chúng quá mật thiết nên tôi xin phép sẽ giữ cho riêng chúng tôi, và những phần còn lại tôi mong muốn có thể kể ra để những ai quan tâm sẽ biết được.
Trong câu chuyện của gia đình tôi, chứa đựng cả những sự thật của những di dân trên toàn thế giới, trong quá khứ và cả hiện tại. Bảo tồn câu chuyện này là cách mà tôi trả nợ cho chính sự tồn tại của mình.
Đó là cách mà tôi nói cảm ơn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét