khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

Một thoáng Hà Thành... - Tác giả Ts Nguyễn Văn Tuấn




Chỉ là một thoáng thôi. Nhưng cũng để lại vài ấn tượng đáng ghi ra ở đây: sáng sủa hơn; tử tế hơn; ô nhiễm; và ... nón cối.
 
Tôi chỉ ghé qua và lưu lại Hà Nội có 3 đêm thôi. Chuyến đi, nói theo ngôn ngữ thời nay, là 'đột xuất'. Lời đề nghị bên Việt Nam và thời gian & chương trình làm việc bên Hồng Kông ăn khớp nhau thì sự đột xuất quả là tuyệt diệu: làm việc cho thiên hạ và làm được việc cho VN. Quan trọng hơn là chẳng tốn thêm chi phí gì đáng kể. Tuy chỉ có 3 ngày, nhưng cũng làm được một số việc có ý nghĩa và có dịp gặp những người bạn đã từng phỏng vấn tôi nhưng chưa một lần gặp mặt ngoài đời. Chẳng những vậy mà còn có dịp gặp nhiều bạn đã từng 'quen' tôi qua những bài viết trên Vietnamnet, VNexpress và Tuổi Trẻ.
 
Sau một chuyến bay mà hành lí bị “lạc” từ Sydney về Sài Gòn, chuyến bay từ Hồng Kông đến Hà Nội êm ru. Máy bay A350 mới toanh, rất xịn. Các chiêu đãi viên ai cũng dễ thương, nói năng nhẹ nhàng và rất 'helpful'. Không còn những khuôn mặt nhăn nhó và khó chịu. Đã qua rồi cái thời “chả bao giờ thấy nàng cười.” Các nàng đã cười và còn cười tươi nữa là khác. Đã qua rồi cái thời các nàng và chàng chỉ đứng nhìn dửng dưng. Thậm chí chiêu đãi viên trưởng hay chief attendant cũng biết tự chủ đến giới thiệu tên nữa. Như anh chàng chiêu đãi viên nói với tôi: "My name is ..." (nhưng chỉ còn thiếu một câu: "I am here to make your flight comfortable and enjoyable"). Nói như vậy để các bạn thấy là Vietnam Airlines hay "Sorry Airlines" đã có tiến bộ rất nhiều.
 
Hà Nội cũng tiến bộ hơn xưa nhiều. Ngay từ phi trường đã có dấu hiệu khá hơn, vì nhà ga mới xây, khang trang, tương đối rộng, và quan trọng là sạch sẽ. Dĩ nhiên, đi từ phi trường 'tráng lệ' như Hồng Kông, thì phi trường Nội Bài chỉ có thể nói là "trông cũng được", nhưng ở Hà Nội mà được như vậy là mừng lắm rồi. Nhân viên di trú làm việc cũng nhanh, và có phần thân thiện. Không thấy cảnh chèo kéo khách đi taxi như mấy năm trước (hay có mà tôi không thấy). Tôi đi từ phi trường về trung tâm thành phố mà chỉ có 30 phút. Đường xá trong thành phố nói là kẹt xe nhưng thật ra thì tốt hơn Sài Gòn rất nhiều.
 
Đường xá xem ra cũng sạch sẽ hơn trước đây. Tôi ở một khách sạn loại “thường thường bậc trung”, chiều chiều đứng trên lầu 8 nhìn xuống thì thấy xe cộ ở đây (đường Nguyễn Chí Thanh) chạy rất trật tự, chắc chắn trật tự hơn và “hiền lành” hơn mấy con đường lớn ở Sài Gòn. Khách sạn này xem cũng ok, và phục vụ nhanh nhẹn, chỉnh chu. Hệ thống nước nóng phòng tôi bị hư, và chỉ cần vài phút sau là có người đến sửa ngay. Vào phòng ăn sáng thì thấy có nhân viên phục vụ sẵn sàng giúp đỡ. (Chỉ có điều món ăn quá đơn điệu và cứ “bổn cũ soạn lại” nên khách thường ra ngoài ăn sáng). Vui nhất là ăn sáng mà có cả khoai lang luộc! (Nhưng tôi thích món này, vì nó làm tôi nhớ thời mình ở dưới quê, thích ăn khoai lang luộc). Tôi lang thang ở sảnh thì nghe một chị (có lẽ là ‘supervisor’) nhắc nhở nhân viên phục vụ là phải sắp xếp cái gối như thế này, cái sofa phải như thế kia, và cửa phải lau cho thật bóng, v.v. làm tôi nghĩ thầm: à há, cuối cùng thì cũng tìm ra một nhân viên khách sạn để ý đến những chi tiết tuy nhỏ nhưng rất rất cần thiết này.
 
Những người Hà Nội tôi gặp lần này cũng dễ mến hơn nhiều. Tôi thích lang thang trên đường phố bình dân vừa quan sát vừa có dịp trải nghiệm và tương tác với mọi người. Đi bộ một lúc khỏi khách sạn, quẹo vào một con đường nhỏ thì thấy một cái quán có nhiều người đang uống bia. Tôi đừng tần ngần một hồi thì anh chàng đang uống bia một mình nói "Bác vào uống bia hơi cho vui". À, thì ra đây là quán bia hơi. Tôi ngồi xuống thì đã có ngay cái menu, và menu chỉ có bia hơi với vài món nhấm. Vì đọc thấy mấy cái tên hơi lạ, tôi hỏi em bồi bàn, món nào ngon, em ấy nói thấy mọi người thích nem. Tôi hỏi lại cho chắc ăn "nem không phải là chả giò?" Em ấy gật đầu. Món nem đúng là ngon, nhất là đi với nước chấm. Làm một phát 3 li bia hơi 🙂. Tôi cẩn thận xem túi tiền để có đủ tiền trả và trừ hao cho việc bị "nâng giá". Tôi tính nhẩm, với 3 li bia và món nem, mà nếu họ có nâng giá gấp 2 lần, thì túi tiền tôi vẫn ok. Thật ra, tôi nghĩ bậy cho người ta, vì không có nâng giá gì cả, chủ quán 'charge' đúng giá trên menu. Tôi nghĩ thầm trong bụng người Hà Nội vậy mới là tử tế.
 
Thật ra, tôi xem việc gặp người tử tế và người không tử tế của một thành phố cũng giống như mình ... lấy mẫu (sampling). Trong một cộng đồng, mình lấy mẫu thì có người cao, kẻ thấp; có người tử tế và kẻ kém tử tế. Cái bàn bên cạnh tôi có nhiều người đang vui vẻ 'đánh chén', nhưng có điều phiền phức là họ chửi thề kinh khủng. Người này một câu chửi thề là tiếp theo có người khác chửi tiếp. Dĩ nhiên chỉ là chửi đổng thôi, chứ chẳng nhắm vào ai. Những trường hợp riêng lẻ thì không có ý nghĩa bằng cái phân bố (distribution). Tương tự, những trải nghiệm cá nhân không nói lên điều gì về một thành phố, nhưng nhìn chung và xu hướng thì tôi muốn nghĩ rằng người dân ở đây đã 'tư bản hóa' hơn và biết phục vụ cho khách hàng hơn.
 
Có một điều tôi cảm thấy thoải mái hơn trong chuyến đi này là ... không thấy nón cối. Phải nói đây là một xu hướng làm ngay cả tôi cũng ngạc nhiên. Mấy lần trước, như năm ngoái chẳng hạn, cứ bước ra phố phường Hà Nội là gặp người ta đội nón cối và có khi mặc quân phục bộ đội cũ kĩ. Họ có thể là người bán rau, là người đi xe đạp trên đường, người tài xế, người làm nhiệm vụ giống như bảo vệ, hay chỉ là thường dân. Nhìn toàn cảnh người ta có thể nghĩ Hà Nội vẫn còn trong thời chiến tranh. Thật ra, quan chức khi đi “field” cũng có vẻ thích đội nón cối, và trông hơi ... dị hợm. Cái nón đó nó chẳng đẹp đẽ chút nào. Không hiểu sao người ngoài Bắc thích nón cối đến thế. Theo tôi biết thì nó có nguồn gốc từ thời thực dân Pháp, thời mà nó có tên là “mũ muồng” và được mấy tay thực dân Pháp rất thích đội (cùng với quần short và áo chemise trắng). Nó gần như là một biểu tượng của thực dân Pháp, và sau này là biểu tượng của sự lạc hậu. Có lần tôi đọc đâu đó thấy một du khách người Mĩ không thích đi du lịch Việt Nam vì anh ta không ưa cái ... nón cối! Thành ra, lần này ra Hà Nội không thấy nón cối tôi thấy thành phố này như đã thay da.
 
Văn minh hơn, nhưng Hà Nội rất ư là ô nhiễm. Tôi ở một khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh, được xem là một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội. Thật ra, tôi nghĩ nó chỉ tương đối rộng thôi, chứ chẳng có dấu hiệu gì để nói là "đẹp nhất Hà Nội" cả. Sáng ra thì bàn làm việc trong phòng khách sạn rất sạch, nhưng chiều về thì hỡi ơi mặt bàn đã đầy những hạt bụi, loại bụi cứng (chứ không phải 'fine' đâu). Bây giờ thì tôi hiểu tại sao nhiều người đi đường dùng khẩu trang. Tôi tự hỏi mỗi đêm ở đây tôi phải hít bao nhiêu dung lượng bụi này vào phổi. Không có câu trả lời cho cá nhân tôi, nhưng câu trả lời chung là Hà Nội nay là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Năm 2017, theo một báo cáo của GreenID, Hà Nội chỉ có 38 ngày không khí sạch (1).
 
Hà Nội bây giờ dĩ nhiên đâu còn là Hà Nội của Thạch Lam nữa đâu. Cái thời văn hoá Tràng An đã lùi vào một góc khuất nào đó trong kí ức; thay vào đó là một Hà Nội hối hả, bận rộn, và làm tiền. Cái thời người Hà Nội nói tiếng Hà Nội như Phạm Duy đã không còn nữa; chúng ta phải làm quen với cái giọng nói của người Hà Nội mới. Chỉ hơi khó nghe (và khó chịu), nhưng nghe hoài sẽ quen vì không còn lựa chọn nào khác. Nhưng điều làm tôi thấy mừng nhất là Hà Nội đã không còn hay còn rất ít nón cối xuống đường, vì đó là một tín hiệu cho thấy ánh sáng văn minh đã về đến vùng đất một thời được xem là ‘ngàn năm văn vật’.
 
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét