khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

MỘT CHUYẾN RA QUÂN - Tác giả Nguyễn Việt Dũng



Tôi đã được đọc hồi ký của một số bạn thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường thế hệ 1964-71. Kỷ niệm đẹp nhất tôi còn giữ lại trong suốt 7 năm trung học dưới mái học đường Petrus Ký thân yêu có lẽ là chuyến ra quân chiến thắng vào tháng 2 năm 1971 với trường Chu văn An. Khi học được nửa năm, Thầy Phạm Xuân Ái (nay đang sống ở Aubervilliers bên Pháp) thông báo cho tôi biết được chọn cùng với 5 bạn khác đi thi đấu trong chương trình “Đố Vui Để Học” số 95 (thu hình ngày 14/2/1971, phát hình ngày 21/2/1971) của đài truyền hình trên băng tần số 9. Đối thủ của chúng tôi không ai khác hơn là đội Chu văn An. Thầy Ái còn nói thêm có trường gì ở trên Thủ đức đã thách trường Petrus Ký đấu với trường của họ, nhưng Thầy Ái nói rằng phía Petrus Ký từ chối, viện cớ là trường lớn và nổi tiếng của chúng ta không thi thố với trường quận vô danh tiểu tốt. Thật ra thì Thầy Ái nói riêng với chúng tôi: ‘Tụi bây không bì kịp với bọn mọt sách ấy đâu. Tụi bây vừa học vừa chơi, còn người ta là dân chủng viện, học ở trường thầy dòng, suốt ngày cấm cung học hành đấy’. Giờ thì có dịp tranh tài với trường Chu văn An ngang tài ngang sức. Trường Chu Văn An chuyên môn dạy toán ở đệ nhị cấp (chỉ có ban B thôi). Petrus Ký thắng thế hơn ở chỗ đa dạng, ban A (Vạn vật) có, ban B (Toán học) cũng có, ban C (Văn chương) cũng có nốt.

Trong đội hình của trường Petrus Ký có 6 ứng viên, 3 thiệt thọ, 3 dự khuyết. Tôi và Lê Trí Đạt đại diện cho ban B. Còn Lương văn Hy đại diện cho ban C. Tôi nhớ trong hàng ghế dự bị có Lê Nhơn Lộc học lớp 12A1. Lê Trí Đạt đã từng thi Đố Vui Để Học trên danh nghĩa cá nhân trước đó và đã trúng giải cùng với hai bạn khác. (Sau này Lê Trí Đạt đi du học ở Đức, sau lại di dân sang Mỹ, bây giờ thì bặt tăm). Phía Chu văn An có Vương Đình Điềm từng đậu hạng tối ưu trong kỳ thi Tú tài 1. Dù sao trong buổi thi đấu trên “võ đài” kiến thức tổng quát, ít khi thấy Vương Đình Điềm múa môi khua miệng. Còn tôi thì có tật trả lời liên miên, trật cũng nói, trúng cũng nói. Bởi vậy, dù lúc đầu chúng tôi dẫn trước trường Chu văn An với tỷ số 40/20, nhưng vì chúng tôi trả lời sai hơi nhiều nên giữa chừng (phút thứ 15) chúng tôi bị qua mặt với tỷ số 53/77. Người điều khiển chương trình là Cao Thanh Tùng lại nói là “Petrus Ký rượt gần kịp Chu văn An”. Chỉ 5 phút sau, chúng tôi qua mặt trường Chu văn An trở lại với tỷ số 78/77. Ở phút 25, tỷ số là 118/82. Cuối cùng chúng tôi cũng chiến thắng: 175 điểm, trường Chu văn An được 117 điểm. Thật hồi hộp khi bị vượt qua. Thầy Ái, “ông bầu” của chúng tôi, sốt ruột nên lập tức thay người, cho Lê Trí Đạt học lớp 12B6 ra nghỉ, và đưa Phan Hồng Châu học lớp 12B4 vào thay. Điều này hơi lạ vì Phan Hồng Châu không có tên trong danh sách dự bị. Vì thế khi thắng cuộc chúng tôi chia chiến lợi phẩm ra làm 7 phần bằng nhau, chứ không chỉ chia cho 6 người.

Chúng tôi vẫn còn biết ơn các thầy cô đã góp phần đào tạo chúng tôi kỹ lưỡng. Tôi còn nhớ trước khi ra quân, thầy Phạm Xuân Ái, thầy Phạm Ngọc Đảnh (từng sống ở Đức nay đã qua đời), thầy Dương Ngọc Sum (nay ở Mỹ) đã “quay” chúng tôi trong thư viện ở trường để thử sức. Chúng tôi phải biết rõ UNESCO, UPI, ILO, WHO, v.v… là chữ viết tắt của các tổ chức quốc tế nào. Ngoài ra, thầy Đảnh còn hỏi chúng tôi thêm về những chữ viết tắt tiếng Đức như SS, SA, Gestapo, v.v…

Riêng tôi thì thường xuyên la cà các thư viện có gắn máy lạnh để nghiên cứu cá nhân. Tôi thích tra cuốn “Kỷ lục thế giới” (World’s Guinness Book) để biết sông nào dài nhất, núi nào cao nhất, hố đại dương nào sâu nhất hoàn cầu, v.v… Tôi thích thám hiểm không gian nên cũng học luôn bản đồ mặt trăng, nhờ vậy đã trả lời được câu hỏi “ở đâu có miệng núi lửa Copernic?” “Trên mặt trăng”. Chính xác!

Chúng tôi trả lời được một câu hỏi về Vạn Vật nhờ thầy Nguyễn Ngọc Nam (từng sống ở Đà lạt nay đã qua đời): “Tế bào con người có bao nhiêu nhiễm sắc thể?” “46”. Câu hỏi khiến cả hai đội đều bí là một công thức hóa học nếu đọc ra thì là tri-ni-trô tô-lu-en tức chất nổ TNT. Thật ra, cho đến lúc đó chúng tôi chưa học xong chương trình lớp 12. Một câu hỏi khác cũng về hóa học mà cả hai đội không biết là tên thông dụng của glu-ta-mát monosodium. Là bột ngọt! Chúng tôi được ông Cao Thanh Tùng, người điều khiển chương trình, khen là có tinh thần đồng đội cao vì với câu hỏi “ ‘Tám tiết’ trong ‘bốn mùa, tám tiêt’ là gì?”, một bạn Petrus Ký đáp: “Lập đông”. Người khác tiếp: “Lập xuân”. Người này tiếp: “Lập hạ”. Một người khác nói nốt: “Lập thu”. Rồi: “Xuân phân”. Rồi: “Hạ chí”. Người khác tiếp: “Thu phân”. Cuối cùng: “Đông chí”. Như vậy ba người chúng tôi thay phiên nhau trả lời thay vì chỉ có một người giành nói hết.

Chúng tôi còn phải cám ơn thầy Lê Bá Kim dạy môn công dân giáo dục đã cho chúng tôi biết Proud’hon người Pháp đã nói câu: “Tư sản tức là ăn cắp”, nhờ đó chúng tôi đáp được câu hỏi này ghi thêm điểm số cho đội Petrus Ký.

Dù sao, chúng tôi chịu thua trước câu hỏi toán học về ma phương (hình vuông 16 ô, 12 số có sẵn, và 4 số kia phải tìm). Vì hồi hộp nên chúng tôi đã quên đó chỉ là vấn đề giải một hệ thống phương trình 4 ẩn số gồm 6 đẳng thức bậc nhất!

Tuy nhiên, nhờ có các thầy dạy toán của các lớp 12B (Vũ Đình Lưu và Lê văn Đặng) mà chúng tôi trả lời được câu hỏi: “Ai đã phát biểu những câu này: (1) Qua hai điểm trong mặt phẳng không có đường thẳng nào đi qua, (2) Qua hai điểm trong mặt phẳng chỉ có một đường thẳng đi qua. và (3) Qua hai điểm trong mặt phẳng có hai đường thẳng đi qua”. Người thứ nhất là Riemann người Đức, người thứ hai: Euclid người Hy Lạp, và thứ ba: nhà toán học Nga Lobachevsky.

Thôi, không cần nói gì thêm nữa. Giờ đây đã có phần ghi âm. Muốn biết thêm, chỉ cần nghe lại toàn bộ chương trình 30 phút dưới dạng MP3. Vậy là 3 chàng ngự lâm pháo thủ PK71 đã tái xuất giang hồ sau 45 năm: Lương văn Hy đang sống ở Toronto, Canada; Phan Hồng Châu đang sống ở Texas, Hoa Kỳ và Nguyễn Việt Dũng đang sống ở Biên Hòa, Việt Nam.



Đố Vui Để Hoc kỳ thứ 95 vào năm 1971 giữa hai trường trung học công lập tại Saigon: Petrus Ký vs Chu văn An






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét