khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Âu Châu vắng khách du lịch- Tác giả Lê Mạnh Hùng



Các cú sốc cứ lần lượt xảy ra tại Châu Âu. Tấn công khủng bố của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS tại Paris, rồi Brussels rồi Nice; một loạt bạo động chết người tại Ðức; và vừa qua lại một cuộc khủng bố tàn bạo giết chết một cha xứ trên 80 tuổi tại một thị trấn nhỏ ở Pháp. Và có nhiều dấu hiệu rằng sẽ còn có những cuộc khủng bố khác nữa.

Sự bùng nổ các cuộc tấn công khủng bố tại Châu Âu đã đặt lên vấn đề rằng phải chăng Châu Âu bước vào một giai đoạn mới với những thách thức gay gắt đối với ổn định chính trị xã hội của lục địa này. Như Georges Panayotis, chủ tịch công ty MKG Group, một công ty tư vấn có trụ sở tại Paris nhận định: “Chúng ta đang trải qua một hiện tượng thay đổi mới từ cơ cấu vốn trước đây không có: sự hiện diện của một cuộc chiến ngay trước ngưỡng cửa nhà. Nếu không giải quyết được thì khó khăn sẽ vẫn tiếp tục.”

Và ảnh hưởng của tình trạng này đã được thấy rõ nhất là trong lãnh vực du lịch.

Tại Mont-Saint-Michel, một tu viện trung cổ đẹp huy hoàng vốn là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Pháp số lượng khách du lịch đã giảm đến 70% trong mấy tháng sau cuộc tấn công khủng bố ngày 13 Tháng Mười Một năm ngoái tại Paris và cho đến bây giờ vẫn còn chưa hoàn toàn phục hồi. Ðặc biệt, Mỹ và Nhật là hai nhóm du khách hủy bỏ những hợp đồng du lịch nhiều nhất mặc dầu khu Mont Saint-Michel này nằm trên một hòn đảo cô lập ngoài bờ biển Normandy cách xa Paris cả mấy trăm cây số. Gilles Gohier, tổng quản trị công ty Sodetour Group, điều hành một loạt các khách sạn và tiệm ăn tại nơi này đã phải cho một phần ba trong tổng số 230 công nhân của mình nghỉ việc trong bốn tháng và tạm thời đóng cửa năm khách sạn và bốn tiệm ăn. Kể từ đó ông đã hủy bỏ 17 công việc và chỉ thuê công nhân mới theo chế độ hợp đồng tạm.

Thương vụ vừa mới bắt đầu tạm phục hồi thì xảy ra vụ tàn sát trong ngày Bastille ở Nice. Số lượng khách hàng hủy hợp đồng thuê phòng tăng vọt 20% và hầu như chắc chắn sẽ còn tăng thêm nữa sau vụ sát hại một cha xứ tại một thị trấn gần Rouen thủ đô Normandy, một vụ tàn sát do hai tên khủng bố tự nhận là thành viên của ISIS. Ông Gohier than thở: “Ðiều xảy ra tại Rouen cho thấy nó có thể xảy ra tại đây hoặc bất cứ nơi nào khác. Nó làm cho người ta không thể dự tính gì trong tương lai.”

Tình trạng này đã đập vào kinh tế các nước Châu Âu ở một trong những lãnh vực then chốt nhất: du lịch, đúng vào lúc mà tiến trình phục hồi kinh tế bắt đầu bắt rễ.

Ðầu năm nay, kinh tế tại 19 quốc gia Châu Âu sử dụng đồng Euro đã tăng trưởng đến mức chưa từng thấy kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh 2008. Thế nhưng vào Thứ Sáu tuần qua, Liên Hiệp Châu Âu loan báo rằng tốc độ tăng trưởng đã khựng lại trong quý hai với một mức tăng trưởng từ Tháng Tư đến Tháng Sáu chỉ đạt được 0.3% so với 0.6% trong quý một. Pháp đã rơi vào tình trạng trì trệ với tăng trưởng trong quý hai bằng không.

Những bất trắc đã gia tăng cùng với việc các cuộc tấn công khủng bố trở thành thường xuyên và bao gồm nhiều nơi hơn. Khách du lịch bắt đầu xét lại việc sang Châu Âu và ngành du lịch vốn đóng góp đến 10% vào sản lượng kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu cảm thấy ảnh hưởng. Trong lúc đó các chính phủ Châu Âu lại phải bỏ thêm ra hàng tỷ Euro để tăng cường bảo vệ an ninh nội bộ và chi trả cho các hoạt động chống lại ISIS vào lúc Brussels tiếp tục áp lực các quốc gia hội viên tiếp tục cắt giảm thiếu hụt ngân sách.

Pháp, nền kinh tế lớn thứ ba tại Châu Âu sau Ðức và Anh vốn đang phải vật lộn để ra khỏi tình trạng tình trạng trì trệ kinh tế và thất nghiệp cao là nước bị ảnh hưởng mạnh nhất. Pháp là nước có nhiều khách du lịch đến nhất tại Châu Âu với trên 84 triệu người đến thăm vào năm ngoái, và người ta chờ đợi một sự tăng vọt trong số khách du lịch vào năm 2016. Thế nhưng sau vụ tấn công khủng bố tại Paris, mức tăng khựng hẳn lại với số khách du lịch tăng giảm từ 20% xuống còn một con số. Sau cuộc đánh bom tại Brussels, mức tăng này trở thành âm và sau Nice, mức giảm sút lên đến hai con số.

Ảnh hưởng đối với nền kinh tế đã được thấy rõ. Các apartment dành cho khách du lịch tại Paris và Nice nằm trống không khi các khách hàng dự trù thuê các phòng này hủy kế hoạch đến thăm Pháp – theo Adrian Leeds người cầm đầu Adrian Leeds Group, một công ty địa ốc Pháp có nhà cho thuê tại hai thành phố này. Và những khách hàng có dự tính dời sang sinh sống tại Pháp cũng ngưng việc đi tìm mua nhà cửa tại đây.

Tại Bỉ, nơi những tên khủng bố của ISIS đánh bom phi trường và hệ thống xe điện ngầm Brussels vào Tháng Ba giết hại 32 người, thiệt hại kinh tế đã được ước tính lên đến 1 tỷ Euros tiền thuế thất thu theo báo cáo của chính phủ Bỉ. Thiệt hại nặng nhất là cho ngành khách sạn, tiệm ăn. Việc hủy bỏ các buổi hòa nhạc, trình diễn nghệ thuật và thể thao cũng làm giảm nặng thu nhập của khu vực giải trí.

Tuần trước chính phủ Ðức công nhận rằng Ðức nay cũng đã trở thành mục tiêu của khủng bố sau một loạt các vụ bạo hành chống lại dân thường trên xe lửa tại một khu thương xá và một buổi hòa nhạc. Người ta bắt đầu đặt vấn đề liệu nền kinh tế lớn nhất Châu Âu có còn an toàn hay không và các nhà kinh tế e ngại rằng tiêu thụ của dân chúng, một động cơ tăng trưởng kinh tế có thể bị giảm sút nếu người dân e ngại cho an toàn của họ ít ra ngoài tiêu xài.

Ánh sáng độc nhất là nhiều khách du lịch vẫn còn đến Châu Âu, nhưng thay vì đến những nơi như Pháp họ đã chuyển tới những nơi bình yên hơn như Tây Ban Nha, Hy Lạp hoặc Scandinavia.

Nguy cơ khủng bố đã phủ thêm một lớp phức tạp nữa trên một khu vực vốn đã phải vật lộn với một làn sóng di dân từ Phi Châu và vùng Trung Ðông cũng như những hệ quả của việc Anh Quốc bỏ phiếu rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thật đúng là “họa vô đơn chí.”


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét