khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

TIẾNG VỌNG- Tác giả Kiều Phạm



Một lần ngồi với một thầy giáo già dạy Văn ở Rạch Giá (ông là lớp sinh viên đầu tiên thi vào Đại học Sư phạm của miền Nam và được Tổng thống Ngô Đình Diệm tặng bằng khen vì đạt điểm cao). Chúng tôi trò chuyện về nền giáo dục VNCH, về thành tựu rực rỡ của văn học, nghệ thuật..đi trước miền Bắc hàng thập kỷ. Loanh quanh rồi lại quay về chuyện chiến tranh, về câu hỏi làm nhiều triệu người dân miền Nam bàng hoàng, là vì sao họ lại “thua trận” một cách tức tưởi như vậy ? Ông giáo giơ tay :

- Chẳng cần những điều sâu xa, anh cứ nghe âm nhạc, nhất là ca khúc của hai miền là đủ hiểu. Một bên ca ngợi, cổ động cho chiến tranh, cho chiến thắng, cho tiêu diệt “quân cướp nước và lũ bán nước”...Một bên khóc cho sự vô thường, nhỏ bé của kiếp người trong lửa đạn, mơ ước một ngày “tàn chinh chiến, không còn oán thù”, ca ngợi tình yêu, đau xót cho những cuộc tình oan trái...như vậy bên nào sẽ thua thì đã quá rõ ràng, chỉ là vấn đề thời gian.

 Ông hỏi tôi :

- Trước khi di cư, tôi đang học trung học ở Hà Nội, ngày đó chúng tôi say mê những “Buồn tàn thu”, “Con thuyền không bến”....Các anh, những người sinh sau năm 54 có hát những bài hát đó không ?
 Chúng tôi có hát những bài hát đó không ? Có chứ, nhưng hát giấu diếm, hát cho mình nghe những khi thanh vắng. Nó là loại bị cấm, là “văn hóa đồi trụy” là loại “nhạc vàng vọt” yếu đuối. Chúng tôi được nghe lại và nhớ ngay lập tức giai điệu và lời ca của những ca khúc đó từ những ông anh, khi “tiếp quản” đã là những cậu bé 9,10 tuổi hay những chàng thanh niên 18, đôi mươi. Họ được tiếp nhận nền giáo dục “vùng tề ngụy” và tâm hồn đã định hình. Ngay lập tức họ từ chối ( dù phần lớn là vô ý thức) cái “văn hóa công nông” của những người “giải phóng”. Như sau này, sau 75, khi vào Sài Gòn làm bạn bè của những người cùng lứa tuổi, tôi cũng thấy họ không chấp nhận dòng “văn học hiện thực XHCN” một cách kiên quyết, có vài người lớn tuổi từng viết trước 75, cũng viết lại dưới chế độ mới, hoặc cộng tác với vài tờ báo, nhưng những người trẻ tuổi này lại chỉ viết riêng cho mình, để tự đọc và cho bạn bè thân thiết, một nhu cầu tự thân, một dòng văn học ngầm, hay như họ tự nhận là “Dòng văn chương vỉa hè”.


Cũng lạ. Hồi đó ở miền Bắc, hàng tuần ở trường chúng tôi đều có 2 tiết học hát, những bài hát thiếu nhi hoặc “cách mạng” sau này được gọi là nhạc “đỏ”( để phân biệt với nhạc “vàng” của miền Nam và nhạc “xanh” là những bài hát nước ngoài , loại này dễ hát công khai hơn vì cứ nói là nhạc của Liên Xô, Cu Ba hay các nước XHCN, các ông cán bộ cũng chịu mà vì giấu dốt nên cũng không bắt bẻ được). Nhưng mau bị quên hoặc bị “chế” lời. Như bài Bé bé bằng bông :

Bé đi sơ tán, bế em đi cùng
Mẹ mua xe gỗ
Cho bé ngồi trong
Bao giờ chiến thắng
Cho bé về phố đông

Bị sửa thành :
Mẹ mua cây chuối
Cho bé tập bơi
Bao giờ chết đuối
Cho bé vào áo quan


Hay Giải phóng Điện Biên thì thành “ Giải phóng cà chua, bộ đội ta bắt cua về xào...” hay “ Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ..” thì : “hành quân xa không có tiền ăn phở, quay về nhà xin bố vợ vài xu..”. Hát say sưa một cách vô thức dù chẳng biết xuất xứ từ đâu, nó cứ âm thầm lan ra như một bệnh dịch vậy. Nhưng cũng lạ, những bài hát bị cấm kia thì lại thuộc nằm lòng và không bao giờ bị chế. Sau này mới hiểu đó là một cách phản ứng của “trí thông minh dân gian” chống lại những thứ gượng ép, ngược lại với tình cảm tự nhiên của con người.

Năm 1970, Hà Nội xử vụ án “ truyền bá văn hóa đồi trụy” của nhóm nhạc Toán “Xồm”, lúc đó tôi mới 12 tuổi. Trong phòng xử án, một ông ngồi trên bàn chủ tọa phân tích : Nhạc vàng là bệnh hoạn, màu vàng từ xưa được cắm trên những con tàu có thủy thủ bị bệnh dịch tả hoặc dịch hạch, những bến cảng sẽ không cho họ cập bến khi thấy là cờ màu vàng đó” và ông ta nói thứ nhạc mà nhóm Toán “Xồm” hát cũng là thứ “vàng vọt” bệnh hoạn phải được cách ly khỏi xã hội (thấy mấy người lớn nói đó là nhạc sỹ Đỗ Nhuận). Một anh trẻ nhất trong nhóm đứng lên :

- Thưa quý Tòa, nếu màu vàng tượng trương cho bệnh hoạn, thì cái ngôi sao vàng trên lá cờ kia (anh chỉ lá cờ treo trên tường) tượng trưng cho cái gì ?

Chủ tọa vội đập bàn bắt anh im nhưng không ngăn nổi tiếng xì xào thán phục :

- Lộc “Vàng”, Lộc “ Vàng” đấy....

Sau này, quen với anh Lộc Vàng khi anh đã ra tù, tôi có hỏi anh về việc anh có ý thức được việc mình làm không ? Hay chỉ là một đam mê, một tính cách bướng bỉnh của người Hà Nội ?. Anh trả lời :

- Thật sự ban đầu anh chỉ yêu cái đẹp và nghĩ mình không làm gì sai trái. Suốt 10 năm trong tù, kể cả ở Cổng Trời không bao giờ anh chịu vào đội văn nghệ để hát những bài của chúng nó, nên hay bị “kỷ luật” không được ra “tự giác” đỡ khổ hơn. Nhưng có một lần, một sỹ quan Biệt kích của VNCH bị bắt khi nhảy dù ra miền Bắc bảo anh : “ Cậu giỏi lắm, rồi lịch sử sẽ nhắc đến cậu, cứ tin tôi đi. Chỉ bằng giọng ca của mình mà làm chúng nó hoảng sợ, phải giam cậu vào đây”.

Anh càng vững tin. Nhưng chẳng cần đến sau này, lịch sử được viết bởi người dân Hà Nội đã nhắc đến các anh ngay lập tức. Sau khi nhóm Toán Xồm bị bắt, hàng loạt ban nhạc ra đời như V.“Vọt” ở Cửa Nam (lấy Vọt làm biệt danh vì Vàng đã là thương hiệu của anh Lộc), H. “Khỉ”, T. “Giun” ở Ngõ Trạm, Hà Trung, B. “Học” ở Trương Định, T. “Clarinet” ở Quan Thánh....vv và bọn nhóc chúng tôi thường là những khán giả trung thành của các anh. Cũng chẳng mấy người thoát được cái án cao su “cải tạo”, nhưng niềm đam mê không vì thế mà bị dập tắt.


Có người nói “ Nhạc Sến là một tuyệt phẩm của tâm hồn miền Nam”. Sau 75 chúng tôi say sưa đến mê đắm những ca khúc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên...nhưng nhạc sến thì không thích lắm. Chỉ đến khi vào lính, khi cô đơn trên chốt cao vùng biên giới, người như nhão ra trong tiếng mưa rừng rậm và buồn thì thấy nhạc Sến đúng là một “tuyệt phẩm”, những Rừng lá thấp, những Kỷ vật cho em...

Chúng tôi ước mơ :

Trả súng đạn này, tôi sạch nợ sông núi rồi..
 .. Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
 Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu
Ta làm lại từ đầu...


Chúng tôi ngân nga :

...Đến mai đây không còn oán thù, anh về phố chợ
Dìu em đi, trong ngày vu quy cho tròn Thiên ý...

Đến nỗi ông chính trị viên tiểu đoàn phải kêu lên :

- Lính tráng mà hát hò như thế, thì đánh đấm cái đ. gì ?

Khi quen biết với nhà thơ Linh Phương, tác giả bài thơ mà Phạm Duy phổ nhạc với cái tên “Kỷ vật cho em” tôi càng hiểu hơn về nhũng người lính VNCH. Được nghe câu chuyện về người cha của một cô gái quen anh, ném bài thơ của anh đăng trên báo xuống bàn thở dài : Lính tráng mà làm thơ thế này thì đánh trận thế nào ?

Ừ thì họ đã “thua”, nhưng phía “chiến thắng” thì sao ? Máu xương đổ ra sâu như biển, cao như núi vẫn bị quên lãng, vết thương hàng chục năm qua vẫn bị khơi lại khi chưa kịp mọc da non. Chiến thắng ấy chẳng còn thuyết phục được ai, thực sự là nó đã chết. Trong khi cái tinh thần của “bên thua cuộc” vẫn sống. Tự an ủi rằng, dù sao thì lịch sử sẽ công bằng và dân không bao giờ sai.

Nhìn ngược về lịch sử : Dù ba lần đánh tan quân Nguyên Mông hùng mạnh, nhưng suốt thời gian sau đó, triều đại nhà Trần không bao giờ làm “Lễ kỷ niệm chiến thắng”. Thật văn minh, khi những người lãnh đạo biết rằng máu của con dân không phải là nước lã.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét