khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Một Lần Kể Lại - Tác giả Nguyễn thị Hải Hà




Một lần kể lại để rồi thôi
(Ta Về, Tô Thùy Yên)
 

Cái ảnh cậu bé con, Aylan Kurdi, nằm úp mặt trên bờ biển, và cũng ảnh của cậu bé ấy khi cậu được “múc” lên, nằm gọn trong cái lõm của cánh tay người kiểm tra bờ biển, làm nao lòng những trái tim chính trị cứng rắn khô khan nhất. Đủ mềm lòng để họ tiếp nhận người tị nạn. Cậu bé với cái quần màu xanh dương đậm và áo màu đỏ làm tôi nghĩ đến Pinochio, một trong những cậu bé đáng yêu nhất trong cổ tích. Nghĩ đến Pinochio, vì nhờ lòng yêu thương chân thành của ông thợ làm đồ chơi, và của chính Pinochio cùng với phép mầu của Thượng Đế, con búp bê bằng gỗ biến thành người. Pinochio cũng bị chìm thuyền, nhờ là gỗ nên không chết đuối, vào bụng cá, cứu được cha. Aylan bất hạnh, nhỏ bé và bất động như một con búp bê bằng gỗ trôi giạt vào bờ biển. Lòng nhân của loài người đến không kịp để cứu cậu bé, anh của cậu bốn tuổi, mẹ của cậu và còn bao nhiêu người vô danh nữa.

Chúa đâu, Phật đâu. Phải chăng “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người?”

Bài báo đăng trên The New Yorker mở đầu bằng chuyến vượt biển của thuyền nhân người Việt. Tôi nghĩ thế giới đang chú ý đến số phận hẩm hiu của những người lánh nạn sang châu Âu, mình không nên viết bài cái kiểu ăn theo sự chú ý này. Tuy nhiên tôi vẫn thấy xót xa đến độ muốn nhắc lại chuyện xưa. Hay là mượn câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, “Một lần kể lại để rồi thôi”.

Bài báo của Philip Gourevitch nói rằng ước tính có ba người đi thì một người chết. Gia đình tôi đi năm người, chia làm hai đợt, hai người mất tích. Tỉ lệ như thế là hai phần năm, lớn hơn một phần ba. Không phải đợt sóng nào cũng đưa người chìm trong biển vào bờ. Hai người mất tích trong gia đình tôi là cô cháu gái gọi tôi bằng dì với đứa con gái của cô. Chồng cô đi trước cùng lúc với em trai của cô và tôi. Đáng lẽ cô đi cùng chuyến, nhưng chiếc xe đò chở cô và đứa con gái, lúc ấy ba tuổi, bị bể bánh xe hai lần, và bể cả bốn bánh. Cô bị trễ xe nên lỡ chuyến đò. Cô đi chuyến sau, và vài lần sau nữa, cuối cùng, cô đi mãi mãi và không bao giờ đến. Nói thì nghe vô duyên. Không may như Aylan chết vẫn tìm được xác. Gia đình tôi nhiều năm cố tìm kiếm tông tích hai mẹ con cô cháu của tôi. Hằng năm lấy ngày ra đi làm ngày giỗ.

Bài báo nói chiếc ghe của người Việt vượt biên năm 1988 gặp rất nhiều tàu lớn nhưng họ không cứu. Ghe tôi đi năm 1980, sau ba ngày chạy ngon lành, gặp giàn khoan, họ cho thức ăn hộp, nước uống, và chỉ đường đi. Thẳng hướng này, chừng hai ngày hay một ngày rưỡi sẽ đến bờ Mã Lai, chỉ còn một trăm năm mươi hải lý nữa thôi. Chúng tôi không cần thức ăn nước uống vì chẳng ai ăn uống được gì những ngày đầu, ói đến mật xanh mật vàng, và thức ăn nước uống mang theo vẫn còn đầy ăm ắp. Chúng tôi muốn được cứu, được chở vào đất liền bằng tàu lớn vì đêm trước thuyền chúng tôi gặp bão tưởng chìm. Nhưng đời không như là mơ.

Chạy được nửa ngày, hay một ngày, tôi không nhớ hay nói đúng hơn trong cơn say sóng vật vã, tôi không có khái niệm về thời gian, thuyền tôi bị thuyền hải tặc đuổi theo. Ghe nhỏ làm sao chạy thoát thuyền hải tặc vốn là tàu sắt, máy lớn, đánh cá ngoài khơi. Thuyền của hải tặc đâm thẳng vào ghe tôi cốt ý đâm lủng thuyền. Anh tài công của ghe tôi nhanh trí lách lệch chiếc ghe qua một bên. Tàu sắt lúc ấy đã tắt máy, chỉ cái trớn của nó cũng đủ đâm bể cái máy đuôi tôm. Sau khi cướp, bọn hải tặc lùa 22 người Việt đã bị cướp, bắt nhốt từ trước trên tàu của chúng, sang ghe chúng tôi đã có sẵn 79 người. Chiếc ghe loại buôn bán trên sông, dài cũng chỉ chừng 15 mét như chiếc ghe Gourevitch nhắc đến trên báo The New Yorker. Và trên chiếc ghe không máy, chúng tôi 101 người trôi giạt lênh đênh không nhớ là mấy ngày.

Không phải đợt sóng nào cũng đưa ghe hay người chết đuối vào bờ. Có khi thuyền tôi thấy đảo rất gần, tưởng chừng có thể lội nước biển đi bộ vào. Nhưng nhìn thì biết là đảo hoang, vào có sống được không? Vào rồi làm sao ra? Nghĩ như vậy nhưng đâu phải muốn vào là có thể vào. Ghe chúng tôi lại bị cuốn ra ngoài biển khơi. “Ngó trông ra biển mù chong. Thấy người thiên hạ sao không thấy chàng.” Từ trong bờ ngó ra biển thì không thấy chàng mà mình mơ mộng. Ở ngay trên biển ngó chung quanh thì chỉ thấy biển muôn trùng, sóng chập chùng, biển nối vào chân mây. Có lần thấy tàu to, loại tàu chở hàng thương mại to như mấy tòa nhà lầu cao ngất đi ngang, tưởng chừng chỉ quăng cuộn dây là có thể kéo chúng tôi vào bờ nhưng không ai nhìn thấy chúng tôi. Thật ra không ai muốn nhìn thấy chúng tôi. Không phải một chiếc tàu to, mà nhiều chiếc. Hết chiếc này đến chiếc khác. Chúng tôi đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Chúng tôi như một đàn kiến loi nhoi giữa biển khơi trên một chiếc bao diêm. Đám đàn ông bắt đám đàn bà leo lên mui thuyền khóc la vái lạy, với hy vọng họ thấy đàn bà trẻ con họ sẽ cứu. Hừm, người đang cơn tuyệt vọng lúc nào cũng tưởng bở. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao họ không cứu người tị nạn.

Chuyện cậu bé Aylan, cùng với mẹ và anh trai đều chết đuối, khi theo bố lội nước vào bờ, không phải là chuyện mới. Người ta chết đuối khi vào gần đến bờ rất thường xảy ra. Vì sóng lớn, phụ nữ và trẻ em sức yếu bị nhận chìm. Người đàn ông cần phải bảo vệ họ thì không thể bảo vệ nổi. Có khi đang nắm tay con hay cõng con trên vai thì té, vuột tay, sóng cuốn đi. Những cuộc đổ bộ thường vào lúc tối trời, đi chui mà, làm gì dám đổ bộ công khai vào lúc có ánh sáng. Không khéo lại bị tàu của người trong nước kéo ngược ra biển khơi như người Việt tị nạn trước kia.

Người đọc thường tự hỏi, tại sao họ, những người vượt biển không chuẩn bị, như đeo phao, làm thuyền cho thật chắc thật tốt, chẳng hạn. Tại vì đây là những cuộc chạy trốn. Họ ra đi trong lúc giả vờ đi đâu đó, và nếu bị chận lại họ không thể chối cãi nếu tang vật bị bắt gặp. Họ không thể xây cất thuyền, mua thuyền công khai. Họ không biết được chuyến đi ở đâu, bao nhiêu người, lên tàu lúc nào. Những điều người ta bảo với họ nhiều khi chỉ là gian dối. Người đọc mắng thầm, cứ mơ mộng hão, đi tìm ảo vọng của thiên đàng, thật ra phần lớn họ chỉ lo chạy cho thoát khỏi địa ngục trần gian.

Tôi thường nghĩ vượt biên mà còn sống là đại phúc rồi. Chuyến vượt biên thay đổi tôi rất nhiều, biến tôi thành một người rất “neurotic.” Chuyện của tôi không có gì đáng kể. Những chuyện đáng kể đã nằm dưới lòng đại dương. Có lần tôi dịch một bài của Matt Steinglass (hay tên gì đó tôi không nhớ chắc, lười tra cứu lại) anh này phỏng vấn một giáo sư kiêm học giả trẻ ở Hà Nội. Tiếng là phỏng vấn, thật ra anh ta đang viết bài để promote quyển sách của O’Brien được in lại sau một thời gian xuất bản khá lâu. Anh chàng than phiền vì sao người Việt Nam không đọc sách về chiến tranh Việt Nam. Không ai nói thật cho anh hiểu là người Việt Nam sống thở và chết trong chiến tranh, họ chán ngấy chiến tranh rồi. Không có tác phẩm hư cấu nào có thể nói hết được cái bi thảm tàn khốc độc ác của chiến tranh, biết quá rồi đọc rất chán. Chuyện vượt biên cũng vậy. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Nhàm!

Tôi tự hỏi, hình ảnh nào của người Việt vượt biên đã làm động lòng Mã Lai, Phi Luật Tân, Úc, Canada để họ cứu giúp chúng tôi. Những người như tôi khi ra đi rất ngây thơ, có lẽ những người Syria cũng ngây thơ không kém. Họ không biết là nước biển sóng biển đẹp đẽ thơ mộng hùng vĩ như thế cũng có thể tàn bạo lấy đi mạng người, mấy trăm mạng cùng lúc không thương tiếc. Họ chạy trốn cơn tuyệt vọng này để phải đương đầu với cơn tuyệt vọng khác như người Việt đã từng đương đầu. Họ cũng không nghĩ đến sự có mặt của họ sẽ gây tốn kém nhức đầu với nhiều vấn đề cho những người phải nuôi phải chứa họ. Họ chỉ muốn tìm một nơi để sống bình yên, có cơm ăn áo mặc, con cái được đến trường, họ không phải sống trong bom đạn và cái chết. Họ sống trong cái chết bao chung quanh. Họ đi vào chỗ chết để mong tìm cái sống.

Chúa ở đâu? Phật ở đâu? Lòng nhân của con người ở đâu? Họ cần Chúa, Phật, lòng nhân của loài người hơn bao giờ hết.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét