khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

Tìm Kiếm và Cứu Trợ - Tác giả: Philip Gourevitch



Chiều tối ngày 22 tháng Năm năm 1988, một trăm mười người Việt, nam, nữ, và trẻ em chen chúc nhau trên chiếc thuyền rò rỉ, tồi tàn, dài không đến 15 mét hướng đến Mã Lai. Với giá mỗi người một lượng vàng – trả cho đám buôn lậu người tổ chức cuộc đi chui – họ trở thành thuyền nhân, gia nhập con số triệu người đã bạo gan vượt biển Đông rời bỏ Việt Nam sau khi bị Cộng sản chiếm đóng. Không ai biết bao nhiêu người đã bỏ mạng, nhưng ước tính cao đến độ cứ ba người đi là có một người chết. Nhóm người đi trên chiếc thuyền tồi tàn được biết là chuyến đi độ chừng bốn hay năm ngày, nhưng đến ngày thứ ba thuyền bị chết máy. Liên tiếp hai tuần sau đó, thuyền họ trôi lênh đênh, cả chục chiếc tàu lớn đi ngang nhưng không cứu. Họ hết thức ăn và nước uống, và một vài người qua đời. Sau đó có một chiến hạm của Mỹ xuất hiện. Chiếc hạm này tên là U.S.S. Dubuque, dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Alexander Balian. Ông ngừng tàu, kiểm soát thuyền rồi cho thuyền nhân thịt hộp, nước, và bản đồ. Chẳng bao lâu số thực phẩm này cũng hết. Bờ biển gần nhất là Phi Luật Tân, cách hơn ba trăm hai mươi kí lô mét, và phải 18 ngày sau mới cập bờ. Lúc ấy, chỉ còn lại năm mươi hai người sống sót để kể lại bằng cách nào họ sống sót – nhờ ăn thịt người chết trên thuyền.
Đây là một câu chuyện dị thường và hậu quả cũng dị thường: Thuyền trưởng Balian, một quân nhân đã từng tham chiến ở Việt Nam với nhiều thành tích huy chương, bị truất quyền và đưa ra tòa án quân sự vì đã không giúp đỡ thuyền nhân đúng mức. Luật sư của vị thuyền trưởng này biện hộ rằng Balian đang thi hành nhiệm vụ quân sự, cần phải đến Vịnh Persian cho kịp lúc – vì lúc ấy cuộc chiến tranh Iran-Iraq đang ở mức độ gay go nhất- do đó ông phải rời bỏ thuyền nhân. Nhưng tòa án quân sự không động lòng. Balian ở trong vị trí có thể cứu người nhưng ông đã không cứu, và ông bị kết tội xao lãng nhiệm vụ.

Sự kết án này được hồi tưởng bởi vì báo tường thuật có số lượng rất lớn người chết đuối tập thể ở biển Địa Trung Hải, và đây là thời điểm số thuyền nhân tử nạn cao nhất ở khu vực này. Họ là người tị nạn từ các quốc gia Syria, Eritrea, Somalia, Sudan, Senegal, Gambia, và một số dân khác thuộc các quốc gia Tây Phi. Họ chạy trốn cuộc chiến tranh, sự khủng bố, và sự thiếu thốn cực độ bằng cách liều mạng trên những chiếc thuyền quá tải và tồi tàn như đồng nát sắt vụn với hy vọng sẽ tìm được nơi trú ẩn ở châu Âu. Libya – một phần của quốc gia này bị ISIS chiếm đóng – là địa điểm ra đi đông nhất, và để đến được nơi này, di dân phải trải qua một hành trình rất nguy hiểm. Rất nhiều người bị bắt cóc, bỏ tù, trộm cắp, hãm hiếp, và bệnh tật. Trả hằng ngàn Mỹ kim cho đám buôn lậu người – đó là giá căn bản- và bị nhồi nhét lên trên một chiếc thuyền sẵn sàng bị chìm, dường như là phần ít nguy hiểm nhất của chuyến đi. Nhưng, hằng năm, người ta vẫn cứ chết đuối trong vùng biển giữa châu Phi và châu Âu. Và năm nay, tới hôm nay đã có gần hai ngàn người chết, kể cả tuần vừa qua, gần tám trăm người trên một chiếc thuyền, bị lật úp và chìm trên đường đến Ý. Trước khi tai nạn thảm khốc này xảy ra, tỉ số chết của thuyền nhân Địa Trung Hải năm nay cao gấp mười lần so với năm trước. Bây giờ nó cao gấp ba mươi lần, và sự tăng nhanh này là bởi châu Âu đã xao lãng nhiệm vụ.

Lampedusa và Sicily, hai đảo ở cuối miền Nam nước Ý, rành rành là những hải cảng đầu tiên có thể lên tiếng. Trước năm 2011, khi lực lượng NATO – dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đã góp phần vào việc lật đổ nhà độc tài, Đại tá Muammar Qaddafi, người mà chính quyền Ý đã trả công hàng tỉ tiền Euro để ông ta ngăn cản những cuộc vượt biên. Nhưng, khi ông ta bị lật đổ rồi, và Libya trở nên xáo trộn, người ta bắt đầu vượt biển. Số người chết tăng dần – và vào tháng Mười năm 2013, khi có khoảng ba trăm người chết đuối vì chìm tàu ở gần Lampedusa, Ý đã phải tốn chín triệu tiền Euro một tháng – và xuất quân một phần lớn Hải quân của Ý – để thực hành chiến dịch cứu trợ, tìm và vớt xác thuyền nhân, chiến dịch này có tên là Mare Nostrum (Biển của Chúng Ta).

Kết quả đạt được ngay lập tức: sau một năm, một trăm năm chục ngàn người đã được cứu. Mare Nostrum đã giúp cho cuộc vượt biển Địa Trung Hải trở nên an toàn hơn – và dễ dàng hơn. Chính vì lý do này, cuối năm ngoái, Hội Đồng châu Âu kêu gọi chấm dứt chiến dịch này. Bộ trưởng bộ Hải Ngoại của Anh quốc, ông Joyce Anelay, giải thích rằng chiến dịch cứu trợ người vượt biển, vô tình là động lực khuyến khích người vượt biên nhiều hơn. Mare Nostrum bị giảm cấp, biến thành chiến dịch “bảo vệ biên giới” với chi phí hằng tháng là ba triệu euro. Đồng thời, Sự nhọc nhằn trong công cuộc cứu trợ người bị đẩy qua cho các cơ quan tư nhân và các chuyến tàu thương mại. Một số tàu bè đã tắt máy truyền tin, để trốn tránh bổn phận.

Con người là động vật sống trên đất liền, và mỗi quốc gia đều có luật riêng về bổn phận cứu trợ người của quốc gia khác trên đất liền. Hoa Kỳ không bắt buộc người ta phải cứu trợ: nếu bạn tình cờ gặp một người, hay nhiều người, đang gặp tai nạn – bị mắc cạn hay bị đánh đập, lở lói hay chảy máu, đang ở trong tình huống tuyệt vọng hay hấp hối – ở giữa thành phố Manhattan, hay giữa sa mạc Mojave, và bạn không cứu họ, điều này không biến bạn thành người phạm pháp, chỉ là một người đáng khinh ghét. Nhưng nếu bạn gặp tình cảnh này ở trên biển, luật hàng hải quốc tế và hải quan đòi hỏi bạn phải cứu tất cả mọi người bạn có thể cứu, ít ra bạn có thể đưa họ đến đất liền. Thể theo Nguyên Tắc Quốc Tế về An Toàn Nhân Mạng Trên Biển, một người lãnh đạo của một chiếc tàu, khi biết rằng “có người đang lâm nạn trên biển,” phải tiến hành cứu trợ nạn nhân ngay lập tức.” Nguyên Tắc Hàng Hải Quốc Tế về Tìm Kiếm và Cứu Trợ cũng đòi hỏi bổn phận tương tự ở mọi “Quốc Gia” – để “bảo đảm cung cấp sự cứu trợ cho bất cứ người nào đang gặp nạn trên biển… dù họ là người của quốc gia nào bất kể địa vị hay tình huống họ được tìm thấy.”

Thế mà, chỉ khi việc chết đuối tập thể xảy ra các vị lãnh đạo châu Âu mới xét lại chính sách của họ. Trong buổi họp mặt thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussel tuần vừa qua, người ta đồng ý thiết lập lại việc tuần phòng theo phong cách Mare Nostrum với ngân sách Mare Nostrum. Nhưng với mức độ chống đối người nhập cư đang tăng lên ở lục địa, người ta bàn cách kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn và bắt dầu dùng biện pháp quân sự để chống lại đám buôn lậu người. Nói một cách khác, dường như họ cố né tránh một sự thật là, khi nào loài người còn dám mạo hiểm bằng bất cứ giá nào để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, khi đó sẽ có thuyền nhân, và khi đối phó với họ luật áp dụng trên biển là nơi bắt đầu, cứu trước, lên bờ rồi sẽ tính sau. Khi xét đến tình trạng người bị chết đuối và người được cứu vớt, chúng ta biết thế nào là xao lãng và thế nào là nhiệm vụ được thi hành chu đáo khi chúng ta nhìn thấy tận mắt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét