khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Một Chặng Đường -- Tác giả : Ngô Đình Châu



                                                   Mời nghe: Hát trên đường tạm dung


                                                       


Ngẫm nghĩ, tôi cùng gia đình đến Mỹ đến nay đã hai chục năm, thời gian vừa qua như một giấc mơ. Trong một chặng đường đời nào đó của chúng ta, nếu có quá nhiều việc phải làm, thì thời gian trôi qua rất lẹ. Nhất là, sau khi nhìn lại, chúng ta cảm nhận một điều rằng, hình như có một sự xếp đặt nào đó của định mệnh, của thiêng liêng, mà với sự hạn hẹp của con người, không sao giải thích nổi.

Tháng 12- 1993, vợ chồng tôi cùng đứa con gái lên 9 tuổi, đến nước Mỹ theo Chương trình HO số 21. Đây là chương trình của chánh phủ Mỹ bảo trợ cho những người “tù cải tạo” trên 3 năm, họ được cùng gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ.

Máy bay của hãng United đáp xuống phi trường Los Angeles vào khoảng 11 giờ sáng. Ra khỏi cửa, chúng tôi cứ đi theo đoàn người, hối hả đi về phía trước, cứ như thế chứ nào có biết đi về đâu. Rồi cuối cùng chúng tôi gặp một tấm hình thật lớn của Tổng Thống Bill Clinton, tươi cười chào đón chúng tôi. Như vậy là coi như chúng tôi đến được nước Mỹ.

Nhớ trước đó một ngày, gia đình đưa tiễn chúng tôi tới Phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 3 giờ sáng, để chuẩn bị cho chuyến bay lúc 6 giờ. Chỉ có mẹ tôi và mấy đứa em đưa tiễn, cha tôi buồn lắm nên ông không đi, tôi nhớ lúc tôi cất tiếng chào lần cuối: "Thưa Ba, con đi!" tôi thấy ông đã nhỏ nước mắt. Bây giờ cha tôi không còn nữa, khiến tôi nhớ hoài những giọt nước mắt của ông.

Nhân viên của Trung tâm Dịch vụ Di trú Nguyễn Kim, đã tiếp đón và hướng dẫn chúng tôi thật chu đáo và chuyên nghiệp. Họ tập họp mọi người lại, đọc tên kiểm tra danh sách, trao cho mỗi gia đình một túi hồ sơ IOM (Cơ quan Di trú Quốc tế), dán bảng tên có những ký hiệu đặc biệt vào ngực áo của mỗi người. Họ chỉ hết nhiệm vụ khi chúng tôi bước vào khu vực Hải quan.

Nhân viên Hải quan tiếp chúng tôi bằng gương mặt lạnh lùng, họ hỏi tôi có mang tiền đô theo không? Tôi đưa tiến ra, họ chẳng đếm gì hết, cầm xấp tiền xòe ra, rồi thản nhiên rút một tờ giấy bạc cho vào túi áo, rồi cười cười khoát tay cho đi. Chúng tôi lủi thủi kéo nhau đi, không nói một lời.

Khi máy bay cất cánh rời khỏi Sài Gòn, lúc trời vừa hừng sáng, tôi cảm thấy trong lòng nổi lên một điều lạ, là tôi không cảm thấy một nỗi buồn ly biệt nào, khi phải rời bỏ quê hương đất nước... mà lại cảm thấy trong lòng nhẹ tênh, như vừa trút bỏ một cái gì nặng nề, đã đeo bám theo tôi từ bấy lâu nay.

Từ Sài Gòn, máy bay đến Hong Kong, để chuyển tiếp máy bay khác đi Mỹ. Từ phi trường Tân Sơn Nhất đến phi trường Hong Kong, khung cảnh khác xa một trời một vực. Cơ quan IOM đã chuẩn bị chu đáo, vì họ biết rõ chúng tôi thuộc loại "mán về thành", cho nên họ sắp xếp nhân viên phi trường tiếp đón chúng tôi. Khi vừa ra khỏi cửa máy bay, nhân viên của họ lập tức phân loại chúng tôi thành từng nhóm theo những ký hiệu ghi trên ngực áo, chẳng hạn, nhóm này về Nam Cali, nhóm kia về Houston, nhóm khác về Virginia... Từng nhóm ngồi bệt riêng rẽ trên sàn nhà, những du khách đi lại trong phi trường nhìn chúng tôi bằng ánh mắt kỳ lạ, chúng tôi cảm thấy mình thiệt hèn mạt khi bị đối xử như một đàn vịt đầy ngớ ngẩn với thế giới văn minh bên ngoài đất nước. Sau cùng nhóm chúng tôi được một nữ nhân viên hướng dẫn đến một cái cổng để lên phi cơ bay đến miền Nam Cali. Chuyến bay từ Hong Kong đến Los Angeles dài 12 tiếng, đây là lần đầu tiên trong đời tôi trải qua một chuyến bay dài kinh khiếp, cho đến nỗi mọi cảm giác của tôi đều mụ mẫm. Chốc chốc, tiếp viên lại dọn bữa ăn, chúng tôi "ăn thấy thương", tội nghiệp!

Sau khi bước qua tấm hình chào đón của TT Mỹ, chúng tôi bước vào khu vực Hải quan. Tại đây chúng tôi được một nhân viên IOM người Việt tiếp đón, sau khi kiểm tra danh sách, anh ta dặn dò chúng tôi đủ thứ chuyện, trong đó có một chuyện làm tôi nhớ mãi. Anh ta đã nói như thế này:" Khi nào quí vị muốn đi toa lét, thì làm ơn nhìn kỹ hình vẽ trước cửa ra vào, đàn ông thì vào cửa có hình đàn ông, đàn bà thì vào cửa có hình đàn bà, xin cẩn thận đừng đi lộn chỗ, sẽ rất phiền toái cho quí vị và cho chúng tôi."

Tôi nghe mà ngượng lắm, trời đất! chả lẽ chúng tôi quê mùa ngớ ngẩn đến như vậy sao? Sau đó anh ta hướng dẫn chúng tôi vào khai báo Hải quan, cũng gặp một nhân viên người Việt, anh ta tươi cười lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ và lễ phép.

Chúng tôi khệ nệ đẩy xe hành lý ra khu Terminal 4, lúc đó chúng tôi chớ hề biết rằng, đống hành lý quần áo mà chúng tôi cất công mua sắm ở VN, chỉ một thời gian sau là vất bỏ hết, vì không còn thích hợp nữa. Khổ nỗi, trước đó không có ai cho chúng tôi biết về điều này.

Loay hoay một hồi tại khu tiếp đón, chúng tôi cũng gặp được người nhà, một bà chị dâu họ, mà tôi chưa hề biết mặt. Đứng trước khung cảnh bao la tráng lệ của phi trường Los, một phi trường lớn vào bậc nhất của thế giới, trong lòng tôi cảm thấy vừa hèn kém vừa sợ hãi.

Một trong những ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi, là người Mỹ sao họ đẹp đẽ quá, nét mặt của họ rất là thông minh sáng sủa, hồng hào đỏ thắm, nhìn họ một hồi là thấy họ có vẽ vừa văn minh vừa thượng đẳng, hơn hẳn các sắc dân khác qua lại trong phi trường vào lúc đó. Rồi một điều làm cho tôi kinh ngạc nhất, là khi nhìn lại những người Việt cùng đi chung chuyến bay với chúng tôi hôm đó, hầu hết đếu mang một bộ mặt sầu thảm khổ nạn. Tại sao lại như vậy? Tôi không biết được, mà lờ mờ cảm thấy rằng, vận mệnh của mỗi đất nước, hình như được thể hiện qua sắc mặt của người dân xứ đó, có phải vậy không?

Bà chị đưa chúng tôi ra bãi đậu xe, chúng tôi nhìn bãi đậu xe mà thấy khiếp vía, xe đậu tầng tầng lớp lớp, không biết cơ man nào mà kể. Chị nói mỗi Terminal có một bãi đậu xe như thế này, mà phi trường Los có đến 8 Terminal.

Nhà chị thuộc thành phố Hawthorne, nằm giữa đường từ Los đến Little Saigon. Xe nhập vào Freeway 105, lao vun vụt vào dòng xe cộ đông nhung nhúc trên đường, xe chạy với tốc độ khoảng 100 cây số/giờ, mà sao lúc đó tôi hãi lắm. Tôi thấy chị lái xe sao "nghề" quá, biết đến bao giớ tôi mới dám lao vào dòng xe cuồn cuộn kinh khủng kia chứ.

Về tới nhà, vợ chồng con cái lừ đừ lử đử, ăn uống qua loa xong chúng tôi kéo vào phòng, ngủ một giấc dài. Khi thức dậy, trời đã về chiều, chúng tôi ra phòng khách ngồi nói chuyện chơi với chị. Bỗng một lát, tôi thấy có người đi làm về, bà chị giới thiệu là ai đó. Rồi một lát sau có thêm người khác về nữa, chị lại giới thiệu. Cứ vài lần nữa cho đến tối thì nhà đầy người. Tôi chẳng hiểu sao nữa, nên ngạc nhiên lắm. Mãi sau này tôi mới hiểu, giá nhà ở Cali rất đắt đỏ, muốn mua một cái nhà rất khó khăn, cho nên người ta sống chen chúc với nhau gọi là "share phòng", để chia tiền nhà ra cho "nhẹ thở", cho nên những người ở chung nhà đóng góp hàng tháng tiền nhà tiền ăn cho bà chị. Ý trời đất ơi! cái kiểu này tôi chưa từng thấy ở VN.

Chị lại dẫn chúng tôi đi vòng quanh nhà, chỉ dẫn cách xử dụng đồ đạc, nào là lò micro wave, bếp ga, nào là máy giặt máy sấy, điện thoại, tủ lạnh, toa lét... hầu hết những thứ này ở VN lúc đó chưa phổ biến lắm, cho nên chúng tôi nhìn chúng mà lòng đầy "sợ hãi". Cái gì cũng xa lạ, thậm chí có khi tôi muốn mở cái tủ trong nhà bếp để lấy cái ly uống nước mà không biết làm sao để mở, lại xấu hổ không dám hỏi ai, thiệt khổ!

Ngày hôm sau, chị dẫn chúng tôi đến Hội Thiện Nguyện. Đây là một Cơ quan tư nhân, hoạt động từ thiện bất vụ lợi, Hội đã trợ giúp chính phủ trong việc tiếp nhận người mới nhập cư, và cũng chính hội này đã cho tất cả các gia đình chúng tôi mượn tiền mua vé máy bay đến Mỹ.

Khi chúng tôi bước vào phòng của bà Thư ký tên Kim (người Việt), lúc đó bà đang tiếp một gia đình khác, nên bà bảo chúng tôi ngồi chờ. Tôi ngồi ngó quanh quẩn trong phòng, chợt nghe bà Kim dặn dò người đàn ông chủ hộ: "Hàng tháng ông nhớ trả tiền vé máy bay cho Hội, mà ông đã ký giấy vay mượn, mỗi tháng ông trả dần một ít, bao nhiêu cũng được tùy theo sức của gia đình ông." Người đàn ông nhạt nhẽo trả lời: "Chắc chị dặn cho có lệ mà thôi, chứ tôi có thấy ai trả tiền này bao giờ đâu?" Tôi nghe sao thấy kỳ kỳ!

Khi gia đình đó xong việc, chúng tôi được mời ngồi vào bàn, bà Kim bèn rao giảng "quốc văn giáo khoa thư" cho chúng tôi ngay lập tức: "Anh chị đừng có nghe cái ông hồi nãy nói nha, thiếu tiền vé máy bay của Hội thì phải trả, có ít trả ít, có nhiều trả nhiều, trả đến chừng nào hết nợ thì thôi. Không trả thì vô ơn bạc bẽo lắm, phải trả cho chúng tôi, để chúng tôi có tiền lo cho những người đi sau nữa chứ, Anh Chị thấy có đúng như vậy không?" Tôi gật gù nói phải a! phải a!

Bà còn chỉ dẫn chúng tôi làm nhiều chuyện, trong đó có một chuyện rất quan trọng, là hướng dẫn chúng tôi đến Sở Xã Hội để xin trợ cấp cho những gia đình mới đến Mỹ, đồng thời cũng xin trợ cấp Bảo hiểm Y tế. Sau này hàng tháng chúng tôi nhận được trợ cấp là 600 đô cho gia đình 3 người và còn khám chữa bịnh miễn phí, đây là điều mà chúng tôi rất cảm kích nước Mỹ đã giúp đỡ chúng tôi lúc ban đầu, nếu không thì thiệt là "nín thở."

Bà Kim lại một lần nữa dặn dò chúng tôi đủ thứ chuyện: "Ở với người bảo trợ thì miễn đóng tiền nhà tháng đầu, đến tháng thứ hai phải đóng đầy đủ theo thỏa thuận, gọi điện thoại long distance phải trả tiền cho chủ nhà, ăn ở phải giữ gìn ý tứ nhất là khi xử dụng toa lét..." Liếc ngang, tôi thấy mặt mày vợ tôi lộ vẻ nghiêm trọng, còn tôi, càng nghe càng thấy "oải chẻ đậu".

Trên đường về, bà chị chở chúng tôi ghé vào một ngôi chợ Việt Nam có tên là Đất Mới, ngôi chợ to cỡ trung bình, nhưng rất khang trang và sạch sẽ. Lúc đó ở VN chưa có siêu thị, nên khi bước vào chợ Đất Mới chúng tôi rất ngỡ ngàng và thích thú. Chị giới thiệu chúng tôi với bà chủ chợ: "Khách hàng mới đây nha bà!" Bà chủ tươi cười chào đón và nói năng xởi lởi.

Dạo quanh chợ chúng tôi hết nhìn món này rồi đến món kia, chúng tôi xầm xì tính nhẩm từ tiền đô ra tiền đồng VN, thấy món nào cũng đắt "vàng trời". Cứ tính như thế, sợ đến mức không dám mua gì cả.

Đi chợ xong, chúng tôi kéo đến quầy tính tiền, chị vói lấy cho tôi một tờ báo có tên là Người Việt. Chị nói: "Chú mới qua chắc còn thích đọc báo, người ở đây lâu chẳng ai còn muốn đọc báo nữa!"

Chị đã nói sai, kể từ cái ngày đầu tiên tôi cầm tờ báo này trên tay, tôi đã đọc nó ròng rã suốt 20 năm trời. Trong rất nhiều báo phát hành tại Nam Cali đây là một trong những tờ báo đứng đắn và chuyên nghiệp nhất, đồng thời nó là một tờ báo sống dai nhất trong lịch sử báo chí VN, từ hải ngoại cho tới trong nước, tuổi thọ của nó đã được 35 năm rồi. Phải nói một điều, tờ báo Người Việt này là một phần đời sống của vợ chồng chúng tôi, nếu không có nó sẽ tăng thêm phần tẻ nhạt.

Rồi lần lượt ngày qua ngày, Chị đưa chúng tôi đi làm giấy tờ, khám sức khỏe, học lái xe, học Anh văn mà ở đây người ta gọi là học ESL. À nói chuyện học ESL mới thật tức cười. Ngày đầu tiên đến trường, chúng tôi gặp nhân viên phỏng vấn, họ nói liến thoắng một hồi, mặt chúng tôi cứ nghệt ra, vì có hiểu gì đâu. Thấy bộ tịch "nai tơ" quá, họ bèn xếp vào lớp thấp nhất. Vào lớp, chúng tôi thấy toàn là người Mễ. Sau đó cô giáo cho làm bài kiểm tra, chúng tôi làm rất dễ dàng vì đọc và hiểu hết, trong khi người Mễ họ nói tiếng Mỹ nghe rau ráu mà lại không biết chữ, lạ thật.

Cuối giờ, cô giáo dẫn chúng tôi lên văn phòng đề nghị cho học lớp cao hơn, thiệt là ấm ớ.

Học ESL một thời gian chúng tôi thấy "ngán" quá, bởi vì học đến chừng nào mới thành tài. Trong khi vợ chồng chúng tôi đã lớn tuổi, chữ Mỹ học vô chữ này thì lọt ra ngoài chữ kia. Cứ nói tiếng Mỹ theo cái kiểu "lùng nhùng", trong đầu cứ dịch từ tiếng Việt qua tiếng Mỹ, rồi mới phát ra lời nói. Chúng tôi học còn lâu lắm mới đạt tới trình độ suy nghĩ ngay bằng tiếng Mỹ, cho nên chuyện học còn xa vời lắm.

Sau đó chúng tôi bỏ học ESL, xin vào làm trong một Shop May ở gần nhà. Vợ chồng Chủ Shop là người Việt, không biết các shop may khác ra sao, chứ cái shop này, Chủ biết cách bóc lột người làm ra trò lắm. Tôi đứng ủi quần áo một ngày 10 tiếng, mồ hôi tuôn ra từng chập, vây mà cao lắm chỉ lãnh 20 đô một ngày, trong khi vào thời điểm đó, lương căn bản là 6-7 đô một giờ. Chủ Shop này họ đã tính toán rất kỹ, thí dụ khởi đầu họ giao ủi một cái áo là 15 xu, thấy chúng tôi ủi nhanh quá, họ hạ xuống còn 10 xu, nếu vẫn còn nhanh, họ sẽ tiếp tục hạ xuống nữa, để làm sao ủi cả ngày, họ chỉ trả lương không quá 20 đô. Họ biết chúng tôi là dân mới qua Mỹ, còn hưởng trợ cấp xã hội, cho nên chỉ có thể đi làm "chui" lãnh tiền mặt, cho nên họ tha hồ o ép. Tình "đồng hương" chỉ là chuyện nói cho vui nơi những người này.

Một hôm trong giờ giải lao, đám thợ chúng tôi ngồi tán gẫu trước cửa shop. Bỗng có một anh chàng trạc tuổi tôi, đi đâu đó chạy ngang qua, bèn tạt vào shop ghé thăm người bạn. Anh ta cũng sà vào đám chúng tôi, góp vài câu chuyện vu vơ. Chợt anh ta thốt lên một câu, mà sau này ngẫm nghĩ lại tôi cho đó là một câu định mệnh, đã biến đổi đời sống chúng tôi qua một khúc quanh khác. Anh ta đã nói như thế này: "Các anh em làm ở đây cực quá, lại kiếm không được bao nhiêu tiền. Sao anh em không đi học nghề Nail, nghề này rất dễ kiếm việc làm, công việc nhẹ nhàng mà thu nhập lại cao nữa!" Tôi nghe thế, bèn lấy làm ngạc nhiên lắm, vì đây là lần đầu tiên tôi nghe như vậy. Trong khi Chị tôi và những anh em sống chung trong nhà, chẳng ai nói với chúng tôi điều đó cả.

Vài hôm sau, chúng tôi đến một trường dạy nghề thẩm mỹ xin học. Trường nằm ở vùng South Bay cũng gần nhà, vừa dạy nghề tóc vừa dạy nghề nail, do người Việt làm chủ. Cô giáo cũng người Việt, dạy chương trình tiếng Mỹ, tuy nhiên bài vở đã dịch sang tiếng Việt cho dễ học. Học được vài hôm, có bữa cô giáo nhìn tôi ái ngại rồi nói một câu làm tôi "ngượng điếng người": " Anh xin học nail, để sau này phụ coi tiệm với người nhà của anh phải không? Chứ anh là đàn ông lại lớn tuổi, thì làm nghề này khó xin việc lắm!"

Cô đã nói sai, lúc đó tôi đã ngoài 40 tuổi, và đã làm nghề nail đến nay liên tục 18 năm, không hề thất nghiệp một ngày nào hết!

Sau khi học khoảng 3 tháng là xong chương trình. Chúng tôi xin đi thi tận trên downtown của Los Angeles. Bài thi lý thuyết bằng tiếng Anh, rồi kế đó là phần thi thực hành trên tay người mẫu, tất cả đều được giám sát gắt gao bởi các giám khảo người Mỹ. Trong cuộc đời đi học của tôi, cũng có khi đi thi lấy bằng này bằng nọ, nhưng tôi chưa khi nào sung sướng tột bực, như khi thi đậu cái bằng hành nghề Nail như thế này. Không phải chỉ riêng tôi vui mừng, trong ngày hôm đó ngoài những người Việt chúng tôi, còn có các sắc dân khác nữa. Khi họ được xướng tên lên lãnh bằng, có người kêu rú lên mừng rỡ, có người nhận bằng xong nằm lăn ra trên thảm, lăn lộn kêu gào như người điên. Bởi vì ở Cali thi cử rất nghiêm ngặt, lấy được cái bằng hành nghề không phải dể, có người đi thi mấy năm trời mới thành công, cho nên họ mừng rỡ tột bực là như thế.

Vợ chồng tôi sau đó được nhận vào làm nơi một cửa tiệm, mà cô chủ có họ hàng với anh chị tôi. Phải nói một điều thật lòng, cho mãi đến bây giờ, chúng tôi không bao giờ quên ơn nghĩa của người chủ tiệm Nail đầu tiên này. Lúc đó cô chủ còn trẻ lắm, chỉ độ ngoài 30, cô đã hết lòng hết sức kèm cặp chúng tôi. Bởi vì những điều học ở trường, chỉ đủ để đi thi lấy bằng, còn khi ra tiệm làm thật sự trên tay khách, là một điều hoàn toàn khác hẳn.

Mấy ngày đầu làm việc, tôi sợ nhũn cả người, mồ hôi tuôn ra dầm dề, nhìn thấy cái móng tay sao mà nhỏ xíu, nhìn mấy bà Mỹ đen sao mà kinh khiếp rụng rời, chỉ sợ dũa đứt tay thì thật là tai họa. Cô chủ phải bỏ khách chạy lại giúp tôi, nhất là cái màn cuối cùng thật "hãi", đó là sơn móng tay, tưởng chừng dễ lắm, mà lại là chuyện cực kỳ khó cho người mới vào nghề, cho nên đôi khi gặp màu khó sơn, cô chủ còn phải sơn hộ cho tôi. Đây lại là một người có tấm lòng nhân ái rất lớn đối với đồng hương.

Ở Cali, nghề Nail cạnh tranh khốc liệt, cửa tiệm nhan nhản khắp mọi nơi, hễ có khu plaza là có tiệm nail nằm trong đó. Người Việt chúng ta có một điều rất dở, làm cùng nghề họ chỉ giỏi lườm nguýt, mà chớ hề biết liên kết lại với nhau, cứ phá giá để kéo khách về tiệm của mình. Đó là một trong những lý do khiến cho người Mỹ và các sắc dân khác bỏ nghề nail, để mặc cho người Việt thống lĩnh thị trường, và tha hồ chém giết tranh giành nhau. Dần dần giá cả làm nail ở Cali rẻ mạt, chỉ còn bằng nửa giá ở các Tiểu bang khác.

Cho nên sau bốn năm sinh sống ở Cali, chúng tôi ngậm ngùi từ giã mọi người: Chị tôi, cô chủ tiệm, bạn bè thân quen. Để bay về một thành phố nhỏ thuộc Tiểu bang Illinois, có tên là Joliet, thuộc ngoại ô của thành phố cực lớn là Chicago.

Chúng tôi đến Joliet vào mùa Đông năm 1997, lúc đó tuyết bay trắng xóa bầu trời chào đón chúng tôi, tuyết phủ kín thành phố, và còn phủ kín cả cánh đồng bắp bạt ngàn ở bên ngoài. Bầu trời lúc nào cũng xám xịt, nhiệt độ luôn luôn dưới âm độ C. Khung cảnh vừa đẹp man dại vừa thê lương khủng khiếp. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi, đây là nơi chỉ sống tạm bợ để kiếm tiền, chứ không thích hợp cho chúng tôi để sống một cuộc sống lâu dài.

Truyện Kiều có câu: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" Tôi nghĩ không nhất thiết phải như vậy đâu, mà có khi còn ngược lại như thế nữa: "Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ". Không biết có phải trời quá lạnh lẽo hay không? Không biết có phải cái màu trắng ghê rợn của tuyết hay không? Mà sao cảnh vật buồn đến "nín thở", buồn đến độ chán ngán "nẫu" cả người, không còn thiết tha đến điều gì nữa hết, rất dễ đưa người ta đến những ý tưởng tiêu cực.

Tới bây giờ sau một thời gian dài sống trên đất Mỹ, tôi cũng không hiểu tại sao cảnh vật nơi xứ này trông buồn lắm, không phải chỉ ở các tiểu bang lạnh giá, mà ngay cả các tiểu bang nắng ấm cũng buồn nhưng đở hơn mà thôi. Giống y như một câu thơ của Hoàng Anh Tuấn: "Ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc" lúc đó tôi nghĩ, mãi mãi tôi chỉ là một người đi lạc ở một nơi chốn không có hồn Việt Nam, chỗ nào đối với tôi cũng đầy xa lạ, vì nó không phải là quê nhà, ở đó tôi có biết bao kỷ niệm, từng dãy phố, từng hàng cây, từng tiếng động và ngay cả từng con người...

Ở Cali, nắng vàng rực rỡ quanh năm, muốn ăn phở là có phở, muốn xôi chè bún mắm đều có đủ, không thiếu một thứ gì ở quê nhà, nên cái buồn quạnh quẻ, nó không đến nỗi nào. Còn ở cái vùng đất Joliet này, quả là nơi cùng trời cuối đất cho người Việt chúng tôi, nơi đây chỉ toàn là người Mỹ, chỉ toàn là xe Mỹ, và nghe tiếng Mỹ rào rào điên đầu điếc óc. Chủ nhật hàng tuần, chúng tôi lái xe lên khu VN ở khu uptown Chicago. Có những hôm trời đổ tuyết dày đặc, chúng tôi cũng phải đi, không đi thì trong lòng nôn nao không sao chịu được, giống như phát ghiền cái không khí VN ở nơi đó.

Lái xe khoảng một tiếng, đường xa độ chừng 80 cây số, đến nơi chúng tôi đi chợ Việt Nam, mua rau cải, nước mắm nước tương, cá trê vàng, cá ba sa từ VN chuyển qua... rồi mua những món ăn chơi như chè đậu, chuối nướng, bánh ú, bánh cam, bánh còng... Ghé vào tiệm mướn phim bộ Hong Kong (lúc đó chưa có phim Hàn quốc), mua dĩa nhạc, sách báo VN... Rồi vợ chồng con cái kéo vào tiệm ăn tô phở, tô mì hoặc dĩa cơm tấm... và nhìn người Việt đi qua đi lại, chuyện trò râm ran bằng tiếng Việt. Chỉ có vậy thôi, mà sao đỡ nhớ nhà nhớ quê nhiều lắm. Có những chiều trời lạnh căm căm, gió Chicago lồng lộng thổi, chúng tôi co ro đi trên phố vắng người, mà trong lòng thấm thía thế nào là ly hương, thế nào là viễn xứ, "tình ngỡ đã quên đi, nhưng tình bỗng lại về..."

Sau 5 năm chịu đựng những mùa đông xứ tuyết, cái lạnh giá thì có thể chịu được, nhưng cái buồn "nát cả lòng" thì không tài nào chịu nổi, có lẽ tôi là người quá nhạy cảm chăng? Sau khi con gái tốt nghiệp Trung học, chúng tôi quyết định rời bỏ Joliet, để đi về miền nắng ấm Florida. Vất hết đồ đạc, chúng tôi chỉ mang theo quần áo và đồ dùng hàng ngày, chất lên chiếc xe van Honda Odysse. Tôi bấm 3 hồi còi dài để chào gĩa biệt Joliet.

Đến Jacksonville - Florida, được gia đình bạn tôi Lê Tấn Đức K2 giúp đỡ lúc ban đầu. Sau đó, chúng tôi mua một căn nhà nhỏ, rồi sang lại một tiệm nail cũng nhỏ chỉ có hai vợ chồng lủi thủi làm với nhau, tiền bạc không kiếm được nhiều như hồi còn ở Joliet, nhưng mà tôi thấy vậy cũng đủ rồi, "tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc." Con gái cũng tốt nghiệp Đại học, cũng sống đời bình thường với chúng tôi. Và từ đó, tôi nghĩ ông Trời đã đãi ngộ cho tôi quá nhiều, sau những gian truân mà tôi gặp phải, tôi chỉ cầu mong được như vậy thôi mà.

Trong khoảng 10 năm đầu sống trên đất Mỹ, tôi vẫn đau đáu trong lòng một nỗi niềm, giống như một câu kinh nhật tụng: "Tôi sẽ về lại Việt Nam... tôi sẽ về..." Như tôi đã nói "ở một chỗ tưởng chừng như đi lạc", lúc đó tôi thầm nhủ, tôi sẽ mãi ngơ ngác trên vùng đất xa lạ này. Và tôi chớ hề nghĩ rằng sẽ có một ngày tôi đổi khác.

Rồi cứ hai năm, chúng tôi trở về thăm quê nhà một lần. Và cứ mỗi lần về quê, cảm giác của tôi càng ngày càng lạ lẫm, bởi vì "nó" không còn là quê "ngày xưa" của tôi trong tâm tưởng nữa rồi. Có đi xa rồi ngoái cổ nhìn lại quê mình, lúc đó mới thấy một điều đau lòng, là đất nước ta còn vô vàn những điều bất cập, mà lúc còn sống trong nước tôi chớ hề thấy điều này, và tôi cũng e rằng trong vòng vài ba thế hệ nữa chúng ta vẫn chưa khắc phục nổi.

Khi về thăm VN, tôi có gặp những người giàu có thành đạt rất lớn, họ nói với tôi rằng: "có tiền ở Việt Nam vẫn sướng hơn ở Mỹ!" Tôi thấy đây là luận điệu của những người "ếch ngồi đáy giếng" Và tôi cũng không biết nói sao cho họ hiểu, bởi vì nhiều bạc tiền đến đâu chăng nữa, họ cũng không làm sao có được một môi trường sống "lý tưởng" như ở Mỹ, cho dù đến đời con đời cháu của họ cũng không tạo dựng nổi.

Chúng tôi ở Mỹ đến nay đã được 20 năm, cái "chất Mỹ" nó ngấm từ từ vào người lúc nào cũng không hay nữa. Cũng "cày" cật lực một ngày 10 tiếng, để có tiền trả tiền nhà, tiền xe, tiền bill, tiền thuế, tiền insurance, tiền nuôi con ăn học và hàng trăm thứ tiền "bà rằn" khác...

Dần dần chúng tôi cùng vui cùng buồn với nước Mỹ, chứ không còn thờ ơ lạt lẽo như trước nữa. Từ từ rồi chúng tôi cảm nhận được sự sung sướng khi được sống trong một đời sống văn minh, một môi trường trong lành, một xã hội trật tự ngăn nắp, ở một nơi mà người ta có rất nhiều cơ hội tiến thân, và cũng chính nơi này mọi người đều nhiệt tình đóng góp bổn phận công dân cho đất nước, rất nghiêm chỉnh với vị trí của mình.

Dĩ nhiên, không nơi nào mà không có các tệ nạn xã hội, nước Mỹ cũng vậy, cũng có cướp của giết người, cũng có lưu manh lừa đảo... nhưng những tệ nạn này càng ngày càng bị đẩy lùi một cách rốt ráo, cho nên nó trở thành hiếm hoi chứ không đầy dẫy, như cách nói của những người không ưa nước Mỹ.

Xa quê lâu quá, chúng tôi không còn con đường trở về nữa rồi, chúng tôi đã đổi khác, dẫu cho rằng:" Nguồn ngọn đã chia xa mấy đỗi. Sao nghe róc rách mãi trong lòng..." (thơ Hà Nguyên Dũng). Bởi vì, dần dần chúng tôi không còn chán ngán những dãy nhà buồn hiu, những con người xa lạ, và nhất là không còn thấy một nước Mỹ lạnh lùng với mình nữa. Cho nên chúng tôi đã chọn nước Mỹ là quê hương thứ hai, đúng như ai đó đã nói:" Nước Mỹ không là Thiên đường, nhưng là một nơi đáng sống nhất trên cõi đời này."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét