khktmd 2015
Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014
TẠI SAO NGƯỜI TA CÒN MÃI NGHE HỌ HÁT?
Tại sao chúng ta còn nghe mãi những ca sĩ này hát những bài hát này, dù không bất kỳ ai trong số họ từng được mệnh danh là vocalist? Tất nhiên, có vẻ chẳng ai trong số các ca sĩ yêu quí của chúng ta ngày đó đã từng được đào tạo kỹ năng xướng âm hoặc thanh nhạc. (Mấy kẻ trong số họ có thể xướng âm ngay một dòng nhạc mà không tập trước? Bao nhiêu người có thể hát không cần hỗ trợ của dàn ampli cùng với loa?) Cũng thế, trong số các nhạc sĩ viết ca khúc cho họ hát cũng có mấy ai đã từng học qua hòa âm từ sơ đến cao cấp, nói gì đến đối âm “thuận” với đối âm “nghịch”, nói gì đến các kỹ thuật tẩu pháp - để biết thế nào là triển khai “nhạc đề”, thế nào là khai thác “cung”, “quãng”? Tóm lại, cả người viết ca khúc lẫn người hát đều chỉ là “nghiệp dư”, chỉ là “tự phát”, một cách hồn nhiên, thế thôi. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta sẽ không đánh đổi dù chỉ một câu họ hát để lấy thậm chí cả một tủ CD “Tiếng Hát Thanh Lam”.
Không ít người đã trả lời rằng những ca sĩ của chúng ta ngày đó tuy không qua đào tạo hàn lâm nhưng được trời cho chất giọng rất hay, rất độc đáo, “chẳng ai giống ai”, “chẳng lẫn vào đâu được”. Họ chỉ cần cất tiếng hát lên một vài chữ, ta đã có thể nhận ra là ai - Carol Kim ắt phải khác Julie Quang, Connie Kim không hề giống Mai Lệ Huyền, Thanh Tuyền lại càng khó lẫn với Thanh Thúy. Duy Khánh thì không thể nào bị nhầm thành Chế Linh, Nhật Trường thành Hùng Cường, Tuấn Ngọc thành Sĩ Phú, Jo Marcel thành Elvis Phương cho được. Ca khúc họ hát cũng thế, cứ như thể đã được “đo ni đóng giày” vậy: Đúng như có người đã bảo, nghe “buồn vào hồn không tên” thì ắt là người này, “từng bước từng bước thầm” - hẳn là người kia, “gửi tới em gửi tới em một hạt mưa lẻ loi” - phải là người ấy, “cái trâm em cài là do người yêu em biếu đó” - chắc chắn là người nọ, “mỗi năm đến hè lòng man mác buồn” - thôi rồi, lại người khác nữa! Ấy chưa kể nhạc intro và phối khí: Chỉ “trong vòng đôi ba (thậm chí “một”) nốt nhạc”, ta đã nhận ra “bài quen, người quen”. Tóm lại, tất cả - từ giọng hát, đến bài hát, nhạc đệm - đều để lại ấn tượng “in hằn, khoét sâu, đâm thủng”, khiến người nghe phải “nhớ cả đời”, thậm chí “cả đến kiếp sau” - điều mà “nhạc ta” hôm nay có “mơ cũng chả được” (khiến một nhạc sĩ đương đại ganh tị đến mất cả kiên nhẫn, phải thét lên: “Thời này mà người ta cứ còn nghe mãi một loại nhạc… như thế là bất bình thường!”)
Một cách giải thích quen tai nữa là các ca sĩ ngày đó hát “có hồn” hơn, và các ca từ cũng “có ý nghĩa” hơn, đồng thời “văn vẻ” hơn. Trong hai điều vừa nêu, thực ra, điều thứ hai (ca từ) có tính quyết định: Nếu lời ca “vô nghĩa” hay “thô thiển”, ai có thể hát cho “ra hồn”? Và nó cũng đòi hỏi cách diễn tả phù hợp. Nhân đây không thể không nhớ đến những “ca” phối hợp trớ trêu giữa một bên là “ca từ ngày đó”, còn bên kia - “giọng hát bây giờ”, mà kết quả là người viết ca khúc phải than thở rằng ca sĩ “hát nhạc ông không ra được cái hồn”, hoặc thậm chí năn nỉ người hát “tha cho nhạc của ông”!
Lí do người ta đưa ra có khi còn cực đoan hơn thế. Chẳng hạn, theo mợ tôi - một người rất sành bếp núc - thì ‘các giọng hát ngày ấy là chim trời, cá biển, tự sinh tự trưởng, chẳng do ai nuôi nhốt, ắt “thịt” phải săn hơn, ngọt hơn, có giá trị dinh dưỡng hơn hẳn so với các “diva”, “divo” được sản xuất từ chuồng trại công nghiệp hôm nay, dù có tẩm ướp gia vị đủ loại thế nào thì cứ vẫn “không bở bục cũng dai nhách”, chưa kể phẩm mầu công nghiệp, dư lượng kháng sinh, mợ có muốn thử cũng chả đành lòng.’ Còn theo cậu tôi - rất sành hoa quả - thì ‘họ như quả tự nhiên chín cây, thơm, lành, mát, ngọt, ngon, bổ, đủ kiểu, chẳng như hôm nay, rặt hàng biến đổi gien hết canh tác bằng phân hóa học, thuốc trừ sâu, lại thu hoạch bằng thuốc kích phọt, thuốc thúc chín, rồi bảo quản bằng “phong phú và đa dạng” các hóa chất “chưa được kiểm định” khác, thảy đều “nằm ngoài danh mục cho phép”, bao giờ chán sống cậu mới ăn.’
Hẳn rằng tất cả những lí lẽ “yêu” / “ghét”, “đẹp” / “xấu”, “hay” / “dở” của chúng ta đều chủ quan. (Như một “nhà” nổi tiếng nào đó đã phán: “Đẹp là gì? Ấy là con cóc cái đối với con cóc đực của nó!”) Chỉ cần lấy thí dụ về ca nhạc thôi: Michael Jackson có là tượng đài của bao nhiêu người thì cũng có bấy nhiêu kẻ bĩu môi. Whitney Houston đoạt hết Grammy này đến Grammy khác ư? Ái chà, nhưng bảo đảm trong túi xách của ô-sin nhà tôi sẽ chẳng bao giờ có CD của diva ấy. Thần tượng của bạn có giọng ca siêu phàm đến độ có thể “hát hay cả một danh bạ điện thoại” hả? Tốt thôi, nhưng ông (hay bà) ấy cứ việc nằm yên đấy trong sọt rác của một ai đấy khác, chả tại sao hết! Trở lại với những ca sĩ của chúng ta ngày đó, với chủ quan tôi, có thể sẽ không bao giờ thôi nghe họ không hẳn vì những giọng hát và những bài hát ấy “thực sự hay”, mà đơn giản tôi không chỉ nghe họ hát, cũng không chỉ nghe lại những ca khúc; tôi “nghe” lại một phần đời của tôi và của cả những người thiết thân nhất với tôi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét