khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Rosetta và sứ mạng lên sao chổi -- Lê Mạnh Hùng






Cố gắng táo bạo gởi một phi thuyền hạ cánh xuống một sao chổi của Cơ Quan Không Gian Châu Âu nay đã kết thúc, ít nhất là vào lúc này. Mặc dù một cố gắng tuyệt vọng cuối cùng để thúc đẩy trạm hạ cánh Philae di chuyển đến một chỗ khác có thể bắt được đủ ánh sáng mặt trời để sạc các bình điện của mình, mọi liên lạc với nó đã hoàn toàn bị mất vào lúc 00:36 GMT vào ngày thứ bảy tuần qua. Bây giờ thì các nhà khoa học chỉ còn hy vọng là ngôi sao chổi có tên là 67P mà Philae chọn làm quê hương sẽ tiến gần mặt trời đủ vào tháng 8, 2015 để có thể giúp cho Philae hồi sinh.

Mặc dù sứ mạng Rosetta này đã chiếm mất một phần tư thế kỷ để chỉ thâu được vài ngày dữ liệu, nhưng những nhà khoa học tại Darmstadt, Đức quốc nơi đặt sở chỉ huy sứ mạng này vẫn tự hào coi nó là một thành công vỹ đại. Họ vui mừng vì chỉ việc đến được ngôi sao chổi cũng là một thành quả lớn đó là chưa kể chỉ trong mấy ngày hoạt động, đến 90% những thí nghiệm khoa học mà họ dự định thực hiện đã được thực hiện. Như một nhà khoa học của ESA nói, “Chúng tôi đã có được những dữ liệu kỳ diệu.”

Nhưng những người như chúng ta không trực tiếp dính líu tới sứ mạng này ngược lại lại cảm thấy có một tiếc nuối. Bản năng của con người muốn nhân cách hóa không chỉ giới hạn vào những con vật mà còn đến cả máy móc nữa như những ai đã từng coi bộ phim Star Wars đều có thể thấy. Thành ra nếu cơ quan ESA làm chúng ta đồng tình và thương cảm cho một cái máy hạ cánh thì cũng không có gì lạ. Trong những ngày qua, chắc hẳn nhiều người chúng ta đều thương cảm cho Philae, tưởng tượng nó đứng trên mặt đất lạnh cứng của sao chổi thèm muốn một ánh sáng mặt trời trong lúc với sức khỏe một lúc một kiệt quệ từ từ “beep, beep” gởi dữ liệu về cho ta ở trái đất.

Nhưng đó chỉ là một phần của cái hấp dẫn mà sứ mạng này tạo ra. Trong mấy ngày của tuần qua người ta có thể tạm quên đi những gì xảy ra trên trái đất này. Trong những ngày này những dòng chữ lớn trên trang đầu báo chí - ít nhất là tại Luân Đôn - không còn nhắc đến những vụ đổ máu tại Trung Đông hoặc Ukraine, không nhắc đến tình trạng bạo dâm đối với trẻ em hoặc Ebola. Ngay cả những người không hề có ước vọng ra khỏi hành tinh này cũng có thể hưởng thụ giây phút giải thoát đó.

Nhưng sứ mạng hạ cánh xuống sao chổi này không phải chỉ giúp cho người quên những bi thảm của quả đất này mà nó còn mang lại một hy vọng. Rosetta là một điển hình của sự hợp tác của con người trong một thế giới đầy tranh chấp. Không phải chỉ riêng các nước Châu Âu hợp tác với nhau mà cả NASA Hoa Kỳ cũng góp phần. Và hãy để ý đến tên của các dụng cụ. Phi thuyền mẹ được mang tên Rosetta lấy tên của tấm bia mà sự tìm ra nó giúp giải mã văn tự cổ Ai Cập mở ra cho các sử gia cả một thế giới cổ đại mới. Các tên khác: hệ thống đo lường Ptolemy; máy thâu hình Osiris và chính cái tên của Philae của bộ máy hạ cánh đều là những tên rút từ cổ Ai Cập, nền văn minh cổ nhất thế giới. Tất cả khuyến dụ một tham vọng, tương tự nếu không nói là lớn hơn, muốn giãi mã những bí mật của vũ trụ. Qua việc nhắc lại quá khứ cổ đại của nhân loại, sứ mệnh này được trình bày như là một sứ mệnh của toàn thể nhân loại chứ không phải của riêng một nước hay một châu nào. Đó là lý do không có một lá cờ nào được cắm trên sao chổi 67P vì như Giáo Sư Jessica Hughes của trường đại học Open University giải thích Rosetta đã trở thành “đại biểu xa xôi của di sản chung của chúng ta từ trái đất.”

Tất cả chuyện đó còn chưa nói đến mục tiêu khoa học của sứ mệnh này. Các nhà khoa học nói, “Chúng ta đại biểu cho mũi nhọn của khoa học.” Và họ nói đúng. Họ đang thăm dò những bí mật sâu đậm nhất của vũ trụ bao gồm cả bí ẩn sự sống phát sinh như thế nào. Và điều mà người ta biết từ thời thiên Sáng Thế Ký (Genesis) của Kinh Thánh được viết ra là câu hỏi nguồn gốc của sự sống bao giờ cũng gắn liền với câu hỏi mục tiêu của sự sống. Ngay từ lúc bình minh của nhân loại, câu hỏi, “Chúng ta từ đâu đến?” bao giờ cũng đính kèm câu hỏi, “Tại sao chúng ta lại ở đây?” Đó là lý do tại sao việc ra khỏi sự kiềm tỏa của trái đất lại dễ dẫn đến những cảm xúc về tinh thần. Một trong những phút đáng ghi nhớ nhất của triều đại Tổng Thống Ronald Reagan của Mỹ là trong lúc truy điệu sáu nhà phi hành tử nạn trong vụ nổ phi thuyền Challenger. “Họ đã,” ông nói, “Ra khỏi những xiềng xích của trái đất để đến trước mặt Thượng Đế.”

Cố nhiên ta không cần phải tin tưởng vào một tôn giáo nào để có thể chia sẻ những chuyện đó. Những người vô thần, nhất là trong cánh tả trước kia vẫn có một niềm tin của riêng họ. Ho tin tưởng rằng nhân loại đi trên một con đường tiến bộ bất khả cưỡng lại, rằng thế giới trở nên tốt hơn với mỗi thế hệ. Nhưng những sự tàn sát của thế kỷ trước đã lấy đi của họ - và cả chúng ta nữa - cái niềm tin đó. May mắn là lâu lâu một tiến bộ như vừa qua đã làm sống lại đôi chút cái hy vọng lạc quan đó. Ngay cả nếu chúng ta không bao giờ còn nhận được tin tức gì của Philae nữa chúng ta vẫn còn có thể vui mừng vì Philae đã lên đến Sao Chổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét