khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Bẩy cách lấy cảm tình từ người đối diện



Nghiên cứu cho thấy những mối quan hệ tốt đẹp sẽ dẫn đến hạnh phúc, và việc quen biết nhiều người rất có lợi trong việc tìm kiếm và thăng tiến nghề nghiệp. Quan trọng là thế, nhưng không phải ai cũng thành công trong việc lấy cảm tình từ người đối diện.

Ông Robin Dreeke, giám đốc chương trình phân tích hành vi con người của cơ quan FBI với kinh nghiệm gần ba thập niên nghiên cứu về lĩnh vực này, chia sẻ 7 cách thức sẽ giúp lấy được sự tin tưởng từ những người lạ mặt và để sau đó tạo được cảm tình nơi họ.

Sau đây là tóm lượt những lời ông Robin Dreeke trong cuộc phỏng vấn với tờ Time.
Cười tươi trong khi cằm hơi cúi xuống để mắt hướng lên là một cách tạo cảm tình từ người đối diện. Trong hình là công nương Catherine Middleton của Vương Quốc Anh.

1. Không xét đoán khi trò chuyện.

Hỏi. Lắng Nghe. Nhưng đừng đoán hay đánh giá những gì người kia nói. Không ai thích bị đánh giá, nhưng nhiều người lại thường đánh giá người khác. Khi chưa biết một người, thói quen của bạn sẽ là vừa nghe vừa cố gắng đoán tính cách của người kia.

Khi nghe lời hạp ý từ người đối diện, bạn vốn dĩ sẽ không có vấn đề gì. Khi nghe lời trái ý, thông thường bạn sẽ phật ý và cuộc nói chuyện sẽ phần nào không được trôi chảy nữa. Ông Dreeke nói trong trường hợp này, thay vì bạn lên tiếng phản bác hay giữ trong lòng sự phật ý, thì hãy đặt câu hỏi: “Tôi chưa từng nghe những lời tương tự. Điều gì đã xảy ra cho bạn khiến bạn có ý nghĩ như thế?”
Khi họ bắt đầu nói về bản thân, câu chuyện sẽ vừa bớt căng thẳng cho bạn, vừa khiến chính họ thấy vui hơn. Một nghiên cứu cho thấy rằng được nói về bản thân khiến con người hạnh phúc còn hơn là khi kiếm nhiều tiền hay ăn được một món ngon.

2. Dẹp cái tôi. Tập trung vào nhân vật chính- người đối diện.

Nếu muốn chiếm cảm tình người đối diện, ông Dreeke nói hãy liên tục tự nhủ rằng ý kiến của mình không quan trọng bằng ý kiến của người kia. Đặc biệt khi muốn lên tiếng phản đối một ý kiến nào đó của người bạn chỉ đang làm quen, hãy lựa lời cẩn thận. Chẳng có lợi gì trong việc chứng tỏ là bạn đúng và người kia sai. Họ có thể chẳng dễ dàng bị thuyết phục bởi bạn. Bản chất của con người là sẽ phòng thủ ngay khi thấy có người có vẻ tấn công mình. Hãy nhớ, người kia là nhân vật chính, hãy để họ được nói những gì họ nghĩ.

3. Lắng nghe. Đừng cố nêu quan điểm.

Đa số mọi người đều vừa nghe vừa tìm câu đối đáp để đưa được tiếng nói của mình vào cuộc đối thoại. Bạn vẫn có thể có một cuộc đối thoại đồng đều giữa hai bên, nhưng thay vì cố vắt óc để chứng minh quan điểm của mình, hãy đặt câu hỏi xoay quanh những ý kiến mà người kia đã đưa ra. Hãy lắng nghe một cách nhiệt tình, bạn sẽ biết phải hỏi gì tiếp theo. Thỉnh thoảng, khi đồng ý về một điều gì đó, hãy gật gù đôi chút, hoặc lập lại một vài điểm chính mà họ vừa trình bày.

4. Đặt câu hỏi về những thử thách phải vượt qua.

Lắng nghe, và đặt câu hỏi. Cho những người không biết phải đặt câu hỏi đến người đối diện như thế nào, ông Dreeke nói hãy hỏi về những khó khăn mà người kia đã phải vượt qua, tùy theo câu chuyện mà người đó đang trình bày. Theo ông Dreeke, mọi công việc hay hoàn cảnh đều có những khó khăn riêng, và ai cũng sẽ không ngại chia sẻ về vấn đề này. Bạn phải vượt qua những khó khăn nào khi mới vào nghề, những ngày tháng đầu dọn đến vùng đất này có gì thử thách không... những câu hỏi dạng này sẽ dễ dàng giúp khơi gợi người kia trò chuyện cùng bạn.

5. Tạo cảm giác an toàn trước người lạ mặt.

Tùy vào vẻ ngoài và hành vi của bạn, người đối diện có thể cảm thấy an toàn hay sợ hãi khi phải mở lời trò chuyện. Cho biết bạn chỉ có vài phút nói chuyện cũng là một cách có thể giúp tạo cảm giác an toàn cho những người bạn sắp làm quen.

Theo ông Dreeke, ai cũng thường cảnh giác trước một người tự nhiên tìm cách trò chuyện với mình, và trong đầu họ sẽ tự nghĩ ra những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Điều này sẽ khiến người ta phòng thủ, và sẽ không mở lòng ra với bạn. Khi bạn cho họ biết rằng bạn sẽ sớm rời đi, người ta cảm thấy an toàn hơn, và dễ dàng nói chuyện để sau đó cảm mến bạn hơn.

6. Cử chỉ tạo cảm giác vui vẻ.

Việc bạn nói gì chỉ là một phần của cuộc đối thoại. Cử chỉ, điệu bộ của bạn đóng một vai trò quan trọng quyết định một ai đó có cảm tình với bạn hay không từ những hình ảnh đầu tiên. Một vài điều nên làm: cười thật tươi, đầu cúi xuống một chút để cằm hạ thấp xuống và mắt thì nhìn hướng lên, mắt mở to, lòng bàn tay nên ngửa lên thay vì úp xuống. Thái độ vui vẻ và những cử chỉ gợi mở của bạn giúp tạo một cảm giác tích cực cho người đối diện, từ đó, họ sẽ bớt căng thẳng và sẽ thấy dễ chịu khi nói chuyện cùng bạn.

7. Và khi gặp người đang cố lấy cảm tình.

Điều cuối cùng Dreeke chia sẻ là cách phản ứng khi đối diện một người thực hiện đúng những bước trên để cố gắng lấy cảm tình của bạn: hãy hỏi rằng người ấy đang thực sự muốn gì. Theo ông Dreeke, việc thẳng thắn đặt câu hỏi trên có thể ngăn chặn được những ý đồ xấu, và vẫn không đánh mất những mối quan hệ tốt. Nếu chỉ muốn làm quen chân thành, bạn cũng như những người khác sẽ không phải ngại ngùng gì khi gặp câu hỏi này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét