khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Bị phê bình, thì làm sao?


 

 
Làm sao tránh khỏi lời phê bình nhỉ? Ngay cả đức Phật hay chúa Jesus còn bị phê bình chỉ trích tơi bời thì chúng ta làm sao thoát. Vậy mà có ai muốn nghe lời phê bình không? Chắc ít có ai lắm. Mà có nghe thì cũng không thích.

Tại sao chúng ta không thích nghe lời phê bình? Mỗi lần nghe ai phê bình, chúng ta thường phản ứng ngay lập tức. Đây là cách tôi hay trả lời khi bị phê bình: Thí dụ cô bạn tôi nói “Bà nóng tính quá, bốp chát quá khiến người ta mất lòng”, tôi sẽ trả lời ngay “Còn bà thì lúc nào cũng vuốt đuôi, nói theo cho người ta khoái tuy trong lòng mình nghĩ khác”. Tức là tôi tìm một khuyết điểm gì đó của người ta để trả đũa, cho dù nó có đúng hay không. Bạn tôi nghe tôi nói như vậy thì sượng sùng, đỏ mặt tía tai, cãi lại không được nhưng cũng không dễ gì mà chịu phép đâu, chỉ dằn lại để hai đứa khỏi choảng nhau thôi. Cho đến khi một câu phê bình khác xuất hiện.

Kiểu phản ứng này tôi làm thường xuyên và thấy nhiều người khác cũng vậy. Thí dụ tôi la con tôi một chuyện gì đó, lập tức nó sẽ tìm ra được một lỗi lầm của tôi để trả đũa lại. Bây giờ đâu còn cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nữa. Trẻ con và người lớn bình quyền nên con trẻ cũng có thể phản ứng y như cha mẹ chúng. Tức là trả đũa. Nhiều khi chúng nói những câu trả đũa làm mình đến sững sờ.

Chúng ta không thích nghe lời phê bình giản dị là vì người nói câu phê bình đã đưa ra một hình ảnh không giống với hình ảnh về mình mà chính chúng ta phác họa ra và tin vào đó. Tôi nghĩ rằng tôi đúng, ngay thẳng, thành thật, toàn những đức tính. Nhưng bạn tôi đưa ra hình ảnh một người bốp chát, dễ ghét, hay làm mất lòng người khác. Để chống lại cái hình ảnh này, tôi phải tiêu rất nhiều năng lượng nhưng chưa chắc đã thành công. Hai hình ảnh trái ngược này, khó chập làm một lắm. Vì người nào cũng giữ khư khư cái hình ảnh mình đã vẽ nên, khác nhau một trời một vực.

Sau khi trả đũa rồi, về nhà tôi cũng có suy nghĩ lại và cảm thấy “hình như” bạn mình nó nói đúng. Nhưng mình cũng đã lỡ trả đũa làm nó mất mặt, bây giờ gặp lại nó mà tự thú là nó nói đúng thì mình cũng... mất mặt, chắc chịu không nổi. Cho đến khi tôi lên mạng và tình cờ đọc được một cách trả lời những câu phê bình mà mình thấy là... cũng đúng. Và áp dụng liền.

Đây, bạn nên thử cách dưới đây, cam đoan sẽ làm cho bạn bớt nổi giận mà “đối phương” cũng hết đường nói tiếp. Đó là: bạn đồng ý ngay với lời phê bình ấy. Thí dụ: Hôm nọ tôi đi tập thể dục trở lại sau một thời gian nghỉ ở nhà vì làm biếng. Thì gặp ngay một câu chọc: “Bà này chỉ đi tập khi nào có thầy đến thôi.” Bình thường thì tôi sẽ cảm thấy khó chịu và sẵn sàng phang một câu trả đũa, thí dụ: “Còn bà thì cũng vậy, có khác chi ai.”

Nhưng không hiểu sao hôm đó, tôi lại “từ bi bất ngờ,” không nổi nóng mà lại thở một cái rồi ngồi suy nghĩ. Suy đi nghĩ lại, tôi thấy chị này cũng có phần đúng, tôi nghỉ tập vì làm biếng một phần và một phần khác là tại thầy đi vắng. Thầy đi vắng thì không có ai dạy cái gì mới, hơi buồn, đi làm chi. Tâm lý này là tâm lý chung của tất cả chúng tôi. Tôi bèn chọc lại: “Sao bà nói trúng tim đen tui quá vậy! Không có thầy đến dạy là tôi có khuynh hướng muốn ở nhà.” Thế là im ru luôn.Chị bạn “được” người ta đồng ý một cách quá bất ngờ đến không còn biết nói gì nữa.

Chị ấy có cơ hội nói lên quan điểm của chị ấy, tôi cũng nhờ câu nói của chị mà có dịp nhìn lại chính mình, tìm ra một hạt sự thật nào đó trong câu nói của chị. Quan trọng hơn nữa là tôi giữ được bình tĩnh và hòa khí thay vì hùng hổ cải chính làm không khí kém vui đi.

Phản ứng tiêu cực với những lời phê bình sẽ không làm im tiếng phê bình được, chắc chắn như vậy. Chẳng những thế, nó còn làm cho người phê bình tin chắc rằng họ đã nói đúng về bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét