khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Áo Dài Cũng Đủ Bận Lòng Nhà Thơ - Tác giả Lê Văn Nghĩa



Nhà thơ Nguyên Sa có những câu thơ đã đi vào tim những chàng trai ở lứa tuổi yêu em mặt khờ và đầy mụn: “Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát/bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” hay “ Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc/ Áo nàng yêu anh mến lá sân trường” khi nhìn những cô nữ sinh Gia Long, Trưng Vương áo trắng tung bay như những con chim câu nhỏ giờ tan lớp.
Thuở ấy-dù đã có các nhà lý luận phê bình sinh sôi nẩy nở-tất nhiên có nhà văn, nhà thơ thì phải có nhà phê bình cho nó đủ tụ- nhưng chưa nhà phê bình nào đặt ra câu hỏi mang tính triết học “ Áo lụa hà Đông , áo màu vàng là áo gì? Áo pull hay áo lá? Áo bà ba hay áo vải ny long? Áo Gi-lê hay áo pành tà lồng? Áo cánh hay áo soutien? (Nhà thơ Nguyên Sa đã từng có câu thơ ngón tay nào mở áo soutien chớ bộ chơi sao!) .
Tất nhiên các nhà phê bình thời ấy đủ chất xám trong não để không phải đặt câu hỏi thuộc loại 5W nầy. Bởi các nhà phê bình có được sự chứng nhận của công chúng yêu văn học hay không đều phải tự biết sự mặc định về chiếc áo mà con gái hay mặc và xuất hiện trong thơ lúc đó: chiếc áo dài. Dù cho “Áo em trắng quá nhìn không ra” (Hàn Mặc Tử) hay áo màu tím mà ngày xưa anh vẫn yêu, hoặc áo xanh mộng mị bay vào thơ của Bùi Giáng- các “nhà” ấy không cần thêm vào chữ “dài” chi cho mệt và tốn giấy mực vì lúc ấy phụ nữ chỉnh chu thuần chất “con nhà lành” đều mặc áo dài khi đi ra đường. Những người nữ công chức phải mặc áo dài để đi làm. Hồi nhỏ, tôi được chiêm ngưỡng chiếc áo dài từ mẹ rồi sau đó là chị hàng xóm hàng ngày đi ngang trước cửa nhà tôi để lên quận làm việc. Tôi chẳng biết đó là áo dài cổ cao hay áo dài “bà Nhu” hở cổ nhưng nhìn chiếc áo dài nào cũng đẹp đến nỗi tôi tự hỏi một câu ngu ngốc đến dễ thương là “tại sao con trai không được mặc áo dài?” Đứa bé gái 11 tuổi thi đậu vào trường công hay học trường tư đều phải mặc áo dài để đi học. Cũng như con trai phải quần xanh áo trắng. Chứ không phải như bây giờ mỗi trường đều có quyền quy định đồng phục của trường kiểu nào, nhà cung cấp nào tùy theo lợi ích của vị hiệu trưởng được thu về trong thời đại gặt hái đủ mọi kiểu nầy.
Nữ sinh học bảy năm trung học, hàng ngày phải mặc áo dài đến trường nên áo dài trở nên chiếc áo quá đỗi thân thuộc. Các em tuổi ngọc trong bài nhạc của Phạm Duy “cho em xin một chếc áo dài” để ra dáng tiểu thơ, đi nhẹ, nói khẻ trong buổi chiều nhiều chàng theo.Khi lớn lên cô gái vào đại học vẫn mặc áo dài dù lúc đó trường đại học không bắt buộc nhưng cô gái đã quen rồi. Khi đi vào công sở đa số các cô vẫn mặc áo dài vì không thể mặc gì khác để trông đứng đắn hơn mặc dầu thời sau nầy Sài Gòn đã có đủ các loại thời trang như Mini jupe, Rop, Maxi, quần Pat áo pull…Những loại thời trang vừa kể sau thường được diện trong những lúc đi chơi nhưng khi làm việc hay đến những nơi công cộng thì áo dài là “binh chủng” chủ lực trong cuộc tấn công vào mắt đàn ông với đầy vẻ lịch sự, kín đáo rất nhu mì của con gái nhà gia giáo nhưng hở hang không đủ mạnh liệt trong mắt đàn ông.
Nếu có dịp nhìn lại các nữ minh tinh ngày ấy như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương, Thanh Nga và một số nữ ca sĩ như Khánh Ly, Giao Linh. Phương Dung, Thanh Tuyền…thì thấy họ đều kín mít trong chiếc áo dài khi xuất hiện trước công chúng. Nhưng trông lại họ rất duyên dáng, thanh lịch và nền nã mà cũng không kém phần hấp dẫn chết người. Cái bí mật của chiếc áo dài là ở chỗ “hở hang một cách kín đáo”. Được xem người phụ nữ mặc áo dài năm 1860 do một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp do nhà nhiếp ảnh Tam Thái sưu tập thì thấy chiếc áo dài ngày trước không khác chiếc áo dài ngày hôm nay bao nhiêu. Và qua bao nhiêu năm biến cải từ gốc đến Le Mur, áo dài bà Nhu, áo dài tay Raglan, áo dài mini…và bây giờ là phong trào mặc chiếc áo dài cô ba của những năm 60 thì chiếc áo dài vẫn xinh đẹp, nền nã và thanh lịch.
Sau khi đọc bài “Người Thiết Kế Áo Dài Lemur của bà Phạm Nguyên Thảo” tôi thấy phải nên công nhận sự ra đời của chiếc áo dài Lemur Cát Tường là nhờ công của tờ báo Phong Hóa-dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sáng suốt của chủ bút Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam. Có lẽ vì yêu vẻ đẹp phụ nữ, cũng như muốn có một tiết mục hấp dẫn được bạn đọc phụ nữ mua báo nên vào số Phong Hóa Xuân số 85 (11/2/34) chủ bút đã nghĩ ra chuyên mục “Vẻ Đẹp Riêng Tặng Các Bà Các Cô” và giao cho họa sĩ trẻ tuổi nhất của báo phụ trách. Đó là “mông xừ” Nguyễn Cát Tường, 22 cái xuân xanh, trẻ măng vừa mới ra khỏi trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 4 của thầy Tardieur. Với đầu óc mới mẻ khi được tiếp cận với nền mỹ thuật không tôn vinh vẻ đẹp Phong, Lan, Cúc, Trúc, bãng lãng những ông đạo sĩ trong sương mù núi cao thủy mặc mà chỉ quan tâm đến hình thể con người-nhất là phụ nữ đẹp nên họa sĩ Cái Tường cho rằng “Phái đẹp được cái ân riêng của tạo hóa cho vẻ đẹp, và tính dịu dàng nên có tính ưa trang điểm. Trang điểm để mình đẹp thêm, cho đẹp lòng trời, lòng người, là biết tự quý mình, trọng người. Giá trị và hạnh phúc của phụ nữ là ở sự trang điểm và làm đẹp.” “Quần áo tuy dùng để che thân thể, nhưng nó có thể như tấm gương phản chiếu trình độ trí thức của một nước. Trước hết nó phải hợp với khí hậu nước ta,với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn; sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn
Thấy rõ ràng là, trước tiên họa sĩ Cát Tường muốn dùng quần áo để phân định vẻ riêng của người phụ nữ VN trong thời kỳ Pháp bảo hộ với sự có mặt của nhiều thế giới phụ nữ từ đâu đến không phải người mình. Ấy, áo dài là áo của phụ nữ Việt Nam ta. Nhìn vô là biết vợ nhà chẳng phải vợ tây nha nha. Trong thời kỳ Pháp bảo hộ, nhiều người gia nhập dân tây dù hàng ngày vẫn ăn “nòng nợn”, mắm tôm thì ý tưởng cải cách chiếc áo dài của người phụ nữ An nam không đơn thuần chỉ là cái đẹp mà còn ẩn ý lòng tự tôn dân tộc. Không dám cao đàm khoát luận như cụ Phạm Quỳnh “ Truyện Kiều còn, nước ta còn” nhưng có lẽ trong đầu chàng trai 22 sục sôi ý tưởng nhìn áo dài là biết người Việt. Phụ nữ Việt còn, áo dài còn. Ở không làm gì, nói chuyện ngoài lề chút chơi khi qua Paris giới thiệu sách, một buổi chiều lạnh, tuyết rơi rơi nhìn thấy một tà áo dài phất phới tôi biết ngay là phụ nữ Việt mặc dù nhìn gương mặt thì thấy rất là tây. Dù sao cũng có chút ấm lòng xứ lạ. Ôi, áo dài nó đã giúp người Việt xa xứ phân định mình là ai. Đây là thành công lớn nhất của họa sĩ Cát Tường. Lemur ơi, ngàn lần cám ông! Bla…bla…bla…
Vẫn theo bà Phạm Nguyên Thảo (bđd) thì họa sĩ cải tiến áo dài từ cái tay áo phải rộng rãi phía trên, rồi táo bạo hơn HS Cát Tường đòi cải tiến… cái quần với quan niệm được thể hiện trên báo Phong Hóa số 89 “ Nói ra sợ không ai tin, điều quan trọng nhất của y phục phụ nữ là chiếc quần”. Chính ông đã cải biến khiến cho cái quần trở nên thon gọn và khoe được phần bụng phụ nữ hấp dẫn hơn, gợi mở hơn so với loại quần ngày trước. Theo nhà văn Võ Phiến kể từ khi đàn bà con gái xứ ta vâng lời vua tụt váy ra để mặc quần áo thì họ vẫn để nguyên vẹn chiếc quần ấy qua nhiều thế kỷ. “Khi dài, khi ngắn khi rộng, khi hẹp. Những dằn vặt băn khoăn táo bạo nhất có lẽ đều dồn vào chỗ thắt lưng: khi lưng vặn, khi thì lưng buộc với giải rút, có thời dùng dây cao su, có thời khác lại cài nút” (Lại Chiếc Áo Dài. Tùy bút Quê Hương, trang 21). Ông Cát Tường đã giải quyết cái dằn vặt, băn khoăn thuộc loại lưng quần nầy khi đề nghị thay đổi cạp quần buộc xéo một bên hoặc cạp quần mở ở giữa, cài khuy như đàn ông. Rồi đến số báo 90, ông Lemur đưa ra mẫu áo dài đầu tiên. Thế là Cát Tường đã tạo ra chiếc áo dài cho phụ nữ Việt Nam vào tháng 3 năm 34 và luôn được biến tấu cho đến ngày hôm nay. Nhưng dù biến tấu như thế nào thì áo dài vẫn có hai thân, khoe được ngực, eo của người mặc một cách kín đáo, tăng được vẻ đẹp của thân hình thiếu nữ xuân hồng.
Tại sao áo dài đẹp? Quá nhiều nhận định, giải thích theo đủ trường phái tả chân, ấn tượng trừu tượng, thuyết giảng của đủ thứ nhà về cái đẹp của chiếc áo dài. Chỉ có người nheo mắt, nhìn tới nhìn lui rồi nói vài chữ hết sức là kiệm lời. “Theo nhà văn Võ Phiến cho biết nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm, người đã chụp nhiều thiếu nữ với áo dài trong nước và có dịp so sánh với trang phục của phụ nữ nhiều nước trên thế giới đã đút kết ngắn gọn: “Do nó (áo dài) cho thấy gió”. Trong quyển tùy bút “Quê Hương” (NXB Lửa thiêng) nhà văn Võ Phiến đã dành hẳn hai bài dài 20 trang để nói ta bà thế giới, dưới mọi khía cạnh –trừ chuyện đo ni, cắt may-về chiếc áo dài. Ông cho rằng nếu người phụ nữ mặc áo dài khi đứng yên chưa chắc đã ăn đứt nỗi những thiếu nữ Âu Á khác, nhưng khi “ múa hát thì sẽ linh động hẳn lên vì những tà áo nhẹ ve vẩy phất phơ trong gió làm cho một thân hình nặng nề nhất, cục mịch nhất cũng hóa ra thanh thoát”. Nhà văn Võ Phiến đi sâu phân tích y phục của người phụ nữ dưới cặp mắt của một nhà văn hóa học “Trang phục là văn hóa, văn hóa là một cố gắng cải biến thiên nhiên”. Ông cho rằng chiếc áo dài Việt Nam là một sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa. Phần từ bụng đi ngược trở lên “dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”là đề cao phần tự nhiên của thân người còn ở phần dưới rất thanh, thoát hẳn thân người, đó là văn hóa. “Nhìn vào một người phụ nữ mặc áo dài, sau khi bị khích động vì cái phần trên, mắt lần dò nhìn xuống, thì ở phần dưới lại chỉ thấy…gió! Vâng, ở đây mắt chỉ thấy có gió (như người nhiếp ảnh gia tinh mắt đã thấy), có cái thướt tha, cái bay bướm mà thôi.” (Chiếc Áo Dài, sđd, trang 18)
Áo dài-một loại trang phục của phụ nữ đã được thi vị hóa trong thơ nhạc và văn chương của các bậc văn nhân thi sĩ lừng danh. Nhớ Phạm Duy, nhớ Nguyên Sa…và những nhà văn nhà thơ đôi lúc chỉ vì một điệu nhạc nhí nhảnh, lời thơ trữ tình có liên quan đến chiếc áo dài. Chiếc áo dài rất riêng, rất thầm kín của riêng họ lại là chiếc áo dài trongtrái tim của từng người nghe, người đọc. Đem phân tích sâu xa như nhà văn Võ Phiến lại thuộc vào một “cảnh giới” khác. Nhưng dù ở tâm trạng hay cảnh giới nào “ khi chiếc áo dài đã tự liên hệ được như thế với thi ca ngôn ngữ, với tiểu thuyết, nếp sống v.v…thì chắc chắn nó cũng phản ảnh được phần nào một nét tâm hồn dân tộc.” (Võ Phiến-đd). Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng áo dài biến tấu hai ba tầng với quần lửng ống loe bán đại trà ngoài chợ, áo dài mặc với quần jean hay áo dài mặc với quần short, kết ren tua tủa, hoa văn lổn nhổn thì tội nghiệp cho chiếc áo dài lắm lắm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét