khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2019

Triết lý sống với tuổi già của ca sĩ Duy Trác - Tác giả Du Tử Lê



Khi trò chuyện với nhạc sĩ Thanh Trang, tác giả “Duyên Thề,” Duy Trác lập lại nhiều lần sự không thích hợp hay, khó hòa cùng nhịp rung cảm tình ca của lớp người trẻ hiện nay…Bởi vì:

Bây giờ tuổi trẻ đã có đời sống khác, họ có những kỷ niệm khác, và họ thích bày tỏ tình yêu khác, cách yêu đương khác…”

Do đó ông nghĩ tình ca cũng đã khác đi. Và, đó là điều:

“…mà bây giờ tôi mới có dịp nói ra là cái lúc mà tôi ngưng hát đó, tôi bị vướng vào một sự lúng túng, một sự luẩn quẩn là nhạc tiền chiến. Đối với cá nhân tôi, tôi thấy nó không còn thích hợp nữa. Bởi đời sống nó đã thay đổi quá nhiều rồi, mà nhạc mới của các anh em trẻ ở đây, những người trẻ ở đây thì tôi chưa thấy được. Nên tôi không biết hát cái gì…Thành thử tôi phải thôi…”

Tất cả những phát biểu trên của Duy Trác, nam danh ca một thời của 20 năm sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam, theo tôi chỉ là cách nói.

Bằng cớ, trước khi tự tay tắt đi những ngọn đèn nghìn nến chiếu rọi vào tên tuổi mình, trong ba năm sau cùng ở hải ngoại, Duy Trác cũng đã hát một số ca khúc của một số nhạc sĩ (không còn trẻ) nhưng vẫn thuộc thế hệ sau biến cố 30 tháng 4 – 1975. Họ là lớp nhạc sĩ thế hệ 75 nơi quê người, như Đăng Khánh, Phạm Anh Dũng, Mai Anh Việt…

Ngay Ngô Thụy Miên, xuất hiện sớm hơn những nhạc sĩ vừa kể ít năm trước thời điểm 1975, ở quê nhà, cũng đã quá xa thế hệ nhạc tiền chiến.

Lại nữa, nếu tôi không lầm thì hôm nay ở hải ngoại cũng như tại quê nhà, vẫn có không ít những ca sĩ thuộc thế hệ 8x hoặc 9x tìm về nhạc tiền chiến. Họ tìm về ngọn nguồn của lãng mạn Việt Nam: Tân nhạc.

Từ đấy, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, tất cả những gì họ Khuất phát biểu liên quan tới “nghiệp tài tử ngày xưa đông lắm chắc” chỉ là một cái cớ. Một cách nói. Cái cớ hay cách nói của một nghệ sĩ biết lúc nào phải nói: “Thôi!”

Thôi!” con chữ đơn giản, ngắn gọn tưởng chừng dễ dàng phát ra trong rất nhiều trường hợp, nhưng theo tôi nó lại rất khó, quá khó cho một nghệ sĩ danh tiếng.

Uy lực của cám dỗ danh vọng, tiếng vỗ tay, lời xì xào của đám đông ngưỡng mộ…vốn là những nhà tù được đúc bằng vàng!

Hầu hết nghệ sĩ mơ ước được chui vào. Hiếm thay một tên tuổi đang / còn chói lọi hào quang chọn xô cửa, bước ra.

Giã từ.

Trong ghi nhận riêng của tôi, DuyTrác không chỉ nói được tiếng “thôi” với sân khấu, phòng thu mà, ông còn nói được tiếng “thôi” với cả những họp mặt bằng hữu giới hạn, rất tư riêng. Ông cũng nói “thôi!” với chính ông, lúc một mình đối bóng.

Thái độ hay cung cách ứng xử quyết liệt này của Khuất Duy Trác, khiến tôi nhớ tới những ngợi ca tư cách của ông trong lao tù, do những người bạn tù của ông kể lại. Dù cho không một phút nào ông quên được bên ngoài cửa ngục, ông còn có một mẹ già, một vợ trẻ, 6 con thơ và 5 đứa cháu, hôn trầm trong mòn mỏi ngóng đợi tin ông. 
 
Hôm nay, khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, thời gian kể, nó đã bỏ lại sau lưng nó tiếng hát Duy Trác. Nó cũng giải thích cho tôi hiểu, như thể nó rất miễn cưỡng làm việc ấy, vì Duy Trác. Vì ông đã tuyên bố “giã từ!

(Khi thời gian dùng hai chữ “miễn cưỡng” theo chỗ tôi hiểu thì, phải chăng nơi đáy sâu tâm hồn nó, ít nhiều là lòng cảm phục?) 
 
Mười lăm năm với một đời người, như Khuất Duy Trác, không phải là con số ngắn ngủi. Không phải là đoạn đường dưới lá. Ngõ về dưới hoa!

Tôi không thể hình dung cuộc sống của ông, nếu gần đây, tôi không bất ngờ nhận được bài viết của ông, do một người bạn gửi Denver gửi cho. Như một nhắc nhở, khuyên nhủ tôi về tuổi già của chính mình.

Qua bài viết là những lời tâm tình hay, một thứ triết lý sống với tuổi già của họ Khuất, nhân đó, ông cũng cho biết phần nào phần đời sống gập ghềnh nắng mưa tự những ngày niên thiếu của ông.
Tôi nghĩ, sẽ không thể có một tư liệu nào chính xác hơn về người nghệ sĩ này, ngoài những gì do chính ông kể lại.
 
“Năm 1992 gia đình tôi tới Mỹ, một quốc gia tự do và nhân đạo, với 13 nhân khẩu. Không ngờ, vốn chỉ là một ca sĩ tài tử và đã bị chính quyền Cộng Sản giam cầm và cấm hát suốt 17 năm, tôi vẫn được một trung tâm ca nhạc tiếng tăm mời sang Paris tổ chức một buổi hội ngộ với thính giả và thu những bang nhạc nghệ thuật.
“Các thính giả đã vào cả hậu trường chào mừng tôi, buồn vui, mừng tủi. Tôi chỉ còn nhớ, và nhớ mãi, một câu chào, như mâu thuẫn và thật lòng:

“Bác (hay chú) chẳng thay đổi gì cả, chỉ già đi nhiều thôi." 

 “Ồ! Tôi đã già đi! Chắc chắn rồi. Nhưng tôi đã không có thì giờ nghĩ đến. Làm sao có thì giờ nghĩ đến khi không biết ngày nào hết cảnh lao tù để về chung sức với vợ nuôi nấng 6 đứa con, 5 đứa cháu và một mẹ già đau yếu. Nhất là nỗi đau mất 3 đứa con và 7 đứa cháu trên biển cả. Nỗi đau quá lớn khiến mẹ đã té ngã và trở thành phế nhân với nửa người bất động.

“Trong đời sống của mỗi con người, ai cũng có 3 giai đoạn: tuổi thơ, tuổi thanh xuân và tuổi già.
“Riêng tôi tuổi thơ hầu như không có. Cha mẹ mất sớm, bị những người lớn tuổi trong đại gia đình hành hạ; năm 12 tuổi tôi đã bỏ đi sống một mình.
“Tôi còn nhớ, hồi đó ở vùng kháng chiến Việt Bắc tôi thi vào trường Sư Phạm; với học bổng 18 kg gạo, 180 đồng tiền thức ăn, và 1 chai dầu dùng để thắp đèn học đêm. Nghỉ hè, trường không phát học bổng, tôi phải đi hái trà và đạp trà thuê. Cuối ngày lãnh tiền đủ đong được chút gạo, hái rau rừng làm thức ăn. Với đủ mọi hình thức kiếm tiền lương thiện, tôi đã phấn đấu học hành, làm việc với châm ngôn do mình đặt ra: không hận thù những người đã hành hạ mình và phải cố gắng học cho thành tài. Cả hai châm ngôn này tôi đã thực hiện đầy đủ và chân thành. Bỏ vùng Việt Bắc, trở về Hà Nội rồi di cư vào Nam, tôi đã cố gắng hoàn tất việc học, trở thành luật sư đồng thời lập gia đình năm 1961.
“Ngẫm nghĩ lại, tuổi thơ không có, tuổi thanh xuân cũng không được bao nhiêu. Sau khi gia nhập Luật Sư Đoàn được 2 năm và lập gia đình được hơn 1 năm, vào năm 1962 tôi được gọi nhập ngũ. Dĩ nhiên, phục vụ đất nước trong thời chiến tranh là nghĩa vụ thiêng liêng của con dân một nước. Nhưng rời bỏ gia đình mới được hơn một tuổi, bỏ lại vợ và con thơ để làm nghĩa vụ người trai trong 13 năm rưỡi rồi tiếp theo là 11 năm tù đày trong các trại tù Cộng Sản; thì hỡi ôi tuổi thanh xuân của tôi đã mất hút tự bao giờ tôi cũng không còn nhớ được nữa. Ra tù và sang đến Mỹ năm 1992 thì tôi đã ở vào tuổi 56. Các thính giả có bảo là già đi nhiều thì cũng phải thôi. Tiếp tục vật lộn với đời sống để
nuôi gia đình nên mối ưu tư về tuổi già, về những chăm sóc cho tuổi già được sống hợp lý, tốt đẹp cũng không phải là điều dễ dàng. André Maurois đã viết:


“ Năm, sáu chục năm trời nếm trải những thành công và thất bại, hỏi ai còn có thể giữ được nguyên vẹn những điểm sung mãn thời trẻ? Đi vào hoàng hôn của cuộc đời như đi vào vùng ánh sáng đã điều hòa, ít chói chang hơn, mắt khỏi bị lóa bởi những màu sắc rực rỡ của bao ham muốn. Và như vậy già
là một tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tính tuổi, cớ sao phải lảng tránh?’

“Có trẻ thì có già, đó là nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già? Trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc. Trong thời gian tôi theo học tại trường Luật, có một người bạn đã gửi cho tôi một tấm thiệp giáng sinh trên đó có ghi toàn văn bản dịch của bài thơ ‘TUỔI TRẺ (YOUTH)’ của Samuel Ullman. Lời lẽ bài thơ thật là sâu sắc, đầy tinh thần lạc quan, nó ảnh hưởng sâu sa đến tôi trong mấy chục năm nay. Mặc dầu nó được viết ra từ năm 1918, lúc tác giả đã 78 tuổi nhưng ý tưởng thật mới mẻ. Xin trích một vài câu tiêu biểu:

“Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da của chúng ta, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say, phấn khởi mới làm tâm hồn chúng ta héo hắt."

“Tướng Douglas Mc Arthur rất tâm đắc với bài thơ này và ông đã cho trưng bày bài thơ ngay tại phòng làm việc của ông ở Tokyo khi ông đang là Tư Lệnh Quân Đội Đồng Minh đặc trách công việc giải giới và phục hồi nước Nhật sau chiến tranh."
“Rồi vào năm 1946, tạp chí Reader’s Digest ấn bản tiếng Nhật đã phổ biến toàn văn bài thơ bất hủ này bằng Nhật ngữ. Nhân dân Nhật đã hân hoan đón nhận cái tín hiệu đầy lạc quan, tích cực và năng động của bài thơ không vần này. “Cũng từ đó họ đã hăng say dấn thân vào việc tái thiết đất nước, khiến nước Nhật lấy lại được vị thế cường quốc về kinh tế, chính trị cũng như văn hoá như ta thấy ngày nay…”

Sau 15 năm “giã từ,” hôm nay trên bậc thềm tuổi già, ông lại gửi tới những người từng yêu mến ông, một tiếng nói (tiếng hát khác): Lời cảm ơn gửi tới những huấn luyện viên của hội Từ Bi Phụng Sự của thầy Hằng Trường.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét