Ý kiến lý giải vì sao người Sài Gòn bây giờ phải đối mặt với câu hỏi "giúp người hay không giúp người" trước các vụ tai nạn giao thông.
Vụ một cô gái bị tai nạn giao thông bị bỏ mặc trên phố đến chết như một cú tát vào sự nghĩa hiệp, hào hoa vốn thường trực của người Sài Gòn.
Người tài xế taxi Vinasun, một hãng taxi danh tiếng của Sài Gòn, khi gây tai nạn với đôi nam nữ đã mở cửa xe bước xuống và ngay sau đó rời đi.
Tôi không tin vào lý do người này nại ra khi khai báo với công an là "do quá hoảng loạn".
Anh ta là tài xế chuyên nghiệp, luật giao thông mà anh đã học quy định rõ trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông khi gặp phải các tình huống trên đường và phải cứu giúp người bị nạn, huống chi anh chính là người gây ra tai nạn.Luật hình sự cũng có hẳn những điều luật về vấn đề này.
Mạng xã hội đã dẫn ra những điều trên để lên án người tài xế Vinasun nhưng người tài xế này ngoài học luật chính thống còn được học luật rỉ tai do những người cùng nghề truyền lại: "Thà để nạn nhân chết để đền một lần còn hơn tốn chi phí điều trị suốt đời."
Còn nhớ một vụ án tai nạn giao thông làm nhức nhối lương tâm cách đây vài năm, ngày 31/5/2016, ông Quân lái xe tải biển Hà Tĩnh chạy trên quốc lộ 1A theo hướng Nam - Bắc. Khi đến xã Kỳ Tiến (huyện Kỳ Anh), tài xế chuyển hướng rẽ phải vào đường liên xã không quan sát, gây tai nạn cho em Hoàng Đức Phượng (học lớp 12) đang lái xe máy điện. Nạn nhân bị cuốn vào gầm xe tải.
Tài xế Quân nhảy xuống đi vòng ra sau xe quan sát. Thấy Phượng nằm bất động dưới bánh xe bên lái phụ, thay vì đưa em đi cấp cứu, Quân lên xe cài số một lái xe cán qua nam sinh khiến tử vong tại chỗ.
Tài xế Phan Đình Quân đã bị tuyên án 12 năm tù về tội giết người.
Sau bất kỳ một tai nạn giao thông có yếu tố thương tâm nào, mạng xã hội đều có những giọt nước mắt thương cảm, họ lên án những người thờ ơ không cứu giúp nạn nhân nhưng rồi thì sao?
'Phiền toái, nguy hiểm'
Camera trong vụ việc này là một "nhân chứng" trung thực nhất.
Trong khoảng thời gian hơn 10 phút từ 3:12 đến lúc 3:22 hôm đó, có 5 xe ô tô du lịch (bao gồm xe taxi liên quan), một xe tải và hàng chục xe gắn máy đi qua nhưng không ai lại trợ giúp các nạn nhân.
Lúc 3:14, có hai thanh niên đi tới dùng tay lay người cô gái rồi ra giữa đường đứng, một phút sau có thêm ba người nữa đi tới. Nhưng tất cả 5 người đều đứng nhìn một lúc rồi bỏ đi mà không hề giúp đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Dừng lại để cứu giúp nạn nhân hay để lương tâm day dứt suốt đời, đó là câu hỏi đặt ra với mọi người khi định mệnh buộc ta vào tình huống như vậy?
Vì khi dừng lại, biết bao phiền toái, thậm chí nguy hiểm sẽ ập đến. Truyền thông đã từng đưa tin nhiều người vì cứu giúp người bị tai nạn giao thông mà vướng phải những rắc rối không mong muốn thậm chí bị tù tội vì bị buộc là thủ phạm gây tai nạn.
Tôi kể tiếp một câu chuyện xảy ra gần như cùng lúc theo một vec tơ ngược lại. Khi người gây tai nạn giao thông làm đúng nghĩa vụ của mình và bị người nhà nạn nhân đánh chết ngay tại bệnh viện.
Khoảng 15:30 ngày 23/6, anh Duyên điều khiển xe máy chở người bạn lưu thông trên đường số 6B (phường Tân Tạo, quận Bình Tân). Khi anh Duyên đang lưu thông trên đường thì bất ngờ đụng vào bé Tâm (3 tuổi, con của chị Nguyễn Thị Quyển, trú gần đó) chạy từ trong vỉa hè ra.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, anh Duyên đã cùng chị Quyển đưa bé Tâm tới Bệnh viện Triều An để cấp cứu. Sau đó các bác sĩ xác định cháu bé không bị gì nặng, chỉ trầy xước. Nghe vậy anh Duyên chờ nộp tiền viện phí cho bé Tâm.
Trong lúc ngồi chờ tại khu cấp cứu, bỗng xuất hiện 6 thanh niên chở nhau bằng ba xe máy chạy thẳng vào khu vực này, một tên bước tới hỏi "thằng nào đụng cháu tao"?
Vì nghĩ cháu bé đã không bị gì nên anh Duyên thừa nhận. Lập tức cả 6 tên thanh niên lao vào dùng tay đấm đá cho đến khi anh Duyên ngã xuống nền nhà.
Chưa dừng lại ở đó, nhóm thanh niên còn nắm tóc anh Duyên kéo lê từ trong Khu cấp cứu ra đến bồn hoa phía trước và đập đầu anh Duyên vào bồn hoa này. Sau đó chúng còn kê cổ nạn nhân vào cạnh bồn hoa đập cho đến khi anh Duyên gục hẳn.
Ngay sau đó anh Duyên đã được các bác sĩ Bệnh viện Triều An chuyển thẳng lên thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu, nhưng đến 15:00 ngày 25/6, nạn nhân đã tử vong.
Như vậy dù là người đa cảm nhất trên mạng hoặc trái tim đầy nhân ái nhưng dù sao người ta cũng phải đắn đo khi gặp tai nạn giao thông mà nạn nhân cần cứu giúp.
Một luật sư nói với tôi nếu anh gặp phải tình huống tương tự:
"Dù bận đến mấy tôi cũng sẽ dừng lại, chẳng thà bỏ công việc hoặc gặp rắc rối còn hơn day dứt lương tâm suốt cuộc đời."
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã được người Việt ứng cứu dù xa lạ, vượt lên các toan tính mặc cả với chính bản thân, rốt cục lòng tốt và sự tử tế của con người đã chiến thắng.
Tuy nhiên với vụ việc cô gái bị bỏ mặc ở Tân Phú trong khi dòng người thờ ơ lướt qua đặt ra câu hỏi rốt cuộc sự tử tế hay những tính toán giữ cho mình an toàn đã làm hỏng danh tiếng trượng nghĩa của người Sài Gòn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét