Trong sách "Cổ Học Tinh Hoa" từ thời rất xa xưa ở nước Việt có một chuyện với đầu đề là "Vợ thầy kiện" như sau:
"Có một người thầy kiện rất giỏi. Mỗi khi thảo đơn kiện cho ai, định buộc tội, gạt lỗi cho nhiều người, mà ý nghĩ chưa được sâu sắc, lời nói chưa được chặt chẽ thì cứ muốn ngồi yên một chỗ để cấu tứ. Những lúc ấy, thường dặn người nhà, có khách hỏi, không được cho vào, cả đến vợ cũng phải lánh xa ở một buồng khác.
Vợ người thầy kiện trước kia vẫn đã cùng người láng giềng đầu mày cuối mắt, chỉ vì không dịp, không chỗ, cho nên dòm dỏ đã hơn một năm, mà chưa được thân cận với nhau. Bấy giờ biết thế, mỗi khi gặp người thầy kiện cấu tứ, thì người vợ bèn lại chuyện trò quấy rối để đến mắng phải đuổi tránh đi chỗ khác. Thành vì thế mà người vợ với người láng giềng được bao nhiêu cơ hội đi lại với nhau luôn kể hàng bao nhiêu năm mà không ai biết.
Sau người thầy kiện vì cấu tứ mãi mà chết. Người vợ chửa hoang phải nhà chồng kiện.
Quan tra xét căn do việc đi lại với ai. Vợ người thầy kiện phải thú thực. Quan vỗ bàn, thở dài nói: "Ngòi bút của người thày kiện đã khéo, ai ngờ cơ trời còn khéo hơn".
Cuối câu chuyện trên trong sách thấy có ghi thêm "lời bàn" nguyên văn như sau:
"Thầy kiện tức là luật sư. Luật sư là người hơn ai hết, hiểu thấu các tinh túy của pháp luật, biết rõ nỗi u uẩn của nhân dân. Chính phủ nhờ có luật sư mà thêm sáng việc, quần chúng nhờ có luật sư mà đỡ hàm oan. Vậy làm thầy kiện mà gỡ tội cho kẻ oan, đáng trọng bao nhiêu, thì buộc tội cho người ngay hay bênh vực kẻ gian ác, đáng khinh bấy nhiêu.
Người thầy kiện nói trong bài đây là một tay giảo hoạt chắc đã nhiều lần, lấy lý mà thắt người ngay vào tội ghê gớm lắm. Bởi vậy tác giả mới thuật lại truyện này, nói người thầy kiện vừa tự hại mình lại để cho vợ phản mình, có dạy người tuy khôn khéo đến đâu, cũng không lọt được vành tạo vật. Tạo vật thường vẫn ghét người xảo, bao giờ cũng bắc sẵn cái cân để cân lại cho công bằng. Nhiều khi muốn hại người, người chẳng thấy đâu, lại chỉ thấy cái hại nó quay ngay vào chính mình trước."
John Adams cũng nói: "Bảo vệ cho sự vô tội (innocence be protected) quan trọng hơn trừng phạt tội lỗi, bởi tội lỗi và tội ác thường xảy ra trên thế giới này nhiều tới mức không thể trừng phạt hết chúng. Nhưng nếu sự vô tội bị đưa ra trước vành móng ngựa và kết án, có thể bị xử tử, thì người dân sẽ nói, ‘việc tôi làm điều tốt hay điều xấu không quan trọng, bởi sự vô tội chẳng đem lại chút bảo vệ nào,’ và nếu ý nghĩ đó hình thành trong tâm trí nhân dân thì đó sẽ là kết thúc của mọi sự an ninh".
Thật đúng vậy, cổ nhân có nói không có nghề nào xấu, chỉ có người làm nghề đó xấu mà thôi! Xin nhớ rằng có rất nhiều vị Tổng Thống khả kính của nước Mỹ xuất thân từ trường Luật và làm nghề luật sư đấy nhé! Ta chẳng nên bi quan! John Adams là vị Tổng thống thứ Hai của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ giai đoạn 1797-1801 và ông là luật sư đầu tiên làm Tổng thống Mỹ. Ông đã theo học ngành Luật ở Harvard và trở thành thành viên của đoàn luật sư Massachusetts vào năm 1758. Sau này còn có nhiều vị nữa, gần nhất có Tổng thống Obama, trước đó thì có Tổng thống đào hoa Clinton cũng đều là thầy kiện cả thôi v.v...
Trước tòa án xử về hình sự vai trò cần thiết của luật sư đôi khi không thể thiếu. Hầu hết công dân các nước trên thế giới đều có đủ 2 quyền cơ bản khi bị tra hỏi về một tội phạm hình sự, đó là "quyền im lặng" và "quyền có luật sư". Trước khi thẩm vấn, cảnh sát phải thông báo cho nghi phạm hình sự đại ý như sau: "Bị cáo có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì bị cáo nói có thể và sẽ được sử dụng để chống lại bị cáo trước toà án. Bị cáo có quyền nói chuyện với luật sư, và có luật sư hiện diện trong quá trình xét hỏi. Nếu không thể thuê luật sư, bị cáo vẫn sẽ được cung cấp một luật sư bằng nguồn tài chính của chính phủ."
Luật sư được chính phủ chỉ định giúp đỡ bào chữa cho bị can thường được gọi nôm na là luật sư miễn phí, "cãi thí". Thông thường, nếu các quyền này không được tôn trọng thì các bản án sẽ bị huỷ bỏ vì không có giá trị.
Ngay trong Hiến Pháp Hoa Kỳ quyền của bị cáo về hình sự được luật sư biện hộ này cũng được ghi nhận "In all criminal prosecutions, the accused shall enjoy the right...to have the Assistance of Counsel for his defence".
Trong thực tế thí dụ như trong vụ xử Bà Park Geun-hye, cựu tổng thống Hàn Quốc bị cáo buộc các tội tham nhũng, cưỡng ép và lạm quyền. Bà đang bị giam. Tại một phiên xử tháng 10-2017, toàn bộ 7 luật sư của bà đã nộp đơn xin rút. Họ phản đối việc kéo dài thời gian giam bà Park. Họ nói tòa án đã không tôn trọng quy tắc là bị can phải được coi là vô tội cho đến khi có chứng cớ cụ thể ngược lại. Yoo Yeong-ha, một trong 7 luật sư, nói: "Chúng tôi kết luận mọi tranh luận bào chữa cho bị cáo là vô nghĩa. Tất cả chúng tôi quyết định rút". Tòa án đề nghị 7 luật sư cân nhắc lại do quá trình xét xử không thể tiếp tục nếu thiếu luật sư bào chữa. Các luật sư quốc gia sẽ được bổ nhiệm thay thế nếu luật sư riêng của bà Park vẫn kiên quyết rút lui. Tuy nhiên, quá trình thay thế cần thời gian khá lâu để cho các đại diện mới phải xem xét hơn 100.000 trang tài liệu. Về vụ việc xét xử không thể tiếp tục mà không có luật sư bào chữa, báo chí dẫn lời thẩm phán Kim Se-Yun nói ông phải hoãn quá trình xét xử và chưa ấn định ngày tiếp tục...
Lại them một chuyện khá lạ lùng được kể bởi báo chí vào tháng 10 năm 2012: Quan tòa William E. Woodrum Jr ở Georgia đã chính thức chỉ định (appointed) một luật sư tên là Claude Kicklighter để "cãi thí" cho chó "pit bull". Chú chó tên là Kno, có thể bị hành quyết vì đã tấn công một em bé hàng xóm mới có 5 tuổi gây ra thương tích trầm trọng khi em bé này đang chơi đùa với một em bé khác trong sân.
Tại Việt Nam trước năm 1975: ghi nhận trong nhiều trường hợp bị cáo phải được luật sư bênh vưc. Một đạo luật năm 1962 ấn định qui chế Luật Sư và tổ chức Luật Sư Đoàn trong đó có ghi rõ "Nghĩa vụ tổng quát" của Luật sư là ngoài khả năng chuyên môn về luật pháp, còn cần thêm những đức tính căn bản sau:
"Độc Lập": Không lệ thuộc ai, không bị chính quyền hay tòa án chỉ huy, không hành động vì quyền lợi cá nhân để giúp cho công lý được điều hành tốt đẹp.
"Ngay Thật": Phải ngay thật trong tư tưởng, lời nói và trung trực trong hành động hầu đạt được sự tín nhiệm của các thân chủ, bạn đồng nghiệp và của tòa án.
"Bất Vụ Lợi": Luật sư không lấy nghề làm chủ đích để làm tiền hay làm giàu mà để phụng sự cho một lý tưởng là quyền bào chữa và phục vụ cho công lý.
Tại Việt Nam sau năm 1975: Hiến Pháp năm 2013 cũng ghi rõ là "Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa". Trong Hiến pháp cũng quy định là "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định là trong những trường hợp bị cáo về một tội mà chiếu theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình hay bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì nếu bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì "Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án" phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công cử người bào chữa cho họ. "Luật sư chỉ định" được nhà nước trả tiền theo quy định của pháp luật. Nếu không có luật sư tham gia tố tụng thì cáo trạng và bản án không có giá trị về mặt pháp lý. Vai trò của luật sư không chỉ là bảo vệ thân chủ mà còn bảo vệ công lý và sự đúng đắn của pháp luật.
Nói chung về phần người lãnh vai luật sư có nhiệm vụ bào chữa thời thường có những tâm tư riêng nhất là trong những vụ án giết người với tình tiết man rợ mà nhiều người đều nghĩ hành vi phạm tội của bị cáo "không còn gì có thể bào chữa được". Bào chữa cho những kẻ đã gây nên tội ác khiến dư luận dân chúng và gia đình bị hại căm phẫn là một sự lựa chọn khó khăn dù bị cáo hay thân nhân họ trả tiền thù lao cho luật sư hay nhà nước chỉ định luật sư làm nhiệm vụ này (mà trong dân gian thường gọi là "cãi thí"). Tuy thế theo quy định của pháp luật, luật sư vẫn phải đứng ra bảo vệ cho bị cáo, phải bào chữa thế nào để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo đồng thời còn thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Tôn chỉ này chính là thiên chức của nghề luật sư.
Óc sáng tạo và sự khéo léo của thầy kiện thông thường thì đáng ca ngợi nhưng thỉnh thoảng cũng có những ngoại lệ khiến người đời mỉa mai. Thí dụ như chuyện kể về một thầy kiện muốn mang phần thắng lợi về cho thân chủ mình nên loay hoay tìm mọi cách. Chàng có ý định muốn "đi cửa hậu" để mang đồ đến biếu quan tòa. Hỏi ý kiến một anh bạn thân thì anh này khuyên rằng không nên vì ông quan tòa này rất thanh liêm, có khi vì chuyện "hối lộ" ngầm này mà lại tạo ra phản ứng ngược lại và do đó có thể bị thua kiện.
Ít lâu sau anh bạn thân được tin chàng thầy kiện khoe rằng đã thắng kiện. Anh khẽ hỏi thăm thì được chàng thầy kiện rỉ tai nói thầm: "Cậu nói đúng! Biếu quà thì tớ vẫn biếu! Nhưng tớ khôn lắm, không đề tên tớ, mà lại đề tên người gửi biếu quà là luật sư đối phương của tớ đấy! Hà ! Hà!"
Trong xã hội vai trò của luật sư rất là cần thiết và luật sư có những nghĩa vụ rất cao quý như "Độc lập", "Ngay thật" và "Bất vụ lợi" vậy mà không biết tại sao giữa cuộc đời ô trọc này các ông "thầy kiện" lại hay bị bà con lôi ra để làm đề tài chế giễu thôi thì đủ kiểu!
Xin nghe giới bình dân chê cái mồm miệng nói nhiều, lý sự nhiều: "Miệng cá chép, mép thày kiện", chê hành động của kẻ bất lương gây mâu thuẫn: "Xui nguyên giục bị." Người ta còn rỉ tai nhau rằng "Một thày kiện giỏi là một người láng giềng xấu"... "Một thày cãi với cặp tài liệu của mình có thể trấn lột được nhiều tiền bạc hơn cả trăm tên cướp có súng ống"... "Luật sư và thợ sơn cùng có đủ tay nghề để nhanh chóng biến đen thành trắng"... "Một người nông thôn giữa hai luật sư giống như cá giữa hai con mèo".
Có người châm biếm rằng "Một tên không tốt nghiệp trường ốc gì cả thời chỉ có thể trộm nổi một chiếc xe hơi, nhưng một người tốt nghiệp đại học luật và hành nghề thầy cãi có thể trộm nguyên cả một đoàn xe lửa" và "Kẻ giúp tội phạm phạm pháp gọi là tòng phạm, còn kẻ giúp đỡ tội phạm tránh né hay qua mặt luật pháp sau khi bị bắt thường được gọi là luật sư!" v.v...
Người ta cũng kể chuyện rằng một thầy kiện còn trẻ, mới 30 tuổi đầu mà đã qua đời. Gặp ông Thánh Peter chàng thầy kiện vặn hỏi: "Tôi đã già đâu? Sao mới chỉ có 30 tuổi đầu thôi mà đã phải về chầu trời rồi vậy?". Ông thánh mỉm cười nói: "Chúng tôi cứ căn cứ theo tài liệu giấy tờ mà tính toán tuổi tác thì thấy anh đâu còn trẻ nữa. Số giờ anh nói là phải tiếp khách và làm hồ sơ mà anh đòi các thân chủ của văn phòng anh phải trả tiền thù lao tổng cộng lại quá nhiều, có vẻ của một luật sư rất bận, có khi thấy làm hơn 24 giờ một ngày, tổng cộng số giờ làm việc lại thì tính ra anh phải già khoảng 95 tuổi cơ mà!"
Và chuyện: Một bà lâu ngày gặp lại ông bạn cũ với đôi nạng cắp bên nách. "Trời ơi, chuyện gì xảy ra với ông vậy?" bà thốt lên. Ông bạn nói: "Tôi bị tai nạn giao thông gần 3 năm rồi...". "Nhưng tôi thấy ông đi lại có vẻ bình thường rồi, việc gì phải mang nạng theo cho nặng?" bà ngạc nhiên hỏi. Ông bạn khẽ xuống giọng: "Tôi đang lâm vào thế cực kỳ khó xử đây. Bác sĩ đồng ý cho tôi bỏ nạng, trong khi luật sư riêng lại khăng khăng không chịu!"
Người ta cũng từng kể rằng "Bức vách ngăn giữa Thiên đường và Địa ngục bị xụp đổ, hai bên tranh chấp và đòi đối phương phải bỏ tiền sữa chữa. Ra tòa, trên Thiên đường xin chịu thua vì tìm khắp nơi không kiếm ra bóng dáng một ông thày kiện nào cả. Còn phía dưới Địa ngục thời có quá nhiều, sẵn cả một đoàn luật sư để bênh vực".
Lại còn chuyện Đức Giáo Hoàng và một luật sư ngẫu nhiên cùng qua đời vào môt ngày và cùng lên trước cửa thiên đường một lúc. Thánh Peter đón họ và nói: "A! chúng tôi đợi quý ông đây. Phòng của quý ông đã sẵn sàng cả rồi." Thánh quay qua vị luật sư và nói, "Xin lỗi ông nhé! Hãy chờ tôi một lát, tôi đưa Giáo Hoàng vào phòng riêng của ngài rồi tôi sẽ quay lại để đưa ông tới chỗ của ông." Ông luật sư bèn nói: "Nếu không có chi trở ngại thời tôi sẽ cùng đi với quý vị tới phòng Đức Giáo Hoàng trước cho vui ấy mà!" Thánh Peter nói:
"Được! Cũng tốt thôi!" Giáo Hoàng mỉm cười. Thế là cả ba cùng đi với nhau qua những cửa sáng rực rỡ như ngọc trai. Họ tới phòng dành cho Đức Giáo Hoàng, thánh Peter mở cửa. Trong phòng có một cái giường ngủ twin-size, vài cái ghế, một cái bàn nhỏ để viết lách và một cái TV màu 13-inch. Trông tương tự như một phòng ở các quán trọ bình dân Holiday Inn. Đức Giáo Hoàng ngỏ lời cám ơn.
Thánh Peter và luật sư lại cùng đi tới phòng dành cho luật sư. Tới nơi, ông thánh mở cửa và ông thày kiện ngạc nhiên sững sờ khi vào phòng. Thật quả đây là một căn phòng sang trọng với ban công trông xuống vườn, một giường ngủ king-size, đồ đạc bàn ghế đắt tiền, TV màu màn ảnh lớn, có máy hát âm thanh nổi, sàn có lót thảm, có bồn tắm nước nóng, chỗ tắm hơi v.v... Khách sạn 5 sao chắc cũng thua nơi này. Ông thầy kiện sửng sốt hỏi: "Căn phòng này thật tuyệt vời! Nhưng xin ông cho biết tại sao tôi lại được ưu đãi hơn cả Đức Giáo Hoàng? Ngài chỉ được cấp phát có một phòng nhỏ. Còn tôi thời được thụ hưởng một nơi quá lộng lẫy như thế này?" Thánh Peter chậm rãi trả lời: "Nói thật để ông luật sư rõ nhé! Nơi Thiên đường chúng tôi thường tiếp đón nhiều vị Giáo Hoàng rồi. Các ngài khi qua đời đều lên đây cả. Nhưng trong nghề thầy kiện thời từ trước tới nay chẳng có một ai! Ông là người luật sư đầu tiên được lên chốn này đó ông ạ!"
Câu chuyện sau về luật sư được đánh giá là chuyện hay nhất trong năm 2010:
"Một buổi chiều, một ông thầy kiện giàu có đang ngồi trong xe limousine sang trọng, bất chợt trông thấy hai người bên vệ đường đang ăn cỏ. Ông thắc mắc ra lệnh cho tài xế ngừng xe lại để điều tra sự tình. Ông hỏi một anh chàng nghèo khó: "Tại sao anh ăn cỏ?" Chàng trả lời: "Chúng tôi chẳng có tiền mua đồ ăn nên đành phải ăn cỏ!" Ông thầy kiện nói: "Vậy anh có thể đi theo tôi về nhà tôi và tôi sẽ cho anh ăn!" "Nhưng thưa ông, tôi còn có một vợ và hai đứa con nữa ở phía kia, đang đứng dưới gốc cây" "Đưa họ theo anh luôn!", ông thầy kiên đáp lời. Quay sang chàng nghèo khó thứ hai, ông thầy kiện nói luôn: "Anh theo chúng tôi đi nhé!". Chàng thứ hai nói giọng thiểu não: "Nhưng tôi cũng có một vợ và sáu đứa con nữa!" Thầy kiện nói: "Đưa tất cả theo luôn!" Thế là cả đám người đều cùng leo lên xe đi.
Khi xe đang chạy, một người trong bọn họ quay sang phía thầy kiện và lên tiếng: "Thưa ông, ông thật là tử tế quá!" Ông thầy kiện trả lời: "Tôi sung sướng được làm việc này. Đến nhà tôi các người sẽ thích lắm. Cỏ trong vườn mọc cao đến gần cả thước rồi đấy!"
Luật sư ra trước tòa thời rất... mồm mép! Chắc ai cũng nghĩ thế! Nhưng đôi khi tình hình lại đảo ngược. Có người kể chuyện một ông thầy kiện cãi cho một ông chồng muốn ly dị bà vợ. Để mọi người có cái nhìn không thiện cảm với bà vợ này nên ông thầy kiện đặt câu hỏi: "Bà hãy cho biết là bà làm nghề gì trước khi kết hôn với thân chủ tôi?". Bà vợ đáp lại tỉnh queo: "Nghề gì à? Tôi là một nữ diễn xuất khỏa thân trong hộp đêm!" Ông thầy kiện hớn hở đặt câu hỏi tiếp: "Vậy à! Bà có cảm thấy xấu hổ khi làm cái nghề đó không?" Bà vợ trả lời: "Nói thật nhé! Tôi hãnh diện với cái nghề này khi so sánh với cái nghề của ông bố tôi đấy!"
Ông thầy kiện mỉm cười, thầm nghĩ trong bụng là chắc chắn thắng kiện 100% rồi. Ông hỏi tiếp: "Bà hãy nói cho tòa biết ông bố bà kiếm sống bằng nghề gì thế? Bà hãy nói to lên cho mọi người nghe với!" Bà vợ chụp ngay lấy cơ hội này và đáp: "Ông bố tôi là luật sư đó!"
Chuyện về nghề thầy kiện còn dài, chỉ xin kể thêm một chuyện nữa thôi: Một cô gái khi ra tòa ly dị đời chồng thứ tư, cô đề nghị tòa xác nhận cho cô vẫn còn "tân", còn nguyên si, vẫn còn... "din". Tòa yêu cầu lý do thì cô òa lên khóc và nói: - Em khổ lắm ! Mang tiếng là có bốn đời chồng nhưng em có được cái nào đâu. Đời chồng thứ nhất của em làm dân biểu quốc hội. Chỉ "nói nhiều, hứa nhiều mà không làm gì cả". Đời chồng thứ hai làm giám đốc viện bảo tàng nên luôn "không được sờ vào hiện vật." Đời chồng thứ ba em quyết định lấy anh cảnh sát hình sự vì nghe nói là con người của hành động. Nào ngờ anh chỉ luôn theo quy tắc "giữ nguyên hiện trường." Đời chồng thứ tư là một thầy cãi. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Chàng này chẳng làm chi cả, chỉ giỏi dùng cái miệng lưỡi mà thôi! Thế là đã 4 lần kết hôn mà em vẫn còn din đấy ạ!"
Nghe xong những câu chuyện châm biếm về nghề thầy kiện mà người kể nói là "chuyện diễu" tào lao kể trên thời có nhiều người bèn đưa ra lời bình phẩm rằng: "Tất cả những câu chuyện này theo kinh nghiệm của chúng tôi trong thực tế đều là... chuyện thật (true stories) chứ diễu ở chỗ nào?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét