khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2019

David và Goliath thời đại - Tác giả Lê Huỳnh



Câu chuyện “châu chấu chống xe” là biểu tượng ám chỉ kẻ yếu thế mà dám to gan chống lại kẻ mạnh hơn mình vạn lần, thường ngầm ý chê bai, không biết thân phận hèn kém.
Tương tự ở Tây phương có truyền thuyết về việc đọ sức giữa chú mục đồng bé nhỏ David với chàng dũng sĩ khổng lồ Goliath, kết cuộc không ngờ là chú mục đồng lại hạ gục địch thủ nhờ chiếc ná thun.
 
Hiện nay, qua các lời đe dọa của TT Trump, một số nước nhỏ như Cuba, Bắc Hàn, Venezuela, Iran, …dám chống chọi với Mỹ nghĩ thật chẳng khác nào các biểu tượng trên, đặc biệt là “châu chấu chống xe”, tuy chưa rõ chung cuộc ra sao nhưng đến nay chỉ thấy xe đều chuyển hướng nên chưa con châu chấu nào bị cán chết.

Có dư luận cho đó là nhờ ơn của TT Trump, người không thích chiến tranh, chỉ giơ cao đánh sẽ hay nhờ lòng thương người như sợ dân Iran chết nên vào mấy phút chót đã rút lại lịnh oanh kích trả đủa vụ chiếc phi cơ thám thính Global Hawk bị bắn hạ.

Cũng may nhờ thế mà tuy tình hình thế giới luôn căng thẳng nhưng các mặt trận hiện đều tạm yên hay ít ra vẫn chưa có chuyện gì xảy ra.

Về mặt tâm lý, có người xem dọa đánh còn hơn cả đánh thật (một cái giá bằng ba cái đánh) nên ghét những lời dọa dẫm, đành rằng nhiều người biết TT Trump nay răn đe mai rút lại là chuyện thường, cho TT thuộc hạng người khẩu xà tâm Phật, nhưng mối nguy vẫn luôn tiềm ẩn do có thể diễn dịch sai nên mọi quyết định đơn phương, tùy tiện, ngẫu hứng đều chứa nhiều hiểm tai, không những cho các nước liên hệ trực tiếp mà có thể lan ra cả khu vực, thậm chí ảnh hưởng đến toàn cầu, nên chi các lãnh tụ có trách nhiệm không thể khinh xuất lời ăn tiếng nói, câu “nhất ngôn nhi khả dĩ hưng bang, nhất ngôn nhi khả dĩ táng bang” (một lời nói có thể làm thịnh nước, một lời nói có thể làm mất nước) trong sách Luận ngữ nghĩ thật chí lý vậy!

Có thể nói là uy tín của Mỹ trên thế giới ngày nay khác xưa, diện phục mà tâm không phục, những lời dọa dẫm, những giải pháp đốp chát đôi khi đạt được kết quả nhứt thời đối với các đối thủ yếu bóng vía hay dưới cơ đành phải chịu lép, nhưng khi phải gặp phải đối thủ nặng ký hay gồng mình chịu đòn, chấp nhận mọi thấu cáy thì sẽ có vấn đề, có khi dọa rồi lại chấp nhận thương thuyết (Tàu), hay đề nghị thương thuyết không điều kiện (Iran), có khi gây ồn ào nhưng không đi đến đâu (Venezuela), coi đó như bí quyết giải quyết song phương, nên nước nào dầu là đối thủ, đối tác hay đồng minh đều bị đe dọa nên không ai ưa.
 
Lối hành xử theo tình thế đầy mâu thuẫn thể hiện một chính sách, đường lối thiếu sự chỉ đạo nhất quán của vị lãnh tụ tối cao, cùng một vấn nạn chỗ này giải quyết vầy, nơi kia giải quyết khác, trước thì rất diều hâu sau lại rất bồ câu, nhiều quyết định tùy hứng xuất hiện trên các twitters của TT Trump là dịp để các nhà bình luận bắt mạch thời cuộc, là cơ hội vàng cho các nhà thương thuyết lão luyện, suy đoán tim đen (hỷ, nộ, ái ố) của chủ nhân tòa Bạch ốc, dường như TT Trump cũng thích thế, một hình thức biểu trưng uy quyền tuyệt đối, nên không lạ gì khi TT không mấy quan tâm đến những lời chỉ trích của Jong Un đối các cộng sự viên diều hâu (phó TT Mike Pence, Cố vấn an ninh John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo).

Việc TT Trump ngẫu hứng muốn gặp Chủ tịch Kim Jong Un, hai người gặp nhau tại đường ranh biên giới Nam Bắc Hàn là một chỉ dấu tốt đẹp cho tình hình an ninh khu vực, nhớ lại lời qua tiếng lại cực kỳ nảy lửa cách nay chưa đầy 2 năm (8-2017) như sẽ làm cỏ Bắc Hàn, Trump Threatens ‘Fire and Fury’ Against North Korea, coi Jong Un là chú hỏa tiển bé con (little rocket man), đối lại chú hỏa tiển bé con này cũng chẳng vừa: “Liệu Hoa kỳ muốn gặp chúng tôi tại phòng họp hay đối đầu bằng nguyên tử hoàn toàn tùy thuộc qyết định và thái độ của Hoa kỳ” (Whether the U.S. will meet us at a meeting room or encounter us at nuclear-to-nuclear showdown is entirely dependent upon the decision and behavior of the United States.).

Qua hai cuộc họp thượng đỉnh, tuy kết quả chẳng được gì, Jong Un phàn nàn thất bại là do phe diều hâu của Mỹ, chỉ thẳng mặt các ông Pence, Pompeo, Bolton, trái lại Trump xem là thắng lợi (Bắc Hàn đã ngưng thử nghiệm hỏa tiển tầm xa, trao trả hài cốt lính Mỹ, thả tù binh sắp chết), lần này, TT Trump chỉ ước mong gặp Jong Un để chỉ nói “hello, good bye” thôi lại được hân hạnh được đón tiếp và họp mật cả tiếng đồng hồ, mời bước qua ranh giới lãnh thổ Bắc Hàn nên coi đây là một đại thắng lợi (!), mà quả thật ông Trump là TT Mỹ đầu tiên hân hạnh gặp lãnh tụ Bắc Hàn, ông Trump cho biết là cựu TT B. Obama trước đây đã bị Jong Un từ chối xin gặp (do Jong Un vừa xì ra chăng?), là TT Mỹ đầu tiên hân hạnh đặt chân lên đất Bắc Hàn, biết đâu Trump sẽ hài lòng với kịch bản đóng băng kho võ khí hạt nhân của Jong Un thay thế đòi hỏi hủy bỏ toàn bộ có kiểm chứng, ngầm nhận Bắc Hàn là cường quốc hạt nhân, nghĩ nếu xảy ra cũng chẳng có gì lạ, thế giới há chẳng đã từng quen với các nước thủ đắc võ khí hạt nhân như Ấn độ, Pakistan, Do thái đó sao? Biết đâu Trump là TT Mỹ đầu tiên ký Hòa ước với Bắc Hàn (bao đời TT trước không làm được), ông Trump luôn thích những cái nhứt như rất hãnh diện là lãnh tụ ngoại quốc đầu tiên được Tân Nhựt hoàng tiếp đón.
 
Tình hình căng thẳng giữa Mỹ với Iran hiện nay có phần giống với giữa Mỹ và Bắc Hàn hai năm về trước, liệu một kết thúc tương tự có thể xảy ra chăng?

Tuy Iran thua xa Bắc Hàn ở chỗ chưa có bom nguyên tử, chưa trực tiếp công khai đe dọa Mỹ, lại đã từng chấp nhận một số ràng buộc với Mỹ và các cường quốc hạt nhân cộng với Đức trong việc tinh chế uranium, điều này vẫn không làm TT Trump hài lòng, vậy hóa ra TT chỉ nể trọng nước nào đã thủ đắc loại võ khí độc hại này hơn là các nước chưa có?

Cuộc khủng hoảng hiện nay là do TT Trump xóa bỏ thỏa hiệp về hạt nhân do vị tiền nhiệm đã ký kết với Iran năm 2015, không còn bị ràng buộc vào cam kết nữa, phải chăng đây là cơ hội hợp pháp, hợp lý để Iran xúc tiến giấc mơ của mình, họ đang bắt đầu thực hiện một cách công khai việc tinh chế lượng uranium theo nhu cầu của họ. Tương tự hồi tháng 2/2019, chính TT Trump cũng đơn phương rút khỏi thỏa hiệp với Nga về hạn chế số lượng hạt nhân tầm trung (INF Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty), Nga cũng vừa ký luật đình chỉ việc thi hành Hiệp ước này (7-2019). Nguy cơ chạy đua võ trang nguyên tử đang rõ nét.
 
Tình hình Trung Đông đang sôi sục hẳn lên, chỉ cần một tia lửa nhỏ đủ gây ra một đám cháy to, khi ngọn lửa bùng phát rồi thì muốn dập tắt đâu có dễ, đó là điều cả thế giới lo sợ, riêng thành phần không lo sợ là phe hiếu chiến trong nội bộ hai bên, họ mong khiêu khích đến độ tình hình không thể đảo ngược.

Khởi đầu, TT Trump nghĩ rằng đơn phương rút khỏi thỏa hiệp để rảnh tay tung ra các biện pháp trừng phạt kinh tế, Iran sẽ phải sớm cúi đầu khuất phục, chấp nhận các điều kiện mới do Mỹ áp đặt, quả thật nền kinh tế của họ vô cùng khốn đốn, các cường quốc cùng ký thỏa hiệp đều chống lại việc đơn phương rút lui của Mỹ nhưng không tài nào bù đắp nỗi những thiệt hại cho Iran, bao nhiêu cơ sở đầu tư qui mô của Tây phương đều phải lần lượt rút lui khỏi Iran, điều này chứng tỏ uy quyền của Mỹ quá mạnh, nhưng điều Mỹ không ngờ là Iran vẫn trụ được, không những trụ được mà còn tỏ ra thách thức, nhiều tàu dầu đã bị thủy lôi ngay trong vùng vịnh Ba tư và eo biển Ormuz, biến cố nghiêm trọng nhứt là Iran bắn hạ một chiếc máy bay thám thính tự hành Global Hawk của Mỹ ngay trong vùng, giá chiếc máy bay này còn mắc hơn chiếc Boeng 837 Max8 (ước tính trên 120 triệu mỹ kim), nhưng số tiền ấy không là bao so với ngân sách quốc phòng hiện hành (750 tỷ mỹ kim), nhưng điều đáng ngại là tuy trang bị cực kỳ hiện đại (hệ thống phát hiện và tránh hỏa tiển), bay với cao độ 60 ngàn feet (trên 18 ngàn thước), gắp đôi cao độ các phi cơ hàng không dân dụng vậy mà vẫn bị hạ, kỹ năng quân sự của Iran như vậy không thể xem thường, khi xung đột xảy ra, Mỹ không thể oanh kích tự do như đối với lực lượng thánh chiến Hồi giáo, tuy không lực không đáng kể, bù lại họ có kho hỏa tiển đủ loại, có đạo quân cảm tử hiện diện khắp nơi (Syrie, Liban, Irak, Yemen) và ngay trong lòng các chế độ Á rập (phái Chiite), một khi các xưởng lọc dầu của Iran bị đụng tới thì các xưởng lọc dầu của Arabie Saoudite cũng khó mà yên, khối nhà chọc trời là những cái đích dễ nhắm, cái khó nữa là làm sao hủy diệt hết các lò nguyên tử trong lòng núi của Iran, khi ấy họ sẽ cố sản xuất uranium, chế tạo bom nguyên tử để sớm đem ra thử nghiệm.
 
TT Trump dọa sẽ có một cuộc chiến chớp nhoáng, khởi động cuộc chiến thì dễ nhưng muốn kết thúc sớm không dễ. Kịch bản này thật khó xảy ra, nhớ lại cuộc chiến giữa Irak và Iran do S Hussein khởi xướng với sự ngầm hỗ trợ của Mỹ kéo dài 8 năm trời (1980-1988), chiến thắng thần tốc ban đầu nhưng kết cuộc kể như thua, năm 2003 Mỹ đánh gục S Hussein, bá chủ Irak, khống chế Afghanistan, tuy lúc đó Iran gần như bị cô lập ở vùng Trung Đông mà Mỹ vẫn làm ngơ chưa đụng tới, giờ đây tình hình khác hẳn, ảnh hưởng của Iran bao trùm cả khu vực, thanh thế rất mạnh, sát cạnh sườn Do Thái là dân quân Palestine gan lì, vốn quen các đòn hằn thù của Do thái, lực lượng Hezbollah ở Liban dưới quyền thủ lãnh Hassan Nasrallah, một lực lượng khắc tinh của quân đội Do thái trong một trận thư hung kéo dài suốt 33 ngày (từ 12/7/2006), đạo quân bách chiến bách thắng nổi tiếng với những trận đánh thần tốc đành chấp nhận kết thúc cuộc chiến theo nghị quyết 1701 của LHQ, Syrie thì lại được hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga, chỉ chực chờ cơ hội để đòi lại cao nguyên Golan bằng thương thuyết hay bằng chiến tranh trong khi Mỹ ngoài hậu thuẫn mạnh mẽ của Do Thái, các vương quốc Á Rập, còn có một lực lượng trên 5 ngàn quân ở Irak, nói là để theo dõi hoạt động của Iran, nhưng dưới mắt Iran và cánh Chiite ở Irak thì coi đó như là các con tin của họ, căn cứ của Mỹ ở Irak thường xuyên bị pháo kích mà không thể phản pháo, ở Afghanistan thì đang thương lượng với phe Taliban để rút quân về nước, tình trạng y hệt Mỹ thương lượng với Việt cộng, bất kể ý kiến của VNCH trước 1975, đồng minh Pakistan thì đang xa rời quỹ đạo của Mỹ.
 
Duyệt qua tương quan lực lượng thì một khi ngọn lửa bùng phát thì chắc sẽ lan tỏa khắp vùng, đánh phủ đầu chắc chắn Mỹ sẽ chiếm thượng phong ngay nhưng liệu địch thủ có chịu ôm đầu máu qui hàng, xin thương thuyết liền chăng? Kịch bản này liệu có dễ dàng xảy ra không? Nhược bằng cuộc chiến tiêu hao tiếp tục thì sao?

Sức chịu đựng của hai phe sẽ là yếu tố quyết định, chiến trường Việt Nam kéo dài hàng chục năm, kết thúc trong thảm bại, ngay chiến trường Trung Đông hiện nay, nước Afghanistan nghèo hơn Iran, võ khí của lực lượng chiến đấu Taliban thua xa Iran mà Mỹ còn đang tìm đường tháo lui. Đó là chưa kể thời gian tranh cử TT Mỹ tới gần, liệu ứng cử viên Trump có dấn thân trong một cuộc phiêu lưu mới trong khi các thế trận đang giăng ra đều dậm chân tại chỗ nếu không nói là có nhiều bước lùi, thật ra là không phải lùi nhưng là nạn nhân của chính mình, đòi hỏi quá nhiều nhưng đạt được chẳng bao nhiêu, những trừng phạt đưa ra vội vã, chưa nghiên cứu chính chắn nên nhiều khi gặp phản tác dụng của boomerang, như các trừng phạt kinh tế chống Tàu, dân Tàu khổ mà dân Mỹ cũng đang than van, số lượng cử tri nồng cốt có thể vơi dần là điều phải quan tâm, sau hai năm đạt nhiều thành tích gọi là chưa từng có, vậy mà trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đảng CH đã mất Hạ viện, như vậy dân mỹ còn cần điều gì khác nữa, đó cũng là điều đáng phải quan tâm, không khéo lần này mất cả chì lẫn chài.
 
Ngoài ra, trên bình diện thế giới, nếu Mỹ sa lầy vào cuộc chiến này, các đối thủ Nga, Tàu là hai nước hưởng lợi nhiều nhứt, trước mắt là chẳng tốn kém gì, là thành viên ký kết trong thỏa hiệp, họ đã công khai đứng về phía Iran, trách cứ Mỹ không tôn trọng cam kết, ngay các thành viên đồng minh của Mỹ (Anh, Đức, Pháp) cũng không che giấu bất bình và đề ra giải pháp INSTEX (Instrument for Supporting Trade Exchanges -hệ thống trao đổi một số hàng hóa không qua hệ thống mỹ kim) nhằm hóa giải phần nào trừng phạt của Mỹ, Nga, Tàu cũng tuyên bố sẽ tham gia, một tín hiệu thoát khỏi vòng ảnh hưởng của đồng mỹ kim.

Việc giao hoán quốc tế bằng đồng mỹ kim hiện nay là ưu thế tuyệt đối của Mỹ, ưu thế đó phần lớn là nhờ Mỹ bảo đảm an toàn trong việc giao thương quốc tế, một khi việc bảo đảm này bắp bênh, niềm tin cậy không còn nữa thì tai hại thật khó lường, quyết định tùy tiện một cách đơn phương, không cần đến các cơ quan trọng tài quốc tế, ỷ mạnh hiếp yếu, giải quyết theo luật của kẻ mạnh thì sự xáo trộn tất xảy ra, cứ đà này thì đồng mỹ kim khó duy trì mãi quyền độc tôn, các chuyên gia đã biết việc lạm dụng quá đà này như giáo sư kinh tế đại học California, Berkeley nhận định trong quyển sách How Global Currencies Work: Past, Present, and Future (Princeton University Press): “Trong tương lai, đồng mỹ kim bắt buộc phải chia phần với đồng nguyên và đặc biệt là đồng euro. Tốc độ thay đổi nhanh chậm tùy thuộc các hoạt động của Donald Trump” (In the future, the dollar will be forced to share prominence with the yuan and the euro, in particular. The speed of the shift might depend on the actions of Donald Trump.); thật khó tưởng tượng một nước hùng mạnh như nước Mỹ lại là một nước nợ nầng nhứt thế giới, do tiêu thụ quá nhiều nên cán cân mậu dịch thâm thủng đối với hầu hết các nước, giải pháp trừng phạt đơn thuần đang gây xáo trộn giao thương toàn cầu, kết quả chưa thấy đâu, dầu vậy nước nào cũng muốn cho Mỹ vay, khi thế giới mất niềm tin thì lợi thế tuyệt đối này sẽ giảm dần, đà xuống dốc của Mỹ càng gia tốc, như vậy vô hình chung chính ông Trump đang làm cho nước Mỹ suy yếu thay vì làm cho hùng mạnh, ngẫm thật chí lý lời khuyên “phàm nhân hữu thế bất khả ỷ tận”, vận vào đúng quẻ dịch Kháng long hữu hối (Càn vi thiên), khi con rồng bay đến tột đỉnh thì chỉ còn một nước là rơi xuống, ai thừa thế xông lên một cách mù quáng, không biết củng cố tất có điều hối hận về sau.
 
Quả thật đồng nguyên của Tàu đã được quỹ tiền tệ quốc tế FMI công nhận trong hế thống giao hoán quốc tế, Tàu lại đang cố tranh thủ thế giới, ra sức chứng tỏ mình là một cường quốc có trách nhiệm, cố tỏ ra hòa đồng với các nước trong khi Mỹ thì trái lại như tại hội nghị G20 ở Osaka Nhựt vừa qua (28-29/6/2019), Mỹ gần như tự cô lập, tách hẳn với thế giới đương đại, chỉ có Mỹ là vẫn tiếp tục tẩy chai thỏa hiệp quốc tế về biến đổi khí hậu, chỉ có Mỹ là không đồng ý ghi trong thông cáo chung điều khoản chống bảo hộ mậu dịch, coi thường hay rút khỏi các định chế quốc tế (UNESCO, Hiệp ước Toàn cầu về Di dân, Hội đồng nhân quyền, …), chỉ có Mỹ ngăn trở Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (3/7/2019) ra nghị quyết lên án vụ không kích vào một trại tạm cư ở Libya, làm ít nhất 44 người nhập cư bị thiệt mạng và trên 100 người khác bị thương, việc đương kim thứ trưởng nông nghiệp tàu Khuất Đông Ngọc được chọn đứng đầu tổ chức Lương nông quốc tế FAO (23/6/2019) cho thấy ảnh hưởng suy yếu của Mỹ nói riêng và Tây phương nói chung trên trường quốc tế, thủ lãnh một cường quốc nổi tiếng dân chủ lại quá trọng vọng các lãnh tụ các nước độc tài như Mohamed ben Salmane (Arabie saoudite), người chủ mưu ám hại nhà báo Jamal Khashoggi, Kim Jong Un (Bắc Hàn) bị tình nghi hành quyết nhiều người thân tín, Rodrigo Duterte (Phi luật tân) giết những người tình nghi nghiện ngập như ngóe không cần xét xử, Recep Tayyip Erdoğan (Thổ nhỉ kỳ) đàn áp đối lập cực kỳ thô bạo.
 
Quyền lực mềm (soft power) là võ khí độc quyền của các nước dân chủ Tây phương mà Mỹ là tiêu biểu, một quyền lực chinh phục thế giới một cách êm thấm nhứt, vậy mà TT Trump lại từ bỏ nó, điều mà cựu ngoại trưởng Đức Joschka Fisher ngạc nhiên: «Tôi chưa bao giờ thấy có một tiền lệ nào trong lịch sử thế giới, khi một siêu cường như Hoa kỳ, mà quyền năng vượt hẳn lên tất cả những nước khác hiện nay, lại tuyên bố thoái vị.» (tin RFI 18/1/2017 thuật lại từ tuần báo Pháp Le Point 11/1/2017), thật vậy làm sao rao giảng dân chủ khi coi truyền thông báo chí là kẻ thù của nhân dân.
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét