khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Chuyện bầu cử tại Venezula




Kim Nhung (KN): Nói về Venezuela, thưa quý KTG, hôm Chủ Nhật 20 tuần trước, xứ này lại có bầu cử Tổng thống sớm hơn kỳ hạn và ông Nicolás Maduro lại tái đắc cử cho một nhiệm kỳ sáu năm nữa sau khi đã loại bỏ đối lập và vì vậy bị Hoa Kỳ, các nước Âu Châu và các quốc gia Trung Nam Mỹ kết án rất nặng. Thưa ông Nghĩa, trên diễn đàn này, vào Tháng Tám năm ngoái, ông cũng đã đề cập tới chuyện Venezuela và các “món nợ ghê tởm” là cách ông gọi về các khoản nợ bất chánh mà chế độ độc tài đã vay mượn rồi bắt người dân phải trả sau này. Ngày nay, tình hình Venezuela còn bị khủng hoảng trầm trọng hơn về kinh tế, xã hội và chính trị trong khi sẽ lại bị quốc tế trừng phạt về nạn độc tài và cuộc bầu cử mà Hoa Kỳ gọi là “phi pháp”. Thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa (NXN): - Tôi xin nhắc lại vì sao năm ngoái ta đã nói về chuyện Venezuela. Ngày 25 Tháng Tám năm ngoái, Tổng thống Trump đã ký Sắc lệnh Hành pháp gia tăng mức trừng phạt chế độ độc tài của Venezuela. Sau đó, tại cuộc họp báo tại tòa Bạch Cung - tôi không ngớ ngẩn gọi là "Nhà Trắng" - Cố vấn An ninh Quốc gia thời ấy là Trung tướng H.R. McMaster và Tổng trưởng Ngân Khố Steve Mnuchin giải thích rõ nội dung của quyết định. Chúng ta biết Venezuela là một xứ Nam Mỹ giàu tài nguyên, nhất là dầu khí và khoáng sản, nhưng từ năm 1998, xứ này bị tai họa là chế độ xã hội chủ nghĩa do lãnh tụ Hugo Chavez thiết lập, từ đó Venezuela gặp bất ổn chính trị, kinh tế sa sút dần và tội ác tràn lan trong xã hội. Đấy là một địa ngục cộng sản.
- Sau khi Chavez tạ thế năm 2013 thì Phó Tổng thống Nicolás Maduro lên thay và tình hình còn bi đát hơn với các cuộc biểu tình liên tục của dân chúng vì đời sống sa sút, thiếu cả lương thực lẫn thuốc men. Từ đầu năm 2017, chế độ Maduro lại loại bỏ dần vai trò của Quốc hội có các đảng đối lập chiếm đa số và cuối Tháng Bảy lập ra một Quốc hội Lập hiến để sửa Hiến pháp và thâu tóm quyền lực trong khi bắt giữ các lãnh tụ đối lập. Vì vậy, Chính quyền Trump mới gia tăng mức độ trừng phạt và thật ra đấy là lần thứ tư, với những quyết định khiến chế độ vỡ nợ và kinh tế phá sản là chuyện đang xảy ra khi sẽ lại bị trừng phạt lần thứ năm. Quả nhiên là sau khi trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ hôm Thứ Ba 22 Tháng Năm vừa qua vì lời phê phán của Hoa Kỳ, hôm Thứ Bảy 26, chế độ Maduro lại trả tự do cho một người Mỹ bị họ giam từ hai năm qua vì lý do láo khoét. Sự thể đang biến chuyển rất nhanh.

KN: Ông Nghĩa nhắc lại khiến Kim Nhung nhớ là cuộc khủng hoảng Venezuela kéo dài từ gần năm năm rồi. Và vì mất lòng dân, chế độ biến chất ra ách độc tài nên bị các lân bang kết án, bên trong thì lạm phát, tội ác và nạn khan hiếm nhu yếu phẩm lẫn thuốc men là chuyện hàng ngày. Chính quyền Trump đã cân nhắc kỹ và có sự phối hợp ngoại giao với các xứ khác để gây áp lực hầu vãn hồi nền dân chủ. Khi ra lệnh trừng phạt năm ngoái, biện pháp của Hoa Kỳ nhắm vào tay chân của chế độ nhưng không muốn người dân là nạn nhân của việc phong tỏa kinh tế. Mục tiêu chủ yếu là làm cạn nguồn tài trợ và vay vốn của chế độ và của tập đoàn dầu khí quốc doanh. Hậu quả có thể là gây rạn nứt trong thành phần thiểu số lãnh đạo, kể cả trong quân đội và tình hình chính trị sẽ còn suy đồi hơn cho tới khi người ta tìm ra giải pháp khác, là điều thật ra không dễ.

NXN: - Quả nhiên là chế độ triệt phá mọi mầm mống dân chủ và loại bỏ đối lập trong cuộc bầu cử tuần trước khiến cử tri chán ngán không đi bầu nữa và Maduro xưng là đắc cử với gần 70% số phiếu. Chế độ thực sự đang bị cô lập và còn chưa biết làm sao thanh toán khoản nợ hai tỷ đô la của tổ hợp dầu khí Hoa Kỳ là Conoco-Phillips đã đáo hạn từ Tháng Ba. Tập đoàn quốc doanh Petroleos de Venezuela, viết tắt là PVDSA, chưa biết sẽ xoay trở ra sao để trả nợ, nhất là khi Hoa Kỳ có biện pháp trừng phạt là không mua dầu của Venezuela và gây khó cho mọi doanh nghiệp ngoại quốc làm ăn với tập đoàn này. Chúng ta sẽ thấy chuyện này trong vài tháng tới đây.
 
KN Người dân Venezuela phải bươi thùng rác kiếm ăn trong khi các thành phần khá giả nhất thì đã chạy qua xứ khác kiếm sống khiến các nước lân bang cùng phản đối. Chúng ta đang chứng kiến cái tội tầy trời của chế độ cộng sản độc tài tự xưng là "xây dựng xã hội chủ nghĩa". Sau phần thông tin thương mại, Kim Nhung xin trở lại với các khoản nợ chưa biết làm sao chế độ có thể thanh toán được.

KN: Kim Nhung xin cảm tạ sự theo dõi của quý vị và sẽ đi thẳng vào đề tài kỳ này là tình hình Venezuela, xưa kia là quốc gia thuộc loại giàu có nhất lục địa Nam Mỹ ngày nay là một nền kinh tế trên đà phá sản.

KN: Thưa ông Nghĩa, năm ngoái ông đặt vấn đề một cách ngắn gọn, rằng "khi chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi lại bắt nạn nhân và con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không"? Bây giờ, tình hình sẽ biến chuyển ra sao cho Venezuela?

NXN: - Các chế độ độc tài thuộc cánh tả đều tăng chi bừa phứa và gây ra nạn lạm phát là một loại thuế bất công đánh trên dân nghèo. Lạm phát tại Venezuela thuộc loại phi mã tương tự như Việt Nam cách nay ba chục năm. Khi ngân sách bị bội chi, chế độ lại tăng thuế, tức là bóc lột người dân một lần nữa. Vì đồng Bolivar Fuerte mất giá thê thảm và kinh tế bị phong tỏa thì từ đầu năm chế độ lưu manh phát hành đồng tiền mật mã loại bitcoin gọi là đồng "Petro", dựa trên giá vàng và giá dầu để luồn lách mà chẳng thoát lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và các nước. Đấy là một thủ đoạn ăn cướp khác. Ngày nay, chế độ chỉ còn mong là dầu thô lên giá thì thu về được một số ngoại tệ, nhưng đấy là ảo vọng trong khi sản lượng dầu của họ vẫn sa sút, nhật lượng chỉ còn một triệu tư thùng một ngày! Về căn bản thì sản lượng kinh tế nay chỉ bằng phân nửa năm 2013, khi Maduro lên thay Hugo Chavez và 60% các hộ gia đình hiện sống dưới mức bần cùng, tăng gấp đôi trong có ba năm! Dự án xã hội chủ nghĩa của chế độ dẫn tới cái thùng lủng đáy….

KN: Nếu vậy thì tình hình sẽ ra sao, thưa ông?

NXN: - Tôi nghĩ rằng Bộ Ngân Khố Mỹ sẽ cho các doanh nghiệp ngoại quốc vài ba tháng, từ 60 tới 90 ngày, để suy tính chuyện lợi hại khi làm ăn với Venezuela. Nhưng tập đoàn quốc doanh PVDSA thì chết ngay cửa tử vì tổ hợp Conoco-Phillips đang làm thủ tục pháp lý để phong tỏa mấy giếng dầu và tầu hàng trên biển Carribean hầu đòi lại hai tỷ đô la tiền nợ của tập đoàn quốc doanh này. Khi ấy, ta còn thấy dân chúng đói ăn biểu tình dữ dội hơn và nếu binh lính mất lương mà nổi loạn thì quân đội có phản ứng. Các tướng lãnh sẽ không dám đàn áp binh lính của mình mà có thể quay ra hỏi tội chế độ. Họ được chế độ nuôi dưỡng với tiền bóc lột của dân. Bây giờ mức sống người dân đã cạn kiệt thì hệ thống quân doanh cũng hết tiền. Kịch bản đảo chính rất dễ xảy ra.

KN: Nhưng chẳng lẽ xứ này lại trở về chế độ quân phiệt như nhiều quốc gia Nam Mỹ khác? Ông kết luận thế nào về tương lai của Venezuela?

NXN: - Chúng ta không nên quên các nước láng giềng, như Colombia, Brazil hay Guyana, một nước rất nhỏ mà cũng rất giầu. Họ canh chừng tình trạng bất ổn tại Venezulea vì phải tiếp nhận làn sóng di dân, từ người giàu có tới thành phần cùng khốn. Cùng với Hoa Kỳ và Hiệp hội các Quốc gia Mỹ Châu OAS, họ không muốn thấy tái diễn một vụ quân đội đảo chánh như tại Cuba hay Venezuela thời Hugo Chavez. Vả lại, sau mấy chục năm đấu tranh liên tục, dân Venezuela cũng đã có ý thức dân chủ khá hơn cho nên yếu tố quốc tế lẫn quốc nội có thể tránh được sự tái diễn của một chế độ quân phiệt lại nhân danh xã hội chủ nghĩa mà bóc lột người dân. Vì vậy, thời sự ngày mai tại Venezuela là một vụ khủng hoảng gia tốc, ngày càng nhanh và càng mạnh chứ không chậm rãi như vụ khủng hoảng từ năm 2014 tới 2017. Sau cùng thì Hoa Kỳ và các nước phải nhập cuộc để cùng giải quyết các món nợ ghê tởm của chế độ khiến nhiều xứ chủ nợ, thí dụ như Trung Quốc, sẽ mất cả chì lẫn chài! Nói về kết luận thì tôi chỉ xin được nhắc lại rằng sau khi Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela tạ thế hồi Tháng Ba năm 2013, một số báo chí Việt Nam ở trong nước đã đi tựa là "một lãnh tụ vĩ đại của Mỹ châu La tinh vừa qua đời". Thật là chẳng cái dại nào giống cái dại nào!...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét