khktmd 2015
Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018
Câu chuyện tuổi thơ: canh khổ qua dồn thịt 'mát người'
“Mặt nay nổi mụn dữ con,” mẹ tôi vừa nói vừa đặt dĩa khổ qua lên chiếc bàn ăn bằng gỗ ván ép. Ánh đèn trên trần nhà dạ vào chiếc nhẫn cưới bằng vàng mà mẹ tôi vẫn còn đeo mãi sau khi bố tôi qua đời 20 năm nay. Mấy miếng khổ qua được cắt thành những ống tròn dầy, có màu xanh sẫm như màu ráy tai của nhân vật hoạt hình Shrek. Bên trong những ống tròn đó là màu xám của thịt băm chín, đã được dồn vào rất gọn gàng.
“Mày phải ăn cái gì cho nó mát người con ơi,” mẹ nói với tôi, bà nhướng hàng lông mày được xăm đã lâu, nay đã ngả màu thành tím.
Tôi thở dài. Mớ mụn trứng cá của tuổi “mãn dậy thì” đã biến nguyên cái mặt tôi thành bãi mìn. Một cục mụn sưng phồng lên ngay bên dưới xương má đau ê ẩm, khiến tôi trằn trọc suốt đêm hôm qua.
Mẹ tôi hay nói, bất kể cái gì cũng chứa thành phần hoặc nóng hoặc mát. Chuyện phát bệnh là biểu hiện của việc mất cân bằng giữa những loại năng lượng khác nhau, hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách ăn uống. Việc da mặt tôi nổi dị ứng là kết quả của cơ thể đang quá nóng, và tôi cần những loại thức ăn mát để làm dịu cơ thể lại.
Tôi gắp mấy miếng khổ qua bỏ vào chén của mình. Nước hầm màu xam xám từ khổ qua thấm vào cơm. Tôi múc một muỗng và cho vào miệng. Thịt thì dai và khổ qua thì tan trong miệng. Vị cứ như thể thuốc panamax giã nhuyễn, đắng cả đầu lưỡi của tôi.
Không giống như phở, gỏi cuốn hay bánh mì thịt, khổ qua là món ăn Việt chưa hề bước chân ra khỏi cộng đồng người Úc gốc Việt. Khổ qua cũng khá đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của khu vực Địa Trung hải, phía Nam, Đông và khu vực Đông Nam Á, và nó cũng được ưa thích bởi thế hệ người Việt đầu tiên ở Úc.
Có lần tôi than phiền về việc bị bắt ăn khổ qua với đứa bạn người Lào lai Trung Quốc tên Sophia, nó chun mũi lại rồi nói, “Shitter melon là thứ đồ ăn giả dối thì có. Mẹ tao lúc nào cũng bảo ăn nó vô sẽ giúp da mặt láng mịn, ngực to ra, mà tao chỉ thấy ăn vô nó khiến tao phát điên thôi.”
Tôi nhìn sang mẹ. Bà gắp một miếng khổ qua bằng đũa, rồi cắn một góc, sau đó bà lùa ít cơm vào miệng trước khi nhai chúng. Bà ngồi với tư thế một chân co lên tì vào bàn, mắt nhìn vô định. Tôi không hiểu là bà có thực sự đang thưởng thức nó hay không nữa. Hay là bà chỉ ăn nó vì bà nghĩ nó tốt cho cơ thể? Hoặc là vì lý do nào đó khác.
Trong truyện ngắn của nhà văn người Mỹ gốc Việt tên Viet Thanh Nguyen, có tựa là ‘I’d Love You to Want Me’, bà Khanh nấu cho chồng của bà món canh khổ qua. Lũ trẻ thì chẳng bao giờ có thể cảm nhận được hương vị của món đó, nhưng nó nhắc nhớ bà Khanh và chồng bà về tuổi thơ của chính họ. Việc thưởng thức món canh khổ qua đó là một trong những điều còn sót lại mà bà có thể cùng chia sẻ với chồng mình, khi họ là thế hệ người Việt đầu tiên tại Mỹ và chứng mất trí của chồng bà chuyển biến mỗi lúc một tệ đi xuyên suốt câu chuyện.
Món canh khổ qua đó có đoạn được đưa ra làm điểm nhấn cho sự khác biệt giữa thế hệ của bà Khanh và những đứa con của bà, khi chúng khăng khăng khuyên bà phải bỏ việc để chăm sóc ba toàn thời gian. Khổ qua cũng giống như ngôn ngữ vậy, bạn chỉ có thể cảm nhận chúng nếu được tiếp xúc suốt thời thơ ấu.
Tôi chưa bao giờ mặc áo dài, hay nhảy một bài múa nón, hoặc thậm chí là tôi chẳng hề nói lưu loát chính ngôn ngữ ‘mẹ đẻ’ đó, nhưng tôi ăn tất cả những món ăn Việt mà mẹ nấu cho tôi. Đó là một mối liên kết với chính văn hóa Việt Nam mà tôi không bao giờ thắc mắc.
Vào giai đoạn những năm tôi 18, 19 tuổi, những cái tên như Pauline Nguyen, Luke Nguyen, Dan Hong và Nahji Chu nổi lên trong giới đầu bếp ở Sydney, đã bắt được sự chú ý của những chuyên mục về văn hóa như Time Out, Broadsheet và Concrete Playground.
Món ăn Việt vốn rất rẻ và quê mùa, vậ mà họ đã biến nó thành những món ăn thành thị đắt tiền. Sự công nhận từ chính những người trong ngành ẩm thực của khu vực nội thành, cuối cùng cũng làm tôi có thể nói là văn hóa của mình thực sự rất hay. Tuy vậy, tôi chẳng bao giờ có thể dùng bữa tại những nhà hàng đó, vì tôi chỉ là tầng lớp lao động mà thôi.
Tôi vốn lớn lên với cái tủ lạnh chất đầy những cái bánh pie thịt đông lạnh của Sargents, phi lê cá hay mực ống đông lạnh, burger phô mai của I&J có thể hâm bằng lò vi sóng, những hộp kem của Bulla Neapolitan chất cả tháng trời trong đó, và những bịch bánh mì kẹp thịt bằm và ớt Thái.
Những ngày đi học về, tôi thường xuyên ở nhà một mình đến tận 8 giờ rưỡi tối. Mẹ tôi đi học lớp ban đêm ở trường TAFE sau khi xong việc ở cửa tiệm của bà. Những đêm đó, tôi lấy mấy món trong tủ đông ra làm đồ ăn, vừa ăn vừa ngồi xem The Simpsons trên cái ghế tập thể dục. Lúc mẹ tôi về nhà, bà hay nấu ngay một dĩa khổ qua rồi ngồi ăn trong im lặng, vẫn cái tư thế ngồi co một chân lên và tì vào cạnh bàn. Bà ngồi đó, sau lưng tôi, trong khi tôi vẫn chăm chú xem ti vi.
Mỗi khi thấy bà tận hưởng niềm vui riêng của bà những lúc ăn mấy món khổ qua này, tôi lại nghĩ chắc chúng gợi nhớ bà về gia đình, những người mà bà chưa từng gặp lại kể từ ngày bà rời Việt Nam năm 1988.
Tôi không nghĩ là mình sẽ muốn làm quen với cái vị đắng nghét của khổ qua. Tôi tưởng tượng mình cố gắng hết mức có thể cũng chỉ ở mức chịu đựng nó, thay vì thưởng thức nó. Mà để làm chi? Để tôi có thể cảm thấy mình giống một người Việt hơn?
Thực sự đối với tôi, những thức ăn đông lạnh đã gắn liền với kí ức khi lớn lên trong một gia đình người Úc gốc Việt thuộc tầng lớp lao động. Và tôi cảm thấy tự hào khi biết rằng chẳng phải một mình mình mà không ít người ngoài kia cũng ăn những thứ giống mình.
Thực sự sai lầm nếu cứ nghĩ là phạm trù văn hóa chung của ‘Việt’ và ‘Úc’ trong cộng đồng người di dân vốn không thể nào thay đổi, nhưng văn hóa sống và thay đổi cùng với chúng ta.
Khổ qua hay bánh pie thịt đông lạnh dù không hề hấp dẫn chút nào, nhưng chúng lại là lời nhắc nhở chúng ta, nơi đâu là nhà, và nơi đâu mãi mãi vẫn không thể gọi là nhà.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét