khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

Tình Yêu - Tác giả Nguyễn Nhân Trí




Tình yêu là một loại cảm xúc phức tạp và khó hiểu. Từ thiên niên vạn đại đã có biết bao nhiêu thi, văn, nhạc sĩ ca ngợi nỉ non và bao nhiêu triết gia, học giả cố gắng diễn tả và tìm hiểu về cái cảm xúc đầy lạ lùng nầy. Ai cũng có những cái nhìn riêng của họ nhưng chưa có ai, kể cả những chuyên viên khảo cứu y khoa, tâm thần học, v.v. tài giỏi nhất giải mã được chuyện gì thật sự xảy ra trong bộ óc của hai người đang mê mẩn yêu nhau.

Mỗi người cảm nhận và trải nghiệm tình yêu một cách ít nhiều khác nhau với mọi người khác. Tình yêu của mỗi cá nhân là kết quả tổng hợp của các ảnh hưởng tâm sinh lý, phong tục tập quán và điều kiện môi trường chung quanh người đó. Cho đến nay, người ta chỉ có thể đưa ra những giả thuyết có vẻ như giải thích được nguồn gốc và cấu trúc tổng quát của tình yêu. Đa số giả thuyết nầy dựa trên nguyên lý tiến hóa của Darwin.

Các giả thuyết nầy cho rằng nhiều dạng cảm xúc, trong đó có tình yêu, trở thành những đặc tính cơ bản của loài người (và các động vật khác) là vì chúng đóng vai trò quan trọng trong việc ưu tiên hóa những nhu cần cần thiết cho sự sinh tồn chủng loại. Nói cách khác, những cảm xúc nầy khích động từng cá thể thực hiện những thao tác cần thiết như ăn uống (để bồi bổ cơ thể), tự vệ (để bảo đảm an toàn), tháo chạy (khi đứng trước hiểm nguy), giao hợp (để duy trì nòi giống), v.v.

Có người sẽ phản đối rằng khi họ đang làm tình chẳng hạn, chắc chắn trong đầu họ không hề có ý nghĩ gì về sự sinh tồn chủng loại hay duy trì nòi giống. Nhưng đó chẳng qua là vì họ không hiểu về cách làm việc của quy luật tuyển chọn thiên nhiên. Trong thí dụ “làm tình” ở đây, sự giao hợp giữa hai sinh vật đực và cái thường đưa đến việc thụ thai. Những cá thể có khuynh hướng thích giao hợp, và có giao hợp, với đồng loại khác giới tính thì mới có thể có con cái. DNA của con cái họ cũng làm cho chúng có khuynh hướng tương tự nên chúng cũng sẽ có con cái của chúng. Cứ vậy tiếp tục thế hệ nầy sang thế hệ khác hàng triệu triệu năm nay. Nhờ đó các chủng loại ngày nay, kể cả loài người, mới hiện hữu.

Nói một cách khác, thiên nhiên đã “tuyển chọn” những cá thể trên để họ có mặt ở đây ngày nay. Nếu một tập thể có nhiều cá thể không thích giao hợp thì số lượng con cháu của họ thường sẽ nhỏ dần đi, và cuối cùng sẽ đi đến chỗ diệt vong. Vì họ không thích ứng được với đòi hỏi của môi trường sống, thiên nhiên không tuyển chọn họ để sinh tồn.

Dĩ nhiên trong số con cháu những người có DNA thích giao hợp vẫn thỉnh thoảng có những cá thể không thích giao hợp. Đây là hiện tượng biến thái tự nhiên của DNA xảy ra thông thường giữa thế hệ nầy và thế hệ khác. Quy luật tuyển chọn thiên nhiên lại sẽ hoạt động nữa, và qua vài thế hệ sau thì dòng dõi của những cá thể không thích giao hợp cũng sẽ chấm dứt.

Dân số nhân loại hiện tại ngày càng gia tăng. Điều nầy có nghĩa là đại đa số cá nhân trong chủng loại con người ngày nay đều có khuynh hướng thích giao hợp, và thường thật sự có giao hợp, với đồng loại khác giới tính. Kể cả người vừa phản đối ở trên. Họ làm tình theo “phản xạ tự nhiên”, không suy nghĩ và không nhận biết rằng quy luật tuyển chọn thiên nhiên đang xảy ra bên trong chính họ.

Thế thì tình yêu có tác động lên từng cá thể và lên chủng loại như thế nào?

Người ta nghĩ rằng tình yêu đóng vai trò gìn giữ những cá thể gắn bó với nhau lâu dài, ngay cả khi hoàn cảnh và môi trường sống chung quanh họ thay đổi. Nên nhớ rằng chữ “họ” dùng ở đây không chỉ riêng cho loài người mà thôi. Khi nhìn vào quá trình tiến hóa của tình yêu trong thế giới động vật, chúng ta có thể thấy tình yêu đã có mặt rất lâu trước khi loài người xuất hiện.

Nói về nguồn gốc, có giả thuyết cho rằng tình yêu mà nhân loại trải nghiệm ngày nay bắt đầu nẩy sinh từ tình dục.

Thật ra điều trên không có gì mới mẻ đối với đại đa số chúng ta(!) Tình dục là phương cách thuận tiện nhất để làm gia tăng số lượng gene của chủng loại và truyền bá chúng sang thế hệ khác. Hầu hết mọi cá thể trong mọi chủng loại ở những thời điểm nào đó đều cảm thấy một đòi hỏi tình dục mãnh liệt. Sự đòi hỏi nầy làm cho cá thể tìm đủ mọi phương cách để có dịp giao cấu với đồng loại và sinh sản con cái. Khoái cảm tột độ ở cao điểm của quá trình giao cấu là một phần thưởng tuyệt vời, và nó cũng đóng một vai trò không nhỏ trong việc gắn bó đôi cặp với nhau.

Khi đôi cặp gắn bó với nhau, thì sự gần gũi quen thuộc và sự nương tựa lẫn nhau dần dần nẩy sinh ra cảm xúc giữa hai cá thể. Đây là mầm móng đầu tiên của tình yêu, hay cái mà loài người gọi là tình yêu.

Trước hết, muốn có cảm xúc thì cần phải có bộ não để ghi nhận, phân tích và lưu trữ dữ kiện. Trong vài tỉ năm đầu tiên sau khi sự sống khởi phát, sinh vật không có não bộ. Không có não bộ nên không có cảm xúc. Do đó cũng không có tình yêu. Đến khoảng 60 triệu năm trước đây, sinh vật đã dần dần tiến hóa đủ để bắt đầu có những dạng não bộ đơn sơ. Chúng chỉ là những cụm tế bào nho nhỏ. Rồi nhiều triệu năm sau nữa, não bộ tiến hóa thêm dần cho đến khi loài khỉ vượn, và nhất là loài người hiện đại, sở hữu những não bộ có kích thước tương đối lớn nhất trong thế giới loài vật.

Vấn đề là một bộ não to lớn cần có một vòm sọ to lớn. Thai nhi với vòm sọ to lớn sẽ không chui lọt ra khỏi bụng mẹ được. Do đó vòm sọ cần phải còn mềm và có thể tạm thời biến dạng nhỏ lại trong lúc đang được sinh ra. Vì vậy thai nhi của các loài khỉ vượn, và của loài người, chào đời khi cấu trúc vòm sọ của chúng chưa phát triển đầy đủ. Vì vậy não bộ của chúng khi đó cũng chưa phát triển đầy đủ. Có nghĩa là trẻ sơ sinh phải hoàn toàn lệ thuộc vào sự chăm sóc, ít nhất là của người mẹ, để sống còn.

Sự chăm sóc nầy cần kéo dài nhiều năm tháng cho đến khi đứa trẻ trưởng thành đủ để tự kiếm sống. Sự kiện nầy tạo ra một mối nguy hiểm cho đứa trẻ. Do đó có giả thuyết cho rằng tình yêu nẩy sinh từ sự chết và bạo lực.

Trong xã hội loài khỉ vượn ngày nay, người ta quan sát thấy những con khỉ mẹ trong thời kỳ còn bận bịu chăm sóc con sẽ không chịu giao cấu với khỉ đực nào cả. Đó là vì khi còn cho con bú thì cơ thể khỉ mẹ không thể chuyển qua trạng thái động tình mỗi tháng. Vì vậy nhiều con khỉ đực sẽ tìm cách giết chết các khỉ con để tạo cơ hội giao cấu với khỉ mẹ. Hiện tượng nầy xảy ra khá thường xuyên ở nhiều chủng loại khác nhau, từ loài sư tử đến đa số các loài khỉ vượn và cả loài cá heo.

Người ta cũng quan sát thấy khoảng 1/3 các loài khỉ vượn sống theo chế độ một vợ một chồng. Từ đó nhân chủng gia Kit Opie của Đại Học London đề xướng một giả thuyết khá táo bạo vào năm 2013 cho rằng hiện tượng một vợ một chồng xảy ra vì đó là một trong vài phương cách hữu hiệu để ngăn ngừa nạn khỉ đực giết hại khỉ con. Giả thuyết nầy dựa trên hai nhận xét sau. Thứ nhất, hiện tượng khỉ đực giết hại khỉ con hầu như không xảy ra trong các loài khỉ vượn sống theo lối một vợ một chồng. Kế đó, và quan trọng nhất, là trong lịch sử chủng loại của một số loài khỉ vượn, nạn giết hại khỉ con chấm dứt sau khi chủng loại bắt đầu sống theo lối một vợ một chồng.

Theo giả thuyết nầy, khi bắt đầu gắn bó nhau hơn trong quan hệ một vợ một chồng thì khỉ đực thường phụ giúp khỉ cái trong quá trình nuôi dưỡng khỉ con. Khỉ đực tuy không ngần ngại giết chết con của các khỉ đực khác nhưng hiếm khi giết chết con ruột của chính chúng. Do đó khỉ con của các loài khỉ sống theo lối một vợ một chồng thường có nhiều cơ hội sinh tồn và trưởng thành hơn. Và từ sự gắn bó, gần gũi nẩy sinh tình cảm sâu đậm với nhau.

Một điều lý thú là cũng có giả thuyết cho rằng một số loài khỉ vượn cũng tìm ra cách ngăn ngừa nạn khỉ đực giết hại khỉ con bằng phương cách khác. Phương cách nầy trái ngược hẳn với phương cách một vợ một chồng. Thí dụ như loài khỉ tinh tinh và loài khỉ bonobo, chúng sống theo lối đa phu đa thê ở mức độ tối đa. Khỉ đực, lẫn khỉ cái, không có đôi cặp nhất định lâu dài và thường xuyên thay đổi bạn tình công khai mỗi khi có cơ hội. Phương cách nầy có vẻ cũng ngăn ngừa nạn khỉ con bị giết hại vì các khỉ đực không thể nào biết rõ khỉ con nào là con ruột của chúng.

Tuy nhiên, một số nhân chủng gia khác, thí dụ như Robert Sussman của Đại Học Washington ở St. Louis, Missouri, không đồng ý với giả thuyết trên. Ông cho rằng hiện tượng giết hại khỉ con để có thể giao cấu với khỉ mẹ không xảy ra thường ngày, và hiện tượng một vợ một chồng chỉ đúng với một số ít chủng loại. Vì vậy hai hiện tượng nầy không thể có liên quan hệ quả đáng kể. Trong một bài tường trình năm 2014, ông cho rằng hiện tượng một vợ một chồng là kết quả tiến hóa của sự ghen tuông. Khỉ đực không rời bỏ khỉ cái vì muốn canh giữ không cho khỉ đực nào khác có dịp giao cấu với bạn tình của nó. Khỉ cái không rời bỏ khỉ đực vì không muốn chia sẻ sự bảo vệ đùm bọc của bạn tình với khỉ cái nào khác.

Loài người là một động vật tiến hóa tương cận với các loài khỉ vượn, và gần nhất là loài khỉ tinh tinh. Loài tinh tinh, như nói ở trên, sống không có đôi cặp lâu dài và liên tục thay đổi bạn tình. Khỉ tinh tinh đực không dự phần vào việc nuôi dưỡng khỉ con và thường xuyên đối xử hung bạo với khỉ cái. Bộ óc của loài người tiền sử qua bao nhiêu triệu năm tiến hóa cũng đã được thiết kế sẵn với khuynh hướng tương tự: không đôi cặp lâu dài, thay đổi bạn tình thường xuyên, hung bạo với phái nữ và không dự phần nuôi dưỡng con cái. Nhìn vào đời sống hàng ngày hiện nay, có lẽ ai cũng thấy những khuynh hướng tiền-thiết-kế vừa kể vẫn còn thể hiện rõ rệt trong nhiều cá nhân chung quanh chúng ta.

Chuyên gia tâm thần học Paul Eastwick cho rằng khi điều kiện sinh tồn trong quá trình tiến hóa ưu đãi đôi cặp lâu dài, sự tuyển chọn thiên nhiên đã chuyển hóa bộ óc của loài người trở thành thích hợp hơn với một đời sống tương ứng. Có nghĩa là từ một bộ óc của loài khỉ tinh tinh đa dâm, đa thê, phóng khoáng, hung hãn, bạo hành với giống cái trở thành bộ óc của một con người có gia đình vững vàng, yêu thương bạn tình và chăm sóc con cái. Đây không phải là một sự chuyển hóa dễ dàng, vì vậy cần phải có một cơ chế đặc biệt. Cơ chế đó chính là sự gắn bó và tình yêu giữa đôi cặp.

Nhưng cơ chế đặc biệt đó, qua quá trình tuyển chọn thiên nhiên, đã chuyển hóa bộ óc của loài người bằng cách nào?

Quá trình tuyển chọn thiên nhiên hiếm khi khởi sự từ đầu. Khi đứng trước một môi trường sống mới với những đòi hỏi sinh tồn mới, thiên nhiên thường chuyển hóa những cơ chế đã có sẵn để biến chúng trở thành thích hợp hơn. Mối tương quan tâm sinh lý và tình cảm giữa hài nhi và người mẹ đã có sẵn trong óc của loài khỉ vượn. Cơ chế nầy giúp tạo nên sự gắn bó cần thiết giữa mẹ và con. Quá trình tuyển chọn thiên nhiên điều chỉnh cơ chế nầy đôi chút rồi phát triển nó thêm và áp dụng nó vào những cá thể trưởng thành làm họ có thể gắn bó với nhau để trở nên bạn bè, thân hữu, và tình nhân.

Để giúp cho sự gắn bó tình cảm lâu dài giữa nam và nữ, quá trình tuyển chọn thiên nhiên không những chuyển hóa bộ óc tổ tiên khỉ vượn của chúng ta mà còn chuyển hóa cấu trúc cơ thể họ nữa.

Cơ thể của tổ tiên khỉ vượn chúng ta có lẽ không khác mấy cơ thể của loài tinh tinh hiện nay: thích ứng cho những xung đột hung bạo để giành giựt và cưỡng đoạt tình dục, hơn là cho một đời sống đôi cặp lâu dài. Tiêu biểu, khỉ tinh tinh đực có cơ thể to lớn, lực lưỡng hơn rõ rệt so với khỉ cái. Khỉ đực có răng nanh dài và nhọn hơn hẳn khỉ cái để làm vũ khí tranh giành bạn tình với các khỉ đực khác.

Khỉ đực cũng có tinh hoàn to lớn để sản xuất nhiều kích thích tố nam testosterone và tinh trùng. Nhiều testosoterone làm cơ thể to mạnh cần thiết để tranh giành bạn tình với những con đực khác. Nhiều tinh trùng để cạnh tranh với tinh trùng đã nằm sẵn trong âm hộ của khỉ cái từ những cuộc giao hợp mới đây với những khỉ đực khác. Ngay cơ thể con tinh tinh cái cũng thích ứng để cạnh tranh tình dục: khoảng mỗi tháng một lần, vùng âm hộ của nó đổi màu đỏ hồng và chuyển dạng nở to lớn hẳn ra để những con đực chung quanh thấy biết là nó đang trong thời kỳ động tình. Sự quảng cáo công khai và lộ liễu nầy có lợi điểm là nhiều con đực sẽ tranh giành quyền được giao cấu với nó, và nhờ vậy những khỉ con sinh ra sẽ có được những gene từ những khỉ đực to lớn khỏe mạnh nhất.

Để thích ứng hơn với đời sống đôi cặp lâu dài, khỉ đực được thiên nhiên tuyển chọn để trở thành có cơ thể ít khác biệt hơn so với khỉ cái. Những khỉ đực có tầm vóc và răng nanh tương tự như khỉ cái ít có khuynh hướng bạo hành với khỉ cái. Lối sống đôi cặp lâu dài cũng làm cho khỉ đực không còn cần có cơ thể to lớn với răng nanh dài nhọn. Những khỉ cái cũng dần dần không còn cần trưng bày dấu hiệu động tình rõ rệt hàng tháng, và số ngày chúng có khả năng giao cấu cũng tăng dần lên. Sự kiện nầy giúp cho đôi cặp có thể làm tình bất cứ lúc nào, từ đó sự gắn bó đôi cặp dễ trở thành bền vững hơn. Khỉ đực nhờ vậy cũng vững tâm hơn rằng những khỉ con sinh ra là con ruột của mình, và từ đó dễ quan tâm đến sự nuôi dưỡng chúng hơn.

Quá trình tiến hóa xảy ra cho các loài khỉ vượn sống đôi cặp lâu dài vừa diễn tả ở trên cũng xảy ra cho loài người. Tinh hoàn của loài người hiện đại (tương đối với kích thước cơ thể) khá nhỏ hơn so với tổ tiên khỉ vượn của họ. Số lượng testosterone và tinh trùng sản xuất vì vậy cũng nhỏ hơn (vì không còn cần thiết nữa, và nhỏ hơn sẽ ít hao tốn năng lượng hơn để tạo thành và vận hành). Họ trở thành ít đa dâm và ít phóng khoáng tình dục hơn. Điều nầy giúp loài người hiện đại thích hợp hơn để có quan hệ tình cảm lâu dài và xây dựng gia đình với một bạn tình duy nhất.

Một nhận xét nữa: Trong tất cả loài khỉ vượn, giống đực của loài người có dương vật dài nhất so sánh tương đối với kích thước cơ thể họ. Một số nhà khảo cứu cho rằng đây cũng là một sản phẩm của sự tuyển chọn thiên nhiên hướng về đôi cặp lâu dài. Một dương vật dài cho phép nhiều tư thế làm tình khác nhau, kể cả tư thế mặt đối mặt. Tư thế nầy có thể giúp hai người đạt những mức độ cảm xúc hợp nhập sâu xa hơn trong lúc làm tình. Một dương vật dài cũng có thể dễ gây khoái cảm cao cho người nữ, dẫn đến khuynh hướng sẵn sàng tham gia các hoạt động tình dục nữa trong tương lai. Cả hai điều trên đều giúp củng cố thêm mối liên hệ đôi cặp của hai người.

Bất kể giả thuyết nào có chính xác bao nhiêu hay không, nhân loại ngày nay đã không thể hiện hữu nếu không có cái gọi là tình yêu. Bất kể tình yêu xuất phát từ đâu, nhân loại mai sau vẫn sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng ảnh hưởng, tốt lẫn xấu, của nó.

Và vẫn luôn luôn sẽ có những người viết bài khảo cứu về nó.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét