khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

NS Nguyễn Văn Đông nói về nhạc của mình - Tác giả Trịnh Thanh Thủy




Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nằm xuống, trên mạng mọi người bắt đầu truyền nhau nghe nhạc ông sáng tác. Càng nghe lại càng yêu mến ông hơn vì tôi và biết bao nhiêu người Việt ở miền Nam trước 75 đã sống và chia sẻ cùng ông những tư duy, tâm sự, hay cảnh ngộ ngang trái của con người trong một đất nước có chiến tranh trên cả hai miền Nam và Bắc. Nhất là trong cái cảnh mưa phùn, gió rít của một mùa xuân Cali 2018, xứ người, trời gây gây lạnh, cái buồn nhè nhẹ bỗng lãng đãng trong tôi.  Giọng ca mê hoặc lòng người của Hà Thanh mà người ta gọi là sang cả, quấn quít, ám ảnh óc tôi khôn nguôi. Hình như nỗi thương, niềm nhớ một mùa xuân nó bàng bạc trong nhạc của Nguyễn Văn Đông và vận vào ông đến nỗi ông đã ra đi vào một ngày xuân và đã không bao giờ trở lại.
 
Trong buổi gặp gỡ tháng 12 năm 2011, tôi có nói chuyện với ông về các tác phẩm đã làm sáng danh ông vào thập niên 60 như "Chiều mưa biên giới, Mấy dặm Sơn Khê, và Về mái nhà xưa.v..v..". Ông đem ra một cái máy hát cầm tay cũ, một tập nhạc và một chồng CD trong đó có những đĩa nhạc của ông. Ông bảo "Đây là những CD có nhạc của chú do các ca sĩ hát nhạc chú, tặng chú. Chú cho cháu thâu lại hay lấy bất cứ bản copy nhạc nào của chú nhưng không được bán hay làm thương mại". Tôi chọn ra những bài hát tôi ưa thích và ông đã ký đề tặng tôi.
 
 
Nhìn những dòng chữ như rồng bay phượng múa “Quý mến tặng cháu Trịnh Thanh Thủy”, tôi giật mình tự hỏi khi nào chữ viết tay đẹp như vậy tuyệt chủng, bởi lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy những dòng chữ viết tay đẹp như vậy, vì thời đại này, tôi và nhiều người quen nhìn những dòng chữ đánh máy của máy tính, của Iphone hằng ngày.
 

Tôi thấy trong các CD nhạc có rất nhiều bài do Hà Thanh hát, nhân đấy tôi hỏi "Cháu có biết và hay nói chuyện với cô Hà Thanh, cô Hà Thanh hát nhạc chú rất hay". Nghe tôi nói vậy, mắt ông bỗng xa xăm. Ông cầm cuốn CD của Hà Thanh lên một cách trân quí, "Hà Thanh hát nhạc của chú đạt nhất". Rồi ông mở cái máy hát cũ, giọng trong và cao của con hoạ mi xứ Huế vút lên, người nhạc sĩ chìm vào dĩ vãng và thế giới của riêng mình.
 
Tôi bắt đầu bàn luận với ông về âm vực của Hà Thanh, tôi thích cái lối cô luyến láy. Ông bảo Hà Thanh hát dễ dàng những bài có âm vực rộng của ông viết. Từ ngày cô qua Mỹ, ông không còn gặp cô nhưng ông vẫn theo dõi theo tiếng hát của cô đều đặn. Tôi bảo tôi thích nhất là bài "Mấy dặm sơn khê" của ông nó vừa buồn vừa lãng mạn nhất là do Thái Thanh hát. Ông đồng ý nói, Thái Thanh có âm vực rất tốt, hát được những bài có nốt cao như “Mấy dặm sơn khê” của ông thật tuyệt vời. Tôi hỏi thêm, hình như những bản nhạc của chú đều viết cho những người có âm vực rộng. Ông cười nói, do đó có những bản chú phải viết lại cho các ca sĩ khác dễ hát hơn. Tôi tò mò “Trong quá trình sáng tác, chú có viết nhạc cho riêng một ca sĩ nào, hình bóng nào rõ rệt không?”. Ông bảo “Khi có, khi không, tùy lúc và tùy hứng, cháu ơi”.
Tôi bắt đầu nhắc đến thời vàng son của ông với những bản nhạc nổi tiếng như “Chiều mưa biên giới, Hải ngoại thương ca, Tình khúc hàng hàng lớp lớp ..v..v…” Tôi bảo chú là người đầu tiên trong âm nhạc trước 1975, dùng chữ “Hải ngoại” đó. Tôi tiếp tục nhận xét “Cháu yêu thích những câu kết trong nhạc của chú, câu nào cũng mang ấn tượng sâu đậm cho nguời hát và người nghe khiến họ nhớ mãi. Như câu “Em ái yêu trong chiều đông gió, mang áo xanh theo chồng sang sông, quên mái tranh quên, con đò xưa”. Tôi cười cười, dí dỏm hỏi, “vừa âu yếm, vừa nao lòng, có phải bài này chú viết cho người yêu đầu đời không?”. Chú cũng cười bảo tôi, muốn hiểu sao cũng được, nhưng bài này có hình ảnh quê cũ là Tây Ninh, ngày chú trở lại, nên trong đầu bài nhạc có ghi “Dâng mảnh đất quê nghèo -Tây Ninh-. Về sau 10 năm xa cách, ngày về vẫn với tâm hồn bơ vơ, cô độc, và tấm lòng dễ tin, dễ yêu như ở buổi ra đi. N.V. Đ. 1964.”

 
Ông nói thêm rằng, sau này ông nghe có những ca sĩ hát bài này, lời bị sai mà họ cứ hát khiến ý nghĩa lời hát bị méo mó. Đó là câu “Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế, qua đáy tim chưa đục sông Mê…”. Họ hát thành “qua đáy tim chưa đục “song mê” hay “song khuya”. Ông bảo trong bản nhạc phát hành hồi đó ông đã cẩn thận ghi chú “Sông Mê, nghĩa bóng, tức lòng không bợn nhơ”. Rồi ông ngồi tỉ mỉ giải thích cho tôi nghe nghĩa của Sông Mê. Khi người ta chết phải đi qua cầu Nại Hà, dưới đó là Sông Mê, rồi uống chén cháo lú để quên kiếp trước, không còn thương tiếc nuối về cảnh cũ mà lộn kiếp trở lại. Nghe ông giải thích tôi mới vỡ lẽ ra ý nghĩa sâu sắc của câu “Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế qua đáy tim chưa đục sông Mê”, có nghĩa lòng người trở về còn y như lúc đi, yêu mảnh đất quê, yêu mái tranh và chưa quên hình bóng người xưa. Nhất là còn yêu lắm lắm, thế mà nhân tình thế thái đổi thay “và em ái yêu đã mang áo xanh theo chồng sang sông mất rồi”.
 

Tôi tấn công thêm “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi”, theo cháu, câu cuối lại là câu sâu sắc nhất trong bài nhạc “Chiều mưa Biên giới” chú ơi”. Mặt ông bỗng sa sầm, giọng đầy cảm xúc “Chính câu này đã là câu hát gây rắc rối cho đời chú.”. Ông hồi tưởng lại những giây phút gặp khó khăn phải đương đầu với chính quyền VNCH. Những câu hát trong bài “Chiều mưa biên giới” đã làm ông khó xử. Ông tiếp "Những gì chú viết đều là cảm xúc thật, những câu hát trong bài "Chiều mưa biên giới" là những câu hát nói lên nỗi lòng thương nhớ của người đi chiến đấu, dành lại non sông, mà chính chúng lại khiến chú khó xử với chính quyền đương thời ngày đó".
 
Ông không kể tôi nghe chi tiết, nhưng sau này tôi đọc các bài viết thì biết ông bị phạt trọng cấm 15 ngày và tác phẩm này cùng “Mấy dặm sơn khê” bị cấm lưu hành một thời gian với lý do nội dung làm suy yếu tinh thần binh sĩ. Bản nhạc có lời đề tặng rất cảm động “Kính tặng các chiến sĩ một nắng hai sương, lao mình nơi tiền tuyến. Kỷ niệm Đồng Tháp Mười(biên giới Việt-Cambod-1956)”.
 

Thấy ông buồn tôi lãng sang chuyện khác, bảo “Nói đến nhạc lính, theo nhận xét riêng của cháu, nhạc chú có những giai điệu rất quý phái, mà vẫn gần gũi, đi thẳng vào lòng người, điều mà có nhạc sĩ được học hành chỉnh chu cũng không làm nổi, những tình khúc viết cho người lính của chú không giống với các nhạc sĩ khác như Trần Thiện Thanh, Trịnh Lâm Ngân, Lam Phương chẳng hạn.". Ông nhấn mạnh rằng, ông sáng tác những bài hát về người lính khác với những nguời khác, tại ông sống thực. Ông là một sĩ quan tác chiến cùng các quân nhân xông pha trong lửa đạn nên những gì ông viết là cảm xúc thực của người lính đã ôm súng ngoài chiến trường. Còn những nhạc sĩ khác viết nhạc lính vì nhu cầu, lý do thương mại, chính trị hay bởi đơn đặt hàng, có khi cảm xúc vì cái chết, sự hy sinh của những người lính trận mà viết, nên nghe ra khác với nhạc lính của ông. Ngoài ra không có sự chi phối nào giữa một người quân nhân và một người lãnh đạo trong khi sáng tác, dù ông làm tới Trung Tá trong quân lực VNCH.
 
Ông kể thêm ngày xưa ông đã từng làm Trưởng Đoàn văn nghệ Vì Dân, Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn, gồm có những ca nhạc sĩ tên tuổi như Thu Hồ, Mạnh Phát, Thái Thanh, Anh Ngọc và từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia.. Tuy nhiên ông hiểu trong cương vị một người lãnh đạo trong quân đội lại sáng tác hay sinh hoạt tích cực trong âm nhạc thì không thể tiến xa trong quân đội. Do đó hoạt động âm nhạc chỉ là dòng phụ chứ không phải là dòng chính trong sinh hoạt của ông. Sau này ông được vinh thăng Đại Tá. Tôi thêm "Tuy nhiên những hoạt động phụ này đã làm nên tên tuổi của chú".
Khi ông kể chuyện "sông mê", tôi biết ông am tường triết lý nhà Phật và ông thường đi chùa, tôi nêu thắc mắc tại sao ông lại viết rất nhiều những ca khúc Thiên Chúa Giáo, cũng như chuyển ngữ lời ngoại quốc sang lời Việt. Đó là những "Đêm Thánh vô cùng, Ave Maria, Màu xanh Noel, Bóng nhỏ giáo đường, Mùa sao sáng, Giáo đường chiều chủ nhật...v..v..." Ông trả lời rằng, trong quá khứ sinh hoạt và giao tiếp với các vị cố đạo và linh mục Thiên Chúa Giáo, ông có học hỏi nghiên cứu thêm về đạo này và rất mến họ. Chính vì vậy, lòng ông rung động và cảm xúc với thánh ca và ông thường viết nhạc đạo Thiên Chúa dù ông theo đạo Phật.
Lúc tôi dở tập nhạc lấy bản sao, những tác phẩm ông đề tặng, ông vui miệng kể thêm, trong đó có mười mấy gần 20 bài được nhà nước cho phép phát hành hay lưu hành trong nước. Tuy nhiên, ông không cảm thấy đó là điều may mắn hay hài lòng vì những tác phẩm được lưu hành không phải là những tác phẩm ông ưa thích. Những bài hát như "Trái tim Việt Nam" không phải là những bài xuất sắc làm sáng chói tên tuổi ông như "Chiều mưa biên giới hay Mấy dặm sơn khê". Thật ra, họ cũng rất dè dặt trong việc cho lưu hành các tác phẩm của ông. Tôi hỏi liền, "Bây giờ họ cho lưu hành một số nhạc của chú, vậy chú có phát hành hay tổ chức các buổi show nhạc như Phạm Duy đã từng làm không?". Ông lắc đầu ngay "Nếu phát hành những bài hát không hay lắm hoặc không ai biết đến, thì phát hành làm gì, thôi khỏi làm". Ông kể thêm, có lần nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ khi còn sống trở về nước gặp ông và nói HTThơ biết một nhân vật rất quan trọng trong chính quyền có thể giúp ông can thiệp và nhờ người đó cho lưu hành nhạc của ông. Ông nói với HTThơ rằng, đâu có dễ dàng như vậy và người đó làm sao có quyền hạn như vậy được, chỉ có ban Tuyên Huấn Trung Ương mới có thể cho phép lưu hành nhạc, nên cho dù có nhân vật nổi tiếng nào đó chăng nữa, cũng không thể cho phép lưu hành nhạc. Làm gì có chuyện ảo tưởng như vậy.
Tuy gặp ông có một lần trong đời, nhưng tôi cảm thấy mình rất may mắn được cơ duyên tiếp xúc với một người nhạc sĩ tài hoa. Hơn thế nữa, là một vị sĩ quan VNCH tuy thất thế nhưng vẫn khiêm cung, có khí phách và rất tư cách. Ông còn là một người nghệ sĩ đầy sáng tạo khi đi tiên phong trong lãnh vực khai sinh ra “Tân cổ giao duyên” là một hình thái nghệ thật kết hợp giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây, giữa tân nhạc và vọng cổ miền Nam. Xin thắp nén hương lòng đầy quý mến của tôi gởi về NS Nguyễn Văn Đông nơi cõi tịnh.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét