khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Paul Jobin, L'Affaire Formosa au Vietnam- un bilan (2016-2018)









Ngày 29 tháng Ba, 2018, ban Việt ngữ thuộc đại học Paris-Diderot đã có buổi nói chuyện về Vấn đề Formosa thông qua những ghi chép trong chuyến đi tìm hiểu thực ...tế của ông Paul Jobin, nghiên cứu gia xã hội học thuộc Học Viện Khoa Học Quốc Gia Đài Loan (Académia Sinica ở Đài Bắc). Buổi nói chuyện được chính chủ nhiệm khoa Việt học của Đại Học Paris Diderot, Emanuel Poisson điều hợp.

Ông Paul Jobin đồng thời cũng là giảng viên của Đại Học Paris Diderot. Ông đã có các công trình nghiên cứu xã hội học liên quan đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng sau những thảm hoạ môi trường như trường hợp cháy nổ lò hạt nhân ở Fukushima Nhật-bổn. Về thảm họa môi trường xảy ra ở Việt Nam, ông cũng đã theo dõi vấn đề Formosa kể từ khi nó mới bắt đầu vào giữa năm 2016.

Sở dĩ có chuyến đi tìm hiểu thực tế kể trên là vì cho đến nay ông vẫn chưa tìm được những thông tin cần thiết cho nhiều câu hỏi còn bỏ ngõ. Đó là một chuyến đi khảo sát chớp nhoáng và đầy khó khăn trong bối cảnh bị kiểm soát và theo dõi gắt gao. Ông đã đến tận nơi các tỉnh miền trung Việt Nam, những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa môi trường Formosa. Đó là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và cả Nghệ An, nơi mà chính quyền Việt Nam không công nhận là đã bị ảnh hưởng môi trường từ Formosa. Ông cũng thú nhận đây là lần đầu tiên ông có kinh nghiệm làm việc trong môi trường của một thể chế độc tài, nơi mà tất cả mọi thông tin đều bị kiểm duyệt chặt chẽ, mọi cuộc gặp gỡ dù là bình thường nhất cũng có thể trở nên căng thẳng và nguy hiểm. Ông cũng nhấn mạnh đây chỉ là những chia sẻ về những điều mắt thấy tai nghe, chứ chưa phải là kết luận của một công trình nghiên cứu khoa học thật sự và vì nhiều vấn đề tế nhị ông đã yêu cầu không ghi hình hay thu âm buổi nói chuyện. Vì vậy bài viết này chỉ là sự thuật lại của một thính giả qua những gì đã ghi chép và nhớ được. Vì vậy rất có thể sẽ có một số chi tiết sai lệch, hoặc là do người viết ghi chép không đầy đủ, hoặc là do không hiểu hết ý của diễn giả. Sự việc ấy nằm ngoài chủ ý của người thuật lại.

Buổi nói chuyện được diễn ra trong một căn phòng nhỏ gần như một lớp học với hơn 30 người tham dự. Có chừng 20 người Việt hay gốc Việt, phần còn lại là các giáo sư, nhà nghiên cứu người Pháp. Trong số các người Việt thì có đủ mọi lứa tuổi với khoảng chừng một chục sinh viên. Phần còn lại là giáo viên; các cá nhân một thời từng ủng hộ chính quyền cộng sản VN; một vài nhà giáo, nhà nghiên cứu đã về hưu. Tất cả đều tỏ ra rất quan tâm và am hiểu ít nhiều về thảm họa môi trường do Formosa gây ra và những hệ lụy mà nó đã đem lại cho người dân của 4 tỉnh miền trung nói riêng và toàn thể đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam nói chung.

Ông Paul Jobin bắt đầu buổi nói truyện bằng câu trích dẫn bài viết của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, được đăng trên trang tờ quảng cáo của nhật báo nổi tiếng Le Monde nhân chuyến công du nước Pháp cách đây vài ngày. Ý rằng chính phủ Việt Nam rất quan tâm và đặt để vấn đề môi trường lên hàng đầu trong các chính sách. Tuy nhiên thật tế thì lại rất khác.

Theo như thông báo thì công ty Formosa đồng ý bồi thường thiệt hại là 500 triệu usd. 255 triệu usd cho đợt một kể từ tháng bảy 2017 và 245 triệu cho đợt hai và dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng Giêng 2018. Tuy nhiên không có một bằng chức xác thực nào cho việc bồi thường kể trên. Số tiền ấy có thật sự đến tay người dân bị nạn hay không thì vẫn còn là một ẩn số.

Trong chuyến đi tìm hiểu thực tế, việc đầu tiên ông Paul Jobin để ý đến đó là số lượng và thể loại hải sản được đánh bắt hay bày bán ở các chợ. Ở những thành phố lớn như Huế, nơi có nhiều du khách thì công việc ấy khá dễ dàng. Càng đi xa đến các thành phố nhỏ như Đồng Hới thì mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn. Theo những hình ảnh ông chụp được thì có khá nhiều cá thu loại nhỏ và vừa, một số cá nước ngọt và một vài loại cá mà ít người biết đến. Hải sản vẫn được bày bán bình thuờng vì không có một khuyến cáo phòng tránh nào được đưa ra, thậm chí chính quyền còn khuyến khích người dân tiêu thụ, cho dù chưa có một thống kê hay phân tích cặn kẽ chính thức nào được công bố với đủ tính thuyết phục cần thiết.

Tại Quảng Bình ông đã đến bãi biển Cảnh Dương, nơi có từ 2 đến 3 ngàn ngư thuyền vẫn nhộn nhịp hoạt động đánh bắt hải sản. Thế nhưng số lượng hải sản được đánh bắt lên lại rất khó tiêu thụ tại tỉnh nhà vì tâm lý lo sợ của người dân bản xứ. Số hải sản ấy mặc nhiên được chuyển đi khắp nơi mà hầu như không có một sự kiểm soát nào. Người dân bản địa ý thức rất rõ nguy cơ tiềm ẩn trong các sản phẩm đánh bắt được, nhưng họ không có lựa chọn nào khác, họ vẫn phải ăn thứ hải sản ấy chỉ vì đơn giản đó là thực phẩm thiết yếu của họ. Tác hại của ô nhiễm tất nhiên là sẽ không có dấu hiệu ngay tức thời. Chỉ một thời gian lâu sau thì mới biết thật sự những tác hại của nó. Nguyên tắc của các nước tân tiến và tự do là một khi đối mặt với một vấn đề môi tường nghiêm trọng thì sức khỏe cộng đồng được đặt để lên hàng đầu và trước khi có được kết quả giám định khả tín thì tất cả mọi sản vật nằm trong bán kính bị phơi nhiễm đều phải bị nghiêm cấm.

Đông Yên là nơi được nói đến nhiều nhất vì nó nằm sát ngay khu công nghiệp phức hợp Formosa về phía Đông Bắc nằm ngay bờ biển, đó cũng là nơi có giáo xứ Đông Yên. Năm 2014-2015, để xây dựng nhà máy Formosa, người dân xã Đông Yên bị vận động di dời về phía Đông Nam Formosa, đoạn gần QL1 để lập nên một làng Đông Yên khác. Tuy nhiên có khoảng 180 hộ, nghĩa là gần 800 người, đã quyết định không chịu di dời và cố ở lại giữ đất. Quang cảnh người dân sống lẫn trong đống xà bần của những ngôi nhà đã bị giải tỏa và đập nát dễ cho người ta có cảm tưởng lạ lùng về một xứ sở thanh bình. Hình ảnh ấy không khác gì quang cảnh đổ nát của một nơi đang có chiến tranh như Syria. Theo như được biết thì kể từ khi Formosa khởi động vận hành vào giữa năm 2017 thì đã gây ra rất nhiều khói bụi. Ngoài ra sự hiện diện của Formosa cũng đã làm thay đổi diện mạo trong vùng. Rất nhiều quán Karaoke, khách sạn, quán ăn đua nhau mọc lên theo luật cung cầu và tất nhiên cũng kéo theo cả tệ nạn mại dâm. Tại cửa Bắc Formosa, nơi từng nổ ra một cuộc biểu tình quy mô, giờ đây còn có cả một doanh trại quân đội được thiết lập nhằm kịp trở tay trước một cuộc xuống đường tương tự.

Khi ông đi khảo sát, có một số ngư dân đã tỏ ý muốn lên tiếng vì gần đây sự hiện diện của báo chí hầu như đã thưa dần, mọi thông tin đều bị kiểm soát gắt gao. Một ngư dân cho biết, ngày trước mỗi lần đi biển đều thu về chừng 200 đến 300 ký hải sản. Bây giờ thì số lượng ấy chỉ còn khoảng từ 40 đến 60 ký. Thế nhưng đem đi tiêu thụ thì chỉ bán được chừng chục ký với giá là 1 usd 1 ký. Tâm lý lo sợ đè nặng đến nỗi, ngay cả cát sỏi xưa nay vẫn được ngư dân thu gom và bán lại như là một nguồn thu nhập phụ trội, nay cũng không còn mấy ai mua. Một số ngư dân phải bỏ nghề đi biển mà xoay qua nuôi trồng nấm mối để có thêm thu nhập. Một chủ vựa thu gom hải sản trước kia có thu nhập chừng 5000 usd thì giờ đây chỉ còn là 2000 usd. Những gia đình di dời từ làng cũ đến làng mới còn phải đối đầu với những khó khăn trong công việc đi biển vì làng nằm khá xa mặt nước. Những khi gió lớn thì xem như chôn chân tại chỗ.

Tại Quảng Bình đời sống có vẻ khó khăn hơn. Nhiều thanh niên thiếu nữ đã phải bỏ nghề biển truyền thống, mượn nợ để đăng ký đi lao động ở nước ngoài. Chỉ khi ấy họ mới được kiểm nghiệm máu. Còn bình thường thì không có một chương trình thử máu diện rộng nào cả. Trong những hóa chất được tìm thấy như chì, cadmenium và thủy ngân còn có cả chất Arsénite và Phénol, một chất cực độc đã từng được Đức quốc xã xử dụng trong các trại tập trung. Một người cư ngụ tại Quảng Bình kể rằng, nhờ quan hệ rộng và có hộ khẩu ở Huế nên đã có thể đi thử máu tại bệnh viện trung ương Huế vì hầu hết các bệnh viện ngoài Quảng Bình đều từ chối thông báo kết quả xét nghiệm. Ông còn đến thăm một thanh niên bị công an đánh rất nặng đến chấn thương cột sống trong lần biểu tình vào tháng 6 năm 2016. Ông cũng đã gặp một người chăn nuôi sò, nay cả ruộng sò chỉ còn mênh mông nước, không còn gì mà tương lai thì không biết đến bao giờ mới chăn nuôi trở lại được như trước. Nói chung thu nhập của người dân đều bị suy giảm trầm trọng. Các ngành nghề thủy hải sản đều bị ảnh hưởng nặng nề. Cũng nên lưu ý là khi xảy ra các hiện tượng ô nhiễm biển tại miền trung thì nhà máy Formosa chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm, chưa chính thức đi vào hoạt động. Trong một chuyến đi vào tháng 10 năm 2017, các ngư dân đã vớt được một con cá lớn sống ngoài khơi xa chết dạt vào bờ, họ đã cắt lấu mẫu cá để gởi đi xét nghiệm, nhưng kết quả kiểm nghiệm thì không bao giờ được thấy. Ông Jobin cũng đã lấy một ít mẫu cá, ép chân không gởi về Đài Loan để làm thí nghiệm.

Theo như bản sơ đồ thống kê tầm ảnh hưởng ô nhiễm qua những ghi nhận về địa điểm phát hiện cá chết hàng loạt thì Nghệ An cũng nằm trong khu vực bị ô nhiễm. Thế nhưng chính quyền VN lại không công nhận điều này. Riêng tại Hà Tĩnh vấn đề ô nhiễm còn có liên quan ít nhiều đến nhà máy nhiệt điện Vũng Áng.

Thảm họa môi trường còn kéo theo hàng loạt các nạn nhân khác với những bản án thật nặng nề. Tại giáo xứ Song Ngọc, các giáo dân và cha Đặng Hữu Nam thậm chí còn bị doạ giết. Cho đến nay đã có hơn 13 người bị cầm tù vì có liên quan ít nhiều đến việc lên tiếng về tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do Formosa gây ra. Trong số ấy phải kể đến Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị 10 năm tù. Nguyễn Văn Hóa bị 7 năm. Trần hoàng Phúc bị 6 năm. Người bị án nặng nhất là Hoàng Đức Bình bị đến 14 năm tù. Bình là người đã livestream cảnh biểu tình qua flycam. Nguyễn Nam Phong, tài xế của cha Nguyễn Đình Thục thì bị 2 năm tù. Theo cha Thục thì chuyện nguy cơ bị bắt là chuyện các giáo dân và cha đã lường trước, nhưng không thể ngờ là họ lại tuyên án nặng đến vậy.

Sau một tiếng đồng hồ trình bày thì đến phần trao đổi. Qua đó nổi bật nhất chính là vấn đề thiếu vắng thông tin từ phía chính quyền lẫn các tổ chức dân sự cũng như các tổ chức phi chính phủ. Phải nói là các NGO cũng tránh đề cập đến vấn đề nhạy cảm về môi trường này. Ngay cả các nhà khoa học cũng tỏ ra lo ngại. Một nhà Việt Nam Học gốc Pháp cũng tỏ ra thận trọng và e ngại vì không muốn bị rắc rối với chính quyền khiến ảnh hưởng đến công tác đi lại thường xuyên của ông về VN.

Còn về trách nhiệm của chính quyền địa phương, chính quyền trung ương và của các nhà máy liên quan đến Formosa thì cũng vẫn là một mê hồn trận. Thoạt tiên chính quyền địa phương và trung ương đã tỏ ra cố tránh né vấn đề bằng cách tảng lờ và chỉ nói về hiện tượng thủy triều tảo đỏ đồng thời tìm cách trấn an dư luận bằng mọi giá. Rồi đùng một cái, lại có thông tin là Formosa chấp nhận bồi thường. Một thính giả nhắc lại là Việt Nam cũng như Trung Quốc điều áp dụng điều lệ không cho phép công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp trong các lĩnh vực mang tính chiến lược mà luôn luôn phải có một công ty nội địa đi kèm. Vậy công ty ấy là ai ? Phần trách nhiệm như thế nào ? Chỉ có một công ty hay còn có nhiều công ty ngoại vi có liên quan ?

Mặc dù đã có nhiều chuyên gia được mời tham gia việc nghiên cứu kiểm định nhưng rồi các bản báo cáo vẫn bặt vô âm tín. Cũng vẫn là những dấu hỏi to tướng dành cho người quan tâm. Cũng nên nhắc lại là Formosa chỉ là cách gọi vắn tắt của công ty Đài Loan Formosa Plastics Corpration đã hiện hữu từ những năm 50 của thế kỷ trước. Chỉ vào khoảng những năm 2000 thì tập đoàn Formosa Plastics mới chập chững bước chân vào lĩnh vực luyện thép. Dự án nhà máy thép Formosa thoạt tiên được dự tính xây dựng ở miền trung Đài Loan nhưng vì bị dân bản địa phản đối dữ dội nên dự án ấy đã trôi dạt về miền trung Việt Nam. Có một điều rõ ràng đó là chính quyền VN đã cố ra sức bảo vệ công ty Formosa. Còn dư luận Đài Loan thì cho rằng Formosa đã bị áp lực cũng tương tự như việc quản lý đã bị bắt làm con tin, vì vậy Formosa đã phải chấp nhận bồi thường. Phải nói là đa phần người Đài Loan không quan tâm lắm đến vấn đề thảm họa môi trường đã và đang xảy ra tại VN.

Có nhiều ý kiến xoay quanh việc trách nhiệm thuộc về ai ? nguyên nhân và nguồn gốc thật sự của thảm họa môi trường ấy là gì ? Tại sao cho đến nay các bản tường trình và các kết quả xét nghiệm đều không được công bố ? Việc chính quyền cứ lẫn tránh công bố minh bạch kết quả thí nghiệm thì chỉ khiến cho dư luận càng tỏ ra hoài nghi. Theo một thính giả cũng là một nhà khoa học có cộng tác với các đồng nghiệp tại VN thì cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp về việc xét nghiệm và nghiên cứu về nguyên nhân ô nhiễm tại 4 tỉnh miền trung chính là Viện nghiên cứu thuộc Sở Tài Nguyên và Môi Trường. Các cuộc nghiên cứu điều đã được tiến hành một cách khoa học và đầy đủ. Và một số kết quả đã được công bố. Tuy nhiên vấn đề Formosa không chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường. Nó đã trở thành một vấn đề chính trị mang nhiều yếu tố nhạy cảm vì vậy mà đại án Formosa cho đến giờ cũng vẫn là một ẩn số lớn lao đối với tất cả những người quan tâm.

Một thính giả khác thì cho rằng, về tình hình xã hội, sở dĩ đã không xảy ra xung đột gay gắt giữa người dân và chính quyền sau các cuộc biểu tình rầm rộ của ngư dân và giáo dân, phần nhiều là nhờ vào sự khôn khéo và bình tĩnh của các Cha ở các giáo phận nơi xảy ra thảm trạng ô nhiễm. Buổi nói chuyện kết thúc khi vấn đề đang trở nên sôi nổi. Còn nhiều câu hỏi, nhiều ý kiến chưa được nêu lên.

Theo thiển ý thì liệu tình trạng gia tăng đàn áp và thiếu minh bạch từ phía chính quyền sẽ có nguy cơ dồn ép các nạn nhân đến bước đường cùng ?



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét