khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

LẬT QUA VÀI CUỐN SỬ viết ở Hải ngoại - Tác giả Hạ Long Bụt sĩ



Xưa kia Việt Nam Sử Lược xb 1919 của Trần Trọng Kim là một cuốn sách giáo khoa, dành cho chương trình cấp trung học, đủ mà gọn, đầy tính sư phạm, nhưng không xếp Hai Bà Trưng làm một triều đại, hạ thấp chính triều Mạc có 65 năm trị vì tại Thăng Long ngang với nhóm Lê Trịnh còn trong chiến khu rừng núi, là vài khiếm khuyết mà sử gia sau, Phạm Văn Sơn tác giả Việt Sử Toàn Thư (1960) và  bộ Việt Sử Tân Biên, gồm 7 cuốn, đã vạch ra (xb từ 1956-72).

Sau này, tại hải ngoại, các sử gia khác, như Nguyễn Khắc Ngữ, Phạm Cao Dương, Tạ Chí Đại Trường, Cao Thế Dung, Vũ Ngự Chiêu, Thuỵ Khuê… đã đóng góp rất nhiều cho bộ môn Sử, chưa kể các tập Hồi Ký lịch sử, rất phong phú, cũng đã phản ảnh được các biến cố cùng hoàn cảnh xã hội VN từ 1945-75- tới nay.
Ba bộ sử lớn trong​   30  năm nay là: 
1-     Nhìn Lại Sử Việt, 5 tập, Tập I (từ Tiền sử đến Tự chủ -2007 ) của Lê Mạnh Hùng, luận giải được đề tài khúc mắc:
· Từ Việt có từ bao giờ, Lạc đổi thành Lạc Việt, rồi Việt Câu Tiễn, rồi Bách Việt, rồi Nam Việt của Triệu Đà có liên hệ ra sao ? Tác giả Lê Mạnh Hùng cho ta biết Lạc ở sông Hồng trở thành Lạc Việt từ khi Mã Viện xâm lăng (tr 123), Mã Viện nhập Lạc vào các bộ tộc Việt đã bị Hán hoá như Điền Việt, Mân Việt với hậu ý rằng Lạc rồi cũng bị Hán hoá như những nhóm Việt kia.  Bộ tộc Lạc đã có văn minh Trống đồng cả 200 năm trước khi Âu Lạc bị sáp nhập vào Hán, tk 5 trước CN, cả 3 nước nam Trường giang là Sở Ngô Việt đã bị Hán diệt và bị Hán hoá hoàn toàn. Sau này do loạn Vương Mãng năm 9-23, dân Hán di sang ta khá đông, kiểm tra dân số đời Tiền Hán (năm 2) và Hậu Hán (năm 140) cho thấy dân số Giao Chỉ tăng nhiều, 981,755 người, đông nhất trong 7 quận Giao châu (tr.269).
· Chiến trận 1946 tại thành phố cảng Hải Phòng  nổ ra 3 lần, do vấn đề tranh chấp kiểm soát thuế vụ. 20/11/1946, 21 và 23-28/11. Đại tá Pháp Dèbes ra lệnh 3 tầu chiến đậu ở sông Cửa Cấm nã súng vào cứ điểm kháng chiến VM, dân chết nhà cháy, dân chạy ra Kiến An, Đồ Sơn. Số dân quân bị chết, theo cuốn Việt Sử Khảo Luận -Hoàng Cơ Thuỵ ghi lại theo nhiều nguồn ( tr.2135 tập 9) :
Tham mưu Pháp cho rằng có 300 người chết.
Việt Minh nói 20,000 người
Tướng Grass 1500 người
Đề đốc Battet trên tầu chỉ huy ngoài khơi nói 6000 người theo lời kể của vài cố đạo Pháp, các vị này cũng chỉ nghe vài giáo dân chạy loạn kể lại.
Con số 6000 người, chúng tôi cho là quá lớn (bằng số chết ở Mậu Thân Huế 1968) khi dân số cả tỉnh Hải phòng khi đó chỉ khoảng 7-8 chục ngàn người, và khó chính xác vì dựa trên lời kể lại 2 lần. (1)
Tác giả Lê Mạnh Hùng trong Nhìn lại Sử Việt-Hiện Đại- 1945-75 (xb 2015-743 trang) : tuần dương hạm Suffren ngoài khơi pháo kích vào khu phố ta khiến cho trên 6000 thường dân bị thương vong. ( tr. 109)
·  Trong Nhìn Lại Sử Việt- Lê Mạnh Hùng xb 2011- cuốn đầu, tác giả viết :Chế độ công xã nguyên thuỷ thịnh hành từ đời Hùng Vương trong xã hội ta, đến thời Khúc Hạo có thể nói là đã cáo chung. (tr.254). Theo đúng quan điểm Mác Xít, trong cuốn Thời Đại Hùng Vương- nhà xb KHXH Hà nội 1973 (2) viết : “ Nghiên cứu thời đại Hùng Vương, còn là nghiên cứu quá trình tan rã cộng đồng nguyên thuỷ và hình thành xã hội có giai cấp đầu tiên trên đất nước ta. Nghiên cứu tốt thời đại này sẽ đóng góp nhiều cho sự hiểu biết về phương thức sản xuất châu Á”. (tr.14)
Theo lối nhìn Duy vật sử quan Mác xít thì tới thời Hùng Vương, đã có tổ chức xã hội, có Lạc Hầu Lạc tướng thì quá trình cộng đồng nguyên thuỷ trước đó đã tan rã chứ không còn thịnh hành nữa.
Dù sao, đi vào mê đạo Mác xít cũng sẽ sai lệch vì phải gò ép diễn trình lịch sử theo một cái khung suy tưởng triết học, sẽ dẫn tiếp tới khâu mâu thuẫn giai cấp, chủ-nô, bóc lột lao động, rồi thoá mạ cả tổ tiên : “Nhưng Vua và Lạc hầu là những kẻ thống trị có có quyền lực lớn nhất. Họ bóc lột dân trong những công xã, bằng cống nạp và lực dịch, đồng thời bóc lột sức lao động của nô lệ.” (Thời Đại Hùng Vương HàNội -tr.145). Mỗi lần ăn bánh dày bánh chưng, đọc chuyện vua cầu hiền cậu bé Gióng lên ba, vua gả công chúa cho Tản Viên, con ông bán dầu… người đọc thấy ngâm ngùi! sao con cháu nỡ lấy ông Do Thái Mác ra mà đấu tố tổ tiên dựng nước ! thuở ấy làm gì có giai cấp, có bóc lột, có nô lệ ! có chăng là Lạc chế, Lạc điền, có bộ lạc, làng xã tổ chức thô sơ phân nhiệm gia đình gia tộc, tay làm hàm nhai, chứ chưa phải là một hệ thống kinh tế có giai cấp được .(2)
Nói chung, bộ Nhìn Lại Sử Việt là một công trình sử học có nhiều điểm mới, tài liệu mới, nhưng chưa hẳn đã khách quan, thí dụ trận Khe Sanh (tập 5 tr. 646) xem YouTube về trận đánh này thì B52 Mỹ dội bom chết 15000 quân VC, cán binh số tan rã số đào ngũ, không còn mở nổi một cuộc tấn công nào vào cứ điểm, nhưng theo tác giả LMH viết thì Bắc Việt muốn đánh lạc hướng, vây Khe Sanh, mà thật ra là nhằm tấn công vào thành thị Tết Mậu Thân, họ đã chuyển 2 trung đoàn vào đánh Huế, như vậy 20,000 quân vây Khe Sanh kia đi đâu, rút hay đã chết ? (xem Battle of Khe Sanh I, II, và III trên Youtube, trận đánh từ tháng 1 tới tháng 4, 1968 mới dứt).
2- Bộ Việt Sử Khảo Luận của Hoàng Cơ Thuỵ xb Nam Á (1984-2001 Paris) gồm 15 tập, gần 4000 trang khổ lớn, chữ nhỏ, sau in thành 6 cuốn lớn, ghi nhiều chi tiết lý thú :
-Thiếu tá OSS Patti Mỹ, đứng với Võ nguyên Giáp nghe cử bản Quốc Tế Ca- International Communiste 8/1945 ở HàNội, Patti về Mỹ bị giam vì có nhận vàng hối lộ của Tuần Lễ Vàng VM ( VSKL tr. 2065 -nguồn ảnh Historia số 243-1972 tr.38. )
-12-1949 Tưởng Giới Thạch thua chạy ra Đài Loan, 30,000 quân Tầu QDĐ chạy sang Lạng Sơn, 4000 quân chạy sang Lai Châu, mãi tới 1953 họ mới được đưa đi Đài Loan (tr.2184)
-Trích lại thư viết tay của HCM gửi cho chủ tịch CS Pháp Thorez tháng 8-1946.
-Trích lại việc VMCS trao 20 lượng vàng (từ Tuần Lễ Vàng) cho báo CS Pháp Humanité để viết bài ủng hộ phái đoàn trong hội nghị Fontainebleau (2-7-46) tr.2114-
Là một luật gia, hành nghề tại Sài Gòn từ trước 1945, tác giả chứng kiến và viết kỹ nhất về tình hình Nam bộ từ thời 1940, ông có kiến thức cao và kinh nghiệm luật gia để mổ xẻ các hiệp ước, hiệp định, hội đàm, khoản nào lợi, khoản nào hại cho VN… Riêng về Hội Nghị Genève 1954 ông dành ra 67 trang lớn với đầy đủ chi tiết về lập trường các phe, Quốc, Cộng, Pháp, Tàu, Nga, Mỹ. Theo đó trong hội nghị Berlin tháng 1-2/1954 giữa Mỹ, Anh, Pháp, Nga bàn về Cao Ly, ngoại trưởng Pháp Bidault xin bàn luôn vấn đề Đông Dương, hội nghị đồng ý, sẽ họp tiếp ở Genève 26-4-1954 bàn về cả Cao Ly lẫn Đông Dương. Như vậy không hẳn là vụ Điện Biên Phủ đã đẩy tới hội nghị Genève. ( tr.2566).
Lê Mạnh Hùng mở đầu thời Cận Đại 1945-75 Chương Một : Việt Minh và đảng CS Đông Dương. Tiết 1-1 là HCM và Hoa Kỳ. Mãi tới chương 8 và 11 mới thấy nhắc tới Bảo Đại và chính quyền quốc gia.
Trong khi đó, Hoàng Cơ Thuỵ mở đầu VSKhL tập 9 –Độc Lập Kỳ 3, Chương Duy Nhất : “Từ Hoàng Đế Bảo Đại đến Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ” 11-3-1945/30-8-1945.
Xét theo biên niên thì HCThụy bố cục hợp lý hơn vì Bảo Đại với chính phủ TrầnTrọng Kim mở đầu Độc lập VN cả 6 tháng trước khi VMCS cướp chính quyền.
Xét theo chính sử suốt ngàn năm từ Ngô-Đinh-Lê- Lý-Trần -Lê Sơ-Mạc-Lê Trịnh tới Tây Sơn-Nguyễn, thì ông vua Nguyễn cuối cùng Bảo Đại, vẫn là vị quân chủ đứng đầu nước, chính danh chính vị. Mở đầu thời cận đại với VMCS thiết tưởng không thể hợp lý. (3)
Xem thế ngòi bút của tác giả VSKhảoLuận khởi đi với hồn sử quốc gia dân tộc, không chịu ảnh hưởng của sách báo tả phái Việt, Pháp, Mỹ. (4)
Nhược điểm : bút pháp đôi khi không nghiêm chỉnh: bắn như điên, nổ súng đoành đoành ( tr.2131) viết Sử mà có khi dùng thể văn nói chuyện… Một số thư từ độc giả in vào cuối tập, cũng không  hại gì đến đại thể, lại làm bộ sử sống động hơn với lời bàn, phê phán của các độc giả đương thời, tỷ dụ như thư của cụ Hồ Tá Khanh (bộ  trưởng Kinh tế Chính phủ Trần Trọng Kim) , của tướng Trần Văn Đôn, phản biện của Vương Văn Đông về chính biến 11/1960, góp ý của Bs Trần Văn Tích…
Lỗi in ấn như Hội Đồng An Dân Bắc kỳ 19-5-1947 in sai là 1957 (tr. 2161) có lẽ vì thiếu nhân sự đọc sửa lại (proof reading) và thời ấy, 1984, máy vi tính chữ Việt chưa có và vi tính cũng chưa phổ biến ở Pháp, và cả ở Mỹ.
Ưu điểm : chi tiết tỷ mỉ, tài liệu dồi dào, tập 9-10-11 về thời hiện đại là một đại sự điển các biến cố, một nguồn tham khảo reference không thể thiếu.
Ở hải ngoại, thiếu nhân lực và tài lực, lại rất nhiều tài liệu quốc tế, một mình tác giả khó ôm đồm kho sử liệu phong phú, bộ sử VSKhL của HCThuỵ cả vạn trang nếu in ra khổ thường, bố cục vững nhưng trình bày rườm rà, dù khảo kỹ, luận hay.
3- Bộ Việt Sử Đại Cương của Trần Gia Phụng gồm 7 cuốn (2003-2013) là công trình đứng đắn, đầy đủ tư liệu của một nhà giáo, nhà sử học đã viết 21 tập sách xb từ 1997 tới nay. Cuốn Án Tích CS 2001 được giải thưởng Văn Học của Hội Quốc Tế Y Sĩ VN Tự Do, cuốn Bảo Đại xb 2014 là một thành tựu, ngòi bút khách quan và nhân bản, vẽ rõ chân dung một ông Vua tốt, có lòng có công với đất nước, hơn hẳn Phổ Hy vua cuối nhà Thanh. Tác giả cho ta biết vài khúc bi sử khi Bảo Đại bị họ Ngô truất phế : họ tịch thu tài sản của các bà vợ BĐ, đuổi bà Từ Cung ra khỏi cung An Định (tr.322) là những hành vi tiểu nhân của họ Ngô vốn là quan của triều Nguyễn và do BĐ bổ nhiệm làm Thủ Tướng. Các bài báo của Trần Gia Phụng về họ Mạc ở phương Nam, về Chiêm Thành, về Hội Tam Điểm… là những công trình khảo cứu nghiêm túc đào sâu sử liệu.
Ba bộ Sử trên, của ba sử gia hải ngoại, viết Sử khi đã trên tuổi tri thiên mệnh, là công trình rất đáng quý trọng của trí thức Việt hải ngoại, những bó đuốc thiêng tiếp nối dòng sinh mệnh dân tộc. Nhu cầu còn lại hiện tại là loại sách khảo cứu kinh tế, xã hội học, nhân chủng học, tương lai học, rất hiếm hoi và rất cần thiết cho một VN 90 triệu dân đang trong cơn lốc chuyển hoá.


CHÚ THÍCH
(1)  các giáo chức trường Ngô Quyền Hải Phòng  khi đó như ông bà  gs Sử Địa Tăng Xuân An, thân phụ chúng tôi… dậy học trường Ngô Quyền từ 1928-46, cũng chạy loạn trong biến cố  đó về Kiến An, Quảng Yên. Giống như ở Hà Nội, tự vệ thành đặt ổ kháng chiến trong khu nhà dân phố nên cả thường dân cũng chết lây. Tây bắn thì dân chạy, núp xuống hầm chữ chi sẵn có để tránh bom Đồng Minh ném xuống quân Nhật từ 1942, khó mà Tây bắn chết được hàng ngàn người !
(2)  Do Văn Tân cùng soạn với Nguyễn Đổng Chi, Lê Văn Lan…chúng tôi gạch dưới mấy chữ quan trọng. 
Ít sử gia biết tới  quan điểm Sử của Lý Đông A, vượt Duy tâm Duy Vật, trong tập Việt Sử Thông Luận và Ám Thị Biểu-lưu truyền từ khoảng 1943. Đời Hồng Bàng nằm trong Văn Hoá Kỳ, với văn hoá mới Gậy Thần Sách Ước, quân chủ phân quyền, bình sản, vẽ mình ăn trầu, nhuộm răng, tóc ngắn. Lý Đông A đưa ra lập luận đặc sắc : Hán cai trị Giao Chỉ là Thực quan chứ không phải là Thực dân, cho nên các bộ lạc Việt vẫn được tự trị như Lạc chế xưa, chỉ phải cống hiến  sản vật như quế, ngọc trai, chim trĩ… Đặc biệt LĐA cho rằng sau khi Hai Bà Trưng thất bại, nhóm người thuần tuý Việt do ông Khu Liêm dẫn chạy về Nam lập nên nước Lâm Ấp (vùng Quảng Bình) bảo tồn chủ lực dân tộc cũ. Chính Lâm Ấp đã giúp Mai Hắc Đế dấy nghiệp theo tinh thần Văn Lang ở vùng nay là Nghệ An.
(3)  Trong buổi ra mắt sách ngày 20-2-2016 tại San Jose, CA  tác giả Lê Mạnh Hùng dẫn lời cụ Hoàng Xuân Hãn : “VM họ mạnh thì họ chiếm đoạt trước.” Cụ HXH theo CS, đến cuối đời còn được tặng huân chương như công thần của chế độ. Thực tế thì kẻ mạnh vẫn là kẻ cướp chính quyền sau. Chép Sử cần ghi diễn tiến lớp lang trước sau vậy
(4)  Xem công trình ngoại giao dành độc lập của Bảo Đại qua cuốn Bảo Đại của Trần Gia Phụng- Non Nước Toronto xb 2014.

1 nhận xét:

  1. Các bạn có ai biết tiểu sử của Giáo Sư Tăng Xuân An. Xin cho biết. Ở trong nước hiện nay thì chẳng ai biết gì về ông. Xin chân thành cám ơn

    Trả lờiXóa