khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Nhà xuất bản Nhã Nam (VN) phỏng vấn Tạ Chí Đại Trường



1. Kính thưa nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, chúc mừng ông lại có một cuốn sách xuất bản ở trong nước. Mỗi khi có một cuốn sách của mình được xuất bản trong nước, ông thấy thế nào?
 
Tất nhiên là vui rồi. Cái thú viết sách cho riêng mình là của Cao nhân, người thường không ai nghĩ như vậy. Huống chi viết sách khảo cứu lại mong có nhiều người đọc để điều chỉnh sai sót chi tiết, luận điểm đưa ra, tiến tới việc đánh giá lại khả năng của mình để mong làm tốt hơn. Trường hợp tôi có hơi đặc biệt nên có sự mất quân bình trong tính chất xuất hiện, trong sự liên hệ với học giới khiến đôi khi xảy ra những lời nhận định không có tính cách chuyên môn, nhất là trong tình trạng ảnh hưởng nặng nề của các biến chuyển chính trị, của tâm lí “bàn sử” luận cổ suy kim chưa chịu chấp nhận sử học là một khoa học làm cho nhiều người không phải là chuyên viên – hay tưởng là chuyên viên, chen vào lên tiếng một cách đầy thẩm quyền.
 
Phần lớn sách của tôi, tuy có những bài viết từ trong nước nhưng in ở ngoại quốc nên đến khi xuất hiện lại trong nước thì lại phải qua một thời gian cách biệt, ví dụ quyển Thần, người và đất Việt xuất hiện ở Mĩ năm 1989 đến 2005 mới về Việt Nam, quyển Những bài dã sử Việt này gom góp những bài viết từ trong nước các năm 1984-86, in thành sách cuối năm 1996. Đôi lúc cũng thấy vui hơn vì sách còn phải nằm ở bên ngoài mà lại được học giới trong nước đón nhận nồng nhiệt như trường hợp quyển Thần, người và đất Việt được sao chụp nhiều lần, sao ngay trên bản sao (Lại Nguyên Ân, “Có một tâm linh Việt”, Tuổi Trẻ thứ Năm 19-1-2006, Đặng Thế Đại, talawas 29-1-2007), cho mướn đến tay học giả thì đã sờn rách (Nguyễn Huệ Chi thông báo với tác giả). Lại cũng có những kết quả bất ngờ. Nếu tôi không lầm thì vì vài lời nhận định của tôi trong Sử Việt, đọc vài quyển (2004) – nhận định mang tính bình thường, không có ý xoi mói – về bài “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết” mà làng ca trù Lỗ Khê nổi tiếng (huyện Đông Anh, Hà Nội) “tẩy chay” bài hát này của Dương Khuê tuy nó từng được nghệ nhân Hà Thị Cầu thu vào đĩa, là bài hát bắt buộc trong Liên hoan toàn quốc 2005, đào nương của làng được Huy chương Bạc, và nếu kể xa hơn thì nó đã vang vang trong xóm Cầu Kiệu Sài Gòn trước 1945!
 
Tuy nhiên, sách khảo cứu dù là được viết kĩ cũng có thời gian tính của nó (ý tưởng tác giả đổi thay vì những xuất hiện tài liệu mới, vì chính chuyển biến của bản thân) cho nên sách xuất hiện lại cũng đành phải chịu một chừng mực lạc hậu nào đó khi tác giả không có dịp sửa đổi. Huống nữa vì đã xuất hiện ở bên ngoài, dù với những ngăn cách về không gian, chính trị… vẫn có những “thẩm thấu” nên khi trở lại trong nước, các ý tưởng trong sách đã không còn “mới” nữa, không riêng biệt nữa như đã thấy qua rất nhiều chứng cớ minh danh hoặc ngầm hiểu từ lâu. Và “lịch sử” thì vẫn còn dài dài…
Dù sao thì “có còn hơn không,” tôi cũng không thấy cần phải tránh né tỏ bày sự vui mừng của mình trong lần xuất bản, tái bản này, như đối với những quyển trước…
 
2. Thưa ông, tên Tạ Chí Đại Trường có phải là tên thật hay là bút danh?
 
Tên thật, không phải của tiểu thuyết kiếm hiệp như có lần ông Lê Ngộ Châu (đã qua đời) Chủ bút tạp chí Bách Khoa Sài Gòn cũ, nói với tôi. Tạ Chí là họ và của thế thứ, Đại Trường là ghép của hai địa danh ở tỉnh Khánh Hoà nơi tôi ra đời: Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái chảy qua Tháp Bà Nha Trang, chuyển âm Hán trong văn từ cũ). Ông thân chúng tôi thuộc thế hệ khoa bảng cuối mùa Nho học, nên làm lại thuộc cho Nam triều theo sự điều động của triều đình Huế, sinh con ở đâu thì đặt tên nơi đó, hoặc ghép tên sông núi nơi đó.
 
3. Cuốn Những bài dã sử Việt là tập họp của nhiều bài viết, ông có thể cho biết chúng được viết khi nào? Ông có tiêu chí gì trong việc tập họp các bài viết thành sách không?
 
Câu hỏi thứ nhất sẽ trả lời sau. Về câu hỏi thứ hai thì đã được dẫn giải ngay trong lời tựa năm 1990, có thể nói gọn là tôi dùng chữ “dã sử” theo nguyên ngữ của nó, loại “non-official history (of Việt Nam),” đối kháng với “chính sử” là của triều đình làm ra. Tựa đề của sách mang tiêu chí của tập họp. Dù có lúc hơi đùa cợt nhưng tôi vẫn dành cho các tựa đề một ít nghiêm túc có thể thấy được trong các tập họp đó. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 tuy không phải của tôi đặt tên nhưng nghĩ kĩ cũng là vừa trong một luận văn nhà trường, tên hơi dài nhưng rành rẽ, dứt khoát một cách bình thường. Thần, người và đất Việt diễn tả vừa đủ vấn đề tâm linh của những con người trên một khu vực đầy đủ chiều dài, chiều ngang, chiều sâu. Chắc là nó cũng có cái “được” nào đó nên ông Trần Quốc Vượng mới lặp lại trong sách của ông: Theo dòng lịch sử – Những vùng đất, thần và tâm thức người Việt của Nxb. Văn Hoá, H. 1996. Những bài dã sử Việt đã được giải thích nguyên do đặt tên ở trên. Riêng tên sách Một khoảnh Việt Nam Cộng hoà nối dài là chuyện của bản thân nên tôi tự cho phép mình buông thả hơn. Năm tôi đến, Sài Gòn chưa mở rộng nên có những con đường dài lơ lửng qua những khu phố lưa thưa được đặt tên danh nhân kèm theo với chữ “nối dài”: Phan Thanh Giản nối dài ([Rue] Général Lizé prolongée, nay là Điện Biên Phủ), Phan Đình Phùng nối dài (Richaud prolongée, nay là Nguyễn Đình Chiểu)… Đem cụm từ “nối dài” vào sách chỉ là ý thức tinh nghịch bất chợt để diễn tả một hoàn cảnh đắng cay bất thường, nhưng cũng không ngờ rằng cụm từ đó rất ăn khách nên tôi đã thấy có “Liên Xô nối dài,” cả việc lấn sân gán cho tính chất của nền văn chương hải ngoại. Không dám kể công đâu!
 
4. Bạn đọc đã quen với một nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường qua các công trình nghiên cứu về phong trào Tây Sơn, về hệ thống thần linh, thần tích của người Việt và sự phát triển của tín ngưỡng dân gian Việt Nam… nay lại thích thú phát hiện ra một nhà cổ tiền học Tạ Chí Đại Trường qua Những bài dã sử Việt. Cơ duyên nào đưa ông tới việc nghiên cứu tiền cổ?
 
Việc chồng chất các ý tưởng trong một câu hỏi riêng biệt, hay đặt rời rạc một vấn đề liên hệ trong các câu hỏi khác nhau là do người phỏng vấn không rõ về tình trạng làm việc của chúng tôi – điều này thì cũng là bình thường, nhất là trong thời đại đầy biến động vừa qua, cho nên xin ghép lại trả lời chung với phần đầu của câu hỏi số 3. Cũng có thể tìm trong những câu trả lời khác những vấn đề được đặt ra ở một câu hỏi mà cho rằng chưa giải đáp đầy đủ.
 
Tôi viết sách chắc là cũng theo lối của những người nghiên cứu khác từng kinh qua trường ốc, nghĩa là từ những bài làm ở nhà trường. Quyển Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (tên đổi thay nhiều, không tuỳ thuộc vào tác giả nhưng vẫn còn ý nghĩa chính) vốn là một Tiểu luận thi Cao học cho trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, trình vào khoảng tháng 6-1964 (bây giờ hình như là của bằng Thạc sĩ thì phải). Sách này khi còn là bản thảo được tặng Giải Văn chương toàn quốc (Việt Nam Cộng hoà), Bộ môn Sử năm 1970, Nxb. Văn Sử Học in năm 1973 tại Sài Gòn. Sau 1975 nó bị lao đao suốt mười năm vì những nhận định lịch sử về thời gian đó của tác giả khác với quan điểm chính thống đương thời và bởi những nhà phê bình sử học muốn tìm trong đó “nọc độc nô dịch văn hoá của Mĩ Ngụy,” đại loại, “cổ động cho chính sách Việt Nam hoá của Ních-xơn” chẳng hạn… Về sau tôi mới biết là sách được tái bản ở Pháp (mà bán ở Mĩ) bởi một người từng có nhà xuất bản trong nước, và cũng được nhà xuất bản khác (Đại Nam? Xuân Thu?) in tại Mĩ. Nó trở về Việt Nam với tên Việt Nam thời Tây Sơn – Lịch sử nội chiến 1771-1802, Nxb. Công An Nhân dân, 1/2007. Không có sửa đổi gì nhiều ngoài vài chi tiết lặt vặt do chính tay tác giả. Nó thiếu phần quan trọng là đánh số trang cho phần Sách dẫn, một công việc ngày trước dễ gây chán nản vì khổ nhọc nhưng với thời vi tính thì dễ dàng thực hiện hơn nhiều. Trường hợp Thần, người và đất Việt cũng vậy nhưng tác giả không biết làm sao để chen vào được.
 
Học sử xưa mà không thể tiếp xúc với tài liệu thư tịch trong thư viện chỉ vì tôi phải nhập ngũ trong gần 11 năm của thời chiến tranh. Chút đam mê nghiên cứu phải chuyển qua việc nhìn xét các sự kiện đương thời, qua những lần hiếm hoi đi vào làng mạc, tỉnh thành xa. Các thu thập này lại cũng không có điều kiện nối tiếp với sách vở cũ để kết tập thành những suy nghĩ có hệ thống nên đành đem những suy nghĩ lẻ tẻ vào các bài báo, đăng trên tạp chí Bách Khoa là nhiều nhất. Chút thu lượm đắc ý là các đồng tiền cổ tình cờ thấy được ở Bình Thuận dẫn đến một cuộc tìm kiếm lâu dài qua những vùng có khi còn bốc khói chiến trận như ở Phú Yên, nơi có ông già hãnh diện “làng mạc còn riêng của lũ qua” (của chúng tôi, hình như có lúc in lại, trở thành: lũ quạ!), và qua lời nhà thơ Trần Huiền Ân than thở: “Hỡi ơi lịch sử hoen bùn đất!” – lời thơ vận vào đối tượng mà không hay biết.
 
Sau 1975, tôi sống bên lề xã hội mới như những người kém may mắn khác. Có điều, cũng như lời người xưa: Tái ông thất mã, “rảnh rang” lại có dịp trở về với sử học. Bài viết được đăng ở ngoại quốc không phải vì “gan cùng mình” như nhiều người nghĩ mà lúc đầu chỉ là để người quen bên ngoài đọc – vì ở trong hũ nút của chiến tranh, của hậu chiến không thể ngờ rằng bên Tây, bên Mĩ người ta in bài tiếng Việt! Và cứ theo đà đó mà lấn tới. Các bài tập họp trong Những bài dã sử Việt được viết trong thời kì đó. Và cũng chính từ những bài lẻ tẻ đó mà có tập Thần, người và đất Việt mang tính tổng hợp lớn. Giản dị chỉ có thế mà thôi.
 
Có thể nói thêm về tiền cổ. Như đã nói, với thời gian chiến tranh thì các thu lượm rải rác chỉ mang tính cách sưu tập, chứng cớ là một bản thảo đầu tiên về chúng rất là sơ sài, thô thiển. (Giáo sư Nguyễn Thế Anh biết rõ điều này vì đã từng đọc nó. Giáo sư Nghiêm Thẩm cũng chê.) Tôi lại không có điều kiện sưu tập được nhiều. Đi thì không rảnh rang mà tiền mua thì không đủ cạnh tranh với người khác: Nhớ những lần mua tiền của một ông di cư bán đồng nát được ưu thế “lính” trả 70 đồng, xa-cạ cho mỗi đồng tiền đồng loạt không phân biệt, còn với một người Nhật cùng đến thì phải trả 500 cho một đơn vị như vậy! Chính ông già di cư này là người tập họp các hình ảnh tiền trong tập sách của A. Schroeder cộng với các mẫu mới đúc vào những năm 60 của thế kỉ XX, thêm các ghi chú dịch ra tiếng Anh, đặt tên sách là Catalogue of Annam Coins, mượn một Thượng sĩ Mĩ đứng tên, in roneo bán. Và chuyện hoá thành thật, ông lính Mĩ kia trở thành cổ tiền gia, được nhắc trong một bộ sách lớn, tuy có bị chê chút ít (chi tiết trong chú số 10 ở bài “Tiền đúc ở Đàng Trong…” của Những bài dã sử Việt.) Nhưng căn bản sử học từ nhà trường đã giúp tôi lựa chọn đúng chỗ để viết nên tiểu phẩm kia. Nó mang tính cách nghiên cứu khá chặt chẽ về một khu vực vì nhỏ nên không được các cổ tiền gia lớn quan tâm, có điều do đó lấp được một khoảng trống của kiến thức chuyên ngành. Và đó mới là điểm cần thiết cho một nghiên cứu, vì không nhai lại những điều đã cũ, không phải chồng chất một mớ trích văn của người khác mà mình có trong tay theo tính toán càng nhiều, càng dày càng tốt! Ông F. Thierry, Quản thủ về Tiền cổ Á Đông trong Phòng Huy chương của Pháp đã chú trọng đến các bài về tiền cổ này trong lúc chúng có khi lạc loài trên các tờ báo chợ, báo quảng cáo của người Việt trên đất Mĩ. Ông đã nhắc đến tôi trong báo cáo “Survey of Numismatic Research 1985-1990” ở Hội nghị Quốc tế về Cổ tiền học, Bruxelles 1991. Và dẫn đến vấn đề giải quyết “Khuôn tiền đá ở Bắc Thái”.
 
Khuôn tiền đá phát hiện ở núi Voi Thái Nguyên (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Bắc Thái) được đưa vào sách Lịch sử Việt nam tập I của Uỷ ban Khoa học Xã hội và in hình trong quyển Cơ sở khảo cổ học của các ông Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng… (lúc này tôi không thể ghi hết tên các tác giả, Nhà, năm xuất bản nhưng người trong nước chắc dễ dàng kiếm ra), và được xác nhận đó là “khuôn tiền đời Đường.” Sự xác nhận đến từ những nhân vật, cơ quan nghiên cứu có uy tín nên được loan truyền xa. Tờ Nghiên cứu lịch sử số tháng 8 (364) năm 2006 vừa qua còn đăng bài của cổ tiền gia Trung Quốc Vu Hướng Đông, nơi trang 21 và chú 23, với lầm lẫn dẫn từ Việt Nam. (Bài dịch không cho biết nguyên tác viết vào thời gian nào nên xin cứ giữ năm 2006 làm điểm mốc.) Trong lúc đó ông F. Thierry từ bài viết của tôi năm 1984, in trong Những bài dã sử Việt 1996, đã đính chính trên chuyên san Bulletin de la Société Francaise numismatique, năm thứ 52, số tháng Ba-1997, trang 40-41, rằng khuôn tiền đó chỉ có một lỗ khắc đồng Khai nguyên, tiền hiệu đầu Đường (624), còn 7 lỗ khác là tiền hiệu Tống, thế kỉ X, XI. Tôi đọc các hiệu tiền đó trên một bản in giấy vàng ố nhăn nheo trong một quyển Cơ sở khảo cổ học mua ở chợ trời sách Đặng Thị Nhu (Hồ Văn Ngà trước 75). Việc đọc được các tên tiền tuy là một khổ công nhưng nghĩ lại thì cũng chỉ là do thói quen mày mò ở các đống tiền mủn nát, hoen gỉ mà thôi. Dù sao thì cũng là một thành công đáng ghi nhận để riêng cho ông F. Thierry, một chuyên viên Khai nguyên, sửa chữa kịp thời các ấn bản nghiên cứu về loại tiền này của ông lúc đó.
 
5. Sống xa đất nước đã lâu, không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với các phát kiến khảo cổ mới trong nước, làm thế nào ông có thể cho ra đều đặn các bài viết về lịch sử của mình?
 
Sự hiểu lầm trong câu hỏi đã được giải đáp một phần khi tôi trả lời câu hỏi bên trên. Những lúc viết các bài trong Những bài dã sử ViệtThần, người và đất Việt, tôi vẫn còn ở trong nước. Lẽ tất nhiên sống bên lề nên không thể theo sát, “không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với các phát kiến khảo cổ học trong nước” như ông nói. Tôi đọc sách chợ trời (cũng như bây giờ ở Mĩ). Sách sau 1975 đổ ra chợ trời, nằm trên hè phố Lê Lợi Tp. Hồ Chí Minh, nhiều quyển hiếm quý từ các Đại gia đình Nam Bộ tan rã, trong đó có của một gia đình ông Phạm Quỳnh khi vào Nam từng ghé thăm. Tôi đã thấy một bộ Đại Nam thực lục tiền biên chữ Hán và các sách khác của Thư viện Viện Khảo cổ Sài Gòn… Rồi các sách, các tạp chí Khảo cổ học, Nghiên cứu lịch sử… có dấu ấn từ các thư viện Miền Bắc, có khi thấy rất xa, rất heo hút, tuôn đổ vào chợ trời Đặng Thị Nhu, hè phố Lê Lợi… Một người có lòng với sách vở tìm cách tha về cho tủ sách của ông, và cho tôi liếc tới.
 
Tất nhiên như thế vẫn chưa là đủ với tính cách một người nghiên cứu nhưng chuyện của cuộc sống là thực tế, không thể đòi hỏi nhiều. Vấn đề lại không phải chỉ là tài liệu, phương tiện mà còn là cách sử dụng những gì có dưới tay. Tôi nghĩ rằng trong giới hạn đó, tôi đã làm hết sức mình, và cũng có một chút thành quả. Chuyện nhỏ là chuyện Khuôn tiền đá, chuyện lớn là những bài mở ra hướng mới cho sử học cổ, trung đại Việt Nam (nếu muốn thì cả trong hiện tại nữa) vẫn còn tiếp tục với tập họp Sử Việt, đọc vài quyển (2004). Và đến đây thì chuyển qua một giai đoạn khác, vẫn theo hướng thực tế như đã nói.
 
Tôi qua Mĩ từ tháng 8-1994, lăn lộn kiếm ăn, bệnh tật bỏ việc, mười năm sau mới trở về thăm anh em, nghĩa là gần như đoạn tuyệt với sinh hoạt nghiên cứu trong nước, trừ một vài lần hiếm hoi gặp sách vở xuất hiện ở Mĩ hay được bạn quen cho mượn. Tôi không thể đi vào những đề tài chuyên biệt nữa, ví dụ coi như từ bỏ chuyện tiền cổ – ngoài những lúc đọc cho vui trên các bản tin bạn bè gửi đến. Thời gian bên lề chuyên ngành lần nữa như thế đã phát sinh các bài na ná sử, gộp chung trong Những bài văn sử (1999). Nhưng từ trên các đề tài xưa cũ được đề cập, tôi đã nhận thấy có thể khai thác tìm hiểu lịch sử cổ, trung đại Việt Nam trên hai tập sử cũ: Đại Việt sử lượcĐại Việt sử kí toàn thư theo một cách khác với nhiều người đã diễn giảng. Như vậy tôi có thể bó gọn công việc theo với thực tế sống của mình mà không phải đoạn tuyệt với nó. Tôi đặt tên cho cả công việc (không biết đi tới đâu) ngay từ bài viết đầu dưới tiêu đề: “Sử Việt, đọc một quyển” – “một quyển” là Đại Việt sử kí toàn thư.
 
Tất nhiên không thể nào giải thích một quyển sách chỉ từ chính bản thân nó. Huống chi Việt Nam có chợ trời thì Mĩ cũng không chịu thua nên tôi đã ghép sách chợ trời Mĩ vào các bài nghiên cứu của mình. Cơ sở đối chiếu trong bài “Sex và triều đại” là quyển Sex in History nhăn nheo, ẩm mốc nằm chung với ổ khoá, giày dép của một anh Mễ trên chợ trời Golden West Community College thường nhóm họp vào thứ bảy, chủ nhật. Giá một đôla, tận cùng số kiếp của một loại sách như thế. Đề tài hơi lệch ra ngoài khuôn khổ thông thường như thế có thể gây hiểu lầm để nhà đạo đức dễ dàng buộc tội tác giả là có đầu óc dâm ô, truỵ lạc, nói xấu anh hùng liệt nữ… nhưng một bạn trẻ giúp tôi post lên mạng đã khoe rằng: “Có mấy đứa sinh ở Mĩ, đọc tiếng Việt không xong mà cũng download coi thử nói gì trong đó…” Tôi gỡ được mặc cảm làm hư hỏng thế hệ trẻ và nói xấu dân tộc khi thấy được thông tin từ Giáo sư F. Guillemot, cho biết sẽ có Hội thảo quốc tế trong tháng 5-2007 ở Lyon về “Bản sắc thân xác tại Việt Nam”. Theo Giáo sư, đó là “một ngành nghiên cứu ít khi được đề cập đến trong giới nghiên cứu, nhất là tại Pháp,” thế mà, cũng theo lời ông, “… Giáo sư [?!] Tạ Chí Đại Trường (tại California, Hoa Kì) đã bắt đầu mở rộng lãnh vực nghiên cứu về chủ đề này qua bài “‘Sex và triều đại’…”  (Dòng sử Việt, Xuân Đinh Hợi, năm thứ hai, tháng 1-3/2007, California 2007, 108-110).
 
Ước mong thì không bao giờ đủ thoả mãn nhưng nếu chịu bằng lòng với “số phận” thì sẽ nhận ra được thích thú trong công việc. Chỉ một câu ngắn trong một quyển sách viết về bán đảo Triều Tiên tôi đã nhận ra rằng câu khẩu hiệu cửa miệng thường được nghe sau 1975: “Tiến hành ba cuộc cách mạng… mà cách mạng kĩ thuật là then chốt” là chính sách của Cộng hoà Nhân dân Triều Tiên, của Chủ tịch Kim Nhật Thành. Tất nhiên là tôi không thể biết quá các dòng chữ Anh kia. Vì nhận ra công tích của sách chợ trời Mĩ như thế nên cuối cùng khi góp bài in thành sách, tôi phải đổi là Sử Việt, đọc vài quyển, được một độc giả nêu ra trong cuộc trưng cầu Sách gây ấn tượng trong năm của đài BBC (21-12-2004) và được đài này đem phân tích giới thiệu (11-5-2005).
 
6. Các sách của ông luôn có một giọng điệu rất riêng, cung cách lập luận độc đáo. Ông có chịu ảnh hưởng về phương pháp nghiên cứu lịch sử của ai không?
 
Xin cảm ơn lời khen. Điều đó có lẽ một phần do hoàn cảnh riêng biệt của tôi. Tôi là nhà nghiên cứu (có lần ông Trần Bạch Đằng đã gọi như thế) mà không từng ở cơ quan nghiên cứu nào hết. Cả đến việc dạy học là vị trí gần với nghiên cứu nhất, tôi cũng không phải là “dân” ở đó. Tổng cộng trong đời, tôi chỉ dạy học khoảng hai năm rưỡi mà lại cách nhau hơn mười năm, rồi tuyệt tích. Nhớ năm nào có người đọc sách tôi, ở Hà Nội hỏi bạn tôi (ở Mĩ về): “Ông Trường dạy ở Đại học nào bên đó?”, và được trả lời: “Anh ta làm cu li bên đó chớ ở Đại học nào đâu!” Đất trời rộng mênh mông, cuộc đời điên đảo, văn kì thanh nhi bất kiến kì hình thì phải vậy thôi.
 
Tất nhiên là tôi cũng bắt đầu từ trường Đại học như đã nói. Lớp người như tôi, trưởng thành trong phần nửa đầu của cuộc chiến, không biết tiếng Pháp như các bậc đàn anh, không chuyển kịp qua thời tiếng Anh về sau nhưng vẫn giữ tiếng Pháp là sinh ngữ chính và học tập trong môi trường trung, đại học theo truyền thống Pháp. Vì thế phương pháp nghiên cứu sử là bắt nguồn trực tiếp từ các sách giáo khoa hay chuyên ngành của Pháp, hoặc qua cách vận dụng từ giáo sư Pháp. Chữ nghĩa hấp tấp thu thập từ trong chiến tranh vốn cũng không nhiều nhưng đành phải cứ từ căn bản đó mà “bơi” tự do. Nhưng có vẻ cũng từ căn bản đó mà tôi đã “khác” đi. Căn bản khoa học dễ thấm vào những người bị chiến tranh bốc ra khỏi môi trường làng xóm, khỏi một ít từ gia đình truyền thống như chúng tôi. Lớn lên thấy đình miếu bị phá tan hoang mà không có ai vật chết tên lính thực dân, ông cách mạng nào nên lòng tin thần thánh cũng bớt đi, và ý tưởng hoài nghi cái đã-thành-hình dễ phát triển hơn để ông Descartes không phải mất công uốn nắn nhiều. Sách sử gọi là của truyền thống “xa xưa” nhưng vốn từ các nho sĩ lại cũng học của mấy ông “Tử viết…” luôn luôn vọng tưởng về một thời hoàng kim Tam Hoàng Ngũ Đế, đem ứng dụng vào trong nước là mơ màng về một thời Hùng Vương đầy đủ thể chế văn minh (tuy có lúc cũng xê xích cho phải phép). Chuyển qua thời đại “khoa học,” đó là một nền văn minh Đông Sơn rực rỡ của các đào bới khảo cổ học, như một minh chứng vật chất vững chãi cho thời Hùng Vương chỉ còn vài dòng sách vở, ráng “vẽ” ra cũng không thể nào được nhiều, trừ phi muốn nói ngang.
 
Rồi với thời có sử thì những thiết chế chính trị từ Trung Quốc chuyển qua phủ Đô hộ An Nam độc lập cũng tiếp tục được coi là không nhường ai về mặt văn minh – sự tự phụ càng lúc càng tăng với một nền sử học dân tộc chủ nghĩa trùm lấp, che đỡ các yếu tính của xã hội xưa mà nếu vào lúc khác thì hẳn bị chê trách, bài xích. Ví dụ việc Thái hậu họ Dương “khoác áo vàng” cho Lê Hoàn được cho là của một Thái hậu Dương Vân Nga (tên của điện phủ, tuồng cải lương) biết hi sinh chữ Trinh của Nho giáo dặn dò gìn giữ, để chuyển qua một tinh thần Trung với Nước cao cả hơn. Loại lịch sử diễn nghĩa theo Nho giáo và dân tộc chủ nghĩa phối hợp như thế đã che lấp sự thực của quá khứ cũng được chính một nguồn sử đương thời từ Tống cho thấy Lê Hoàn đã bắt nhốt Đinh Toàn, và Dương hậu, thật ra chỉ làm công việc bình thường của thời đại là chuẩn nhận việc đổi thay triều chính thôi. Tôi nghĩ mình đã được thoát ra khỏi những lối nhìn “truyền thống” cũ và mới như thế là nhờ ở vị thế “mới” về tư tưởng chấp nhận để thấy ra sự khác lạ trên các sự kiện cũ. Khoa học bắt đầu bằng sự ngạc nhiên và do đó bắt buộc người ta phải đi tìm những kiến giải khác. Rồi thêm với vị thế bên lề xã hội của mình, tôi tự do viết không cần lo chuyện có được phổ biến hay không, hay như ở Mĩ, là viết cho những tạp chí không đủ tiền trả, viết cho nó sống để mình còn có “sân chơi”! Thêm một bước từ đó là sử dụng văn từ không theo một khuôn khổ trường ốc nào cả, chữ nghĩa bứt phá nên bị chê là tối tăm, bôi bác quá khứ, nói xấu dân tộc, và không tránh khỏi chữ của thời đại là “phản động”.
 
7. a/ Có ý kiến cho rằng trong các công trình nghiên cứu lịch sử của mình, ông thiên về việc khai thác, đối chiếu các tài liệu sử học đầu tay mà ít chú trọng đến việc đi điền dã, điều đó có đúng không? b/ Việc thiếu thốn các tư liệu điền dã có trở ngại nhiều đến việc nghiên cứu của ông?
 
Tôi không rõ người nêu ý kiến này căn cứ vào đâu mà cho tôi không biết đến sự quan trọng của việc đối chiếu tài liệu sách vở với thực tế địa phương. Có lẽ họ quen với tổ chức nghiên cứu của cán bộ khoa học xã hội chủ nghĩa, được ban phát lương tháng, được chu cấp phương tiện làm việc theo một chương trình “xuống đồng” có địa phương đón tiếp, hình như có cả cung phụng ăn uống nữa. Điều đó trong chế độ Việt Nam Cộng hoà cũng thấy với một chừng mực ít chặt chẽ hơn, ở một vài cơ quan văn hoá, theo các thể thức hành chánh chung đương thời. Còn phần lớn chỉ tự bỏ tiền túi ra làm việc theo ý định riêng tư, tìm sự giúp đỡ địa phương, nếu có, theo lối “ngoại giao” quen biết mà thôi. Nói cách khác, nhà nước Miền Nam ít lo toan, chăm sóc người nghiên cứu hơn ở Miền Bắc. Lẽ tất nhiên trong tình trạng đó thì tôi ít “đi điền dã” hơn, chưa kể còn gặp những hạn chế bởi bản thân, bởi tình thế chiến tranh như đã kể. Có lần nhân chuyến công tác, cố làm xong cho nhanh để có thì giờ đi tìm tiền cổ, ngày cuối lẻn ra phi trường Cam Ranh tìm chuyến bay về đơn vị (đường đi lạc ra ngoài vùng công tác) gặp một cấp trên cũng đừng chờ máy bay như mình, thế là bị đơn vị trưởng mắng “ăn cắp giờ quân đội, đi rong chơi!”
 
Vả lại việc nghiên cứu không phải lúc nào, và ở đâu, trong khuôn khổ đề tài nào cũng cần đến việc đi điền dã. Ông Tư Mã Thiên tuy cũng đi đây đi đó nhưng đâu có phải lục lọi cùng khắp những vùng ông viết trong quyển Sử kí của ông? Người ta có thể đi điền dã gián tiếp bằng cách đọc các tài liệu của người khác đã đến tận nơi, hay có tiếp xúc với vấn đề. Đi điền dã trên bản đồ. Lại cũng là chuyện biết khai thác chứng cứ từ người khác hơn là đến tận nơi thấy đồng ruộng mênh mông, núi đồi trùng điệp, dạo chơi ăn uống với địa phương rồi về!
 
Xét kĩ về câu hỏi, có thể nghĩ xa rằng người đặt vấn đề đã thấy một vài sai lạc trong các bài tôi viết, không đúng với thực tế địa phương. Nhưng sai lạc ở một quyển sách thì bao giờ cũng có, nhất là như đã nói, tôi viết sách trong tình trạng ngược đời là đi vào chuyên môn mà không có dịp cho chuyên viên đọc trước, hay đem ra dạy học để ít ra, được học trò nói lại. Thế mà in sách cũng không thường thấy hồi âm khiến có thể nghĩ đến một chính sách, một sự cố tình lãng quên tập thể. Hình như người mình có tính cả nể, không chịu chỉ ra khuyết điểm của kẻ khác trên sách vở, nghĩa là dù chỉ trên phương diện kiến thức cần thiết mà cũng không nói, lại chỉ xầm xì với nhau. Có lần thấy vài nhân vật trong cuộc của vụ Nhân văn chê ông G. Boudarel, tác giả Cent fleurs écloses dans la nuit du Viet Nam (1991), nói ông sai mà không chỉ rõ sai ở đâu! Nay sách còn đó mà người trong cuộc đã chết, người đọc phải làm sao? Tình trạng thờ ơ này lại khác đi khi có chỉ đạo về một chiến dịch nào đó, hay có người tự nguyện thấy ra rằng điều chỉ trích của mình ứng hợp với thời đại, có thể hi vọng tiến thân xa.
 
8. Nhiều người nói ông rất dở trong việc đặt tên sách, thường nghe “quê”, không “kêu”, ông nghĩ gì về điều này?
 
“Bá nhơn bá bao tử,” tôi phải trọng ý kiến của người khác nhưng vẫn giữ ý kiến của mình.
 
9. Ngày nay có một thực tế là nhiều bạn trẻ ngại đọc, ngại tìm hiểu về lịch sử. Ông đã đến với việc nghiên cứu lịch sử như thế nào, có cần một năng khiếu đặc biệt gì không?
 
Xin lỗi, tôi thấy hai câu đặt hai vấn đề không liên quan gì với nhau. Một bên là người đọc, dù là học sinh, đến với lịch sử bằng cảm tính, bằng sự thích thú riêng tư, một bên là khổ nhọc nghiên cứu, gay go mà bất cứ một ngành chuyên môn nào cũng cần phải trải qua. Cũng có thể ráng nối kết hai tập nhóm đó bằng tính chất chung của người Việt là hay “bàn sử,” ưa “luận cổ suy kim” để nói ý định dùng sự thành tựu, nếu có, của tôi để tác động đến thái độ tiêu cực đối với sử học của các bạn trẻ chứ gì? Như thế thì quả thật là quá lạc quan!
 
Trong xã hội với nhiều chọn lựa như ngày nay thì có nhiều bạn trẻ không thích đọc, thích tìm hiểu lịch sử cũng là điều bình thường. Còn đã có đối tượng, ở đây là lịch sử, thì nếu có ai không thích thú lại phải tìm khuyết điểm ngay từ đối tượng ấy, từ những bài viết có gợi được sự tò mò của người đọc không, hay chỉ là sự lặp lại dửng dưng vô cảm? Tôi nói đến chữ “thích” vì ví dụ học sinh có “ngại đọc, ngại tìm hiểu về lịch sử” thì họ vẫn phải vùi đầu vào sách để lên lớp, để thi đậu, điều mà với tính cách tự do, không ràng buộc, họ sẽ không làm như đã ngầm xác nhận trong câu của người phỏng vấn. Nhưng trong xã hội phương Đông, xã hội Việt Nam việc thay đổi bài học sử không phải là điều dễ làm. Lịch sử không được hiểu là kết quả mầy mò tìm hiểu quá khứ mà là quá khứ được xây dựng theo mục đích phục vụ, là quá khứ có định hướng, được xác định rõ không những như ông Khổng Tử xưa mà nay còn cương quyết, chắc nịch quyền uy hơn. Cho nên phải có một sự đổi thay trong xã hội ảnh hưởng đến người trẻ biết nhận thức về một thứ lịch sử khác với các lời bàn trong những cuộc luận cổ suy kim, những đề cương chính trị, thao tác văn chương móc ngoéo vào lịch sử… từ đó dẫn đến một ý thức đúng đắn về một nền sử học khoa học. Nhưng đến lúc này lại sẽ phát sinh ra những bài lịch sử có khi, đối với một số người, lại cũng gây chán ngán như các bài sử trước.
 
Bởi vì, như đã nói, khoa học là nghiêm túc, là khổ nhọc. Tự bản thân, tôi không thấy mình có thiên hướng gì đặc biệt. Đi học, chọn một ngành riêng biệt rồi cứ theo đó mà làm thôi. Đã có nhiều người định nghĩa thiên tài là kiên nhẫn, là cố gắng, cho nên người muốn nghiên cứu sử thành đạt cũng không có con đường nào khác. Phải đề phòng sự ưa thích bất chợt nhảy vào sử vì vướng víu với ý tưởng chung xưa cũ “Ai biết được chữ thì cũng có thể viết được sử.” Hiện giờ vẫn còn rất nhiều “danh tác sử học” thuộc loại đó. Viết sử theo truyền thống Trung Hoa thì không có trường trại nào hết, nhưng từ khi người Pháp qua, và nhất là từ thời độc lập 1945 đã có nhiều lớp chuyên viên được tạo thành theo đường lối sử học Tây phương. Nhưng xét theo các thành quả thì cũng thấy có những sử phẩm đầy thiếu sót căn bản của những người được đào tạo qua loa rồi sống lâu lên lão làng, sách vở chồng chất lộ ra những sơ hở tưởng không thể thấy được ở một sử gia. Huống nữa, sử gia thời mới “trở về với dân tộc” cũng chịu tiếp theo những hệ luỵ truyền thống đối với chính quyền như sử thần xưa, cộng thêm sự nhiệt thành mới, thoả mãn, kiêu ngạo với cái vỏ “khoa học” đã che lấp những khiếm khuyết do di căn văn hoá cổ truyền xuất hiện lại qua văn từ thời đại. Một nền sử học dân tộc chủ nghĩa đang có đà vững chắc mà cơ sở khoa học thì cũng lộ dần sự rệu rã…
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét