khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Trích: "Liệu có đột biến ở Viet Nam?" của Trần Phong Vũ



Nói tới chuyện Việt Nam không thể không liên tưởng tới Trung Hoa, đất nước của ‘Hoàng Đế’ Tập Cận Bình ngày nay. Khác chăng, một bên là một đế quốc tân thời rộng mênh mông với hơn 1 tỷ 400 triệu dân bên cạnh Việt Nam một nước nhỏ với dân số chưa đấy 1/11. Nhưng xét về thân phận và cảnh ngộ, nhất là trong thời điểm này, đối chiếu với Liên Xô theo cách nhìn của Leon Aron cũng chẳng khác nhau bao nhiêu. Khi Bắc Kinh ‘nhức đầu’ thì Hà Nội ‘xổ mũi’. Vì thế rất nhiều người cho rằng: một khi Trung Quốc thay đổi thế tất Việt Nam cũng phải thay đổi theo. Đấy là cách nhìn dễ dãi nhất và cũng là lối suy nghĩ được lập trình đối với những khối óc cùn mằn từ rất lâu bị gắn chặt trong một guồng máy để tự biến mình thành một thứ ‘phỗng đá’ cho Bắc Kinh làm tình làm tội.

Vì thế, dựa trên những phát hiện của Leon Aron về căn nguyên, cỗi rễ dẫn tới cuộc cách mạng bất ngờ ở Liên Xô một phần tư thế kỷ trước, trong phần nhận định này, người viết đề cập thẳng vào trường hợp Việt Nam mà không thông qua những hệ lụy giây chuyền vốn có từ bảy thập niên qua –nếu không muốn nói là từ thời Bà Trưng, Bà Triệu- trong mối tương quan ‘tay đôi’ kiểu ‘môi hở răng lạnh’ giữa hai ‘chế độ anh em’ là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Dĩ nhiên những nhận định trong phần sau đây của người viết nếu đem ứng dụng vào trường hợp Trung Quốc cũng không xa nhau là mấy.

Phải thẳng thắn nói rằng: nhìn vào hiện tình Việt Nam, chưa thấy có chỉ dấu cụ thể nào trầm trọng đến mức báo hiệu có thể nổ ra một cuộc đổi thay ngoạn mục tương tự như kiểu những cuộc cách mạng Hoa Nhài hay cách mạng Nhung tại các quốc gia Bắc Phi vài năm trước. Đã đành không ai phủ nhận những khó khăn khắp mặt mà đảng và nhà nước CSVN đang phải đối diện lúc này. Kinh tế trì trệ, đông đảo đồng bào tại nông thôn, những vùng sâu vùng xa vẫn còn phải sống dưới mức nghèo khó, tình trạng giáo dục xuống cấp, nạn tham nhũng đã đến mức báo động đỏ, trong khi chuyện đấu đá trong nội bộ cấp cao giữa hai khuynh hướng ‘thoát Trung’ và khuynh hướng bám chặt Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết liệt để tranh giành ngôi thứ trong kỳ đại hội đảng 12 sẽ diễn ra đầu năm 2016. Trong điều kiện ấy, những khối lực đối kháng trong và ngoài nước cũng ngày một gia tăng. Vào những ngày tháng cuối năm 2015, con số những tổ chức xã hội dân sự đã lên tới trên dưới 30, trong khi giới trẻ, bao gồm tập thể giới làm văn, làm báo cũng tỏ ra bớt sợ hãi hơn những năm trước.
Theo tin của đài RFA hạ tuần tháng 10 vừa qua, trong kỳ họp cuối của Quốc hội Việt Nam khóa 13, nhiều sự thật bất ngờ được bật mí. Nhiều vấn đề rất nóng. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; phát hành nhiều nghìn tỷ trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách; số tiền thật của ngân sách trung ương là rất mỏng; không thể tăng lương công chức vì không có tiền hoặc vì sao phải bán hết cổ phần nhà nước ở 10 đại công ty quốc doanh. Đây là những vấn đề rất nóng được bàn cãi ở kỳ họp cuối cùng, trước khi Quốc hội khóa 13 mãn nhiệm. Đáng chú ý chỉ trong vòng ba ngày từ buổi khai mạc 20/10/2015, báo chí có cơ hội tường thuật, giật tít những sự thật gây sốc được bật mí từ một số đại biểu. Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa 13 từng nổi tiếng với lời phát biểu thẳng thắn đáng ghi nhớ, đại ý ông cho rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình không có thật, vậy mà Việt Nam cứ mất công đi tìm. Ông Bùi Quang Vinh đã công khai tuyên bố như vậy ngay giữa nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương khóa 11. Giờ đây trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội trước khi mãn nhiệm, ông Bùi Quang Vinh lại bật mí một sự thật làm nhiều đại biểu vốn say sưa với thành tích của chính phủ phải cụt hứng, (từ “cụt hứng” RFA trích từ một bài tường thuật của báo chí lề phải).

Theo SaigonTimes Online ngày 22/10/2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói với phóng viên của báo này rằng: số tiền thật của trung ương, tức ngân sách trung ương năm 2016 còn lại rất mỏng, vậy mà còn phải chi rất nhiều khoản để đầu tư, trả nợ xây dựng cơ bản của các bộ, ngành và địa phương….Vẫn theo SaigonTimes Online, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh xác định trên thực tế Ngân sách Trung ương chỉ còn vỏn vẹn 45.000 tỷ đồng. Con số 45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả. Ông Vinh nói số tiền đó quá nhỏ để có thể điều tiết.

Vẫn theo RFA, VnExpress ngày 20/10 có bài “Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn,” tờ báo trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trấn an Quốc hội là nợ công vẫn dưới mức cho phép 65% GDP. Ông Thủ tướng tự hào vì mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước tính sẽ đạt trên 6,5%. Tuy nhiên, ông nhìn nhận nợ công tăng nhanh, cân bằng ngân sách nhà nước khó khăn. Đây cũng là lý do Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép phát hành thêm 3 tỷ Mỹ kim trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Thời báo kinh tế Saigon Online ngày 21/10/2015 trích lời ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận là Chính phủ xin phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ vì quá cấp bách. Ông Thụ hàm ý rằng, kế hoạch vay nợ của chính phủ năm 2015 khoảng 436.000 tỷ đồng nhưng đã không huy động được tiền như ý muốn. Do vậy cần phải phát hành trái phiếu quốc tế vì không còn cách nào khác. Liên quan tới đề xuất của chính phủ xin phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ, báo điện tử VnExpress ngày 22/10 trích lời Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ lo ngại, nếu phát hành trái phiếu thêm nữa sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro và sợ rằng con cháu sẽ oán giận. Ông Sơn nhấn mạnh trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm thì đời con phải trả nợ. Kỳ hạn 30 năm thì chuyện hoàn trái phải đến đời cháu.

Ngoài tình trạng bầy nhầy về phương diện xã hội, xét riêng về mặt kinh tế tài chánh trên đây, quả thật chế độ Hà Nội có vẻ như đang ở bên bờ vực của sự sụp đổ. Nhưng nếu nhìn vào những điều kiện tương tự chế độ này từng phải đối diện trong quá khứ, nhất là thái độ lì lợm, cố đấm ăn xôi với chủ trương sắt máu của những tay tổ đang nắm quyền sinh sát, giới am hiểu tình hình có lý do tin rằng họ sẽ thoát hiểm. Tại sao?

Vế phương diện đối ngoại, cái thế đi giây giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn của hai khuynh hướng thoát và ôm chân Trung Quốc ở Việt Nam tuồng như đã có phần thay đổi sau cuộc thăm viếng Hoa Kỳ của hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình mới đây, đặc biệt cuộc viếng thăm chính thức của ông Tập tại Việt Nam thượng tuần tháng 11 vừa qua. Dựa hơi vào sức mạnh của Bắc Kinh – ít nữa là về mặt biểu kiến- phe đảng tức phe Nguyễn Phú Trọng có phần lấn lướt phe có khuynh hướng thân Tây phương hiểu cách đơn giản là phe Nguyễn Tấn Dũng. Cuối tháng 10 vừa qua, sự kiện Hoa Kỳ đưa khu trục hạm USS Lassen có tên lửa dẫn đường tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo đá lúc chìm lúc nổi trong vùng Trường Sa do Trung Quốc bồi thành đảo nhân tạo được dư luận coi như một hành vi thách đố khá mạnh mẽ đối với Bắc Kinh, Tuy vậy, tuồng như nó vẫn không xóa tan được sự hoài nghi của dư luận về một thỏa thuận ngầm nào đó giữa đại cường Hoa Kỳ và cường quốc đang lên Trung Cộng. Ông Carl Thayer, một chuyên gia về biển Đông ở Úc nhận định: hành vi mới đây của Hoa Thịnh Đốn dù có làm mờ đi phần nào hình ảnh “cọp giấy” của Mỹ, nhưng theo ông, phản ứng của Hoa Kỳ vẫn chưa cứng rắn đủ, khi những hành vị ngang nhiên lấn chiếm Trường Sa và Hoàng Sa của Bắc Kinh trở thành chuyện đã rồi. Một cách nào đó, nhận định của ông Thayer đã gián tiếp xác nhận thái độ hòa hoãn giữa trục Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, ít nữa là từ nay đến tháng 1, 2017 khi ông Obama chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai. Và điều này sẽ trực tiếp tác động tới việc sắp xếp nhân sự trong nội bộ CSVN. Có nhiều khả năng sẽ có sự chia chác quyền lực trong 5 năm tới kể từ đầu năm 2016 để không có phe nào thắng thế trong cuộc chạy đua thu gom sức mạnh về một mối hầu nắm thế chủ động giữa phe Nguyễn Tấn Dũng và phe Nguyễn Phú Trọng tại đại hội 12 đảng cộng sản VN. Đôi bên sẽ cùng cấu kết với nhau, tương nhượng lẫn nhau – dù trong giai đoạn- nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng tồn tại.

Bây giờ, chúng ta thử nhìn vào cái thế của Việt Nam bằng cái nhìn của Léon Aron qua trường hợp sụp đổ bất ngờ ở Liên Bang Xô Viết cuối thế kỷ trước xem sự thể ra sao. Trước hết, câu hỏi được đặt ra là đám đông quần chúng hơn 90 triệu người dân Việt Nam có nhu cầu khẩn cấp về đạo lý không?
Câu trả lời là có. Hơn tất cả ai khác, chính thành phần lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN đã nhận ra điều này rất sớm – đặc biệt từ sau những cuộc tập hợp cầu nguyện đông người có lúc lên tới nhiều chục ngàn ở nhà thờ Thái Hà, Tòa Khâm Sứ Hà Nội trong những năm 2008/2009. Vì vậy họ thấy cần phải có động thái cụ thể nhằm hạ nhiệt đang âm ỉ dồn nén trong tập thể tín đồ Công giáo. Đối với các tôn giáo khác, nhất là Phật Giáo Hà Nội không quá âu lo, vì họ đã thành công trong việc thành lập Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh dưới danh hiệu Phật Giáo Việt Nam. Nhưng với Công Giáo họ không thể không quan tâm. Có hai sự kiện nổi bật gần đây cần chú ý. Tháng 10 hàng năm, theo lịch Phụng Vụ của người công giáo là Tháng Hoa tôn vinh Đức Maria. Hơn hẳn những năm trước, năm nay những cuộc Dâng Hoa diễn ra tưng bừng khắp nơi, không chỉ ở Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Xuân Lộc, mà cả ở những vùng xa như Nghệ An, Thanh Hóa. Thượng tuần tháng 10 vừa qua, một buổi Dâng Hoa kính Đức Mẹ Maria được thực hiện quy mô chưa từng có tại Thanh Hóa, về cả hai phương diện số giới trẻ CG nam nữ tham dự cũng như về kỹ thuật tổ chức. Người viết bài này đã đích thân được coi buổi Dâng Hoa này trình chiếu trên đài truyền hình Vietface Mall ở nam California vào một buổi tối khoảng trung tuần tháng 10. Theo người thuyết minh, số thanh niên nam nữ trong đoàn Dâng Hoa lên tới ngót 40 ngàn, một con số khó ai tưởng tượng có thể huy động được ở một nơi như Thanh Hóa trong thời điểm này, nếu không có bàn tay can thiệp của nhà cầm quyền CS. Nhìn vào những động tác của đoàn nam nữ thanh niên CG đang biểu diễn với lớp lang, tiến thối nhịp nhàng được tập luyện công phu về cả hai mặt kỹ thuật và nghệ thuật tương tự như trong cuộc biễu diễn của cả trăm ngàn người Trung Quốc trong thế vận hội 2008 tại Bắc Kinh, nhiều câu hỏi được nêu lên. Nhân sự, phương tiện kỹ thuật và tiền bạc ở đâu ra để có thể thực hiện được một công trình vĩ đại và quy mô như thế? Vì lòng nhiệt thành với đạo, giáo dân, giáo quyền có thể thắt lưng buộc bụng để có tiền, nhưng còn vấn đề phép tắc, an ninh, nhất là vấn đề huy động nhân sự, kỹ thuật để thao luyện cho một đám đông ba bốn chục ngàn người… làm sao và do đâu có được?

Câu trả lời là phải có bàn tay nhà nước nhúng vào. Một câu hỏi khác lại được đặt ra. nguyên do nào khiến nhà nước dưới sự chỉ đạo của một đảng vô tín ngưỡng luôn coi tôn giáo là đối tượng cần triệt tiêu lại làm một chuyện ngược đời như thế? Câu trả lời tìm thấy là họ cần hạ nhiệt. Nói cách khác họ không muốn thấy một tình trạng “tức nước vỡ bờ” bất ưng có thể nổ ra vì nhu cầu đạo lý mang hình tượng tự do tôn giáo. Vì thế, tương kế tựu kế, thay vì kiểm soát, hạn chế họ ngầm khuyến khích, hơn thế còn tiếp trợ phương tiện về tiền bạc nhân sự cho những sinh hoạt nổi tại các giáo phận để một mặt thỏa mãn nhu cầu tâm linh của giáo dân, mặt khác, đánh lừa dư luận thế giới, nói chung và Hoa Kỳ nói riêng về một đất nước tôn giáo được tự do.

Một sự kiện khác cũng đang diễn ra trong giới Công Giáo, không phải đâu xa mà ngay tại Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà (Hà Nội) và Kỳ Đồng (Sài Gòn). Đó là những Thánh Lễ cầu cho Quê Hương, những buổi cầu nguyện cho Công Lý Hòa Bình với những bài giảng thuyết mạnh mẽ, công khai nhắm vào đảng và nhà nước của các Linh Mục trước đám đông cả ngàn tín đồ. Điều cần chú ý, đây không phải là chuyện xuân thu nhị kỳ mà là chuyện diễn ra hàng tuần. Vượt ra khỏi phạm vi DCCT, gần đây những bài giảng thuyết nấy lửa như thế còn phát ra từ cửa miệng những Linh Mục triều ở giáo phận Xuân Lộc kế cận Sài Gòn hoặc xa hơn như bài thuyết giảng nặng ký của cha Đặng Hữu Nam, cai quản Giáo xứ Xuân Kiều, Giáo họ An Lạc, Giáo phận Vinh vừa diễn ra hôm Thứ Bảy 10/10/2015. Những bài giảng thuyết với nội dung đánh thẳng vào tệ trạng tham nhũng, thối nát, hành vi bán nước “hèn với giặc, ác với dân” của đảng và nhà nước CSVN như vừa kể đã được những phương tiện truyền thông hiện đại truyền đi khắp hang cùng ngõ hẻm, trong nước cũng như hải ngoại. Dường như công an nhà nước án binh bất động không hề can thiệp. Chúng ta hiểu thế nào về thái độ này?

Trước hết, đây là một thái độ chẳng đặng đừng đối với Hà Nội. Trong hoàn cảnh bắt buộc phải mở ra với thế giời hiện nay, trường hợp Linh Mục Nguyễn Văn Lý vẫn còn bị giam giữ trong nhà tù chế độ giống như khúc xương nuốt không vô mà nhả cũng không ra đối với giới cầm quyền. Do đó, Hà Nội miễn cưỡng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám mạnh tay trước những tiếng nói đối kháng quyết liệt cùa các giáo sĩ Công Giáo khác trong lúc này, cho dù so với hành vi, thái độ của Linh Mục Lý trước đây, sự tác hại cho uy tín của chế độ về những bài giảng thuyết công khai hiện nay nặng hơn nhiều. Trong tình huống ấy, họ không có chọn lựa nào hơn là làm ngơ theo kiểu “không bắt được thì tha làm phúc”. Ở một khía cạnh khác, đấy cũng là một chiến thuật giai đoạn, tạm thời chấp nhận để cho những tiếng nói bất mãn cất lên như một cách “xả xú-páp” hầu tránh bể tung nồi xúp-de đang sôi sục do nhu cầu bức thiết của một xã hội, trong đó đạo lý và tình người ngày một xuống cấp đến mức báo động.

Trong cuộc phỏng vấn Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khải của Hồng Phúc (nhà báo Lê Hồng Long) trên đài Việt Nam hồi tháng 9 năm 2015, vị giáo sĩ thuộc DCCT hiện đang du học ở Vatican đã công khai nói lên nhu cầu này. Theo ông chưa bao giờ đòi hỏi phục hồi đạo lý, trật tự gia đình và xã hội của quần chúng Việt Nam trong nước lại cấp bách như thời gian gần đây, đến nỗi không chỉ nam giới, những người trẻ mà cả phụ nữ cũng can đảm đứng lên tham gia cao trào đấu tranh chống lại sự ác. Là người mới từ quốc nội thoát ra hải ngoại không lâu, luôn theo dõi sát những biến chuyển trên quê hương, ông thuật lại chi tiết những thủ đoạn, gian dối, tàn ác, thất nhân tâm của những người cộng sản từ trên xuống dưới. Điều tệ hại nhất theo Linh Mục Nguyễn Văn Khải là sau ba phần tư thế kỷ áp đặt ách thống trị độc tài, độc đảng cộng sản tại miền Bắc và 40 năm trên toàn lãnh thổ sau ngày thôn tính được miền Nam, họ đã đẩy xã hội Việt Nam vào một tình trạng băng hoại đến tận cùng. Kết quả, chế độ này đã biến không ít người dân thành vô cảm, dửng dưng trước nỗi bất hạnh của đồng bào và xô đẩy giới trẻ vào con đường ăn chơi, trụy lạc. Quan sát những gì đang xảy ra hàng ngày trong hệ thống học đường Việt Nam, ai cũng nhận ra nhu cần lớn lúc này là phải làm một cái gì để góp phần phục hồi đạo lý và thể thống quốc gia dân tộc trước khi quá trễ. Bằng cách nào một dân tộc vốn tôn trọng đạo nghĩa như dân tộc Việt Nam có thể làm ngơ trước cảnh tượng đám đông học sinh trai gái chửi rủa, đánh xé lẫn nhau không nương tay như kẻ thù? Và làm sao những con người còn có lương tri khỏi cau mày lo nghĩ khi chứng kiến những màn lăng mạ, làm nhục diễn ra trong trường lớp giữa học sinh và thày cô giáo!?

Hiện tượng hàng loạt những người trẻ, trong số có cả những viên chức trong ngành công an của chế độ công khai từ bỏ lối sống cũ để tìm về với đạo giáo trong thời gian gần đây, bất chấp những đòn thù của chế độ, như trường hợp tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần, những người hoạt động Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hoàng Vi, Trịnh Kim Tiến v.v… chứng tỏ đã đến lúc truyền thống tôn trọng đạo lý của tiền nhân đã và đang thôi thúc người dân Việt Nam phải động não. Sư liên tưởng khiến người viết nhớ tới một khuôn mặt còn rất trẻ vừa xuất hiện trên những video do chính anh thực hiện rồi phổ biến rộng rãi trên Internet kể từ hôm 30/4/2015 nhân tưởng niệm 40 năm CS miền bắc chiếm được miền Nam. Đó là sinh viên Lê Văn Thành, 19 tuổi mà trong một số bài viết chúng tôi mệnh danh anh là một hiện tượng, một ngôi sao rực sáng giữa lòng thủ đô xám ngắt của Hà Nội hôm nay. Điều gì khiến một xã hội độc tài, tàn ác, bưng bít thông tin như Việt Nam thời xà hội chủ nghĩa lại nảy sinh một người trẻ vừa thông minh, nhạy bén vừa can trường đầy tính nhân bản như thế? Chỉ cần nhìn khuôn mặt trẻ thơ, trong sáng của Lê Văn Thành rồi nghe anh nói về đề tài “Hòa Giải Hòa Hợp Giả Cầy” dịp tưởng niệm 40 năm mà anh mệnh danh là “Bên Thắng Cuộc” chiếm được miền Nam, rồi suy nghĩ tiếp về những lý luận và lối biện giải khúc triết, rành mạch mang nặng tình tự dân tộc của anh qua những video “Phản Động Là Gì? Ai Mới Thực Sự Là Phản Động?”, “Cây Xanh: Kẻ Sát Nhân?!”, “Tệ Trạng Của Nến Giáo Dục Việt Nam Hôm Nay”(2)… đồng bào trong và ngoài nước sẽ cảm nhận được một sứ điệp khẩn cấp mà người sinh viên trẻ này muốn gửi ra cho đồng bào anh. Sứ điệp ấy là gì nếu không phải là một lời báo động về tình trạng gian dối, ác độc biểu hiện sự suy thoái, băng hoại trầm trọng về những giá trị tinh thần, văn hóa trên quê hương Việt Nam vào thời điểm này?

Nói tới văn hóa, chúng ta không thể không nói tới những tiếng kêu thất thanh của những nhà văn, nhà thơ, nhà báo trong nước như Nguyên Ngọc, Dương Tường, Lê Phú Khải, Tạ Duy Anh, Nguyễn Viện, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, Hà Sỹ Phu, Vũ Biện Điền, Vũ Cao Quận, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Xuân Nghĩa, Tô Hải, Bùi Ngọc Tấn… Ẩn sâu bên trong và đàng sau những tác phẩm văn chương phản kháng một hệ thống chính trị độc tài, gian ác đã nhận chìm đất nước vào hiểm họa tiêu vong… là nỗi trăn trở khôn nguôi của những tấm lòng Việt Nam còn thiết tha với tuyền thống nhân nghĩa, đạo lý dân tộc. Nơi bìa sau tác phẩm “Chuyện Kể Năm 2000”(3) vừa được tù sách Tiếng Quê Hương tái bản nhân dịp giỗ đầu tác giả, nhà văn Bùi Ngọc Tấn viết:

“Đã bao năm rồi vẫn một kiểu cai trị như thế. Vẫn nói trắng thành đen, nói đen thành trắng. Sự lì lợm này mài nhẵn những bộ mặt, ăn mòn phản ứng trên da mặt. Nó làm mặt người gần mặt con vật… Tôi mong đợi từng ngày và mong đợi quá lâu rồi, sự sụp đổ của cái trật tự bóp chết con người, bóp chết tự do, sự dối trá thống trị…! Cái trật tự xã hội tôi đã sống gần trọn đời và ghê sợ nó.”
Trở lại với bài viết của Leon Aron được người viết dùng làm tiền đề cho dự ước về căn nguyên đưa tới những đột biến có thể xảy ra cho Việt Nam, tác giả nhắc tới quan điểm Nikolai Ryzhkov, thủ tướng của Gorbachev lúc bấy giờ, theo đó, “tình trạng đạo lý [nrastennoe] của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng ‘hãi hùng nhất’. Ông ta nói:

“[Chúng ta] ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.”

Những đường nét mà Nikolai Ryzhkov gọi là đặc trưng “hãi hùng nhất” trong xã hội Liên Xô trước khi tan vỡ cuối thế kỷ trước nếu đem đối chiến với hiện trạng Việt Nam dưới thời cai trị của các ông Sang-Trọng-Hùng-Dũng quả thật không khác gì đứa con song sinh. Nếu có khác là ngoài những tệ trạng phi đạo lý, “ăn cắp” kể trên, đất nước ta còn bị cái bóng của kẻ thù truyền kiếp là Trung Quốc thường xuyên đe dọa. Phải chăng vì ngầm chia sẻ tâm trạng day dứt kể trên của nhân vật giữ vai trò thủ tướng cho Gorbachev, vị TBT cuối cùng của chế độ CS Liên Sô, mà trong một giây phút bất ngờ, ông Nguyễn Tấn Dũng với tư cách thủ tướng CSVN đã bạo phổi đưa vào thông điệp đầu năm 2015 của ông lời tuyên bố đại ý là để tìm một lối ra cho dân tộc không còn có phương cách nào khác hơn là cần phải thay đổi cơ chế. Cho dù với quán tính lọc lừa gian dối của những người cộng sản khiến ông Dũng bốc đồng tuyên bố như thế, nhưng đối chiếu với những khát vọng thâm sâu của tuyệt đại đa số đồng bào trong nước thể hiện qua giới trẻ, giới trí thức, những lãnh đạo tôn giáo, những nhà văn, nhà báo, chúng ta có lý do để tin rằng: một cuộc đột biến vẫn có khả năng bùng nổ trên đất nước chúng ta vào một thời điểm khó ai có thể ngở. Cũng như Liên Xô cuối thế kỷ trước, căn nguyên sâu xa dẫn tới đột biến ấy không gì khác hơn là khát vọng của toàn dân về sự phục hồi nền đạo lý truyền thống của dân tộc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét