khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Bảo Đại (nói lái Bại Đảo) - Tác giả Hoàng Hải Thủy



Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích.

Tháng Tám 2015…

Mò trên Net, tôi thấy bản tin kể chuyện Phó Tổng Thống Mỹ Biden gặp Đầu Xỏ VC Nguyễn Phú Trọng ở Mỹ. Với tư cách là Đầu Xỏ Đảng Cộng, không phải là Tổng Thống do dân Việt bầu cử, Nguyễn Phú Trọng không được Tổng Thống Obama đãi quốc yến ở Nhà Trắng. Tổng Thống Hoa Kỳ tiếp Tổng Bí Thư Đảng Cộng ở Nhà Trắng như nguyên thủ quốc gia đã là việc làm không đúng. Tổng Thống Hoa Kỳ không thể đãi quốc yến Tổng bí Thư Đảng Cộng Việt Nam. Do đó Phó Tổng Thống Mỹ Joe Biden đãi tiệc TBT Nguyễn Phú Trọng ở một tiệm ăn dân thường.

Bản tin cho biết trong lời chào mừng. PTT Biden lẩy Kiều:

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.”


Tôi không biết có thật là PTT Biden “lẩy Kiều” hai câu đó không. Hay người viết bản tin ấy bịa ra. Cứ cho là chuyện có thật, tôi théc méc:

Ông Mỹ Biden không đọc Truyện Kiều. Đúng hơn tôi phải viết  ông Biden không đọc được Truyện Kiều. Tôi viết chắc: PTT Biden không biết gì về Truyện Kiều.  Ông Biden không thể tự ông biết, hay tự ông tìm ra,  hai câu Kiều đó. Một ông Việt Nam đã mớm cho ông Biden hai câu Kiều đó. Tôi phục ông người Việt vô danh, tôi bốc ông:

“Lẩy Kiều như ông là nhất.”

Thưa ông Việt Lẩy Kiều: Xin ông cho chúng tôi được biết quý danh, và trong trường hợp nào ông chỉ cho Phó TT Mỹ dùng hai câu Kiều đó. Tuyệt hay, thưa ông.

Theo tôi, lẽ ra Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng phải là người “lẩy câu Kiều” đó.

Lan man tôi nhớ đến Lời Vua Bảo Đại trong Chiếu Văn Thoái Vị;

“Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ.”
Một câu nói tôi cho là hay tuyệt. Một câu nói để đời.

Tôi nghi Vua Bảo Đại không tự nghĩ ra lời nói trên đây. Có một ông Việt Nam nào năm đó mớm cho vua Bảo Đại nói lời đó.

Tháng Tám năm 1945 có một ông Việt Nam ở Huế viết Chiếu Văn Thoái Vị cho Vua Bảo Đại. Vua chỉ ký vào Chiếu Văn viết sẵn.

Vua Bảo Đại là ông Vua Việt gần như suốt đời không viết gì cả. Hồi Ký của vua là do một ông Pháp viết.

Việc chuyên viên viết diễn văn cho Tổng Thống, Thủ Tướng là chuyện thường. Tên Mỹ của những chuyên viên Mỹ ấy là “ghostwriter.”

Tôi théc méc: Ông người Việt viết Chiếu Văn Thoái Vị cho vua Bảo Đại là ai?

Tìm trên Net tôi thấy ảnh ghi cảnh vua Bảo Đại duyệt binh ở Hà Nội năm 1950. Trong ảnh người hướng dẫn Vua Bảo Đại duyệt binh là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hình, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mới được thành lập.

Năm 1950 tôi – CTHĐ – có mặt trong đám dân Hà Nội đến Bờ Hồ Hoàn Kiếm xem Vua Bảo Đại duyệt binh. Dân bị chặn đứng ở xa nhìn tới. Năm 2000, ở Kỳ Hoa Đất Trích, tôi thấy tấm ảnh Vua Bảo Đại đi duyệt binh ở Hà Nội 65 năm xưa, năm tôi 17 tuổi.

Trên ảnh xưa có hàng chữ:

“Toàn thể các sĩ quan Quân Đội Quốc Gia triệt để – trung thành, hay tuân lệnh, chữ quá nhỏ, đọc không rõ – vi lãnh đạo tối cao của dân tộc.”

Năm 1961, Nhật báo Sàigònmới bị cái hố khi nhóm sĩ quan tạo phản đã bỏ nước ra đi, khi cuộc binh biến đã thất bại, báo đăng bản Tuyên Cáo của một số nhân sĩ ủng hộ cuộc đảo chính. Sợ bị chính quyền trù dập, Saigonmoi ra sức ca tụng, đề cao Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Một buổi trưa anh Năm Thành, anh con thứ năm của ông bà Bút Trà, giữ tôi ngồi cả giờ đồng hồ để tìm lời ghi dưới tấm ảnh TT Ngô Đình Diệm được báo đăng trong ngày hôm đó.

Sau khi tìm ra câu:

“Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị lãnh đạo tối cao của dân tộc.”

Đọc lại, Năm Thành nói:

“Vị lãnh đạo tối cao của dân tộc..” Chưa được toa ạ, Toa nghĩ có danh từ nào ghi vào cho hay hơn không?”

Mười lăm phút sau chúng tôi tìm ra lời đề dưới ảnh:

“Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị lãnh đạo tối cao và duy nhất của dân tộc.”

Đến câu này – “vị lãnh đạo  tối cao và duy nhất ” – Năm Thành mới bằng lòng.

1961 Sài Gòn – 2015 Kỳ Hoa. Sáu mươi mùa thu lá bay qua đời tôi, tôi gặp lại danh từ “Lãnh đạo tối cao.”

Tờ Chiếu của Vua Bảo Đại sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Tháng Tám 1945.

Ba ngày sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh và hai ngày trước khi Việt Minh giành được chính quyền ở Hà Nội, Vua Bảo Đại tuyên cáo với quốc dân, xác định tư cách độc lập của Việt Nam, nhưng tiên liệu việc Pháp có thể theo chân Đồng Minh về tái chiếm Đông Dương. Ông kêu gọi tất cả mọi người yêu nước giúp ông lập chính phủ mới để “đương đầu với một cuộc tái hồi ngoại thuộc.” (Khi đó, chính phủ Trần Trọng Kim vừa từ chức.) Trước tình hình chính trị sôi động ở trong nước, Vua Bảo Đại có một lời nói lịch sử:

 “Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ.”

VIỆT NAM HOÀNG ĐẾ BAN CHIẾU

Cuộc chiến tranh thế giới đã kết liễu. Lịch sử nước Việt Nam hiện tới một thời kỳ nghiêm trọng vô cùng.

Đối với dân tộc Nhật Bản, Trẫm có nhiệm vụ tuyên bố rằng: Dân tộc ta có đủ tư cách tự trị và nhất quyết huy động tất cả lực lượng, tinh thần và vật chất của toàn quốc để giữ vững nền độc lập cho nước nhà. Trước tình thế quốc tế hiện thời, Trẫm muốn mau mau có nội các mới.

Trẫm thiết tha hiệu triệu những nhà ái quốc hữu danh và ẩn danh đã nỗ lực chiến đấu cho quyền lợi dân chúng và nền độc lập nước nhà mau mau ra giúp Trẫm để đối phó với thời cuộc. Muốn củng cố nền độc lập của nước nhà và bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Trẫm sẵn sàng hi sinh về tất cả các phương diện.

Trẫm để hạnh phúc của dân Việt Nam lên trên ngai vàng của Trẫm. Trẫm ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ. Trẫm chắc rằng toàn thể quốc dân cùng một lòng hi sinh như Trẫm.
Trong sự chiến đấu mà ta cần phải đương đầu với một cuộc tái hồi ngoại thuộc, toàn thể dân tộc Việt Nam chắc chắn ở sự đắc thắng của công lý và nhân đạo và tin rằng chỉ một nước Việt Nam độc lập mới có thể cộng tác một cách có hiệu quả với tất cả các nước để gây dựng một nền hòa bình vững chắc ở hoàn cầu.

Khâm thử,

Phụng ngự ký: Bảo Đại

Ban chiếu tại Thuận Hoá ngày 10 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20 (Dương lịch ngày 17 tháng 8 năm 1945)

Số 181 CT Ngự tiền Văn phòng cung lục Thuận Hoá ngày 11 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20 (Dương lịch ngày 18 tháng 8 năm 1945)

Quan Tổng Lý

Ký tên: Phạm Khắc Hòe

Chiếu Thoái Vị của Vua Bảo Đại

Ngày 25 tháng Tám, 1945, Vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị để trao quyền cho chính phủ Hồ Chí Minh vừa được thành lập trước đó một ngày. Ông  nhấn mạnh rằng “sự hi sinh của trẫm phải có bổ ích cho tổ quốc.” Ông đưa ra ba điều mong ước cho chính phủ  mới, đối với tông miếu và tăng tẩm nhà Nguyễn, đối với các đảng phái quốc gia, và đối với quốc dân, tất cả đều hướng về chủ đề “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết ”

VIỆT NAM HOÀNG ĐẾ BAN CHIẾU

•Hạnh phúc của dân Việt Nam

•Độc lập của nước Việt Nam

Muốn đạt mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hi sinh hết cả mọi phương diện, và cũng vì phương diện ấy nên Trẫm muốn sự hi sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.

Xét thấy điều có ích cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng: trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.

Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam, Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người lợi dụng.

Cho nên, mặc dầu Trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh, vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận-hoá tới Hà-tiên.

Mặc dầu trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng, chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.

Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều này:

1.Đối với Tông Miếu và Lăng Tẩm của Liệt Thánh, chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.

2.Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ dân chủ cộng hòa nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.

3.Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết cả các giai cấp, các đảng phái, cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và Hoàng gia mà sinh ra chia rẽ.

4.Còn về phần Trẫm, sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của Hoàng gia để lung lạc quốc dân nữa.

Việt Nam độc lập muôn năm!
Dân chủ cộng hòa muôn năm!

Khâm thử

Phụng ngự ký: Bảo Đại

Ban chiếu tại lầu Kiến Trung ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20  (25 tháng 8 năm 1945)

Số hiệu 1871 GT

Ngự Tiền văn phòng cung lục

Dấu Ngự Tiền văn phòng

o O o

Tôi cảm khái vì Lời Văn Chiếu Thoái Vị. Tôi nhắc lại:“Ông người Việt nào ở Huế năm 1945 viết Lời Chiếu Thoái Vị của Vua Bảo Đại.”

Vua Bảo Đại là lãnh tụ thứ nhất dùng thành ngữ: “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.”

Vua Bảo Đại là ông Vua Việt Nam hai lần bị truất phế. Tháng Tám năm 1945 Vưa tự ý thoái vị. Nếu năm ấy Vua không thoái vị, có thể Vua bị Việt Minh giết chết. Tôi coi cuộc thoái vị đó cũng là cuộc truất phế. Vua bị truất phế lần thứ hai năm 1956.

Năm 1983 trong một số dân Sài Gòn truyền tai nhau chuyện Quốc Trưởng Bảo Đại sắp trở về nước chấp chính – tức nắm quyền. Nhiều người tin đây là chuyện thật. Người ta nói bọn Bắc Cộng sau khi chiếm miền Nam, đi vào ngõ cụt: “Tiến lên là Chết, lùi lại là Chết, đứng tại chỗ cũng Chết..” Tất cả các quốc gia trên thế giới có ác cảm với bọn Bắc Cộng, không quốc gia nào chịu giúp bọn Bắc Cộng, bọn Bắc Cộng bị bắt buộc phải mời Quốc Trưởng Bảo Đại về nước cầm quyền.

Năm 1964 ở Sài Gòn nhiều ông được cấp giấy phép ra nhật báo. Trong số những ông này có ông Ngô Đức Mão, được giấy phép ra nhật báo Tranh Đấu. Ông Chu Tử có lần mướn manchette tờ Tranh Đấu, nhưng Tranh Đấu do ông Chu Tử làm chỉ ra được khoảng một, hai tháng là bị đóng cửa. Năm đó tôi được gặp ông Ngô Đức Mão vài lần.

Ít người biết là dân Việt Nam có Hội Bảo Hoàng – Hội những người dân yêu vua, muốn nước có Vua – Hội Bảo Hoàng Việt Nam do ông Ngô Đức Mão làm Hội Trưởng. Ông Hội Trưởng Hội Bảo Hoàng Ngô Đức Mão từng được Hội Đồng Hoàng Tộc – theo lệnh bà Từ Cung – thường được gọi là Đức Từ – mời ra Huế để cám ơn.

Năm 1984 tôi bị bắt vào Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Qua cửa gió sà lim tôi nhìn thấy ông Ngô Đức Mão ở phòng Tập Thể Số 2 trước mặt. Ông và tôi trao đổi với nhau vài câu. Khi sang phòng tập thể, tôi được biết ông Ngô Đức Mão, bị bắt với khoảng bốn, năm ông bạn. Nhóm ông này “phấn khởi, hồ hởi” loan tin Quốc Trưởng Bảo Đại sắp về nước chấp chính. Các ông tụ họp ăn mừng tưng bừng. Tin này được gọi là tin “Ngài Ngự hồi loan.” Nghe nói bốn, năm ông này bị án tù khổ sai từ 3 năm đến 5 năm.

Vua Bảo Đại là ông Vua Việt Nam cuối cùng chết ở nước người. Trước ông, dân Việt có bốn ông Vua chết ở nước ngoài : Vua Hồ Quí Ly, Vua Lê Chiêu Thống, Vua Duy Tân, Vua Thành Thái.
Tôi théc méc: Khi Vua Bảo Đại ra đời, Hoàng tộc chắc phải lấy Số Tử Vi của ông. Số Tử vi của Vua Bảo Đại chắc phải ghi người có số này sẽ nửa đời mất nghiệp, phải bỏ nước đi và chết ở nước ngoài. Một người có số mệnh xấu như thế không thể làm Vua. Hay Số Tử vi của Vua Bảo Đại không có ghi những sự kiện ấy?

Tôi không thấy người Việt nào théc méc về cái tên Bảo Đại. Bảo Đại tức Bại Đảo. Đã Bại còn Đảo, làm sao khá được. Chuyện được ghi trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí: Thời Vua Lê, Chúa Trịnh, có ông Án Đô Vương. Người đương thời bảo nhau: “Án Đô là Đố An. Ông Chúa này không khá được.” Quả nhiên Án Đô Vương chỉ ở ngôi được ít tháng là bị hạ bệ.

Bà Nam Phương là bà hoàng hậu cuối cùng của dân tộc Việt. Tôi – kẻ viết bài này – ca tụng bà là bà hoàng hậu đoan chính. Suốt một đời hoàng hậu không làm qua một việc gì, không nói một lời gì để người đời chê trách.

“..Hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng, nuốt cay..”

Cảm khái cách gì!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét