khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

LÃN ÔNG (LÊ HỮU TRÁC, 1720-91) VÀ TRUYỀN THỐNG Y HỌC VIỆT NAM - Ann Bates & A. W. Bates -Ngô Bắc dịch

Ann Bates
Royal London Hospital
 & A. W. Bates
Royal Free Hospital, London
 
LÃN ÔNG (LÊ HỮU TRÁC, 1720-91)
TRUYỀN THỐNG Y HỌC VIỆT NAM
 
Ngô Bắc dịch
 
Hình 1
Hải Thượng Lãn Ông.
 Không hình ảnh tương tự nào được bảo tồn và các hình vẽ hiện đại có tính chất tưởng tượng.  
Theo một hình được cung cấp một cách ân cần bởi Nguyễn Kỳ Nam
 
Đại Ý: Y sĩ Hải Thượng Lãn Ông hồi thế kỷ thứ 18 là vị thầy thuốc nổi tiếng nhất của y học Việt Nam.  Ông có viết các sách y khoa và thi ca bao gồm, điều khác thường vào thời đó, một phần kê khai tiểu sử và ông là vị thầy thupốc Việt Nam đầu tiên có các tin tức về lý lịch đáng kể được cung ứng.  Được học tập về y học Trung Hoa cổ điển, ông đã kết hợp vào các cách chữa trị bằng dược thảo truyền thống có tính cách bản địa Việt Nam.  Bất kể khuynh hướng của ông muốn theo đuổi một cuộc sống ẩn dật, ông đã trở thành vị lương y hàng đầu trong thời đại ông và đã bị triệu về triều đình nhũng lạm của các chúa Trịnh tại Hà Nội, sự kiện mà ông đã ghi lại một sự tường thuật tiết lộ nhiều điều.  Kể từ thế kỷ thứ 19, các tác phẩm của ông đã trở thành trung tâm của kinh sách y khoa Việt Nam truyền thống
***.
DẪN NHẬP
Tại Việt Nam ngày nay, Lãn Ông là thày thuốc danh tiếng nhất trong truyền thống y khoa Việt Nam, trung tâm địa dư của điều đó là đường Lãn Ông ở Hà Nội với nhiều dược phòng của nó.  Tiếng tăm của Lãn Ông về học thuật và đức hạnh to lớn đến nỗi một tiểu thuyết lịch sử gần đây của Pháp dựa trên cuộc đời của ông bị xem là có tính chất phỉ báng bởi nó đã phác họa ông với một số khuyết điểm con người (giả tưởng). 1 Đời sống và các công trình của vị thày thuốc quý tộc này, kẻ vốn học hỏi y khoa từ các kinh điển Trung Hoa và đã viết các tác phẩm y khoa bằng tiếng Hán, đã được nhìn bởi cả các sử gia thực dân lẫn cộng sản như sự biểu lộ phong cách Việt Nam độc đáo về y học. 2
       Bài viết này dựa trên bản dịch sang tiếng Pháp của Nguyễn Trần Huân quyển tự truyện Thượng Kinh Lai Sứ (Relation of a Journey to the capital) của Lãn Ông, được ấn hành bởi Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (École Française d’Extrême-Orient) năm 1972 về tài liệu tiểu sử được công bố bởi Albert Sallet, Pierre Huard và Maurice Durand trong thời Pháp thuộc, và trong học thuật gần đây hơn của Việt Nam. 3 Mặc dù ít được hay biết tại phương Tây ngoài nước Pháp, tại Việt Nam, danh tiếng của Lãn Ông vẫn còn vang dội y như vào sinh thời của ông.  Khi vào năm 1782, lúc ông ở tuổi 63, Lãn Ông, mặc áo và đội mũ đi mượn, được giới thiệu với Chúa Trịnh Sâm 4 để nhận các lời cám ơn chính thức của Chúa Trịnh, Vị Quan Số Một [Quận Nhất tức Quận Công Hoàng Đình Bảo, chú của người dịch] đã nói về ông, “Ông tuy có quê mùa trong lời nói, nhưng về sự học hỏi y khoa, không ai trong nước có thể sánh với ông”. 5
 
Thời Niên Thiếu và Sự Huấn Luyện Y Khoa
Hải Thượng Lãn Ông (Hình 1) sinh ra tại làng Liêu Xá, tỉnh Hải Dương, đông nam Hà Nội, ngày 11 Tháng Mười Hai 1720.  Tên khai sinh của ông là Lê Hữu Trác, Lãn Ông (có hai chữ Nôm trong ngoặc đơn) là một biệt danh mà Ông đã chấp nhận sau này cho sự trước tác của Ông. 6 Ông là con thứ bảy của ông Lê Hữu Mưu, Tổng Đốc tỉnh trung du Nghệ An. 7 Chú của ông, Lê Hữu Kiều, người có diện mạo mà Lãn Ông trông rất giống, là một vị quan tại triều đình các Vua Lê.
       Theo lời tự thuật của ông, tuổi niên thiếu của ông là một thời vui sướng.  Làng quê của ông tại Liêu Xá được dẫn vào ngang qua một chiếc cầu gỗ nơi các phụ nữ tập hợp để bán trà và bánh ngọt.  Vào lúc chiều tối, ông cùng người anh sẽ lội xuống con sông để tắm rửa hay bơi lợi.  Gần 50 năm sau, khi Lãn Ông quay trở về Liêu Xá và nhìn thấy các sự đổ nát của ngôi nhà gia đình ông, bị phá hủy trong các cuộc nổi loạn tại Miền Bắc, ông nhớ lại một số điều mà anh của ông đã nói với ông khi họ còn ở tuổi trẻ thơ: “Chúng ta còn trẻ, và thật là điều tốt để dùng thì giờ cho các trò vui đùa.  Sau này, khi chúng ta trở thành các viên chức, và cách xa nhau, làm sao chúng ta lại có thể vui đùa như thế này suốt ngày?” Trong thực tế, anh của tôi đã thành đạt trong các cuộc khảo thí, và tôi dùng suốt cuộc đời mình để đi lang thang chốn sông hồ.  Lời nói đó đâu có phải là một tiên đoán đúng thực? 8 Sau sự thành công trong học thuật, anh của Lãn Ông được bổ làm quan và được phái đến tỉnh Lạng Sơn xa xôi nơi biên giới núi đồi đông bắc giáp Trung Hoa, làm tổng đốc.  Lúc về già, anh ông đã trở lại ngôi nhà thời niên thiếu nhưng Lãn Ông, trong sự ẩn dật tự mình đặt ra, dường như ít gặp ông anh.
       Giới quan lại được coi trọng nhất, dù thế Lãn Ông đã trở nên khinh thị sự thăng tiến thế tục như thế, có lẽ một phần bởi phủ Chúa Trịnh đã bị thối nát.  Sự bổ nhiệm vào giới quan lại theo truyền thống tùy thuộc vào sự đỗ đạt trong các cuộc khảo thí ba năm một lần trong đó khoảng 20 trong số hàng nghìn người ứng thí sẽ nhận được tước hiệu tiến sĩ. 9 Tên của họ vẫn còn có thể được nhìn thấy trên các bia đá tại Văn Miếu ở Hà Nội (Hình 2).  Các tiến sĩ đỗ đạt có thể lựa chọn để chấp nhận sự bổ nhiệm tại triều đình hay đi làm quan ở địa phương, nhưng một số đã quay về quê để dạy học hay để theo đuổi một đời sống học thuật riêng tư.  Cha của Lãn Ông đã đạt được tước hiệu tiến sĩ trong năm 1710.  Mặc dù hiếm hoi để có cả người cha lẫn người con đều đỗ đạt trong các cuộc khảo thí tiến sĩ, đó chính là một lợi điểm của Lãn Ông, vốn được sinh ra từ một gia đình uyên thâm, nơi tiếng Hán được đọc và nói.  Như một người con thành niên, ông đã theo đúng quy củ đi học tại Hà Nội, 10 giành được các điểm số cao trong các cuộc khảo thí sơ bộ, nhưng không hề tiến đến bậc tiến sĩ. 11 Thay vào đó, ông quyết định du lịch và học hỏi về thuật bói toán từ một học giả 80 tuổi tên Vũ, là người mà ông làm học trò trong vài năm.  Sau đó ông gia nhập quân đội Hoàng Triều, nhưng binh nghiệp của ông bị cắt ngắn khi, sau sự từ trần của một trong các anh em của ông, ông đã quay về nhà để chăm sóc cho mẹ già (cha của ông đã mất năm 1739) tại làng Tinh Diễm, tỉnh Hà Tĩnh.
 
Hình 2
Bia Tiến Sĩ tại văn Miếu Hà Nội.  
Các con rùa trường thọ, một trong tứ linh vật,
tượng trưng cho tính thường trực của việc học tập
 
 
       Từ 1729 đến 1740, nhà cai trị thực sự Miền Bắc là Chúa Trịnh Giang, một nhà lãnh đạo tích cực nếu không phải là độc đoán, kẻ mà thời trị vì có nhiều cuộc nổi loạn diễn ra khi các nhóm nông dân, trở nên vô gia cư bởi các thời kỳ đói kém do mùa màng thất bát và sự cai trị tồi tệ, đã khởi nghĩa chống lại chính quyền.  Hoàng tộc nhà Lê được lòng dân chúng, mong muốn độc lập với chúa Trịnh, thường cầm đầu các cuộc nổi dậy này và, sau khi Chúa Trịnh Giang đã truất phế và ám sát Lê Duy Phương vào năm 1732, giành đoạt cho chính mình một vương hiệu từ hoàng đế Trung Hoa, nhà Lê đã dấy lên cuộc nổi loạn chống lại chúa Trịnh và cuộc nội chiến vang rền trong nhiều thập niên cho đến khi có sự thất bại của ông Hoàng Lê Duy Mật năm 1770. 12 Trong các cuộc đấu tranh cốt nhục tương tàn này, cả bên phía triều đình lẫn quân đội đều không mang lại một sự bảo đảm hay một chức nghiệp vinh dự.  Lãn Ông đã tóm tắt thời thanh niên của ông như sau:
Bạn đã dùng tuổi trẻ của bạn trong trò đấu kiếm và đọc kinh sách.  Trong mười lăm năm lang thang khắp đất nước, tôi đã không cảm nghiệm được điều gì ngoài điều tốt.  Kế đến, từ bỏ mọi ước muốn về các của cải vật chất và các danh giá thế tục, tôi đã dựng một túp lều tranh tại Hương Sơn để chăm sóc người mẹ già của tôi và đọc các kinh sách.  Tôi đã dốc lòng học hỏi bộ Hiên Kỳ (Kinh Sách Y Khoa của Hoàng Đế).  Tôi giữ mình được khỏe mạnh và tôi giúp đỡ các người khác.  Điều này, tôi tưởng, là phương cách tốt đẹp nhất. 13
       Các kỳ khảo thí tiến sĩ đòi hỏi một kiến thức chính xác về các kinh điển Khổng học và phần lớn các học trò chỉ học những sách vở cần thiết cho sự thành đạt học vấn.  Đã không có hệ thống ấn định điều kiện hay sự huấn luyện y khoa chính thức, và nhu cầu về các người hành nghề thày thuốc được đáp ứng ở cấp làng xã bởi những người học hỏi về các cách chữa bệnh bằng pháp thuật hay dược thảo từ các bậc già lão hơn và tại các thị trấn lớn hơn, bởi các nhà dược thảo được huấn luyện qua lối thực tập học nghề.  Các nhà dược thảo sử dụng các cây lá bản địa trong các toa thuốc truyền thống, một hệ thống được hay biết là Thuốc Nam hay “thuốc ta”, để phân biệt với y khoa Hán-Việt nặng về học thuật hơn của phương Bắc.  Các học giả có thể đọc được tiếng Hán tìm hiểu thuốc Bắc xuyên qua việc tìm đọc riêng tư hay từ một thày giáo và, trong một số gia đình, việc học hỏi y khoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.  Một số học giả tìm học y khoa để chữa trị cho chính họ hay cho gia đình họ.  Một ít quan lại chuyên môn về y khoa và trở thành thày thuốc của triều đình, một sự bổ nhiệm tương đối thấp. 14
       Chức nghiệp y khoa của Lãn Ông bắt đầu khi ông ngã bệnh và đi đến một vị thày thuốc tên là Trần Độc để chữa trị.  Trần Độc có tiếng là một học giả, và giống như người thày trước đó của Lãn Ông, ông Vũ, đã sống một cuộc đời hưu trí, từ bỏ các hy vọng được bổ làm quan sau ba lần bị trượt trong các cuộc khảo thí.  Sự tham khảo giữa một vị thày thuốc và một bệnh nhân có học vấn điển hình là một cuộc đàm thoại giữa những người ngang vế: bệnh nhân được kỳ vọng hiểu được và có lẽ đặt câu hỏi về sự chẩn đoán và thày thuốc giải thích lý thuyết đàng sau toa thuốc của mình.  Chính từ đó, Lãn Ông lần đầu tiên đã tham khảo kinh sách ý khoa Trung Hoa trong sự học hỏi theo đó trải dài suốt phần còn lai của cuộc đời ông.  Trần Độc có một thư viện đầy đủ, gồm cả quyển Cẩm Nang Bí Lục [Secret Notes from Master Feng’s Brocade Pouch], được biên soạn hồi đầu thế kỷ thứ 18 bởi Feng Zhaozhang], là quyển, theo truyền thuyết, Lãn Ông đã nhớ nằm lòng sau lần đọc duy nhất.  Về sau ông có viết rằng ở tuổi 20 ông đã từ bỏ văn chương để theo đuổi y học. 15
       Việc học y khoa tuy thế là một hoạt động văn chương và triết lý, đòi hỏi thời giờ nghiên cứu các kinh điển.  Bất kể lời tuyên hứa từ bỏ văn chương của mình, Lãn Ông được ngưỡng mộ như một nhà thơ và nhà văn tài hoa, nhiều đến nỗi bản dịch đầu tiên các tác phẩm của ông sang Việt Nam đã bỏ quên các phần về y học.  Trong túp lều của ông nơi khu rừng, Lãn Ông sẽ ghi lại các đoạn văn mà ông quan tâm và sau đó suy ngẫm chúng trong nhiều giờ, hy vọng sẽ đưa đến một số cảm hứng mới. 16 Sau một thời niên thiếu trải qua cùng đường lối học tập như các ứng viên tiến sĩ đã trải qua trong nhiều thế kỷ, y học mang lại cơ hội để thích ứng việc giảng dạy kinh điển, và có lẽ để khám phá, trong tiểu vũ trụ của thân thể, “các bí mật của vũ trụ”.  Lãn Ông đã cứu xét một vấn đề từng đè nặng nhiều học giả Trung Hoa:  nơi đâu là cổng vào của sinh lực, theo y học Trung Hoa, đã mang lại qi (khí) nguyên thủy, lực chuyển động của mọi hoạt động điều hành của cơ thể, và nó tương ứng với bộ phận nào?  Các quả thận đã được tin sẽ là gốc rễ của mọi chất lửa (hỏa) và nước (thủy) trong cơ thể, và một quan điểm cho rằng nguồn cội của nhiệt (hóa) nằm ở trái thận bên phải, có cơ năng khác biệt với quả thận bên trái, quả thận của nước.  Lãn Ông tin tưởng rằng cả hai quả thận tiết ra nước tiểu và cửa ngõ của sinh lực (mệnh môn) [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], nguồn cội của sức nóng cho các bộ phận bên trong cơ thể, nằm ở một nơi nào đó giữa hai quả thận. 17
       Sau sự từ trần của người mẹ vào năm 1760, Lãn Ông đã dành trọn thời gian cho việc trước tác và giảng dạy y học.  Các tác phẩm đồ sộ của ông được tập hợp lại sau khi ông mất tạo thành bộ bộ bách khoa về y học, Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh (Treatise on Medical Knowledge by Hải Thượng). 18 Trong suốt sinh thời của ông, sự lưu hành công trình của ông bằng lối chép tay và sự trung thành của các đệ tử cũ đã mang lại cho ông một tiếng tăm đáng kể.  Điề này dẫn đến việc ông được triều mời về Phủ Chúa Trịnh đang gặp khó khăn, một kinh nghiệm đã khiến ông ước mong rằng ông nên ẩn dật sâu hơn nữa trong vùng núi rừng.
       Giống như nhiều văn nhân trí thức Việt Nam, Lãn Ông ôm chằm lấy Đạo Lão vốn nhấn mạnh đến vô vi và hòa hợp với thiên nhiên.  Ông đã nhìn sự vui thú quan trọng hơn sự thăng tiến vật chất và đã trình bày cuộc sống của ông tại Hương Sơn như một vòng tuần hoàn của việc đi bộ, câu cá, chơi cờ, nghe nhạc và quan sát cây cối cùng muông thú.  Đây là một điều gì đó của một sự tự minh họa được lý tưởng hóa, như sự lựa chọn biệt hiệu Lãn Ông (Kẻ Lười Biếng) cho thấy.  Các cung cách hay mang tính chất quý phái đòi hỏi rằng vị thày thuốc Việt Nam tinh thông và trước tác nhiều nhất này phải đóng vai như một nhà thẩm mỹ học lừ đừ, kẻ đôi khi viết ra một câu thơ dễ dàng, thường ngay chính vào lúc đòi hỏi nhiều nhất sự hành động.  Trong các tác phẩm của chính mình, Lãn Ông lúc nào cũng là một học giả nghèo từ miền núi rừng, một kẻ ngu dốt và không giá trị gì bị đẩy một cách trái ý vào ánh đèn sân khấu.
 
Một Chuyến Du Hành Đến Kinh Đô
 
Hình 3
Bản đồ Việt Nam hiện đại, chỉ các địa điểm được nói đến trong văn bản
 
 
       Một ngày trong mùa xuân năm 1782, hai sứ giả đến từ Phủ Chúa Trịnh với một lệnh truyền từ hoàng triều đòi Lãn Ông phải trình diện tại Hà Nội (Hình 3). 19 Một đặc tính của chính quyền họ Trịnh là mọi điều xảy ra một cách mau chóng, bất ngờ và không có lời giải thích.  Thường có thể khám phá một cách không chính thức những gì đang diễn ra, một cách thức bôi dầu làm trơn các bánh xe của chính phủ, nhưng đối đầu một cách nguy hiểm với lời đồn đãi và âm mưu.  Lãn Ông học được từ một trong các sứ giả rằng ông đã được lựa chọn theo đề nghị của Hoàng Đình Bảo, Vị Quan Hạng Nhất (Nhất Quận Công) tại triều đình Chúa Trịnh, để chăm sóc cho ông hoàng Trịnh Cam [phải là Trịnh Cán, chú của người dịch], kẻ sẽ kế ngôi hay bị đau ốm của Chúa Trịnh Sâm.  Cùng với lệnh triệu mời là một đoàn binh sĩ hộ tống và các văn thư lưu thông an toàn giúp cho Lãn Ông đến nơi sớm nhất: ông phải ra đi tức thời và du hành cả ngày lẫn đêm”.
Lãn Ông kinh hoàng, nếu không phải ngạc nhiên, về lệnh triệu tập mà ông không mấy chờ đợi, bởi ông quen biết với Quận Nhất từ lâu.  Tốt nhất, nếu sự chữa trị của ông thành công, ông có thể được ước định sẽ bị giữ lại tại Phủ Chúa vô hạn định trong một môi trường chính trị và đấu tranh nội bộ mà ông đã chán ghét và lánh xa từ thòi niên thiếu.   Nếu thất bại, có thể bị trừng phạt và trên mặt lý thuyết, ngay cả sự hành quyết.  Sự lựa chọn người kế ngôi của Trịnh Sâm làm phân hóa triều đình; ông chỉ định Trịnh Cán, con trai của nàng hầu được sủng ái của ông, Đặng Thị Huệ, làm người kế ngôi chúa chứ không chọn đứa con trai lớn nhất (và chính thức), Trịnh Khải, khiến cho triều đình phân chia thành phe phái.  Đặng Thị Huệ và người thân tín của bà ta, Hoàng Đình Bảo, sẽ giành đoạt thắng lợi nếu Truịnh Cán lên kế ngôi chúa, nhưng quyền lực của Trịnh Sâm lệ thuộc phần lớn vào quân đội đôi khi hành động một cách độc lập để lật đổ các nhà lãnh đạo thất nhân tâm bằng vũ lực.  Triều đình là một nơi chốn nguy hiểm để hiện diện:
Tôi nhận thức được sự trầm trọng của tình hình nhưng đã không có thì giờ để lo âu, cho dù trong một thời khắc ngắn ngủi tôi lấy làm kinh sợ.  Những nguơi trong gia đình tôi [Lãn Ông có hai con trai và bốn con gái] hiểu tôi rất đồng tình với tôi và chia sẻ sự buồn phiền của tôi].  Những kẻ không biết tôi lại lấy làm vui mừng cho tôi.
Đối vói những kẻ để ý đến việc được hay biết bởi Chúa Trịnh và khắp nơi trong nước là một dấu hiệu vinh dự lớn lao, Lãn Ông đã trả lời bằng một cách ngôn Đạo Lão: Các cây bị cắt để lấy hoa của chúng; con người là nạn nhân của các danh dự hào nhoáng không mang lại cho họ điều gì ngoài sự chán nản.  Bon chen chường mặt ra trước không thể vui thú bằng việc ẩn dật. 21
Ông quyết tâm dùng chuyến du hành để viết lách và ông đã tuân theo truyền thống của các quanchức du hành bằng cách viết các bài thơ gợi hứng bởi chuyến đi.  Ngay dù có phải dậy sớm và du hành mãi đến khuya cũng không ngăn cản được sự thưởởng ngoạn môi trường quanh ông:
Tối hôm đó, chúng tôi đã lợi dụng ánh trăng sáng tỏ để hải hành [theo đường sông để đến quân trấn tại Vinh].  Các làng mạc ven sông nằm ngủ im lặng.  Các con chó sủa vang khi thuyền chúng tôi đi ngang qua.  Mặt trăng tròn to lớn chạy dọc theo luồng nước, ngang qua bờ sông, thuỷ triều giúp sức cho hành trình của chúng tôi.  Từ một ngôi chùa xa xôi vẳng lại tiêng chuông ngân nhè nhẹ.  Làn sương mỏng phủ chùm hàng cây mất dạng dần dần, một ít ngọn đèn của các thuyền đánh cá loé sáng trong đêm lạnh, một đôi chim lang thang lặng lẽ bay ngang bàu trời.  Các học trò của tôi uống rượu tiêu sầu. 22
Từ Vinh, hành trình tiếp tục trên đường bộ với Lãn Ông được khiêng về hướng bắc qua các ngọn núi trên một chiếc kiệu được tháp tùng bởi một đoàn tuỳ tùng gồm các đệ tử và 20 người lính.
Như có thể được kỳ vọng, sự hiện diện hiếm hoi của một vì thày thuốc uyên thâm tại các khu vực tương đối hẻo lánh này đưa đến các lời thỉnh cầu xin tham vấn.  Một buổi tối, một người lính đã mang biếu Lãn Ông một đĩa tôm và xin tư vấn về sự chữa trị cơn sốt cho đứa con trai tám tuổi của anh ta.  Sáng hôm sau, sau khi đã cho uống các dược thảo khuyến cáo để làm giảm các triệu chứng của đứa trẻ, người lính đã quay trở lại với lời cám ơn và các thỉnh cầu về thuốc men từ dân trong làng.  Bất kể đến sự khẩn cấp của cuộc hành trình, Lãn Ông đã cho rẽ vào làng người lính để đưa ra lời khuyên.  Ý thức mạnh mẽ của ông về các nghĩa vụ của một người thày thuốc, về những điều ông đã viết trước đó trong bộ sách Các Khái Niệm Về Nghĩa Vụ: Deontological Precepts, được dựa trên sự hiểu biết của ông về y học như một “lời kêu gọi từ trời”; tức Đạo (Tao) hay con đường được theo đuổi bởi nhà thông thái với sự tin tưởng tuyệt đối. 23
Sau 10 ngày, thời hạn cho phép bởi Chúa Trịnh Sâm cho hành trình, Lãn Ông vẫn còn cách xa kinh đô (chuyến di hành còn kéo dài thêm 13 ngày nữa) và vị quan được lệnh tháp tùng ông lấy làm lo sợ về sự giận dữ của Chúa Trịnh.  Lãn Ông, được khích lệ bởi lời tiên đoán của một vị Đạo Gia về kết cuộc thuận lợi cho chuyến du hành của ông, đã bác bỏ các nỗi lo sợ này và đã dựng lên một câu chuyện xa nhà khi được triệu hồi thành duyên cớ cho sự chậm trễ của họ.  Khi đến gần kinh đô hơn, sự thích thú của Lãn Ông lúc ghi lại nhật ký tin tức cho hay rằng một học trò cũ của ông đã dựng một bàn thờ cho ông (một danh dự hiếm có cho một người còn sống) trái ngược với các biểu lộ công khai sự khiêm nhường của ông đối với vị quan tháp tùng: Về phần mình, tôi thì ngu dốt và không có khả năng.  Tài năng của tôi thì thô thiển và sự hiểu biết của tôi thì nông cạn.  Tôi thật vô dụng đối với xã hội.  Tôi đã chọn một nghề mọn để sinh nhai.  Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng vào một ngày tốt đẹp, tôi sẽ được gọi về triều đình.  Việc này giống như câu y phục không xứng với kỳ đức.  Đó không phải là một niềm vui cho tôi. 24
 
Tại Triều Đình Chúa Trịnh
Vào ngày 13 Tháng Ba, Lãn Ông đến một kinh đô đang chuẩn bị chiến tranh, với các binh sĩ trang bị ở mọi nơi và các tuyến phòng thủ với đường hào và cọc nhọn.  Ông đến nơi với sự tự tin, còn dạo quanh các nơi chốn ông từng hay biết lúc còn trẻ, cần đến một gậy bằng mây để dọn lối đi xuyên qua các đám đông.  Ngày hôm sau, ông được triệu đến khám bệnh cho vị Thế Tử Trịnh Cán. Đây là lần đầu tiên ông bước chân vào một cung điện vua chúa và ông lấy làm sững sờ về sự huy hoàng của nó khi được hối thúc đến phòng yết kiến ông thoáng nhìn thấy các chiếc kiệu nghi lễ của nhà chúa được nạm vàng toàn bộ và các chiếc bàn chất đầy vật quý giá.  Tại một “trà” 25 đình sơn màu tím, cao và rộng, có tám thày thuốc của phủ chúa hiện diện.  Sau sự chờ đợi khó chịu, Lãn Ông đi theo Quận Nhất đến gặp mặt Trịnh Cán.  Trong khi phủ phục trước ông hoàng nhỏ, ông nhận ra rằng Chúa Trịnh Sâm vừa mới rời căn phòng và giấu mình, cùng với một số cung phi của ông ta, đàng sau một tấm màn thêu bằng vàng.  Lãn Ông bắt mạch vị thế tử, vì trọng tuổi già của ông, Lãn Ông được phép ngồi. 26 Từ phòng bên ngoài, Trịnh Sâm đã ra lệnh cho con ông được phép được cởi y phục để khám bệnh.  Sau khi việc này hoàn tất, Lãn Ông được phép lui ra ngoài và vị Nhất Quận Công đã trình bày về chứng bệnh của thế tử:
Chứng bệnh kéo dài đã gần sáu tháng.  Đôi khi thế tử rất yếu đuối và mệt mỏi.  Hiện giờ thế tử mới lên cân được chút ít.  Đó là bằng chứng vững chắc của một chứng suy nhược di truyền.  Ngoài ra đó là chứng bệnh kinh niên, không thể hồi phục.  Vì thế nếu ông bốc thuốc vị dương (yang), bụng dạ sẽ không chịu đựng nổi sức nóng.  Nếu ông kê thuốc vị âm (yin), ông sẽ làm kéo dài chứng bệnh.  Có lẽ ông nên dùng các loại thuốc tán (dispersing) [chống nóng sốt: antipyretic] để có kết quả tốt. 27 Một cách riêng tư, Lãn Ông xem kiến thức y khoa của Hoàng Đình Bảo là nông cạn, nhưng cần lý luận giá trị lý thuyết cho toa thuốc của ông với Nhất Quận Công và với chính Chúa Trịnh Sâm trước khi toa thuốc được chấp nhận.  Trong lời thuật của mình, ông nhớ đã toan dùng các loại thuốc sẽ mang lại sự chữa trị ngắn gọn với hy vọng được phép rời triều đình nhưng ông hồi tưởng đến bổn phận của mình, không phải đối với bệnh nhân mà là đối với tổ tiên, là phải gắng sức tối đa.  Ông đã viết về vị thế tử rằng: “Đã sống trong một thời gian dài tại một thế giới khép kín: bụng thế tử bị trương phù, các bắp thịt bị suy nhược, các màng nhầy bị khô lại.  Đến nay, thế tử đã uống các lượng lớn nhiều loại thuốc mà Lãn Ông lo ngại đã cản trở sự hồi phục.  Ông đã báo cáo bằng văn bản với Nhất Quận Công:
Tôi nhận được lệnh khám bệnh và tôi nhận thấy rằng sáu mạch đều mong manh và suy yếu, rằng mạch Quan [?] tay phải suy yếu nhất và rằng mạch Xích bên phía phải cũng suy nhược.  Nguyên lý Âm của tụy tạng thì yếu.  Hành hỏa của bao tử thì quá mạnh và không thể bị kiềm chế bởi nguyên lý Âm-Dương.  Khi hành hỏa hoạt động kém, khiến làm bụng to phình và sung phù.  Bệnh trạng tổng quát là rỗng bên trong là “trương phình” bên ngoài.  Hành thổ của tụy tạng sẽ cần được tăng cường, để hoàn thành tác dụng của dạng thức hành thổ, và sau đó các khó khăn tự chúng sẽ liệu giải.  Tôi bạo gan đề nghị liều thuốc sau đây với ông:
1.      Bạch Truật [Atractylis], một chỉ (ounce).  Rang ít gạo ba lần, đừng làm cháy chúng.  Dùng phần bốc mùi thơm sẽ tăng cường khí [ch’i: spririt] của tụy tạng.
2.      Thục địa [Rehmannial], ba chỉ, phơi khô và gây hương vị.  Dược liệu này tái lập nguyên lý âm của tụy tạng.
3.      Gừng khô (Can khng [?]), hai chỉ, nướng cho đến khi cháy đen, dùng làm chất giúp hơi thoát ra từ bao tử hay đường ruột (carminative).
4.      Ngũ Vị [Schizandra chinesis], một chỉ.  Để tăng cường khí của phổi và điều hòa đường tiểu tiện. 
Những dược liệu này sẽ phải trộn lẫn nhau và nung nóng để có một thứ bột dính như keo.  Cho bệnh nhân dùng mỗi lần một muỗng nhỏ pha với nhân sâm, vào giữa bữa ăn.
Ký tên: Thần dân của Ngài
Lễ Hữu Trác 28
 
Hoàng Đình Bảo chỉ ghi nhận rằng toa thuốc khác biệt lớn lao với toa thuốc của chính ông ta và các toa thuốc của các thày thuốc khác trong triều.  Ít ngày trôi qua trước khi Lãn Ông nghe được rằng Chúa Trịnh Sâm đã chấp thuận và thưởng cho ông một khoản tiền tương đương với khoản lương của 20 gia nhân trong phủ.  Chấp nhận tiền thưởng có nghĩa trở thành một thày thuốc trong phủ và, bởi không thể từ chối, Lãn Ông giả vờ ngã bệnh thay vì quay trở lại Phủ Chúa.  Ông đã dùng tình bạn với con trai Quận Nhất để thuyết phục Hoàng Đình Bảo rằng ông không thích hợp với quan trường và bởi lớn tuổi và bệnh tật và trong một lúc ông được phép cư ngụ bên ngoài Phủ Chúa, mặc dù không xa.  Trong các tháng ông sống ở ngoại ô kinh đô, được canh gác bởi một ít binh sĩ ù lí và được thăm viếng bởi các thân nhân, các bệnh nhân và người khác nghe thấy danh tiếng của vị thày thuốc già.  Hiệu ứng của chính bất kỳ hình thức phục vụ hiền hòa nhất trên Lãn Ông là điều có thể tiên đoán được.  Ông đã kiếm cách và sau hết được phép rời kinh đô trong ít ngày để tham dự lễ cải táng một trong các tổ tiên của ông nhưng, khi bị tái triệu hồi bởi chúa Trịnh Sâm chỉ vài tiếng trước khi ông đến hạn quay về [kinh đô], ông không thể khước từ, ông đưa ra nhận định, “Tôi chỉ là một kẻ nô lệ! … Bây giờ là chuyện gì đây?29
       Trịnh Sâm, trong khi giám sát các cuộc thao diễn hải quân, bị cảm lạnh.  Các gia nhân  của Lãn Ông đã đi suốt đêm để khiêng ông quay lại kinh đô và khi đến đó các binh sĩ của Phủ Chúa thay thế và khiêng kiệu ông chạy đến phủ, đụng cả vào các người đi bộ để dẹp đường và nhồi sóc Lãn Ông một cách không hề êm ái.  Ông đã đi theo Quận Nhất vào cấm thành và vị quan sứ giả nắm lấy tay áo ông và kéo ông dọc theo các hành lang và xuyên qua một loạt các tấm màn thêu đến phòng ngủ nơi chúa Trịnh Sâm đang ngồi trên một chiếc võng màu đỏ bên cạnh một chiếc giường làm bằng vàng ròng và được che bằng một màn bằng lụa vàng thêu họa tiết.  Chúa Trịnh Sâm nhìn Lãn Ông và nhận xét: “Ông trông giống với Thày Liêu” (chú của Lãn Ông)].  Quận Nhất ra lệnh Lãn Ông đến gần và xem mạch cho Trịnh Sâm:
Tôi chỉ đứng cách vị Chúa vài bước; tôi phải cúi đầu bởi tôi không dám nhìn thẳng vào ông ta …. Tôi nhận thấy các mạch Quan và Thốn ở cả hai bên chạy quá nhiều, đập nhanh và rung mạnh.  Mạch Xích bên phải thì nông và nhanh.  Nếu tôi bấm mạnh hơn một chút, mạch không còn sức … Tôi tự nhủ thầm: “Cơ thể thì gầy gò và trơ xương, da khô.  Nước tiểu vàng đục và phân chứa các ngũ cốc không tiêu hóa được.  Phổi bị ứ và hơi dội ngược trở lại, bị sốt cao, miệng khô và lưỡi bị lở loét, bị ho dai dẳng và mất giọng.  Mọi điều cho thấy một sự mất mát lớn lao sinh khí và bị thiếu máu trầm trọng (anaemia).  Hơn nữa, mạch bị căng và đập nhanh.  Tôi sợ rằng cũng có một sự suy yếu lớn lao khí ở dạ dầy.  Các lẽ các thày thuốc đã không sẵn nghĩ đến việc cho thuốc hồi sức, hay có lẽ đây không phải là nguyên do của chứng bệnh, nhưng dĩ nhiên người ta phải lạc quan”. 30
Lãn Ông kê tám loại dược liệu dưới hình thức thuốc bôi. 31 Tối hôm đó, Trịnh Sâm lại triệu tập ông lần nữa và tra hỏi để biết lý do tại sao ông lại kê quế và phụ tử (aconitum), những thứ làm gia tăng nhiệt độ.  Lãn Ông đã giải thích rằng cơn sốt là một loại được gọi là “cơn sốt giả tạo” và Trịnh Sâm sau đó đòi hỏi một sự giải thích các triệu chứng bệnh tật của ông ta.  Sau khi bằng lòng rằng Lãn Ông đã có “các ý tưởng rất chính xác”, Chúa Trịnh đã đồng ý dùng thử một liều lượng nhỏ trước.
Sự chờ đợi trong khi các nhà dược thảo Phủ Chúa bào chế toa thuốc là một thời khoảng đầy âu lo.  Một vị quan nói rằng cách điều trị đó không khác gì đổ dầu vào ngọn lửa, điều Lãn Ông trả lời rằng ông biết rõ rằng lưỡi đao của đao phủ thủ đang chờ đợi ông nếu cách điều trị bị thất bại.  Ông đã kín đáo vui mừng trong ngày kế đó khi sắc mặt vui tươi của Quận Nhất cho thấy cơn sốt đã hạ giảm.  Chúa Trịnh Sâm đền ơn đã tặng ông một chiếc áo lụa và 10 giải bằng bạc (từ ngữ thái ngưu, thường được dùng để chỉ tổng số tiền đó, phải được giải thích cho một Lãn Ông thoát tục).  Cuộc hội kiến chính thức tại đó Chúa Trịnh bày tỏ lòng biết ơn của Chúa là một dịp căng thẳng, với các lời khen tặng châm chọc từ các quan chức ngày càng ghen tỵ và một sự nhắc nhở gây bối rối rằng việc xuất hiện với y phục không đúng cách sẽ cấu thành tội khi quân, trên lý thuyết là một tội bị tử hình.
Lãn Ông còn lo sợ rằng sự thỏa mãn của Chúa Trịnh về sự điều trị cho chính Chúa và con trai của Chúa sẽ khiến ông không thể rời khỏi triều đình, nhưng nỗi lo âu về phần các thầy thuốc chính thức của triều đình và của các quan chức khác rằng lời tư vấn y khoa trước đây của họ sẽ bị nhìn là khiếm khuyết khi đối chiếu, đã mang lại cho ông một cơ hội.  Quận Nhất sau cùng được thuyết phục để phóng thích ông, với một quà tặng 50 giải bạc nữa, nhưng Lãn Ông đã hoàn trả lại hết, chỉ giữ lại 6 giải và đã ra đi: “như một con chim sổ lồng, hay một con cá thoát ra khỏi lưới câu”. 32
       Có lẽ Hoàng Đình Bảo đã dự liệu trước sự nguy hiểm và đã quyết định rằng bất kỳ công lao nào có thể quy chụp lên vai ông từ việc giới thiệu Lãn Ông với triều đình không còn quan trọng nữa.  Trong vòng ít ngày sau khi về tới nhà, Lãn Ông nghe tin rằng các binh sĩ đã giết chết Quận Nhất và gia đình ông ta hôm 28 Tháng Mười Một.  Trịnh Sâm đã chết vì bệnh và, trước khi Chúa được chôn cất, quân đội đã lật đổ Trịnh Cán, và đã lập người con trai trưởng của Trịnh Sâm, là Trịnh Khải, lên ngôi Chúa. 33 Tin tức có thể đã không bất ngờ và nó xác định sự tin tưởng của Lãn Ông rằng cuộc sống đơn độc của ông tại vùng núi rừng là sự lựa chọn khôn ngoan nhất.  Trở lại Hương Sơn một cách an toàn, ông đã viết:
Danh giá và sự giàu có thì phù du như các đám mây trôi.
Cạ nhạc, tháp cao và cung đình không tồn tại qua một buổi sáng … 34
Ông đã sống ở đó suốt thời hưu trí cho đến khi từ trần vào ngày 17 Tháng Hai, 1791.
 
Lãn Ông và Y Học Việt Nam Cổ Truyền
Nhiều thế kỷ mưu toan của Trung Hoa nhằm thuộc địa hóa hay khuất phục người dân Việt Nam đã đưa đến một khuynh hướng trong văn giới Việt Nam muốn hạ thấp các ảnh hưởng của Trung Hoa.  Trong khi dược phẩm Miền Bắc Việt Nam (thuốc Bắc) có nguồn gốc Trung Hoa, có một sự tương đồng phổ biến với mối quan hệ giữa y học tây phương hiện đại và y khoa La Mã hay Hy Lạp cổ điển: Lãn Ông đã viết bằng tiếng Hán giống y như các học giả Tây Phương viết bằng tiếng La tinh.  Trong khi y học Trung Hoa là một ảnh hưởng tiếp diễn, y học Bắc Việt Nam chưa bao giờ là một sự bắt chước một cách hoàn toàn: yêu sách của Trung Hoa về [việc giao nạp] các thày thuốc Việt Nam như vật triều cống dưới thời chiếm đóng nhà Minh (1407-27) 35 khiến ta nghĩ đến một sự trao đổi tư tưởng trong trường kỳ, nếu không nói là bị cưỡng bách.
       Y học Việt Nam, giống như tôn giáo, có tính chất hổ lốn, và các bệnh nhân có cơ hội sẽ tham khảo càng nhiều thày thuốc càng tốt và sẽ áp dụng các phương thức chữa trị khác nhau mà họ thấy thích hợp.  Ở cả Miền Bắc lẫn Miền Nam, các triều đình đã sử dụng các nhà giải phẫu và các y sĩ Tây Phương ngoài các thày thuốc của chính họ. 36 Trong khi Lãn Ông giờ đây được tưởng nhớ vì việc du nhập các sự canh cải Việt Nam vào y học Trung Hoa cổ truyền, hồi sinh thời của ông. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc mang ảnh hưởng Trung Hoa vào Việt Nam: ông đã mua các thảo mộc Trung Hoa và người bạn gần gũi nhất của ông trong số các thày thuốc của Phủ Chúa là người Trung Hoa.  Ông cũng bảo tồn và mở rộng các danh sách các thứ thuốc Nam cổ truyền.  Trong tập Linh Nam Bản Thảo, một tập liệt kê dược thảo bằng văn vần chữ quốc ngữ [sic], Lãn Ông đã ghi chép 722 loại dược thảo Việt Nam bao gồm các dược thảo từ tập sách cổ điển của Tuệ Tĩnh, Nam Dược Thần Hiệu (Southern Medicines of Divine Effect), cùng phần bổ túc các thứ dược thảo do chính Ông đã kê toa. 37
       Nửa sau của thế kỷ thứ 18 đã là một thời kỳ tích cực cho y học Việt Nam, khi vài loại dược thảo quan trọng [được khám phá] và các công trình về sản khoa và bệnh truyền nhiễm được trước tác. 38 Các tác phẩm của Lãn Ông thì bao quát nhất và là các tác phẩm duy nhất có chứa đựng các phần về đạo đức nghề nghiệp và lý lịch bản thân.  Sau khi mất, các tác phẩm của ông vẫn còn là một nguồn quan trọng cho các thày thuốc Việt Nam và trong năm 1865 ông Võ Xuân Hiên đã khởi sự biên tập các bản thảo còn tồn tại được ấn hành lần đầu tiên (bằng chữ Hán) thành 63 quyển trong thời khoảng từ 1876 đến 1883. 39 Trong thế kỷ thứ 20, các sử gia y khoa người Pháp đã duyệt xét các tác phẩm của Lãn Ông.  Sự nhấn mạnh của họ trên các khía cạnh Việt Nam độc đáo trong tư tưởng của ông có thể được nhìn như một phần của một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm sáng tạo ra một thời đại hoàng kim Việt Nam thời tiền thuộc địa đã mất, lại có khả năng được phục hồi dưới chính quyền Pháp. 40 Sau khi Việt Nam giành lại sự độc lập, các tác phẩm của Lãn Ông tạo thành căn bản cho một sự phục hồi y học Việt Nam truyền thống được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu vào lúc khi các dược phẩm Tây Phương không sẵn sàng được cung ứng, và một phần bởi một mong muốn nhấn mạnh đến căn cước dân tộc xuyên qua y học cổ truyền chứ không phải y học Tây Phương. 41 Có lẽ chính trong sự nhấn mạnh của họ vào nên y học thực dụng và đạo đức nghề nghiệp, được gợi hứng bởi bổn phận của chính mình và gia đình mình, mà các tác phẩm của Lãn Ông có Việt Nam tính riêng biệt nhất:   
Hãy tìm học cách thức để thích ứng với các tình huống và để thich ứng với điều kiện của bạn, học cách kiểm soát chính mình và dừng lại đúng lúc, và xem đó là một danh dự không bao giờ bị ngã gục trước lòng tham lam. 42
___
Ann Bates (Phạm Thị An), sinh ra và theo học tại Sàìgòn.  Sau khi miền Nam sụp đổ trước cộng sản, bà đã di cư sang Anh Quốc và làm việc tại Royal London Hospital và tại National Gallery, London trước khi về hưu tại Essex
Alan W. Bates, Tiến Sĩ, Bác Sĩ, giảng dạy về giải phẫu học và phôi thai học tại Đại Học Queen Mary College, London trước khi di chuyển đến Bệnh Viện Royal Free Hospital làm bác sĩ khảo sát tế bào để định bệnh (histopathologist).  Ông là tác giả quyển Emblematic Monsters: Unnatural Conceptions and Deformed Births in Early Modern Europe (Rodopi, 2005).  Các tác giả là đôi vợ chồng.  Thư từ liên lạc: Department of Histopathology, Royal Free Hospital, Ondon NW3 2QG, UK (email: Alan.Bates@royalfree.nhs.uk)
 
___
Các Tài Liệu Tham Khảo và Các Chú Thích
1.      Việt Nam News, Thứ Hai 18 Tháng Mười 2004.  Xem Feray Y, Monsieur le Paresseux.  Paris: Robert Laffont, 2000, các trang 222-3.
2.      Tiếng Hán đã là ngôn ngữ được chấp nhận bởi y học uyên thâm; các tài liệu hoàng triều Việt Nam và các tác phẩm không phải về y học của Lãn Ông được viết bằng Chữ Nôm (Vietnamese ideographic script) [sic].
3.      Lãn Ông (do Nguyễn Trần Huân biên tập và phiên dịch), Thượng Kinh Ký Sự (Relation d’un voyage à la Capitale).  Paris: École Française d’Extrême-Orient, 1972; Sallet A., Un grand médecin d’Annam: Hải Thượng Lãn Ông (1725-1792).  Bulletin de la Société Française d’Histoire de la Médecine 1930; 24: 170-78; Huard P. Durand, M. Lãn Ông et la Médecine sino-vietnamienne.  Bulletin de la Société des Études Indochinoises 1953; 28:221-93; Lê Khắc Thiên, Hải Thượng Lãn Ông, great master of traditional medicine.  Vietnamese Studies 1976; 50:143-59.
4.      Trịnh Sâm, nhà cai trị Miền Bắc Việt Nam (Đàng Ngoài) 1767-82.  Kể từ thế kỷ thứ 17, các hoàng đế họ Lê thành các nhà cai trị hư vị, trong khi các Chúa Trịnh nắm giữ quyền lực ở ngoài Bắc và các chúa Nguyễn ở trong Nam [Đàng Trong]; tuy nhiên, trên danh nghĩa, mỗi bên đều trung thành với các vua Lê.
5.      Lãn Ông HT (trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): trang 88a.
6.      Bởi tên Trác, tên “cấm” của ông, không được viết hay đọc sau khi có sự từ trần, ông cũng còn được biết là Lê Hữu Chấn, nhưng thường được gọi đơn giản là Lãn Ông.
7.      Nghệ An, cách xa kinh đô, có khuynh hướng nổi loạn; ba an hem họ Nguyễn cầm đầu cuộc khởi nghĩa Tây Sơn năm 1771 sinh ra ở đó.
8.      Lãn Ông HT (tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): trang 77a.
9.      Tiến sĩ, học vị cao nhất, có khoảng 2,300 người được trao bằng này tại Việt Nam thời tiền thuộc địa trong hơn 300 năm, Hữu Ngọc, Lady Borton: Thi Cử Nho Giáo, Hà Nội: Thế Giới, 2004.
10.  Khi đó được gọi là Thăng Long, nơi mà vua Lê và Chúa Trịnh đặt triều đình.
11.  Sallet A (tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): 172; Hoàng BG, Phú DT, Hữu N., Overview of Traditional Vietnamese Medicine.  Trong quyển: Vietnamese Traditional Medicine.  Hà Nội: Thế giới, 1993: các trang 5-29.
12.  Chesneaux J.  The Vietnamese Nation: Contribution to a History.  Sydney: Current Book Distributors, 1966: các trang 35-6.
13.  Lãn Ông HT (trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): trang 4a.
14.  Khi ngạch trật quan lại được tái duyệt xét vào năm 1805, các thành viên của Trường Y Học Triều Đình là các quan lại có ngạch trật thấp nhất trong chín hạng; xem Schreiner A., Les institutions Annamites en Basse-Cochinchine avant la conquête Française.  Saigon: Claude, 1900: quyển 1, các trang 278-9.  Về giáo dục y khoa tại Việt Nam, xem Huard P., Medical education Education in Southeast Asia (ngoài trừ Nhật Bản), trong sách biên tập bởi O’Malley CD, The History of Medical Education.  Berkeley: University of California Press, 1970: các trang 367-90.
15.  Huard P., M. Lãn Ông et la medicine sino-vietnamienne.  Bulletin de la Société des Études Indochinoises 1953; 28: 221-93, 239.
16.  Cùng nơi dẫn trên, trang 240.
17.  Mệnh Môn tượng trưng cho một điểm nằm giữa lưng, nhưng không tương ứng với với bất kỳ cơ cấu nào trong cơ thể học tây phương.  Nguyễn Văn Thọ.  Les secrets des reins révélés.  Hà Nội: Faculté de médecine, 1952.  Về các chức năng của các quả thận trong y học Trung Hoa, xem Larre C., Rochat de la Vallée E.  The Kidneys.  Cambridge: Monkey Press, 1989, các trang 11-14.
18.  Được in lần đầu trong năm 1865.  Bản dịch sang Việt ngữ (tiếng Việt được viết bằng mẫu tự Tây Phương) xuất hiện trong thời khoảng từ 1964 đến 1974.
19.  Các Chúa Trịnh, quyền lực đàng sau ngôi vua tại Miền Bắc từ thế kỷ thứ mười sáu, dần dần tự khóac tư thế vương tước cho chính họ, duy trì một triều đình riêng biệt và sử dụng các phong cách và tước hiệu hoàng gia; do đó các lệnh triệu mời từ Trịnh Sâm là một “mệnh lệnh từ Chúa Thượng”, một mệnh lệnh của hoàng triều.
20.  Lãn Ông HT, (trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): trang 3b.
21.  Cùng nơi dẫn trên, trang 4a.
22.  Cùng nơi dẫn trên, trang 5a.
23.  Lê KT ((trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3)
24.  Lãn Ông HT (trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): trang 12b.
25.  “Medicines: dược” là mo6t. từ cấm kỵ trong cung, do đó nó được thay bằng uyển từ “trà: tea”.
26. Thời điểm tốt nhất để bắt mạch là buổi sáng.  Thày thuốc cần được thư giãn bởi mạch được đếm ngược với hơi thở của ông ta: Dương Bá Bành, Histoire de la médecine du Viet-Nam.  Hà Nội: Publications de l'École Francaise d'Extrême-Orient, 1947: trang 25.
27. Lãn Ông HT (trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3), trang 20b.
28. Cùng nơi dẫn trên, các trang 21b-22a.
29. Cùng nơi dẫn trên, trang 80b.
30. Cùng nơi dẫn trên, trang 83a.  Với tiếng tăm hoang dâm của Trịnh Sâm, điều không mấy ngạc nhiên khi thấy một số sử gia nêu ý kiến về một sự chẩn đoán bệnh lậu.  Sự từ trần hợp thời của ông khi Trịnh Khải đã sẵn sàng để kế ngôi cũng nêu lên mối nghi ngờ về sự đầu độc, mặc dù không có bằng chứng nào hậu thuẫn cho cả hai sự liên tưởng.
31. Evodia rutaecarpa, củ gừng, rễ gừng; Citrus madurensis, Aristolochia debilis, cassia, cánh hồi (cloves), nhân sâm và Aralia cordata.
32. Lãn Ông HT (trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): trang 94a.  Ông rời kinh đô vào ngày 16 Tháng Mười Một, 1782.
33. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược.  Sàigòn: Quỳnh Mai, 2001: các trang 346-8.  Sự trị vì bấp bênh của Trịnh Khải đã kết thúc bốn năm sau đó; bị bắt giữ vởi quân nổi dậy Tây Sơn sau sự sụp đổ của Hà Nội, ông tự cắt cổ tự tử.
34. Lãn Ông HT (trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): các trang 96b-97a.
35. Hoàng BC, Phú DT, Hữu N. (tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 11).
36. Sư Huynh Jean Koffler là bác sĩ cho hoàng đé vào đầu thập niên 1750, xem Koffler (Jean), Trong sách biên tập bởi Hoefer JCF, Nouvelle Biographie Générale.  Paris: Firmin Điot Frères, 1861: tập 28, cột 28-9.
37. Lê KT (tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3).  Nam Dược Thần Hiệu được viết trong thế kỷ thứ 14; các ấn bản xuất hiện trong các năm 1717, 1725, và 1762.
38. Trong năm 1763, Ngô Văn Tĩnh và Nguyễn Nho có ấn hành quyển Vạn Phương Tập Nghiệm, một sách dược thảo có căn cứ từ Trung Hoa; trong năm 1777, Nguyễn Thế Lịch ấn hành quyển Tiểu Nhi Khoa, về sản khoa và nhi khoa và trong năm 1788, Nguyễn Gia Phan ấn hành quyển Liệu Dịch Phương Pháp Toàn Tập, một khảo luận về chứng bệnh truyền nhiễm.
39. Sallet A. (trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): trang 176.
40. Các sử gia Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Pháp nhấn mạnh đến một truyền thống y học "hoa-việt" riêng biệt, xem Dương Bá Bành (tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 26).
41. Y học đông phương đã kêu gọi không chỉ chủ nghĩa chống thực dân mà còn cả cộng sản chủ nghĩa làm căn bản lý thuyết của nó có thể được giải thích bằng duy vật biện chứng; xem Unschuld PU.  History of Chinese medicine.  Trong sách biên tập bởi Kiple KF, The Cambridge World History of Human Disease.  Cambridge: Cambridge University Press, 1993: các trang 20-27.
42. Lãn Ông HT (trong tài liệu đã dẫn, tham khảo chú thích số 3): các trang 96b-97a.
____
Nguồn: Ann Bates & A. W. Bates, Lãn Ông (Lê Hữu Trác, 1720-91) and the Vietnamese Medical Tradition, Journal of Medical Biography 2007, 15: 158-164.
 
Ngô Bắc dịch và phụ chú
11.05.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét