khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Quyền của đàn ông: đái đứng? - Tác giả Hòai Mỹ





Mặc dù là ngôn ngữ thuần túy Việt, do tổ tiên truyền lại, nhưng nói “đái” nghe ra không mấy lịch sự nên người mình tìm cách “lái” cho thanh tao hơn, chẳng hạn trẻ nhỏ thì nói “tè,” người lớn lại phát ngôn bằng từ Hán Việt là “tiểu tiện.” Tán rộng một chút, “tiểu tiện” là một trong 3 cấp nằm trong hệ thống tiêu hóa, có nhiệm vụ sa thải những cặn bã vô dụng trong cơ thể: Đại tiện - trung tiện - tiểu tiện.

Tuy nhiên trong câu chuyện hôm nay, mạn phép bạn đọc quí mến cho kẻ hèn này được sử dụng chữ “đái,” bởi lý do thứ nhất, vì thích hợp với chủ đề; thứ hai, do liên quan đến nam giới, thành ra nói “đái” mới “ấn tượng,” mới gợi hình mạnh mẽ, mô tả được tác phong oai liệt của đấng trượng phu. Vả lại, đấy cũng còn là một trong những ưu điểm của nam giới, đúng như ca dao Việt Nam đã xác định, “Trai khôn lắm nước đái; gái khôn mau nước mắt.” Xưa kia thì vậy, thế nhưng nói theo bệnh lý ngày nay, đàn ông mà “lắm nước đái,” nghĩa là vì “lắm nước đái” mà đi tiểu hoài, nhất là ban đêm phải “chạy tóe... nước” cả chục lần, bị tước quyền kiểm soát việc tiểu tiện thì kể như thận suy hoặc nhiếp hộ tuyến bị sưng và đang trên đường “thừa thắng xống lên” ung thư.

Hẳn có độc giả... đứng đắn đã cau mặt, cằn nhằn, bộ hết đề tài rồi sao, bỗng dưng mới thới gian đầu tân niên đã lôi chuyện “đái” vốn là việc riêng tư ra mà tán gẫu, không sợ bị... xui quẩy hay sao, như thể “sự cố” vốn đã được cảnh báo trong ca dao Việt Nam, điển hình như trường hợp, “Con gái đái vãi vỉa hè; Ba ông vua bếp bẻ què chân tay?”

Bẩm thưa, “đái” tuy thuộc phạm vi cá nhân và kín đáo thật, nhưng lại mang tính đại chúng, nghĩa là đã là người, kể từ ngày khai thiên lập địa cho đến tận thế, ai cũng phải... đái. Nói không ngoa, “đái” không những là một nhu cầu mà còn là điều hạnh phúc. Không tin, cứ mạnh bạo mà hỏi các vị liền ông vốn có vấn đề về nhiếp hộ tuyến, ắt được chứng minh. Hoặc chính bản thân mỗi người chắc chắn cũng đã có những “kinh nghiệm xương máu” những khi phải nhịn hằng nhiều giờ cho đến khi được “xả bầu tâm sự,” thiết tưởng lúc đó được siêu thoát lên niết bàn hay thiên đàng cũng không “tự sướng” bằng. Tuy vậy, nguyên nhân đưa đến việc hầu chuyện quí bạn đọc tuần này không hoàn toàn vì các khía cạnh vừa trình bày, nhưng chính yếu là bởi việc “đái đứng” được hệ thống tư pháp công nhận là một nam quyền.

Một vụ kiện vô tiền khoáng hậu

Vâng, chuyện gì thì cũng phải có đầu có đuôi; việc nào thì hẳn cũng có động lực và mục tiêu. Số là một tòa án Đức thứ Năm tuần rồi, ngày 22 tháng Giêng, 2015, trong một phiên xử đã phán quyết, “Ja, ein Mann das Recht, Stehen Pinkeln” - chuyển ngữ Việt văn là, “Vâng, một người đàn ông có quyền đái đứng” - để tán thành việc một người thuê nhà mong muốn duy trì quyền của mình được đái đứng.
Tin này - cũng đã được thông tấn xã Reuters ngay hôm sau phiên tòa đã đăng tải - thiết nghĩ mang tầm quan trọng “vượt chỉ tiêu” nói chung đối với phái nam, nói riêng với các đấng mày râu vốn phải bỏ tiền ra để được “ăn nhờ ở đậu” nhà người khác. Ngoài ra, tin này cũng rất cần thiết đối với những phụ huynh nào có con giai đi học xa gia đình mà phải thuê nhà để tạm trú trong suốt thời gian mài đũng quần trên ghế nhà trường để “dùi mài kinh sử.” Quí vị có thể xem đây là một bản án tiền lệ như một lá bùa hộ mệnh để nếu chắng may con mình sa vào trường hợp tương tự, ắt có phương thế thủ thân đã đành mà còn như thể vũ khí để hạ đo ván đối thủ không chút tiếc thương trước ánh đuốc công lý.


Vẫn theo vụ án kể trên, chủ nhà đã tìm mọi cách cố gắng tối đa nhằm xơi luôn số tiền “deposit” (đặt cọc) tương đương $1,000 Mỹ Kim của anh chàng thuê nhà, viện lý “đương sự đã làm hư hại nặng nề sàn nhà lát đá hoa chung quanh bồn cầu vệ sinh bằng hành động làm vung vãi nước tiểu.”

Một cuộc tranh luận sôi nổi chưa từng xảy ra

Thế là cơn “đất bằng nổi sóng” nổ tung khắp nước Đức với cuộc tranh luận sôi nổi chưa từng có trong lịch sử pháp lý; theo đó “được phép hay không được phép đái đứng.” Dĩ nhiên việc “đái đứng” chỉ liên quan đến nam giới mà thôi nên vấn đề đã được giới truyền thông đặt tên là “nam quyền.”
Ngoài ra, kẻ hèn này thấy cần lưu ý bạn đọc, “Đái đứng” khác với “đứng đái” đấy nhé! “Đái đứng” có nghĩa là “đái” trong thế “đứng” mới oai, mới “tự sướng” thật sự; chẳng thế mà trong văn chương truyền khẩu nước ta, tục ngữ đã có câu, “Lễ không vái; đái không vẩy;” nói nôm na là thi lễ mà không bái lậy (chắp tay giơ lên hạ xuống và cúi đầu để tỏ ý cung kính) thì không thực hiện đầy đủ nghi thức.


Cũng vậy nam giới mỗi lần đái xong thì phải vung vung, phất phất “của quí” cho nước còn sót lại thoát ra. Hậu quả là có “giọt rơi xuống cống; giọt tung ra sàn.” Trong khi “đứng đái” có nghĩa là chỉ “đứng” mới “đái” được mà thôi.

Cả hai kiểu vừa mô tả trên phụ nữ đều không thể thực thi được hoặc nếu cố “làm” thì nhìn... kỳ cục lắm, “chẳng giống ai” đã đành mà hậu quả còn tai hại vô cùng. Trời đã qui định, đàn bà thì phải “ngồi,” muôn đời “đái cũng không qua khỏi ngọn cỏ.” Thế thôi! Đã đôi lần, để gọi là đòi quyền bình đẳng, phụ nữ Tây Phương đã biểu lộ ý chí “vùng lên” bằng nhiều phương cách, trong đó có chiến thuật “đái đứng,” nhưng nghe đâu bị ướt cả hai đũng quần, cả hai cẳng chân nên cuối cùng sợ mất đẹp, “phái yếu” đành “chào thua vô điều kiện.”

Tóm lại, do cuộc tranh luận bất phân thắng bại kể trên, Đức ngữ đã thâu nhận thêm một thành ngữ mới mang tính khinh rẻ, “Sitzpinkler” nhằm chỉ những đứa con giai, các đấng đàn ông nào “ngồi mà đái.” Câu này ám chỉ kiểu tiểu tiện ấy bị “đánh giá” không có nam tính, thiếu chất đực rựa, lai nữ giới.

Tuy vậy ở Đức, tại nhiều toa-lét (restrooms) có treo dấu hiệu mầu đỏ nhằm cấm đứng đái. Cho tới nay sự kiện này vẫn gây mối bất mãn lớn lao cho nhiều người, tuy nhiên quí độc giả nào du lịch nước Đức, xin cứ vui lòng “đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” vậy.

Phán quyết của ba tòa quan lớn

Sau ba bốn lần sơ thẩm, ngày 22-01-2015 vừa qua, trong phiên xử chung thẩm ở pháp đình thành phố Dusseldorf, chánh án Stefan Hank cho rằng những người đàn ông nào chọn việc “đái đứng” thì “phải tính là với cách này hay cách khác là gây lộn với người sống chung, đặc biệt với nữ giới,” tuy nhiên họ không bị qui trách về những sự hư hại có thể xảy ra.

Ngôn ngữ pháp lý và chính trị thường “tối om như đêm ba mươi,” phải rất cẩn thận để mò mà hiểu khác chi như dò dẫm trên bãi mìn, thế nhưng vẫn rất nhiều khi hiểu vậy mà không phải vậy. Ý của thẩm phán Hank trong phán quyết trên thật sự đơn giản chỉ thế này: Đái đứng trái ngược với kiểu thông dụng của “người sống chung” tức là phu nhân hay “nữ partner” nói riêng, của phái nữ nói chung.

Trong phần kết thúc phiên tòa, chánh án Stefan Hank sau khi sửa lại cặp mắt kính dày như đít chai, nhấn mạnh câu phán quyết lịch sử, “Đái đứng vẫn phổ thông ở nước Đức này.”

Thế là chủ nhà bị thua kiện một cách “đau hơn hoạn” lại còn phải trả mọi án phí vốn cao gấp chục lần tiền cho thuê nhà mỗi tháng cộng với mớ bạc đặt cọc. Đương sự trắng tay ra khỏi tòa án, lững thững đi về nhà dưới cơn mưa tuyết trắng mà trong đầu vẫn văng vẳng lời an ủi khác chi một “coup de grâce,” một “phát súng đặc ân” của vị chánh án như thể ngầm bảo “cho mày chết luôn, cho bõ ghét;” ông ta tuyên bố khơi khơi thế này, “Đáng lý ông đã nên báo động rằng cái sàn nhà bằng gạch hoa dễ bị tổn thương.” Chủ nhà lẩm bẩm, “nói thế thì chó nó nói cũng được. Ngu chi mà không biết trong nước đái có chứa chất a-xít; sắt còn không chịu nổi huống chi chất men tráng trên mặt gạch.”

Hiện chưa đoán nổi rồi đây chủ nhà này sẽ làm những gì để rửa hận, có thể ông ta sẽ đì cho “từ chết đến bị thương” những người thuê nhà sau này; nếu là phụ nữ thì đương sự sẽ tăng tận mây xanh giá tiền thuê cho bõ ghét; còn nếu là đàn ông thì trong hợp đồng hẳn nhiên có lời báo động sự tàn phá của nước đái và đặc biệt khoản “trách nhiệm bồi thường” nếu tên thuê nhà này vẫn chủ trương duy trì “phong tục cổ truyền” trong việc đái đứng để rồi một là vì cẩu thả khiến nước đái vung vãi dưới sàn gạch, hai là bởi muốn áp dụng phương pháp “lễ không vái, đái không vung...” khiến sàn gạch bị chất a-xít uric tàn phá. Hơn thế nữa, chủ nhà sẽ còn la ầm trên các trang mạng xã hội để chia sẻ với toàn thể giới chủ cho thuê nhà về cái vốn liếng chua xót này mà ông đặt tên là “thú đau thương” đối với bọn thuê nhà vốn được pháp lý bảo vệ trong nạn phá hoại nhà cửa do tập quán đái đứng mà lại còn... vẩy vẩy. Ông ta gọi họ là bọn “ăn cháo, đái bát” vốn chỉ biết “ăn hại, đái nát.”

Ôi, chỉ một hành động đơn giản là “đái” mà gây lắm hệ lụy ở đời!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét