khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

Chúc Tết - Nhà thơ Trần Tế Xương


Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu ?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hang.


Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non.


Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.
 
*********

Ông Tú Vị Xuyên là người sinh bất phùng thời. Ông vừa được 3 tuổi thì Pháp đánh Hà Nội, rồi Nam Định. Năm 14 tuổi, triều đình Huế phải cắt đất nhường cho Pháp. Với thất bại của Phan Đình Phùng, Việt Nam không còn một cuộc kháng chiến đáng kể nào khác. Người Pháp thiết đặt tại Việt Nam một bộ máy cai trị qui mô, xã hội Việt Nam bị đảo lộn hoàn toàn. Trần Tế Xương sống ở Nam Định, chứng kiến tất cả mọi nhố nhăng của thời đại, những "trọc phú ti toe bàn thế sự/ đĩ già tấp tểnh nói văn chương", chuyện "đậu lạy quan xin" tạo ra những loại người mới trong xã hội.

Mộ Trần Tế Xương tại Tp Nam Định

Những chuyện như thế đã thấy phản ảnh rất rõ trong thơ văn của ông. Ông hằn học, phẫn nộ trước một xã hội đang suy thoái ở mức cùng cực. Những con người của những giai cấp mới, những me Tây, những thầy thông, thầy ký làm việc cho Pháp, những nhà tu đầy tội lỗi, những thành phần chỉ biết hơi đồng, quan lại chỉ biết "phê ngay một chữ tiền"…Thơ của ông là cáo trạng gay gắt lên án những chuyện trái tai gai mắt mà ông phải chứng kiến.
 
Trong một bài thơ chúc Tết, sau khi nghe những lời chúc đủ mọi loại người trong thiên hạ, ông cũng đưa ra một lời chúc:
 

…Vua quan sĩ thứ người trong nước
Sao được cho ra cái giống người.
 
Bài thơ bầy ra sự chán nản cùng cực của ông về xã hội chung quanh ông, cái xã hội tha hóa mất gần hết nhân tính, những ông ấm, ông cử, ông thứ chồng chung, vợ chạ... Ông đã tỏ ra đặc biệt không khoan nhượng trước những cảnh đời ngao ngán ấy. Ông tuyệt vọng chỉ mong sao những người ấy phục hồi được tư cách để trở lại thành con người.
 
Trần Tế Xương là người có tâm huyết, có lòng với đất nước (…đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn)…trước những đổi thay nhố nhăng của thời đại. Nhưng ông cũng tìm được một điểm sáng để hướng tới (…em hỏi thăm qua bác vẫn còn…) Song chuyện vợ trói, con cột không cho ông đi theo "mái tóc Giáp Thìn" tìm đường cứu nước…
 
Trần Tế Xương không muốn những gò bó, ràng buộc nên ông cả đời bất mãn đến chết. Ông ước ao mọi người sao được xứng đáng để được gọi làm người.
 
Đọc câu "sao được cho ra cái giống người" những người đọc thơ ông không thấy bị lăng mạ vì Trần Tế Xương là người có tâm huyết, có ưu tư về thời thế, có lòng yêu nước tha thiết. Ông quá chán ngán cảnh đời chung quanh, nên chỉ mong sao có được những đổi thay tốt đẹp hơn cho đất nước. Và vì thế, ông mong vua quan sĩ thứ trở lại thành những con người đúng nghĩa. Trần Tế Xương nghiêm khắc nhưng ông có quyền và có tư cách để nói lên điều đó. Ông nhận ông cũng là thành phần mà ông rất chán đó (… dơ dở lại ương ương…) Ông nhận ông có những tật rất xấu (cao lâu thường ăn quịt/ thổ đĩ lại chơi lường) nên thái độ nghiêm khắc đó của ông không có nét ngạo mạn, khinh thường.
Nhưng nếu ông nhận ông là "người" rồi chúc cho những người khác cũng được là người như ông thì lại khác.
 
Trần Tế Xương không làm như thế. Ông biết ông không đứng ở vị thế trên cao, ngó xuống và dậy dỗ người khác.
 
Cho nên về nước hát hò thì cứ về. Đừng bao giờ nói rằng những người về nước hát hò mới là người. Ám chỉ những người khác không về nước thì không phải là người.
 
Trần Tế Xương không ngạo mạn như thế. Ông Tú mà có thái độ như vậy thì chắc chắn những người đương thời như Nguyễn Khuyến sẽ phải hét lên rằng "đồ hỗn!"
 
Trần Tề Xương chết, Nguyễn Khuyến làm đôi câu đối đầy giọng thương tiếc:
 

Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
 
Ông Tú nói thì được. Đứa khác thì nhất định là không!
 
Bùi Bảo Trúc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét