khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Những cảm nghĩ đầu tiên về nước Mỹ của 1 du khách Việt Nam - Bài PHƯỢNG VŨ



Rest Room (RR)

Người xưa cũng đã từng nhận định đây là nơi con người thể hiện một trong "tứ khoái" của mình. Nay cái mà tôi “ấn tượng” nhất và khoái nhất của nước Mỹ chính là RR. Tôi khoái nhất là cái giấy lót bàn cầu sao mà nó mướt và sạch, ngồi lên mới thấy sướng làm sao! Tôi đã từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, nhưng không ở đâu tôi thấy có "tiết mục" này. Không biết RR của vua chúa, của tổng thống ra sao, nhưng cái RR công cộng mà tôi “ấn tượng” nhất là RR ở nhà thờ Kiếng (Crystal Cathedral), sao mà nó lịch sự đẹp đẽ và sang trọng làm sao! Giờ đây tôi mới hiểu rõ tại sao người Mỹ đặt tên nó là “Rest Room” vì đó là nơi người ta “thư giãn”. Mỗi lần tôi đi RR hơi lâu làm bạn tôi lo hỏi “Sao lâu vậy? có gì trục trặc không?". Thực ra tôi đang enjoy và thư giãn vì tên nó là “Rest Room” mà!

Ở Mỹ chỗ nào cũng có RR miễn phí và rất sạch sẽ, ngay cả dọc các xa lộ thỉnh thoảng lại có Rest Area để người ta xuống đi RR, rồi đi tới đi lui thư giãn gân cốt. Điều làm tôi ngạc nhiên là không phải chỉ có con người mới được quan tâm mà ngay cả chó cũng được chiếu cố. Ở một khu Rest Area (CA), tôi nhìn thấy tấm bảng “Dog's Exercise Area” và cạnh đó là khu RR cho chó và có thiết kế sẵn một hộp đựng túi nylon để chủ nó lấy hốt “chất thải” rồi bỏ vô thùng rác gần đó cho vệ sinh. Cái vụ này không biết đến thế kỷ nào VN mới đạt tới. Đúng là người Mỹ có cái nhìn thực tế, nên thấy rõ nhu cầu thiết yếu của con người và giải quyết vấn đề một cách "tuyệt vời". Đối với những du khách tuổi về hưu thì nhu cầu RR càng quan trọng hơn. Mỗi khi đi chơi đâu xa mối quan tâm hàng đầu của tôi chính là RR, tìm ra được mới thấy thoải mái, an tâm. Cám ơn nước Mỹ đã cho tôi sự an tâm đó khi đi du lịch Mỹ (và có lẽ cũng chỉ có duy nhất ở Mỹ).

Xin đừng xem thường chuyện RR và cho đó là chuyện “dơ bẩn” như ở Việt Nam. Các thành phố lớn, các khu du lịch sang trọng đều ít quan tâm đến việc xây dựng RR, thử hỏi du khách khi có nhu cầu mà không có chỗ giải quyết sẽ “khốn khổ” đến mức nào? Chắc phải mượn câu thơ của N. Du để diễn tả hoàn cảnh "éo le" này: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay". Nói tới đây tôi chợt nhớ câu chuyện vui về RR: Trên một chuyến xe đò Saigon - Đà Lạt một chú ba tàu “mắc” quá, chịu hết nỗi bèn la lớn lên nói với bác tài: “Chời ơi! Làm ơn ngừng xe, cho ngộ xuống "đi", rồi nị muốn "ăn" bao nhiêu thì "ăn", ngộ cũng cho hết...", khiến cả xe cười rần rần.

Vệ sinh và nước uống

Ở Mỹ vấn đề vệ sinh luôn được quan tâm, thùng rác có mặt ở khắp nơi tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giữ vệ sinh công cộng. Tôi gần như không thấy rác xuất hiện trên đường phố hay trên xa lộ. Nghe nói xả rác trên xa lộ sẽ bị phạt rất nặng. Dân Mỹ từ người lớn tới trẻ em không bao giờ xả rác ngoài đường, họ có ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng rất cao. Tôi nhìn thấy một em bé mở viên kẹo ăn, rồi cầm giấy gói kẹo giữ trong tay cho tới khi tìm được thùng rác thì mới vứt vô đó. Ngược lại khi tôi đi hành hương Ấn Độ thì tình trạng vệ sinh thật khủng khiếp, những con bò ngang nhiên đi trên đường phố và vô tư ngừng lại để "ị" bất cứ lúc nào chúng muốn, nên phân bò đầy đường phố, không ai dọn dẹp, mùi xú uế xông lên khắp nơi, nhất là với khí hậu nóng bức miền xích đạo của Ấn Độ. Người dân nghèo thì đỡ hơn bò một chút, họ biết chạy vô hai bên lề đường rồi cũng đứng, ngồi, tiểu, tiện tự nhiên thoải mái. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn thấy rùng mình. Hiếm thấy toilet công cộng ở Ấn Độ. Ngoài ra tôi còn nghe nói ở sông Hằng người ta thiêu xác người rồi thả xuống đó, rồi tiểu tiện, tắm giặt, gội đầu cũng ở đó. Thậm chí còn uống nước sông Hằng xem như là nước thiêng trị bệnh. Tôi nghĩ tôn giáo không chỉ góp phần nâng cao đời sống tâm linh con người mà còn phải góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về vệ sinh để bảo vệ sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, nước uống là một vấn đề cần thiết cho sức khỏe, người ta có thể thiếu ăn, nhưng không thể thiếu nước. Ở Mỹ vòi nước công cộng để cho mọi người có thể tới uống có mặt ở khắp nơi : Công viên, phi trường, bịnh viện,trường học, rest area.... Nhưng tôi bị ám ảnh bởi “nước phong ten VN” thiếu vệ sinh nên mỗi lần đi chơi, phải đem theo nước chai, đem nhiều thì xách nặng quá, đem ít thì không đủ uống. Bạn tôi khuyến khích đem theo 1 chai nước thôi, uống hết gặp vòi nước ở đâu thì châm thêm, vì Bác sĩ nói rằng nước “phong ten” ở Mỹ bảo đảm an toàn vệ sinh còn tốt hơn là nước chai, nhưng sao tôi vẫn thấy hơi ngán sợ bị đau bụng vì bụng tôi hơi yếu. Một buổi sáng trước khi đi chơi, tôi xách nước theo nhiều hơn, vì hôm qua thiếu nước mà mua dọc đường bị “chém” tới 3 $/1 chai nên bị “đau bụng” (dĩ nhiên là đau bụng vì xót tiền, chứ không phải đau bụng kiểu kia). Tôi lẩm bẩm:

-Thiệt là nan giải không biết tính sao, sợ đau bụng kiểu này thì lại bị đau bụng kiểu kia. Bạn tôi cười nói:

- Hôm qua bạn xót tiền không dám mua nước, tôi đưa bạn chai nước , bạn uống hết sạch. Vậy bạn có thấy bị đau bụng không, nước lấy từ phong ten đó!

- Ủa vậy hả? vậy là mình vô tình đã “passed test” rồi, nước phong ten ở Mỹ thật an toàn, tôi uống nguyên 1 chai mà chẳng hề thấy đau bụng gì cả, vẫn khỏe re!

Ôi ! tốt quá, từ nay đi du lịch ở Mỹ, tôi an tâm không phải bận tâm về nước uống nữa, vì ở đâu cũng có mà lại miễn phí. Thiệt là cám ơn nước Mỹ lắm vì tôi có thói quen uống nước nhiều (do nghe lời BS dặn để tốt cho sức khỏe đó!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét