khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Hai chữ nước nhà – Lê Tất Điều



Khoảng 2 giờ trưa ngày 13 tháng 12 năm 2009, tôi đặt tay lên thân cây đa đầu làng Bài Trượng, bồi hồi như đặt lên vai người bạn chí thân mất tích từ lâu, tưởng đã chết, giờ thình lình sừng sững hiện ra. Sờ vào gốc cây đa lần trước là bàn tay đứa bé bảy tuổi. Lần này là bàn tay nhăn nheo của ông lão thất tuần.  Khoảng cách giữa hai bàn tay già, trẻ là hơn sáu mươi năm.

Từ thị xã Hà Đông về làng Bài Trượng, nếu đi lối Cầu Lẩy, phải băng qua Nga Mi Thượng, rồi đi đò ngang sông Nhuệ Giang. Đến bến, lên một con dốc ngắn, gặp ngay cây đa đầu làng đứng đón. Lúc lên đò bên kia sông, nhìn thấy nó, là đã vui rồi, là thấy lòng rộn lên câu reo thầm“đã tới làng mình”. Đó là chuyện cũ, đã sống sót trong trí nhớ, len lỏi vào nhiều giấc mơ của tôi suốt hơn nửa thế kỷ.
Sáng ngày 13 tháng 12, tôi ngồi uống cà phê ở một chỗ cách cây đa cỡ 15 dậm, ngắn hơn đoạn đường từ nhà đến sở mỗi ngày, và đang được một ngày để tùy nghi, nên tâm trí cũng nhắng nhít lên, vang vang những tiếng reo thầm “sắp thấy lại làng mình!” “Thấy lại” sau khi đi xa, đi lâu đến thế, không reo ầm lên sao được!

Kiến trúc sư Nguyễn Tường Quý, chắc nhìn thấy những tiếng reo ồn ào trên mặt bạn, mỉm cười: “Bác phải coi chừng! Có nhiều cái bác không về thì còn, bác về là mất”. Lúc đó, tôi thấy lời ông sặc mùi triết lý, mơ hồ, không đáng quan tâm. Lại nghi ông thấy tôi vui quá, bị kích động quá, thì tặng cho một gáo nước lạnh hạ hỏa, cho đỡ ngứa mắt.

Xe vừa tới vùng ngoại ô Hà Nội, lời tiên tri của triết gia Nguyễn Tường Quý đã ứng liền, trúng phóc, thiêng như lời nguyền của mụ phù thủy trong cổ tích. Hóa ra, ông Quý không ngứa mắt. Ông chỉ thương anh bạn khờ, lạc quan ngây ngô, nên báo động trước cho bạn khỏi té đau.

Trước 1954, trên chuyến tàu điện Hà Nội- Hà Đông , tôi lần lượt nhìn thấy gò Đống Đa, đền Trung Liệt, bãi cỏ sân đá bóng, những bức tường bao quanh trại quân Hàm Long. Qua khu lăng Hoàng Cao Khải là tới những cánh đồng. Rồi đồng ruộng mênh mông trải dài đến gần đầu cầu Hà Đông. Dọc đường, tôi thường nghển cổ nhìn con đường nhỏ dẫn vào cổng làng Mễ Trì, quê của mợ Hùng, nơi đã cho tôi những hạt cốm gói lá sen, thơm ngon nhớ đời. Đi thêm chút nữa, bên trái, trong ngôi biệt thự sụp đổ vì trúng bom, có cái hồ xây, chắc để thả sen, nuôi cá, rộng mênh mông, đáy bằng, chỗ nào nước cũng chỉ ngập đến cổ đứa bé mười tuổi. Nước hồ đục ngầu, không cá không sen, lũ trẻ chúng tôi bơi lội, đùa nghịch xong là người ngợm đầy cát, hôi rình, phải ra sông tắm lại.

Con đường trở lại hôm ấy thì ôi thôi! Chỉ thấy như mình đang đi giữa lòng phố phường, từ Hà nội về Hà Đông mà hệt như từ chợ Bến Thành đi Lăng Ông Bà Chiểu. Cái trí sáng suốt bảo mình đừng ngớ ngẩn chờ đợi thấy những dấu tích năm mươi lăm năm cũ. Nhưng cái tâm thì cứ bướng bỉnh ngu ngốc phóng chiếu ra những cánh đồng, những rặng tre làng, và trời đất mênh mông.

Thế là “mất” đều đều. Xe chạy tới đâu mất tới đó.

Tưởng như chính mình biến thành mụ phù thủy, có cái nhìn ác độc, phá hoại. Tầm mắt chiếu đến đâu cảnh trí thiên đường trong ký ức về chỗ ấy tức khắc tan biến, và đập ngược vào mắt là cõi trần tục lụy, với đủ những món không thể thiếu của vùng bị nạn nhân mãn: nhà nhà chi chít, người người tất tả ngược xuôi trong nắng gắt, bụi và mùi khói xe.

Mụ phù thủy đang bối rối vì cái phép thuật phá hoại tai ác của mình thì xe đã đến cầu Hà Đông. Cầu ngắn ngủn, vừa thoáng thấy một chút gì quen thuộc, thì nó đã ở sau lưng. Lại đến khu tòa sứ, vườn hoa, khu cửa dinh, đường vào nhà thương cũ (trước 1954 đã trở thành trại lính) tan biến, không để lại dấu tích…

Chưa nản chí, tôi giương mắt tiếp tục tìm. Thoáng thấy con đường nhỏ lát gạch dẫn vào làng Cầu Đơ, rồi một chỗ giống hệt rạp hát Thiêm Xuân (Rạp của ông Tư Thiêm, Xuân là tên bà) vụt qua, tôi như kẻ đuổi theo quá khứ, đang thất vọng, thì thình lình tóm được một tí cái đuôi của nó. Mừng húm, tôi xông tới, cố chộp thêm một chút quá khứ quí giá nữa : đó là ngôi nhà thủa nhỏ của ông Công Tử  Hà Đông.

Hà Đông chắc có nhiều công tử, tôi chỉ quen biết, quí mến ông Công tử nhà văn. Ông tài hoa và độc đáo. Có lẽ ông là nhà văn duy nhất có thể kể đi kể lại một chuyện vài triệu lần mà tôi vẫn thấy hấp dẫn, lôi cuốn. Khi cần, ông chế thêm từ ngữ để xài. Ông viết chính tả theo luật riêng, dựa vào cách phát âm, cách nói thực sự của nhiều người – “đói dài đói dẹt” thành “đói dzài đói dzẹt” “vui” thành “dzui”, “lại đây với anh” thành “lại đây mí anh” – khiến chữ nghĩa trở nên nghịch ngợm, sống động, câu văn thành ngộ nghĩnh, có duyên. Thỉnh thoảng tôi cũng lẻn vào kho ngữ vựng của Công Tử để chôm chĩa, thêm hoa lá cành cho văn mình khởi sắc, bớt nhạt nhẽo, nặng nề. Bây giờ năm “bó”, bẩy “bó” đã là đơn vị đo lường tuổi tác, thay thế cho những con số tầm thường, vô hồn.

Hồi nhỏ ao ước trở thành nhà văn như ông Hoàng Hải Thủy. Về già, thỉnh thoảng, nhất là những lúc ngồi viết một bài quá dài, lại vẫn ước ao có được lối viết ung dung, tự nhiên, thoải mái như Công Tử Hà Đông để những độc giả chịu khó bơi lội trong biển lớn, sông dài chữ nghĩa của mình đỡ mệt.
Công Tử là cư dân Hà Đông thời tiền chiến. Tôi từ làng đến tỉnh này sau khi nhà cửa phố phường đã tan hoang vì bom đạn, vì “tiêu thổ kháng chiến”. Đến cùng những đợt hồi cư sớm nhất. Tôi không biết ông đã ở căn nhà nào. Dựa vào lời mô tả rải rác trong những bài ông viết thì đoán nó là một trong những căn nhà đẹp, hai tầng, hồi đó gọi là “nhà Tây”, nằm rất gần ngõ vào làng Cầu Đơ và rạp hát Thiêm Xuân, ở phố Bóp Kèn.

Tò mò tìm căn nhà cũ vì quí ông, mà cũng vì tôi đã ở trong một căn thuộc khu ấy vài ngày, đã bị một hình ảnh thấy lúc nửa đêm, trên hiên nhà, dưới ánh trăng, ám ảnh suốt đời.

Hôm đó, hình như cả họ tụ lại ở đấy để giúp đỡ gia đình bác Hai Doe vừa gặp đại họa
.
Đêm trước bác đưa gia đình rời làng ra tỉnh. Việc đó phải lén lút, vì là bỏ “ta” (vùng Việt Minh kiểm soát) để theo “địch” (vùng Tây kiểm soát), hồi đó gọi là “dinh tê”. Trên đường dinh tê, tránh né các trạm gác không khéo, bác bị du kích phát giác, bắn theo. Bác cõng anh con lớn chạy, đạn nhắm vào bố lại trúng lưng con.

Đêm ấy, tôi và mấy người anh họ ngủ trên sàn gạch hoa tầng hai, gần cái hiên trước nhà. Nửa đêm thức giấc, có lẽ vì ánh trăng chiếu vào mặt, hay tiếng con Chim Lợn thình lình eng éc lưng trời, tôi thấy bác ngồi gần một cây cột trên hiên, ngồi bó gối, gục đầu. Có thể bác đang ngủ ngồi. Nhưng bác không dựa vào cột, nên lúc ấy tôi nghĩ là bác đang tiếp tục khóc không thành tiếng.

Buổi chiều, bác xuất hiện ở cửa nhà, cũng đang khóc lặng lẽ như thế. Giữa đường từ cửa vào chân cầu thang, bác khuỵu chân, ngã chúi xuống, rồi bò trên nền nhà cho đến lúc bác Ba Thùy chạy tới nâng dậy. Đi hay bò thì toàn thể con người bác, từ khuôn mặt nhếch nhác thất thần đến hai cánh tay run rẩy, đều khóc. Nhưng sự đau đớn kiệt sức không tạo nổi chút âm thanh nào.

Nửa đêm, trăng sáng trên hiên, nhưng trong nhà đầy bóng tối, những chuyện về cái chết của anh Nga hôm trước, hình ảnh bác Hai ngồi lù lù cạnh cây cột bây giờ khiến tôi hoang mang, rờn rợn. Nhưng cảm giác sợ hãi chỉ thoáng qua. Tôi nhớ lại cảnh bác hai Doe vừa bò vừa khóc chiều qua, nhìn bác đang khóc lặng lẽ bây giờ. Chưa đủ trí khôn để tưởng tượng, thông cảm với sự đau đớn của người cha mất con, nhưng tôi bị cách thể hiện niềm đau của bác hai ám ảnh, truyền cho một cơn sầu muộn, tuyệt vọng, ai oán, bi thương đến tê tái cả người.

Từ đêm đó, hình ảnh bác hai Doe ngồi bó gối gục đầu bên cây cột trên hiên nhà đầy ánh trăng dọn thẳng vào trí nhớ, cư ngụ vĩnh viễn trong một góc khiêm tốn nhưng không tối tăm, mờ nhạt. Đọc sách truyện, gặp một tòa lâu đài tráng lệ dành cho những Hoàng Tử Công chúa biểu diễn một mối tình đẹp đẽ, hạnh phúc, thần tiên thì không sao. Nếu lâu đài là hậu cảnh cho một chuyện tình buồn, tuyệt vọng, đổ vỡ, hay chuyện ma quái, phù thủy, chết chóc thì lập tức nó hiện ra trong tưởng tượng của tôi với một sự thêm thắt kỳ cục. Nó bị gắn thêm một chỗ có hai cây cột, cái hiên đầy ánh trăng và người cha ngồi bó gối gục đầu lặng lẽ khóc con.

Sự thêm thắt, “đính kèm” thật lạc lõng, vô duyên và vô… lý. Nhưng xua đi không được. Tòa lâu đài trong trí tưởng tượng của tôi chưa xây xong nó đã vụt hiện ra rồi! Rút cục, ở cùng nhau lâu quá thành quen, nó hóa thành một phần của cái quá khứ tôi vẫn ước mơ thấy lại.

Căn nhà thời thơ ấu của Công Tử Hà Đông chắc ở gần, có thể ở cạnh, và biết đâu, nhờ một tình cờ của lịch sử… văn học, chính là căn nhà có hai cây cột trên hiên tầng hai! Thấy rạp Thiêm Xuân, tôi tức khắc tìm căn nhà cũ. Biết trong trí nhớ cột to hơn thực, tôi càng giương mắt nhìn thật kỹ.
Không thấy chúng nó đâu! Đôi mắt phù thủy của tôi lướt qua phố Bóp Kèn, làm tan biến luôn khu nhà xưa. Cái hiên trăng dính chặt vào những tòa lâu đài cổ âm u, buồn thảm, ma quái, đã mất. Căn nhà tuổi thơ của Công Tử Hà Đông bị vạ lây có lẽ cũng tiêu tan luôn.

Từ lúc đó, tôi tuyệt vọng. Đoạn đường từ Ba La, Bông Đỏ, qua Thạch Bích, Ứng Hòa về làng không có dấu tích gì còn nhớ được. Cũng tan tành luôn ước mơ được đi trên con đường đất, giữa các ruộng mía, nghe tiếng cào cào, châu chấu bay xè  xè, những lá mía khô cựa mình sột soạt, và không gian thơm lừng mùi ngọt ngào của những “lò kéo mật”nằm rải rác trên đồng! Chú em ở làng cho biết những vườn vải mênh mông gần làng Đại Từ cũng không còn. Tất cả biến thành ruộng rau có “giá trị kinh tế cao” từ lâu lắm rồi.

Vậy mà cây đa không mất. Nó vẫn sừng sững đứng bên dòng Nhuệ Giang, nơi đầu con dốc nhỏ dẫn xuống bến đò năm xưa.

Trẻ con miền quê thời đại tôi yêu quí cây đa, nhớ nó suốt đời. Thủa sơ sinh, trước khi ý thức được sự hiện hữu non nớt, yếu đuối của mình cùng những bất trắc, đe dọa vây quanh, đứa trẻ chỉ biết theo bản năng tìm sự an toàn trong vòng tay mẹ. Nhưng khi đã có thể phiêu lưu ra ngoài cổng nhà một mình, đã giang hồ vặt theo lũ trẻ chăn trâu trên đồng, khám phá ra cái nóng cháy da của nắng hè, cơn khát khô cổ họng sau những lần chạy nhảy reo hò quá sức, nó lập tức tìm tới bóng mát ở gốc đa, tự nhiên như tìm nấp vào một vòng tay che chở mới.

Bà mẹ đa của Phạm Duy cũng dang rộng bóng để“ôm đàn em bé” trong câu ca gây xao xuyến, gợi buồn mênh mang cho nhiều thế hệ. Những bà mẹ đứng trăm năm, nghìn năm trên đê, trên đồng, bờ sông, đầu làng ấy, như cây đa làng tôi, ngoài đàn em bé còn ôm thêm những thợ cấy, thợ cầy, khách đợi đò, những lữ khách đi qua làng, và đôi khi một quán nước nho nhỏ.

Đứa trẻ năm, sáu tuổi là tôi lúc đó thấy cây đa có cái bóng lớn quá, an lành quá, là nơi tụ tập của nhiều người sau cơn vất vả nhọc nhằn, đang mệt mỏi vì đường dài hay khốn đốn vì nắng trưa. Nó tin rằng gốc đa là chỗ trú ẩn của cả loài người!

Không theo lối Cầu Lẩy , tôi về qua ngả Ứng Hòa, dẫn thẳng đến chợ Trượng. Từ đó đi dọc bức tường thấp quanh đền, rồi bức tường cao quanh đình làng, là gặp lại nó, là chui vào cái bóng mát thân quen từ muôn kiếp. Cái nhìn phá hoại của mụ phù thủy độc ác trong mắt tôi biến mất. Và, thật kỳ diệu, khả năng thu nhỏ cảnh vật của người đi xa lâu ngày trở về (thấy phố phường hẹp lại, cổng trường cũ nhỏ đi v.v.) cũng biến mất. Cây đa đã lớn theo trí nhớ, sự mường tượng của tôi, nên giữ nguyên kích thước hùng vĩ, không bị thấp xuống, nhỏ đi tí tẹo nào.

Sừng sững trước mắt là một vùng quá khứ còn nguyên vẹn, uy nghi như một hiệp sĩ thắng trận, đang đứng chống gươm nhìn tôi mỉm cười, thầm khoe cái thành tích đã dẹp tan lũ giặc thời gian vây bủa trùng trùng, tấn công không ngừng nghỉ suốt hơn sáu mươi năm qua.

Tôi tiến đến xòe tay đặt lên gốc cây đa, cảm nhận sự cứng chắc trên áo giáp của hiệp sĩ, để chắc chắn rằng giây phút này, cuộc gặp gỡ này đang có thật. Ngửa mặt nhìn tàn cây, vẫn che kín một vùng trời như những ngày xưa thật là xưa, tôi không cảm được, không bị “tràn ngập tâm hồn” bởi một sự sung sướng, một niềm hạnh phúc đặc biệt nào. Chỉ bỗng dưng thấy đời mình đầy đủ, đầy ắp như không còn chỗ chứa thêm một ước mơ. Và cũng nhận ra là mình cực kỳ may mắn.

Rồi xảy ra một chuyện bất ngờ. Thình lình trong đầu bật ra câu thơ: “ Con ơi! Hai chữ NƯỚC NHÀ!”. Đó là câu cuối trong một bài thơ song thất lục bát của Á Nam Trần Tuấn Khải.( Nguyễn Phi Khanh bị quân xâm lăng bắt, giải về Tầu. Nguyễn Trãi theo cha đến tận Ải Nam Quan, ranh giới hai nước. Nhà thơ tưởng tượng ra lời người cha khuyên con hãy trở về lo việc kháng chiến chống xâm lăng).

Lúc đó, trong trí nhớ của tôi chỉ còn sót một đoạn ngắn 9 câu mở đầu:

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái trông phong cảnh như khêu bất bình
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định…

Và vang vang nhất trong đầu là câu thơ chót, lời nhắn nhủ cuối cùng của người cha bị cầm tù, trên đường lưu đầy, biệt xứ, biết mình không có ngày trở về cố quốc: “Con ơi! hai chữ “nước nhà”.

Thình lình “bị” nhớ câu thơ, tôi ngạc nhiên và hơi bất mãn.

Ngạc nhiên vì không ngờ Cụ Đa nhiều quyền phép đến thế. Vừa chạm vào cụ là kẻ thất phu bỗng nhớ đến một bài thơ bi tráng. Lời thơ ngời ngời chính khí, bừng bừng khơi dậy lòng yêu nước thương nhà.

Bất mãn vì cụ Đa lạc đề. Kẻ xa quê hương trở về gặp cố tri chỉ mong hàn huyên tâm sự chuyện xưa tích cũ. Xúc cảm lớn nhất không quá mức tủi tủi mừng mừng. Mừng cụ Đa đã thoát họa bom đạn, lại đứng vững sau những cơn lũ lụt, nước sông làm đất sạt lở, khiến gốc rễ cụ suýt bị bứng lên. Mừng vì mình đi vòng vo lang bang trên mặt địa cầu hơn sáu thập kỷ, đi xuyên qua hai cuộc di cư, một thời máu lửa, vẫn còn trở lại được chốn này.

Giữa bầu không khí mênh mang những xúc cảm nhẹ nhàng như thế, thình lình cụ Đa mời cụ Á Nam nhào vô sang sảng hát một bản Anh hùng ca! Cụ phóng vào tâm trí mình một câu thơ bắt phải yêu nước đột xuất, ngang xương như thế này thì chèn ép nhau quá.

Nhưng, chỉ sau vài chục giây, tôi biết cụ Đa bị trách oan, và nhớ ra thủ phạm vụ “hai chữ nước nhà” này là một chàng nghệ sĩ lang thang.

*

Năm 1954, di cư vào Sài Gòn, trường trung học Nguyễn Trãi biến thành “Nguyễn Trãi Bắc Việt di chuyển”. Thầy trò phải lang thang đi học nhờ, hết Trần Lục lại qua trường tiểu học Trương Minh Ký, cạnh rạp Đại Nam, ngay góc đường đi vào chợ Cầu Muối.

Từ trại định cư Khuông Việt đi học, tôi qua chợ Ông Tạ, trả hai đồng ngồi xe ngựa xuống bến xe buýt ở đầu đường Tô Hiến Thành (gần con đường vào khám Chí Hòa.) Trả một đồng “vé trẻ con” xe buýt nữa là được đưa tới trạm chính ở chợ Bến Thành. Từ đấy cuốc bộ tiếp đến trường. Xế trưa về lại lên xe buýt ở trạm chính, chuyến Sài Gòn – Chí Hòa. Tôi gặp chàng nghệ sĩ hầu như mỗi ngày, trên chuyến xe này.

Gọi chàng là “nghệ sĩ lang thang” cho nó văn hoa, quí phái. Nôm na, huỵch toẹt là chàng “hát dạo”. Chữ “hát” cũng còn sai. Chàng không hát, chỉ ngâm thơ, và chỉ ngâm một bài thơ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải: Hai chữ nước nhà (Nghĩ lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu)

Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!
Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!
Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!
Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi đất khóc giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!
Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất
Sóng Long Giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau…
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?
Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con
Con nên nhớ tổ tông khi trước
Ðã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao (1)
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây
Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi
Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy
Giở lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?
Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu “Gia, Quốc” đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng
Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa sá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non
Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há để nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng
Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục
Thân tự do chiên chúc (2) mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời
Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đọa tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?
Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!
Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!
Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi, con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên
Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!
Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với xương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu
Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân sẻ với san hà
Tượng đồng bia đá họa là cam công
Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch máu tanh
Làm cho đất động trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!
Nghĩa vụ đó, con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất khách gửi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già
Con ơi! hai chữ NƯỚC NHÀ…
(Á Nam Trần Tuấn Khải)
 
Ngâm sĩ cao lớn, một bên mặt đen xạm, không vì cháy nắng mà như có vết chàm. Ông ăn mặc tề chỉnh, áo bỏ trong quần, đầu đội mũ phớt. Những chuyến xe đông, tôi bị dồn xuống cuối xe, vẫn có thể thấy khuôn mặt ông diễn tả những cơn bi phẫn theo từng lời thơ, nhờ ông cao hơn thiên hạ. Ông đứng gần cửa xe, cạnh chỗ ngồi của tài xế, ngâm xong, ngả cái mũ phớt xuống: “Bà con cô bác đi tầu đi xe… ăn tiêu về nhiều, bớt đồng cơm bát cháo giúp nghệ sĩ…”. Ông hiên ngang xưng mình là nghệ sĩ nên bài thơ bị ông dùng làm cần câu cơm không bị giảm phẩm cách, hào khí.

Cậu học trò trung học di cư đón nhận bài thơ với tất cả tâm hồn.

Nhưng vốn sống nghèo nàn, ký ức, kiến thức về địa dư cộng lại chưa được một dúm, việc “đón nhận” của cậu rất vụng về, thiếu nghiêm chỉnh. Nghe thơ, tưởng tượng ra cảnh chia tay của hai cha con thì dễ. Những phim ảnh, tuồng tích đã coi, bài tập đọc có câu “Ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy” dư sức cáng đáng vụ này. “Mây sầu ảm đạm” với “gió thảm đìu hiu” cũng không khó. Cậu đã biết những ngày mùa đông mưa dầm gió bấc miền Bắc, lại thấy bức tranh người nông dân đội nón mê, áo tơi đi dưới mưa phùn rất ảm đạm trong Quốc văn giáo khoa thư. “Bốn bề hổ thét chim kêu” thì đã có những khu rừng trong phim Tarzan tái tạo cho một cái “bốn bề” đủ cả vượn hú, chim kêu, voi cọp chạy rần rần. Cũng tạm ổn.

Nhưng linh hồn hai chữ “nước nhà” thì bị gắn cho một thể xác bé tí teo.

Thủa đó, phần đất nước tôi thấy chỉ là làng Bài Trượng, một phần nhỏ của các làng Đại Từ, Lương Xá, Ứng Hòa, Quảng Bị, rồi những ngõ ngách của thị xã Hà Đông, một góc làng Cầu Đơ, một phần nhỏ Hà Nội, một chuyến đi chơi chùa Trầm…Sài gòn còn mới quá, chưa có chỗ đứng. Thành ra trong khi chữ “nước” đòi hỏi núi non, rừng rú, biển rộng, sông dài… thì chỉ gợi ra trong trí cậu bé cái bản đồ Việt Nam hình cong như chữ S, và một phần nhỏ tí của đất nước, nằm gọn hai bên bờ khúc sông Nhuệ này.

Khúc sông kéo dài từ Cống Vọng, qua ngôi đền “Phát Tích Từ”, qua hai cây đa, đình làng, rồi Xóm Trại, đến con đê uốn quanh khúc sông ở chân trời… là hết. Tầm mắt cậu chỉ có thế.  Như hình ảnh bác Hai Doe hiện ra trong những lâu đài cổ, cảnh thổ khúc sông này tức khắc đến với cậu cùng hai chữ “nước nhà”.

“Nước nhà” của cậu bé nhỏ nhoi, nghèo nàn tức cười như thế, nhưng vẫn ở với cậu đến đầu bạc răng long. Tất nhiên càng về sau nó càng bị những kiến thức mới về quê hương đất nước át giọng, chèn ép, đẩy vào một góc. Nhưng không bao giờ biến đi.

Dù vẫn nhỏ bé như thủa nào, nó càng ngày càng trở nên giầu có. Nó có “cây đa cao ngất từng xanh…” của Chung Quân, có “con đê dài ngây ngất” của Phạm Duy, có “sóng gợn trường giang buồn điệp điệp” của Huy Cận. Thủa ấy, đối diện với xóm Trại, bờ sông bên kia là một bãi cát vàng nằm sát ruộng trồng thầu dầu. Buổi chiều ngồi trên bờ tường trước đền, nhìn bãi cát thấy còn mênh mông nắng, cậu bé cảm thấy tâm trí nôn nao, xao xuyến nhẹ nhàng. Sau này, khi gặp bài thơ “Ngậm ngùi” cậu cũng xao xuyến nhẹ nhàng như thế và thấy ngay cảnh “Nắng chia nửa bãi” đã diễn ra trên bãi cát bờ sông bao quanh một vùng xanh ngắt lá thầu dầu.

Như thế cỏ cây sông nước chốn này, cái thể xác bé tí của hai chữ “nước nhà”, còn chứa trong lòng cả một thế giới đầy ắp ca nhạc văn thơ. Biến đi sao được!

Thành ra hôm xưa hai chữ “nước nhà” đẩy cậu bé về dưới gốc đa bến sông này, hôm nay, đứng giữa “nước nhà”, chạm vào thân cây đa, ông lão bị xô ngược về quá khứ, gặp lại câu thơ ngày cũ. Kẻ qui cố hương nghe vang vang đầy trời dư âm bất tận những câu thơ bi tráng, hào hung.

Linh hồn hai chữ “nước nhà”, lần đầu được nhập vào thân xác, vừa cất tiếng reo.

Lê Tất Điều

Chú thích:

*Nguyên văn bài thơ đăng trên trang mạng văn học GocNhin

(1) Sách sử chép, những nơi giáp giới nước ta với nước Tàu thì ngọn cỏ chia lả ra hai bên. Nghĩa là nửa đường bên kia thì ngọn cỏ lả về Tàu, mà bên này thì ngọn cỏ lả về bên ta, cho nên gọi là phân mao; phân mao tức là chia ngọn cỏ vậy.

 (2) Chiên chúc: rau cháo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét