khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Bàn về dich thuật -- Người viết Nam Sơn



Những người có lưng vốn đôi ba ngoại ngữ đều thấm một chân lý giản đơn: bắt đầu học ngoại ngữ, ai cũng hăm hở nghĩ rằng một khi mình làm chủ được ngoại ngữ là có thể dịch sách ngon ơ. Niềm tin ấy sẽ mòn mỏi dần theo thời gian, cho dù trình độ ngoại ngữ của người ta có nâng dần lên. Ðiều này thoạt nghe tưởng như nghịch lý, nhưng lại là một thực tế.

Có ngoại ngữ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Còn phải có tiếng mẹ đẻ nữa, mà không phải dịch giả nào cũng giỏi tiếng mẹ đẻ. Ngay cả khi có ngoại ngữ rồi, có cả tiếng mẹ đẻ rồi, thì biết bao nhiêu thứ khác cũng cần để có thể dịch sách văn học: đấy là kiến thức lịch sử, địa lý, dân tộc, phong tục... nhìn chung là kiến thức văn hóa xã hội về bản quán của tác giả cuốn sách cần dịch.

Thứ nhất là phải có ngoại ngữ. Một nhà văn Mỹ phải nói là giỏi tiếng Việt, có thể tán gẫu với người Việt, nói năng ví von có vành có vẻ, dẫn tục ngữ thành ngữ nhuần nhuyễn. Mới năm 2000, ông tung ra bản dịch thơ Hồ Xuân Hương. Một cuốn sách dịch, lại là thơ, đến nay đã bán được hai vạn bản.

Tôi giở cuốn Spring Essence - The Poetry of Hồ Xuân Hương, NXB Copper Canyon ấn hành, gặp những câu kiểu này:

Kind sir, if you love me, pierce me with your stick.

Ðó là dịch câu Quân tử có thương thì đóng cọc.

Cuối sách có giải thích: quả mít có thể chín sớm nhờ đóng cọc, theo kinh nghiệm người Việt. Một sự giải thích chu đáo và cần thiết.

Nhưng diễn giải nôm na thì câu tiếng Anh được hiểu là "Quân tử có thương thì đóng cái cọc của chàng vào". Cái đại từ sở hữu của chàng thật sự đã làm câu thơ đang thanh bỗng trở nên thô thiển, rõ ràng một cách không cần thiết và mất tính đa nghĩa. Nhiều trí thức Mỹ tỏ ý thú vị hơn khi nghe tôi trình bày về nguyên bản, nhưng họ cho rằng câu thơ dịch trên vẫn gây được hiệu quả. Biết làm sao, họ chưa biết thơ Hồ Xuân Hương trong nguyên bản. Mà tiếng Anh, tiếng Pháp đòi hỏi tính lô-gích trong mọi tình huống đã buộc người dịch phải bám chặt lấy cái đại từ sở hữu của chàng nọ.

Nhưng câu Rúc rích thây cha con chuột nhắt - Vo ve mặc mẹ cái ong bầu sao lại dịch thế này:

The little father mouse squeaking about, doesn't care, nor the mother honeybee buzzing along, fat with pollen.

Thây cha con chuột nhắt với mặc mẹ cái ong bầu mà lại dịch là "con chuột cha" và "con ong mẹ" thì đúng là người dịch, dù được tiếng là giỏi tiếng Việt, vẫn chưa thật sự thấm nhuần ngôn ngữ ấy.

Thứ hai là phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ. Lật một cuốn tiểu thuyết dịch ra tiếng Việt xuất bản năm 2001, Sứ giả của thần chết, thấy ngay những từ như thế này:

- Ðã có khoảng nửa chục người đến họp (Người Việt không nói nửa chục, nửa tá, mà nói dăm bảy người đến họp).

- Ông ta trạc cuối tứ tuần... Bà ta khoảng đầu sáu mươi (Tiếng Việt: Ông ta trạc gần năm mươi... Bà ta khoảng ngoài (hơn, trên) sáu mươi).

- Bà vừa trải qua một kinh nghiệm kinh hoàng khi suýt bị chiếc xe chồm vào người. Chữ "kinh nghiệm" người Anh - Mỹ hay dùng không thể để nguyên xi như thế trong tiếng Việt. Ðơn giản nó là Bà vừa gặp chuyện kinh hoàng.

Rõ ràng là người dịch không thạo tiếng mẹ đẻ, không nhớ lời ăn tiếng nói của người Việt như thế nào, đành bệ nguyên từng từ của bản tiếng Anh.

Thứ ba là kiến thức. Một câu trong cuốn tiểu thuyết Việt Nam: Cậu ta xuống bếp lục nồi cơm nguội ăn với dưa.

Xin dừng lại một chút để bạn đọc đoán xem: Khi dịch ra tiếng Anh, dịch giả đã dịch chữ "dưa" ở đây như thế nào? Một câu đố dễ giải đáp, ai mà chẳng biết "dưa" là gì.

Không hẳn thế. Một dịch giả đã dịch chữ "dưa" là "watermelon": Cậu ta xuống bếp lục nồi cơm nguội ăn với dưa hấu.

Dịch giả là Việt kiều, tiếng Việt 40 năm xa nước chưa quên, nhưng kiến thức văn hóa xã hội thì quả là đã rơi rụng nhiều nhiều. Có người Việt ở vùng nào ăn cơm với dưa (hấu) không nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét