khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Giáo sĩ Francisco De Pina với sự hình thành chữ Quốc ngữ --- Tác giả Võ Hồng Việt



Vào thế kỷ XVII, với vai trò là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất, Hội An không chỉ là nơi diễn ra sôi nổi nhiều hoạt động kinh tế nội - ngoại thương mà còn là nơi hội nhập, giao lưu văn hóa đa chiều hết sức mạnh mẽ. Một trong những kết quả nổi bật của quá trình giao lưu hội nhập văn hoá Đông - Tây tại Hội An trong giai đoạn này đó là đã góp phần quyết định trong việc hình thành chữ quốc ngữ.

Trong bài “Phải chăng Hội An là một cái nôi hình thành chữ quốc ngữ ở đầu thế kỷ XVII” tham gia hội nghị quốc gia về đô thị cổ Hội An năm 1985, giáo sư Lê Văn Hảo đã nhận xét rằng chữ quốc ngữ “là công trình tập thể của một số giáo sĩ phương Tây, trong đó tất nhiên có sự hợp tác của nhiều người Việt Nam”. Theo nhiều kết quả nghiên cứu, những giáo sĩ phương Tây góp công trong việc hình thành chữ quốc ngữ gồm Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, Alexandre de Rhodes,...

Nếu như giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người hoàn thiện chữ quốc ngữ với việc xuất bản từ điển An Nam - Bồ Đồ Nha - La tinh năm 1651 thì giáo sĩ Francisco de Pina là người tiên phong trong việc sáng tạo chữ quốc ngữ. Mục đích ban đầu của việc sáng tạo chữ quốc ngữ của các giáo sĩ là nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc truyền giáo, động lực thôi thúc các giáo sĩ thực hiện công việc này chính là thành tựu dùng mẫu tự latinh để ghi âm tiếng Nhật với sự ra đời của cuốn từ điển La tinh - Bồ Đồ Nha - Nhật Bản vào cuối thế kỷ XVI.

Giáo sĩ Francisco de Pina là người Bồ Đồ Nha, sinh năm 1585 tại Guardo - Bồ Đồ Nha. Ông đến Hội An, Đàng Trong năm 1617, sau giáo sĩ Carvalho và Busomi 02 năm. Năm 1618, ông vào Nước Mặn - Quy Nhơn cùng với Cristoforo Borri và trở lại Hội An năm 1620. Giáo sĩ Francisco de Pina mất giữa tháng 12/1625 trong một tai nạn lật thuyền khi đi từ tàu Bồ Đồ Nha đang neo đậu ở biển Hội An vào đất liền. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Francisco de Pina là giáo sĩ đầu tiên thông thạo tiếng Việt, là thầy dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes khi hai vị này đến Hội An. Theo Alexandre de Rhodes, khi ông đến Hội An thì nhận thấy rằng các giáo sĩ Manoel Fernander và Buzomi giảng thuyết thông qua phiên dịch còn giáo sĩ Francisco de Pina giảng thuyết bằng tiếng Việt. Chính nhờ giảng thuyết bằng tiếng Việt nên công việc của Francisco de Pina được thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Trong một bức thư viết tại cảng thị Hội An năm 1623 gửi đến Macao, giáo sĩ Francisco de Pina cho biết ông đã biên soạn một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh của tiếng Việt cũng như đang bắt tay viết về ngữ pháp tiếng Việt. Bên cạnh đó ông cũng đã sưu tầm được những truyện cổ tích thuộc nhiều loại khác nhau để cung cấp các trích dẫn của các tác giả nhằm xác minh nghĩa của các từ và các quy tắt của ngữ pháp tiếng Việt. Chính nhờ hiểu biết tiếng Việt thông thạo nên giáo sĩ Francisco de Pina cùng với Cristoforo Borri đã giải thích kỹ lưỡng những thắc mắc của ông Nghè về thiên văn và nói về thời điểm xảy ra nhật thực làm cho ông Nghè, quan lại và Trấn thủ Nguyễn Phước Kỳ tại Thanh Chiêm phải thán phục. Sự việc này được giáo sĩ Cristoforo Borri ghi chép trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 của mình.

Theo các kết quả nghiên cứu, để trở thành người tiên phong sáng tạo ra chữ quốc ngữ Việt Nam, ngoài khả năng về học thuật của mình, giáo sĩ Francisco de Pina còn dựa vào sự trợ giúp đắc lực của giới tri thức Hội An và Thanh Chiêm lúc bấy giờ gồm các sư sãi, thầy đồ, quan lại, sĩ tử,… là những người am hiểu sâu về văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc mình.

Sự hình thành chữ quốc ngữ là một mốc dấu quan trọng trong lịch sử dân tộc, là một thành tựu nổi bật của quá trình giao lưu văn hóa với phương Tây tại Việt Nam mà thương cảng Hội An được xem là nơi giữ một vai trò hết sức đặc biệt.

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Quang Chính (2007), Lịch sử chữ quốc ngữ năm 1620 – 1659, An Tôn và Đuốc sáng xuất bản.

2. Đỗ Quang Chính (2007), Tản mạn lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, An Tôn và Đuốc sáng xuất bản

3. Đỗ Quang Chính (2007), Dòng Tên trong xã hội Đại Việt năm 1615-1773, An tôn và Đuốc sáng xuất bản

4. Đỗ Quang Chính (2007), Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, An tôn và Đuốc sáng xuất bản.

5. Lê Như Hảo (1985), Phải chăng Hội An là cái nôi hình thành chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XVII - Kỷ yếu hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An năm 1985, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An xuất bản năm 2008.

6. Nguyễn Văn Kiệm (2001), Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cùng Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam xuất bản.

7. Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, In tại Công ty in Quảng Nam.

8. Charles B.MayBon, Những người châu Âu ở nước An Nam (Nguyễn Thừa Hỷ dịch), Nhà xuất bản thế giới, Hà Nội, 2006.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét