Mở đầu một năm mới, ai chẳng muốn nói
chuyện vui? Huống chi người viết còn bị vướng vào cái lẽ "nhật nhật
tân". Nôm na là hàng ngày làm mới.... Nhưng mà làm mới cái gì?
- Những cái mốc xì ta đánh xi cho mới!
Thì xin vâng.
Với người Việt ta, chữ "Nhật
Tân", hay tinh thần làm mới, thật ra là khái niệm phổ thông. Ta có nhiều
ngôi làng mang tên là Nhật Tân, đếm ra được ba bốn cái ở miền Bắc. Tết nhất
chẳng hạn, những ai nhớ Bắc đều nói đến hoa đào của Nhật Tân. Nghe nói là có
năm chưa Xuân đào đã nở toét. Làm mới quá sớm!
Và cây cầu do Nhật viện trợ để nối
liền quận Tây Hồ với Đông Anh ở Hà Nội cũng có tên Nhật Tân. Cầu thiết kế theo
phương pháp cầu dây, mà hiện đại hơn nên được gọi là cầu dây văng, hay
"cable-stayed bridge, pont à haubans", người Trung Hoa gọi là
"tà lạp kiều". "Tà lạp" có nghĩa là kéo nghiêng, nhưng biết
đâu là vào tay ta thì "lạp" lại mang nghĩa "bẻ gãy"?
Được tuyên truyền là loại cầu dây văng
dài nhất, cầu Nhật Tân vừa được lệnh phải hoàn thành năm 2014. Như kinh nghiệm
cầu đường khá cầu kỳ của Việt Nam sau "đổi mới", có khi cây cầu tà
lạp lại bị rút ruột, nên mới vận vào chữ "bẻ gãy"...
Hãy nói về chuyện xưa hơn thế mà vẫn
như mới thì đời mới cười như mếu.
***
Đa số ngày nay còn mấy ai biết tới ông
Bảng Kim Bồng Vũ Duy Thanh? Nếu có "google" hay tìm đọc sách cũng khó
nhớ ra.
Sinh năm 1806 tại Ninh Bình và mất năm
1861 khi quân Pháp đã tấn công nước ta, Vũ Duy Thanh cực kỳ thông minh, sách
liếc qua là thuộc, lại có tài ứng đối, nhưng chừng là ông tiến nhanh hơn thời
đại – hoặc các quan giám khảo – nên đến 45 tuổi mới đỗ Phó bảng, vào triều Tự
Đức, năm 1851. Vì sinh tại làng Kim Bồng mà đỗ Phó bảng nên mới được đương thời
gọi là ông Bảng Kim Bồng.
Nói đến chuyện thời đại, một hôm viên
quan đầu tỉnh của Quảng Yên dâng về triều một khối đá sắc đen với lời tâu rất
lạ. Lạ thế nào thì xin đọc tiếp, chỉ cần nhắc khẽ Quảng Yên đó nay thuộc tỉnh
Quảng Ninh, vùng đất có biên giới trên bộ và trên biển tiếp cận với Trung Quốc.
"Nhật nhật tân" là chuyện
hiện đại mà!
Ông quan đầu tỉnh thấy vật lạ nên đệ
về kinh với lời tâu:
"Bọn thổ dân trong khi đào hầm
đến tầng đất sâu, thấy có nhiều lớp đá này, đua nhau cuốc lấy, đẽo làm đầu rau
để thổi nấu rồi thấy phát cháy thành lửa có sức nóng rất đượm. Có lẽ đây là thứ
đá kỳ quái trời sinh ra để báo điềm gì chăng? Nên phải lập tức tâu trình."
Tự Đức ú ớ, hỏi triều đình thì nghe
chừng các quan còn thua "bọn thổ dân" bị ta khinh miệt. Vì mấy vị đại
thần vén môi tâu rằng đấy là quái vật! Họ còn chu đáo xin làm lễ "nhương
trừ" để ngăn trước một tai nạn cho dân cho nước. Ngương trừ hiểu nôm na là
bắt quỷ.
May là thời đó có Vũ Duy Thanh. Đang
ốm bệnh ở nhà nghe thấy chuyện lạ, ông lết vào chầu và xin cho xem viên đá. Vừa
thông thấy, ông vội tâu:
"Đá này chỉ là vật tầm thường, có
là ma quỷ gì đâu. Sách Hán thư kể rằng vua Vũ Đế đào ao Côn Minh đã từng thấy.
Một vị cao tăng đất Tây Vực có nói: "thử thị thiên địa hôi kiếp", là
thứ tro tàn trong một cuộc đổi thay của trời đất. Mỗi cuộc bể dâu cỏ cây bị vùi
dập trong vạn vật, rồi đời nọ qua đời kia kết lại như thế. Đã không là vật quái
đản phải trừ khử, nó còn là vật hữu ích nên tìm cách lợi dụng. Vì đốt cháy được
thì ta có thể làm than thay củi. Nếu miền ấy có nhiều thứ này thì đấy là nguồn
lợi lớn của nước nhà, xin kíp phái quan đến tận nơi xem xét, chớ nên bỏ
hoài."
Sự quái ở đây không là cục đá đen mà
là triều đình.
Họ gác chuyện lạ qua một bên rồi… lãng
quên tất cả. Sự quái hơn nữa là sau đó triều đình chẳng nhớ gì mà còn ký giấy
nhượng đất này cho Pháp khai thác thành mỏ than Hòn Gay! Sự quái còn tệ hại hơn
nữa là các quan đầu tỉnh ngày nay tiếp tục bán than lậu cho Tầu lấy tiền bỏ túi
rồi ta nhập cảng điện của Tầu sản xuất từ than lậu của ta bán qua bên đó!
Than đến bao giờ mới hết chuyện xưa?
Cũng Vũ Duy Thanh, năm 1859 khi Pháp
đánh lấy cảng Đà Nẵng và ba tỉnh miền Đông ở trong Nam, thì ông nhìn ra võ khí
hiện đại của giặc mà tìm cách chế lấy một chiếc thuyền chạy bằng hơi nước. Dù
chưa tinh xảo thì đã là sáng kiến. Nhưng vẫn bị các bậc đại khoa trong chiều Tự
Đức cho... chìm xuồng. Gác vào một xó!
Cái khó nó bó cái khôn? Trậc lấc,
thiếu khôn nên mới bị khó....
Vũ Duy Thanh bị bệnh và từ trần ở tuổi
56 (vào năm 1861, xin nhắc lại). Trên gường bệnh, ông vẫn thảo sớ dâng lên
triều về chuyện thời sự. Sớ chưa xong ông đã mất, nhưng các thuộc quan tiếc tài
nên vẫn sao lại và lập di cảo tâu lên Tự Đức.
Đọc tóm lược bài sớ, chúng ta bỗng
thất kinh!
"Hình thể nước ta chỉ có chiều
dài không có chiều rộng. Trừ hai xứ Nam và Bắc Kỳ rộng hơn một chút, còn quãng
ở giữa từ Thanh Hoá trở vào, Bình Thuận trở ra, mặt trông ra biển, lưng tựa núi
rừng, mỗi tỉnh ở một đoạn. Nếu thốt nhiên tỉnh nào gặp biến bị cắt đường giao
thông thì việc tiếp tế quân lương tất bị cản trở.
Vả, suốt từ Bắc đến Nam, chạy dài theo
mé biển, phỏng như nước ngoài dòm nom thì bất cứ chỗ nào họ cũng có thể lọt vào
được. Như vậy, việc phòng giữ mặt biển rất quan trọng. Điều cần là phải kíp
luyện tập thủy quân, hậu đãi binh lính và giao quyền hành cho các quan võ để họ
có đủ uy tín mà điều khiển"....
Tuy Tự Đức châu phê trên sớ lời khen
vị quan văn này nhưng lại cho là việc chưa cần làm.
Giời ơi!
Người viết này ưa nhìn vào địa dư rồi
tìm đọc lịch sử khi nghĩ đến thời sự. Vũ Duy Thanh viết về địa dư hiểm yếu của
nước ta. Hiển nhiên là không quên nhiều chiến công hiển hách nhất của lịch sử
nước Nam cũng lại là thủy chiến. Sau ông hơn 150 năm, lời cảnh báo trong cơn
hấp hối đang là sự thật, nếu ta nhớ đến các dự án bauxite tại Cao nguyên Trung
phần hay những công trình mờ ám trên đèo Hải Vân. Cùng một công trình sư là
Trung Quốc.
Và ngoài khơi kia là tầu của Tầu Cộng!
***
Ngoài nhiều quyết định biến báo khi
làm quan, Vũ Duy Thanh còn có cái công là biết tìm người tài.
Năm Tự Đức thứ tám, 1855, ông được cử
vào làm phân khảo quan ở trường thi Bình Định. Khi chấm bài, có một quyển ba
dấu sơ khảo, phúc khảo và giám khảo đều phê 'liệt". Cả ba cấp dưới đều
đánh hỏng. Lên tới ông, Vũ Duy Thanh khảo lại, thấy thí sinh có tài học và khí
phách khác thường, chắc là sau này có sự nghiệp lớn. Ông bèn phê
"bình" và lấy vào hạng trúng tuyển.
Sau khi quán quyển thì mới biết thí
sinh tên là Ông Ích Khiêm.
Nhờ dấu phê của Vũ Duy Thanh mà triều
đình về sau có một văn thần kiêm võ tướng có sự nghiệp khác thường khi nước nhà
gặp chuyện bất tường. Không chỉ có sự nghiệp, và cái chết oan uổng – đầu năm
nên tránh! – Ông Ích Khiêm còn có bài thơ để đời. Như là thời sự.
Số là nhà Mãn Thanh đã lụn bại sau vụ
nổi loạn của Hồng Tú Toàn và phong trào nhuốm mùi tôn giáo vào năm 1850 là
"Thái bình Thiên quốc". Vụ khởi nghĩa làm Thanh triều rung chuyển,
xuýt bị lật đổ nên mới giải thích vì sao lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay sợ giáo
phái Pháp luân công hay Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Tân Cương!
Giáo phái Thái bình Thiên quốc nổi lên
từ hai tỉnh miền Nam giáp giới với nước ta là Quảng Đông và Quảng Tây. Sau này,
dư đảng Hồng Tú Toàn mới trở thành đám giặc Cờ Vàng, Cờ Trắng và Cờ Đen dạt qua
nhũng nhiễu miền Bắc nước ta.
Khi ấy nước ta có loạn vì bị giặc Pháp
tấn công, triều Tự Đức chống cự không nổi nên nghĩ cách nương vào Trung Quốc.
Nhưng, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh gửi mật sớ lên vua Thanh, rằng:
"nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam suy hèn,
không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ
các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì chiếm lấy những tỉnh ở về phía bắc sông
Hồng Hà".
Bởi vậy triều Thanh mới sai Tạ Kính
Bưu, Đường Cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây, sau lại sai
quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân tiếp ứng. Mưu của họ là như
vậy.
Triều đình ta thì cứ thoải mái như
người Hà Nội thời nay mà mượn tay – hay phục vụ - quân Tầu để đánh Tây trên đất
Việt. Đang làm quan tham tri lo việc chống Pháp, khi ra tới Bắc Kỳ, Ông Ích
Khiêm coi đó là cực nguy hiểm nên có làm bài thơ dữ dội:
Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Ðến khi có giặc phải thuê Tàu!
Từng phen võng giá mau chân nhẩy
Ðến bước chông gai thấy mặt đâu
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu.
Kẻo nữa dân ta biến thành Tầu!
Từ Vũ Duy Thanh đến Ông Ích Khiêm,
nước Nam nào thiếu người nhìn ra đại thế thiên hạ?
Vào năm mới, nói chuyện xưa từ sử Tầu
vào thời đại ấy thì ta cũng thấy ra nhiều chuyện lạ và... hiện đại. Thí dụ như
Hồi giáo đòi tự trị, các tỉnh miền Nam đòi tách riêng, và liệt cường Tây
phương, kể cả nước Nga, thì gõ cửa đòi giao thương làm ăn. Triều Thanh khi ấy
hoang mang, hốt hoảng mà vẫn còn ý định xâm lấn nước ta. Và triều đình nước Nam
vào năm 1882 còn cầu cứu Trung Hoa. Đó là lý do khiến ngoài đám giặc Cờ Đen của
Lưu Vĩnh Phúc, Bắc Kinh còn phái thêm bốn vạn quân của các tỉnh Quảng Đông
Quảng Tây qua đánh Pháp.
Rốt cuộc thì lãnh thổ nước Nam thành
địa bàn giao tranh Thanh-Pháp trước sự lúng túng của triều đình. Rồi vì nội
loạn và kiệt quệ, nhà Thanh đành ký hòa ước Thiên Tân năm 1883 để thừa nhận là
nhường chủ quyền trên đất nước ta cho thực dân Pháp.
Sau đấy 60 năm, sai lầm cũ lại tái
diễn khi Cộng sản Việt Nam mượn quân Tầu đánh Tây rồi đánh Mỹ. Lần này thì chưa
biết làm sao thoát vì đảng ta tự nhận là phụ dung của đảng nó ở Trung Quốc.
Khách có kẻ đứng bên hỏi người viết vì
sao chúc mừng năm mới mà mặt mày u sầu như người vừa đi đám ma mình về vậy?
Xin thông cảm!
Đào của chúng ta bị vây bủa rồi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét