Chúng tôi từ nhiều trại “tập trung cải tạo” thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, gồm đủ mọi thành phần “nặng ký” khác nhau, đều bị chuyển xuống miền trung du, vì Trung Quốc sắp xua quân xâm lăng biên giới… Nói chung, Cộng Sản đã ghép chúng tôi vào loại “ác ôn” vì trong chế độ VNCH chúng tôi đã phục vụ ở các ngành: Tuyên Úy, Tình Báo, An Ninh Quân Ðội, Cảnh Sát, Chiến Tranh Chính Trị, Tâm Lý Chiến…
Giai đoạn này chúng tôi không còn được đi lại dễ dàng như khi sống trong núi rừng hồi còn Ðoàn 776 thuộc Nha Quân Pháp (Bộ Quốc Phòng) VC trông coi… mà bị tống ngay vào buồng giam do công an “áo vàng” cai quản. Trên danh xưng, bọn công an trại giam (thuộc Bộ Nội Vụ) bắt chúng tôi phải thừa nhận mình là “Cải Tạo Viên” chứ không phải là “Tù Nhân”…
Ngay từ khi bước qua cổng để vào sân trại giam K1 Tân Lập, chúng tôi đã thấy một cái gì đó rờn rợn cả người. Mọi thủ tục khám xét thật là khắc nghiệt, nhìn mặt mày hầm hầm của những tên công an vừa nộ nạt, vừa đấm đá mấy tên tù “hình sự” phụ giúp việc khám xét các tù “chính trị” mới đến mà tất cả chúng tôi thầm nhìn nhau… lắc đầu!
Không khí “cải tạo” do công an thuộc Bộ Nội Vụ cai quản làm chúng tôi ngột ngạt thật. Mấy ngày sau chúng tôi mới biết từ miệng các tù hình sự, các cảnh sát bảo vệ mang súng dẫn “đội tù” đi lao động như sau: Trại Tù Tân Lập là trại tù khét tiếng khắc nghiệt nhất tại miền Bắc, còn phân trại K1 là trại “điểm” của tỉnh Vĩnh Phú này.
Tỉnh Vĩnh Phú có 2 trại tù lớn, đó là Tân Lập và Phong Quan, nhưng Tân Lập lớn hơn (7 phân trại) và được Bộ Nội Vụ chọn làm trại tù kiểu mẫu cho toàn quốc.
Như chúng ta ai cũng biết chuyện “kiểu mẫu” của một trại tù dưới chế độ Cộng Sản luôn luôn phải hiểu rằng sự hà khắc, sự dã man do bọn cai tù áp dụng đối với tù nhân phải thật tàn bạo nhất mới được nâng lên làm “trại kiểu mẫu”. Phân Trại K1 Tân Lập đạt đủ các “tiêu chuẩn” gian ác đó, nên hàng năm mở Ðại Hội Tù Nhân luôn được giữ lá cờ đầu.
Chúng tôi bị giam ở trại này từ tháng Mười 1978, vì lúc đó những vùng biên giới phía Bắc là mục tiêu của quân Trung Quốc lăm le xâm chiếm. Và quả thực vào đầu Xuân 1979, Trung Quốc đã xua quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam để dạy cho Việt Nam Bài Học Thứ Nhất!
Trong số các tù nhân chính trị từ Hoàng Liên Sơn bị đưa về trại tập trung quỷ tha ma bắt này, có Ðại Tá Phạm Văn Sơn.
Mặc dầu bị nhốt chung cùng một trại, nhưng lúc đầu anh em chúng tôi chưa biết hết nhau lắm, còn đối với Cộng Sản thì hẳn nhiên chúng quá rõ về lý lịch từng người chúng tôi. Họ phân chia chúng tôi thành nhiều đội theo “tội trạng” để nhốt chung vào một phòng. Phòng giam được bao bọc bởi 4 bức tường kiên cố, trần phòng giam được rào chằng chịt bởi những lớp kẽm gai, tất cả che khuất bằng tấm “pla-phông” cứng. Các cửa sổ của phòng giam đều có những song sắt ngang dọc có đường kính chừng 18mm. Phòng giam tập thể nào cũng có một lối đi chung ở giữa, dọc theo tường của phòng là 1 dãy sạp dài 2 tầng dùng làm chỗ ngủ cho tù nhân. Mỗi phòng giam chứa khoảng 200 tù, tính trung bình mỗi tù nhân có chừng 0.4m bề ngang để nằm, do đó các tù nhân thường nằm ngược đầu nhau mới có thể cựa mình được.
Lúc đầu thì Ðại Tá Sơn cũng như các anh em khác ở chung trong đội lao động. Chừng nửa tháng sau, không hiểu tình hình thế nào mà Ðại Tá cùng Cha Thịnh (Ðại Tá Giám đốc Nha Tuyên Úy Công Giáo), Mục Sư Kỳ (Ðại Tá Giám Ðốc Nha Tuyên Úy Tin Lành) và một người khác nữa tôi quên tên bị đưa vào phòng “cách ly”. Ðể giải thích chuyện này, Công An Trực Trại K1 Tân Lập nói rằng: Ðể tránh “lây lan” cho các “cải tạo viên” khác, nên những người này phải được cho ở riêng… Trên thực tế, Mục Sư Kỳ chỉ bị vàng da, Cha Thịnh bị bệnh “đồi mồi” loang đốm ở vùng môi và cằm, Ðại Tá Sơn cũng bi bịnh này nhưng nặng hơn (khắp cả tay chân mặt mày), bọn cai tù cho đây là bệnh “phong cùi”.
Rõ ràng chuyện bệnh tật của 4 người này chỉ là một trong trăm ngàn lý do mà Việt Cộng áp dụng nhằm ngăn cách những người chúng cho là nguy hiểm nhất trong tập thể anh em tù chúng tôi. Sau khi gom 4 người đó vào với nhau rồi, họ thấy việc làm quá trơ trẽn nên mới đưa thêm một Thiếu Úy Ngành Quân Báo còn trẻ, bị mụn nhọt làm thối ngón út của bàn chân trái, vào ở chung để lý giải danh xưng “bệnh cùi” cho hợp lý.
Phòng “cách ly” bây giờ gồm 5 người sinh hoạt chung với nhau, không được phép ra ngoài, đến giờ cơm nước, tù hình sự mang đến, không cho bất cứ tù chính trị nào lai vãng lại gần, mặc dù phòng cách ly này không phải là phòng kỷ luật. Phòng kỷ luật là 1 cái hầm nổi, xây gạch kiên cố, chật hẹp, chứa tối đa 2 người, thiếu ánh sáng, có hệ thống cùm chân bằng các khoanh sắt hình móng ngựa.
Ngày 2 buổi, trong khi anh em tù nhân chính trị khác làm kiếp lao động khổ sai, thì trong phòng “cách ly”, 4 vị “bự” này phải viết kiểm điểm, nhất là Ðại Tá Phạm Văn Sơn, ông phải trả lời hết mọi câu hỏi mà cán bộ chấp pháp trung ương từ Hà Nội về làm việc đặt ra. Gọi là lấy khẩu cung, nhưng thực chất họ có dụng ý muốn tìm hiểu để học hỏi thêm.
Cuộc sống của 5 người cùng “phòng cách ly” vẫn ngày tháng trôi đều: cơm 9kg/tháng, chia làm 2 bữa một ngày. Trưa, tối, bọn hình sự đem cơm tới, mỗi sáng thì ghé xem bên trong có ai bị việc gì không, tiện thể lấy phân để đem ra bón rau cải ở khu lao động, thỉnh thoảng năm ba ngày tên cán bộ trực trại cho họ đi tắm một lần trong giếng gần “đội nhà bếp”.
Mấy tháng trôi qua, một hôm cán bộ Việt Cộng phát hiện trong bài viết về lịch sử, khi so sánh 2 chế độ “tù” thời VNCH và thời XHCN của ĐT Sơn một điều gì đó chúng tôi không rỏ, nhưng họ cho đó là một việc làm “đại phản động hay cực kỳ phản động” nên Ban Giám Thị Trại Tân Lập “đặc biệt chiếu cố” bằng quyết định “mật” cho anh Sơn vào ngay hầm biệt giam tại K1. Tất cả anh em chúng tôi khi vi phạm điều gì đều bị gọi tên ra trước sân, riêng trường hợp Ðại Tá Sơn thì quá đặc biệt, ngay cả Cha Thịnh và Mục Sư Kỳ cũng không biết nốt. Cả hai vị này khi gặp tôi chỉ nói rằng:
- Họ chuyển ảnh đi đâu mất rồi, vì có đem theo hết tất cả đồ dùng cá nhân…
Nhàn là một tên “đâm thuê, chém mướn, lừa đảo, cờ bạc”. Tên này vẫn làm Trưởng Ban Thi Ðua để kềm kẹp chúng tôi. Hắn biết rõ Ðại Tá Sơn ở đâu vì y là người đưa cơm hàng ngày cho Ðại Tá Sơn khi bị cùm trong phòng biệt giam.
Một hôm Nhàn than phiền với tôi:
- Cái tên Sơn này cứng đầu… từ hôm bị biệt giam đến nay không chịu ăn chịu uống gì cả, lại còn phóng uế bừa bãi, linh tinh… thối chịu “đếch” được!
Thấy có cơ hội, tôi nói ngay:
- Thế anh đưa cơm hằng ngày cho hắn ta, hắn ta có chửi mắng gì anh không?
- Anh ta đâu có thèm nói năng gì mà chửi với không chửi… Chỉ cái tội viết bậy mà vào cùm nên khổ thân đấy thôi! Các anh bảo nhau mà liệu hồn!
- Tôi nghe nói khi ở phòng cách ly, anh ta được viết những gì đúng theo cán bộ yêu cầu kia mà?
- Thì đương nhiên phải đúng yêu cầu, nhưng diễn tả mặt tích cực thì được, đằng này cứ phanh phui chuyện tiêu cực thì hỏng ngay…
Tôi giả vờ:
- Như thế nào là tiêu cực? Anh cho tôi biết để còn giữ mình có thể cải tạo tốt không chỉ riêng bản thân mà còn giúp anh em khác nữa chứ…?
Nghe tôi hỏi có lý, tên Nhàn vênh mặt có vẻ như một cán bộ công an khi lên lớp cho các tù nhân:
- Anh ta khờ lắm! Viết gì không viết lại viết bài có nội dung đem so sánh hai chế độ tù giữa Chủ Nghĩa Tư Bản và Chủ Nghĩa Xã Hội… còn đem chuyện gian trá trong việc trao trả tù binh của hai bên ra phân tích… Chơi kiểu này thì chết thôi con ạ!
Chừng 4 ngày sau, tôi giả bộ đi ngang qua khu cấm này gọi là coi xem có vấn đề gì cho an ninh trại hay không. Trước khi đi tôi có báo cho tên cán bộ trực trại biết. Tên này dặn thêm: “Anh phải cẩn thận chứ tên Sơn khá nguy hiểm đấy nhé !”. Cũng từ câu nói của tên này, tôi mới xác quyết rằng Ðại Tá Phạm Văn Sơn đang bị kỷ luật.
Làm bộ như đang đi lo việc quan sát phía bên ngoài các phòng kỷ luật, nhìn quanh thấy không có ai, tôi nói nhẹ vọng vào:
- Anh Sơn, em là Q. đây, anh khỏe không? Ðói lắm không? Em vứt vào nửa cái bánh bột nhé!
Giọng thật nhỏ, yếu, vọng ra:
- Q. đó hả?
Tôi không cần gì cả, đừng vứt vào, bọn chúng đến kiểm soát thì chết cả lũ, ráng phải lo giúp các bạn khác nữa… Hôm nay đã 4 ngày tôi nhịn ăn rồi, ít hôm nữa thì anh sẽ rõ những việc tôi làm. Anh mau đi khỏi đây, và từ nãy giờ coi như anh chưa lại chỗ tôi, và cũng đừng nói với ai là tôi đang ở đây, nếu lỡ việc ra thì anh sẽ bị nguy, mà ngay chính tôi cũng không thể thực hiện ý nguyện của mình…
Tôi rón rén bước về phía các phòng giam khác giả vờ đi kiểm soát tổng quát…
Sau giờ xuất trại đi lao động chiều hôm ấy, một tên tù hình sự đến nói với tôi:
- Chú à, cháu đề xuất với chú chuyện này, khó khăn thật đấy, nếu vỡ ra thì cháu chết ngay, nhưng nếu không nói thì không được.
Tôi bảo ngay:
- Mầy lại lèng èng chuyện gì đây, linh tinh nữa phải không? Nhanh lên kẻo đến giờ tao phải phát dầu cho các buồng rồi đây!
Tên hình sự ngập ngừng:
- Vâng ạ, vâng ạ! Chú Sơn bảo chú cho chú ấy xin tờ giấy trắng, còn cháu thì có cây bút chì để chú ấy viết cái gì gì ấy mà…
Tôi như điếc cả 2 lỗ tai, không biết nghe có lầm không, nếu nó gài mình thì ngày mai tôi lại phải vào cùm, nếu nó thật lòng thì mình phải làm sao đây? Tôi giả vờ nạt nộ một hồi, xong nói tiếp:
- Thôi, tao không giải quyết được việc gì đâu, tao bận lắm, mầy ở đây coi văn phòng giúp tao một tí, đừng cho giấy tờ trên bàn gió bay lộn xộn, và không cho bất cứ ai sờ vào món gì cả nghe chưa? Tao phải xuống bệnh xá một tí là về ngay!
Nói xong tôi đi thật vội, không dám nhìn lại cho đến khi phải trở về lấy dùi trống đánh lên 3 tiếng gọi các “trực sinh” (danh xưng dùng cho những tù nhân lo việc vệ sinh, cơm nước cho anh em tù khác ra ngoài lao động) của các phòng đến nhận dầu về thắp trong đêm, chủ yếu để có lửa hút thuốc lào…
Ngoài ra, trong đêm, có ánh sáng leo lét của ngọn đèn tuy làm bằng vỏ chai cưa cổ, nhưng cũng giúp được nhiều việc như rủi có anh em nào đau nặng, cần cấp cứu là phải hô to: “Báo cáo cán bộ, phòng X có người đau nặng, xin được cấp cứu”. Hô to lên như vậy nhiều lần cho tới khi các tên cán bộ vào mở cửa thì anh em mới có thể thấy đường để khiêng người bệnh lên trạm xá. Nếu bệnh quá nặng thì để lại luôn tại trạm xá, nếu bệnh nhẹ hơn thì chỉ nhận 2 viên “xuyên tâm liên” rồi phải khiêng trả lại phòng giam ngay. Nói là “trạm xá” cho oai thôi, chứ thật ra cũng vẫn là một phòng giam bị khóa cửa cẩn thận như mọi phòng giam tù khác. Có nhiều anh em tù chính trị được cấp cứu trong những đêm như vậy, sáng hôm sau đã phải vĩnh viễn ra đi, có khi ngay tại trạm xá, đôi khi ngay tại phòng giam chung. Nói chung, tù chính trị chết nhiều hơn tù hình sự. Gần 2 năm bị giam tại trại Tân Lập, tôi chưa gặp một trường hợp nào tù hình sự bị mạng vong cả.
Hai ngày sau, tên cán bộ trực trại gọi tên Nhàn (Trưởng Ban Thi Ðua) đưa 2 tù hình sự khỏe mạnh khiêng Ðại Tá Sơn từ phòng Kỷ Luật xuống trạm xá, lúc đó đã 8g tối, các tù nhân khác đã vào chỗ ngủ. Màn đêm xuống, từ lâu… Tại trạm xá chả có thuốc men gì để giúp cho Ðại Tá Sơn khỏe lại mặc dầu biết Ðại Tá kiệt sức vì tuyệt thực đã mấy ngày… Thế rồi Ðại Tá bắt đầu đi vào mê sảng… Ðến 2g sáng hôm sau, Ðại Tá Sơn được đưa về lại Phòng Cách Ly cùng với Cha Thịnh, Mực Sư Kỳ, nhưng lúc này ông ta yếu lắm rồi, không nói được lời nào với các người chung phòng. Tình trạng dần dần đi vào mê man… cho đến 8 giờ sáng hôm sau.
Thường thì 7 giờ 30 sáng tên công an làm cán bộ trực trại vào mở cửa phòng cách ly để những người này làm vệ sinh cá nhân, sau đó họ phải vê than đá bột lại thành từng nắm vừa trong hai bàn tay, đem phơi khô để đội nhà bếp lấy về đun bếp. Công việc “vê” than này chỉ dành riêng cho 5 người trong phòng cách ly mà thôi. Hôm đó anh chàng Thiếu Úy Quân Báo, sau khi làm vệ sinh cá nhân xong, thấy Ðại Tá Sơn quá yếu sợ để nằm trong phòng sẽ ngộp thở vì thiếu không khí, nên đã đề nghị mấy người còn lại phụ khiêng Ðại Tá Sơn ra bên ngoài bên đống than đang “nắm” dở… để hưởng chút không khí trong lành.
Lúc đầu Ðại Tá còn gượng ngồi được giống như một người đang làm việc “nắm” than. Nhưng khi lệnh xuất trại đi lao động, thì cũng là lúc Ðại Tá không còn ngồi nổi nữa, ông gục mặt trên đống than dang dở, và bất động… Cũng đúng lúc đó anh tù chính trị làm ở nhà bếp đem xe cải tiến đến… Thay vì chở than về đun bếp như thường lệ, anh ta phải dùng ngay xe nầy để chở Ðại Tá Sơn lên trạm xá cấp cứu… Khi vượt qua sân trại thì đúng vào lúc chỉ còn một đội tù cuối cùng xuất trại, những người đi sau ngoái đầu nhìn ngơ ngác, không biết chuyện gì đã xảy ra… Khi kéo được Ðại Tá Sơn đến trạm xá, những người tù trong này chạy ra để phụ khiêng vào cấp cứu…Nhưng lúc đó Ðại Tá đã tắt thở rồi…
Ðại Tá Phạm Văn Sơn đã vĩnh biệt anh em như vậy đó! Đúng vào ngày 06/12/1978.
Khoảng 11 giờ trưa khi tất cả các tù nhân còn đang ở ngoài bãi lao động, thì xác Ðại Tá Sơn được nhóm tù hình sự và tôi đưa đến “nhà vĩnh biệt”, một cái chòi mái lợp tranh, vách tô bằng đất sét nhồi với rạ do chính anh em tù chúng tôi dựng lên phía Tây đằng sau khu nhà giam của chính mình.
Những bộ quần áo tù rách nát, vá víu chằng chịt được khoác thêm vào người anh Sơn để gọi là tạm ấm khi phải trở về lòng đất lạnh.
Tám giờ tối, các phòng giam của khu tù chính trị được khóa cẩn thận, thì cũng là lúc chiếc hòm bằng cây “vông đồng” sần sùi, tồi tàn đựng xác Ðại Tá được đặt trên xe “cải tiến”, do 4 tên tù hình sự kéo và đẩy đi. Họ chôn anh Sơn cạnh bên kia bờ suối nhỏ, phía bên này là một rừng sắn đang tươi tốt cao ngang lưng, thành quả lao động bằng máu và mồ hôi trong những ngày khổ sai của số người còn sống sót…
Tin về cái chết của Ðại Tá kiêm Sử gia Phạm Văn Sơn được giữ kín. Ðiều này chứng tỏ đã không có sự bình thường như mọi lần trước khi có một trong những anh em chúng tôi ra đi.
Ðại Tá Sơn nằm xuống yên lặng như thế, nhưng mọi việc còn lại gây nhiều chấn động không phải chỉ trong anh em tù với nhau mà ngược lại có sự bàn tán, tranh luận… thể hiện ngay trong nội bộ của bọn chỉ huy trại Tân Lập (K1) do nội dung lá thư viết bằng bút chì trên 1 trang giấy “tự túc” mà tên hình sự đã tự ý lấy tại phòng thi đua. Trong thư Ðại Tá Sơn nói rằng: “Xin các ông hãy xem xét lại cách đối xử với chúng tôi, những hình thức dã man như vừa qua hoàn toàn không có lợi mà ngược lại rồi đây trong lịch sử phải ghi thêm vào đấy vết ô nhục mãi ngàn đời sau cho dân tộc VN… vì đã có một thời mà người cộng sản từng đối xử dã man ngay với đồng bào, đồng loại của mình!” (Thực ra câu này, tôi chỉ viết dựa theo ý chính của tên Nhàn, còn nguyên văn thì không cách nào cá nhân tôi có thể xem được).
Sau biến cố này, bộ mặt sinh hoạt tù khác hẳn, kỷ luật nghiêm ngặt hơn. Về phía ban thi đua được tăng cường thêm 2 người tù chính trị làm trật tự, các đội trưởng phải chịu trách nhiệm hết mọi hành vi của đội viên mình trong mọi nhất cử nhất động.
Bên ngoài tuy phải áp dụng hình thức lao động khổ sai như cũ, nhưng bên trong bọn Việt Cộng đã ngầm bảo nhau cần nhẹ tay hơn. Trước đó, việc nấu nướng riêng tư không cho phép, nay thì có lệnh mỗi tù nhân vào sáng Chủ Nhật có thể xuống bếp trại để hâm lại những thức ăn riêng.
Hôm nay ngồi suy ngẫm lại chuyện cũ thì cái chết của Ðại Tá Sơn nào có khác gì những anh hùng Nguyễn Tri Phương (thà nhịn đói chịu đau mà chết chứ không bao giờ khuất phục giặc Pháp), Hoàng Diệu (lên thành treo cổ tự vẫn chứ không đầu hàng)… Ðại Tá Phạm Văn Sơn tuyệt thực trong nhà kỷ luật, chấp nhận cái chết, vì muốn đòi quyền lợi cho các anh em tù nhân chính trị khác được hưởng đúng theo quy chế của một tù binh theo luật quốc tế, tuy kết quả không như ông mong muốn, nhưng dầu sao cũng làm cho những anh em còn sống được dễ thở hơn…
Ðại Tá Sơn chịu chết để cho anh em chúng tôi sống…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét