Trong dịp Xuân về, có một ca khúc mà Quỳnh Giao rất mong được nhiều người trình bày, nhưng có lẽ may lắm thì chúng ta chỉ được nghe thấy trên sàn nhẩy trong một nhịp luân vũ rộn ràng mừng Xuân.... Đó là bài "Bến Xuân Xanh" của Dương Thiệu Tước.
Ngày xuân êm ấm,
Nắng xuân tưng bừng,
Hoa tô màu thắm,
Bướm bay quyến luyến... hoa dịu dàng
Bầy chim ríu rít
Vui ca trên cành,
Thấy xuân vừa tới
Hót vang chào mừng xuân khắp nơi...
Theo ý của người viết thì đây là một ca khúc đẹp nhất của tân nhạc Việt Nam về sóng nước trong nhịp luân vũ 3/4. Đẹp về nhạc thuật lẫn lời ca đầy lôi cuốn về một giấc mơ thanh bình.
Thuở sinh tiền, nhạc sư Nghiêm Phú Phi thường nhắc đến "Bến Xuân Xanh" như điệu valse về một dòng sông không thua kém gì các nhạc khúc cổ điển của Tây phương. Ông Nghiêm Phú Phi còn nhấn mạnh là "dù tác giả chưa hề được đặt chân tới bờ sông Danube!.."
Cũng nói về Dương Thiệu Tước, nhạc sĩ Phạm Duy có lần so sánh với niềm cảm phục rằng khi Văn Cao và ông còn lần mò với loại âm thanh chuỗi - note arpèges - qua các ca khúc như "Cung Đàn Xưa" hay "Khối tình Trương Chi" thì Dương Thiệu Tước đã viết ra "Trời Xanh Thẳm". Một khúc tình ca diễm tuyệt đã hòa nhập cả nhạc ngũ cung và thất cung, được sáng tác khi Dương Thiệu Tước mới 25 tuổi!
Nhiều bằng hữu trong chỗ thân tình thường hỏi Quỳnh Giao về... bà cụ.
Thân mẫu Quỳnh Giao - danh ca Minh Trang năm xưa - năm nay đã sắp chín chục. Những người quen thì nhắc đến hai nhân vật của cuộc đời bà cụ. Nhân vật thứ nhất là thân phụ Quỳnh Giao.
Học giả Ưng Quả, hiệu Vân Hán, sinh năm 1905 và mất năm 1951. Là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh, Ưng Quả là một nhà giáo uyên bác tài hoa, viết biên khảo bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, đã dịch Bình Ngô Đại Cáo sang Pháp ngữ để dự tính thuyết trình tại một hội nghị của các học giả về Đông phương ở Istanbul vào năm 1951. Điều đáng tiếc là ngân sách nước nhà không có, ông không tham dự được nên một học giả và đồng nghiệp người Pháp là ông Besacier đã thay mặt ông trình bày cái nhìn của một người Việt!
Ông là Hiệu trưởng trường Quốc học, Thái tử Thiếu bảo và Giám đốc nha Học chánh... Môn sinh của ông sau này là các bậc Khoa trưởng đại học nổi tiếng ở miền Nam.
Trong gia tộc, nhiều người nói đến sự kiện là cùng từ vua Minh Mạng ra, hậu duệ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm sau này rất thành đạt trên doanh trường, trong khi con cháu dòng Tuy Lý lại thiên về nghệ thuật và sư phạm.
Địa lý chăng, làm sao mình biết được?
Cũng do địa lý sao khi nhân vật thứ hai trong đời mẫu thân mình là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước? Vì thân phụ mất sớm, Quỳnh Giao sống nhiều với vị kế phụ và nếu có được hỏi để so sánh thì xin trả lời là "mười phân vẹn mười!", vì cả hai đều rất tài hoa, nhưng mỗi người mỗi vẻ.
Từ chính ông nói ra, Quỳnh Giao biết "Cậu Tước" sinh tuổi Dần. Còn biết đích xác là tuổi Giáp Dần 1914, dù ở ngoài vẫn nói đến năm sinh của ông là 1915. Cũng do tuổi Dần của ông mà cứ đến ngày Tết thì Mẹ bảo con nhóc tuổi Tuất này tự xông đất với Cậu Tước, cả nhà đứng sau.
Lý do là cái tuổi tam hạp Dần Ngọ Tuất gì đó!
Chúng ta đều biết Dương Thiệu Tước xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc của đất Vân Đình nổi tiếng với hai cụ Dương Khuê và Dương Lâm. Thân phụ Dương Thiệu Tước là cụ Dương Tự Nhu đã từng làm quan đến chức Tổng đốc. Nhưng là cháu nội cụ Dương Khuê, có lẽ Dương Thiệu Tước có mạch nghệ thuật của ông nội đập trong huyết quản nên ghét chuyện quan trường, e sợ tiền bạc và chỉ có một đam mê là nghệ thuật.
Thuộc dòng văn học, ông có trình độ văn hoá rất cao, sử dụng chữ nghĩa với nét cổ phong lão luyện. Hãy nhớ đến lời từ trong các ca khúc của ông thì biết. Cũng do nếp văn hoá ấy, ca khúc của ông đều có sự hoàn chỉnh của một bài ca trù đầy đủ mưỡi đầu, các đoạn chuyển ý và mưỡu hậu!
Có lẽ vì thế, về nhạc thuật, các ca khúc của Dương Thiệu Tước đều có "carrure", phần mở đầu, rồi nhiều chuyển đoạn dẫn tới điệp khúc để lại trả về chuyển đoạn trước khi chấm dứt với phần "coda". Nhiều người tự học hoặc là muốn phá cách lại làm rách nhạc vì không viết như thế. Các ca sĩ có thể bắt đầu, chấm dứt hoặc hát lại bất cứ đoạn nào cũng được! "Buồn Tàn Thu" là một ví dụ.
Với tinh thần rất cổ như vậy, về nhạc ý, Dương Thiệu Tước lại thuộc loại tối tân nhất, Tây nhất. Ông thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam và là người hiếm hoi kết hợp tài tình cả hai cõi tân-cổ tây-ta trong âm nhạc.
Nếu "Bến Xuân Xanh" có thể làm dương cầm thủ Nghiêm Phú Phi ngây ngất như khi nghe "Les Flots du Danube", thì "Trời Xanh Thẳm", "Dưới Trăng" hay "Thuyền Mơ" lại đượm nét Đông phương.
Nếu ca khúc "Đêm Tàn Bến Ngự" là bài Huế nhất của một nhạc sĩ "Bắc kỳ" chính cống, thì "Tiếng Xưa" lại có âm hưởng "Nam kỳ" nhất - miễn là ca sĩ hiểu ra và diễn tả được cho đúng!
Trong khi ấy, dậm dật nhịp Tango rất Argentina, ông có "Cánh Bằng Lướt Gió" và "Hờn Sóng Gió". Trong bài sau này, chữ "gió" đầu tiên được viết thành hai nốt "móc ba", và phải hát rất giật theo lối "staccato". Ngần ấy chữ đầu câu trong bài đều viết tân kỳ như vậy mà nhiều người lại hát không ra nên người nghe không cảm được tài hoa của ông.
Cũng thế, dù chưa hề tham dự một đêm liên hoan Tây Ban Nha, Dương Thiệu Tước đã viết "Hội Hoa Đăng" rực rỡ âm sắc Spanish. Ông viết ca khúc này khi nằm võng trong một đồn điền cà phê ở... Ban Mê Thuột.
Đêm đó, vào năm 1956, khi vườn nhà chăng đèn tổ chức tiệc thôi nôi của người con trai - nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng bây giờ - thì người nhạc sĩ lặng thinh nằm ngoài hiên! Trên cái võng đong đưa, ông thổi hồn mình qua chốn khác, và viết nhạc trong đầu.
"Hội Hoa Đăng" xuất hiện như vậy và đưa nhịp điệu "paso doble" của chúng ta tới một cõi khác. "Mơ Tiên" của ông cũng thế, có giai điệu mở đầu gợi nhớ đến bài "Boléro" của Maurice Ravel mà lại hoà quyện với lời ca đầy chất Đông phương! Ông lấy khúc nghê thường trên cung quế phả vào cõi huyền ảo bằng lời từ diễm lệ, mà giai điệu vẫn rất Tây phương!
Dương Thiệu Tước đẩy cái trí tới tám cõi nhân gian trong khi cái chí lại thu gọn vào sự nín lặng.
Chỉ có gia đình hay môn sinh mới biết là ông ân cần và thiết tha chỉ dạy nhiều điều với lời nói nhỏ nhẹ. Và trước chốn đông người thì tỏ vẻ khiêm cung kín đáo. Ông đã từng mở tiệm bán đàn, sửa đàn và dạy đàn tại Hà Nội. Rồi là Trưởng phòng Văn nghệ đài phát thanh trong Nam, dạy Tây ban cầm tại trường Quốc gia Âm nhạc, viết cả trăm ca khúc thuộc loại nghệ thuật nhất, làm nhạc trưởng ban Cổ kim Hoà điệu và hiện hữu với tân nhạc hơn nửa thế kỷ... Vậy mà có ai tìm ra một bài phỏng vấn hay một lời phát biểu gì của Dương Thiệu Tước về chính mình không?
Ông quả là người ít nói. Sau 1975, ông lại càng ít nói hơn!
Năm 1995, trước khi ông tạ thế ít lâu, bộ Văn hóa trong nước tổ chức một đêm nhạc với chủ đề “Nửa Thế Kỷ Tình Ca”. Trong chương trình có nhiều tác giả, và dĩ nhiên không thể thiếu Dương Thiệu Tước. Họ đã xin phép ông cho trình bầy bài “Ngọc Lan” và nhờ người cháu cũng là một nhạc sĩ đến mời ông tham dự, sẽ ngồi trên hàng ghế danh dự.
Trước lời mời đặc biệt ấy, Dương Thiệu Tước trả lời rất... Dương Khuê Nguyễn Khuyến thời Tây: "Muốn hát bài của tôi thì cứ hát, còn xin cho tôi miễn có mặt, vì ai biết tôi thì đã biết rồi. Còn giờ này mà chưa biết thì cũng không cần biết làm chi!"
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn khi ấy còn ở trong nước đã kể lại như vậy, với lời kết luận: "Giữa sân khấu cuộc đời, Dương Thiệu Tước hoàn toàn đóng vai của người vắng mặt!"
Nói ra thì cũng bằng thừa!
Có lẽ đó là tâm sự của người nhạc sĩ. Không hiểu sao, Quỳnh Giao nghĩ rằng hiển nhiên Dương Thiệu Tước còn nhớ bài "Cái Dại" của cụ nội tổ Dương Khuê, với lời coda bật lên như tiếng tom chát dứt bản ca trù - trong một cái nháy mắt rất lẳng:
Chữ đa tình là cái vô tình,
Gặp nhau ta sẽ mần thinh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét