Người nghệ sĩ đến nhà chơi khoảng giữa thập niên tám mươi. Ông chưa vợ con, lang bạt kỳ hồ, tấp nhà này ở vài hôm rồi lại sang nhà khác. Nghe ông đàn hát, ai cũng ghiền nên gia chủ sẵn sàng mở cửa đón ông đến tạm trú.
Lần đầu tiên nghe ông hát ngoài phòng khách , tôi ở trong bếp hết hồn. Giọng ấm, mạnh, ngọt, toàn những bài ông tự sáng tác, lạ tai, ngộ lắm. Khách của bố, hát hay thì nhiều nhưng họ chỉ biết đánh đàn đại khái. Trần Quang Lộc không thế, vừa đàn vừa hát nhạc phẩm của mình rất chì.
Một độ Trần Quang Lộc tá túc trong Làng Báo Chí, cách nhà tôi vài ba trăm thước, hôm nào cũng ghé chơi, vài bữa lại khoe với bố tôi một tác phẩm mới.
Sau đó, ông lập gia đình, có con. Như tăng thêm cảm hứng, ông sáng tác “ Adam Eva” “ Coperette” “ Trả lời thư em” “ Trong dáng em ngồi” “ Muôn trùng em có nhớ”…
“ Adam Eva”
“Thượng Đế nặn ra anh tên là Adam
Ngày tháng vui đùa chơi khắp vườn địa đàng
Dòng suối róc rách hòa cùng tiếng chim ca
Và hương hoa thơm ngọt ngào giữa bao la
Nhưng sao anh thấy buồn biết nói cùng ai
Người lấy xương sườn anh sinh thêm nàng Eva
Làn tóc như làn mây , mắt tựa biển trời
Nàng nói tiếng nói ngọt ngào đến chim ghen
Nàng bước những bước dịu dàng liễu thôi reo
Đôi ta như bóng hình chẳng chịu rời nhau
Nhưng trong vườn Địa Đàng
Có một con rắn độc
Và một cây Táo ngọt
Là tội lỗi quỷ ma
Trai ăn vào thì vướng tội
Gái ăn thì gian truân
Phải giữ hồn trong trắng
Không nghe phải xuống trần
Nàng thấy táo ngọt ngon xui chàng Adam
Loài rắn mang bùa mê chắc hẳn mỉm cười
Nào biết táo chín ngọt ngào giống môi em
Là xóa hết những nụ cười với thơ ngây
Đôi ta đành xuống trần, sống chết vì nhau
Từ đó trên trần gian mọi người yêu nhau
Và sướng vui khổ đau biết được cuộc đời
Đời sống cuốn lấy lệ nhòa với thương đau
Đời sống đã biết hận thù với binh đao
Yêu nhau xin nhớ lại mối tình xa xưa”
Bố nói, đoạn kết, nếu Trần Quang Lộc chua thêm bát đĩa, nồi niêu kêu leng keng nữa thì tuyệt.
Bài điệu Soul, nhanh, trẻ trung. Lời ca trong sáng, dễ hiểu, mắc cười:
“Nào biết táo chín ngọt ngào giống môi em
Là xóa hết những nụ cười với thơ ngây”
???
Tự nhiên đổ tội cho đàn bà làm hư đàn ông. Kỳ cục !
Đoạn cuối, vẫn âm điệu đó nhưng không hát nhí nhảnh được. Lời ca buồn man mác:
“ Đời sống cuốn lấy lệ nhòa với thương đau
Đời sống đã biết hận thù với binh đao”
Nhìn cảnh sống của chính gia đình mình và xã hội xung quanh, đâu đâu cũng thấy những ánh mắt khắc khoải, những bộ mặt xanh xao vì thiếu ăn, chính quyền nay phủ đòn này, mai tung chiêu kia rình rập bắt bớ, họ coi người miền Nam, kể cả con nít, như kẻ thù…Ngày đó tôi tin rằng tai ương bắt đầu từ “ mối tình xa xưa” ấy thật.
Lại một bài nữa, điệu Soul, nhí nhảnh không kém của Trần Quang Lộc :
“Cô Pê Rét”
1/
"Cô Pê Rét đội liễn sữa trên đầu
Vừa đi vừa nghĩ thúng trứng Gà to
Một đàn Gà xinh chạy khắp sân nhà
Chẳng bao lâu Gà sinh thêm nhiều quá
Gà đem bán rồi mua những con Lợn
Lợn tốt dòng chóng lớn thấy mà ham
Làm chuồng rộng thêm để có Heo đàn
Lợn đông vui lo ăn đến điên đầu
Lòng Cô Pê Rét nhẹ nhàng thơ thới
Đường đi xa lắm tưởng như gần tới
Lỏng cô nay bỗng dường như đổi mới
Trên đường gặp ai cô cũng tươi cười
Rồi cô mơ thấy một vùng đất mới
Một đồng cỏ xanh mượt mà tươi tốt
Chiều chiều ra đứng nhìn trời mây nước
Thiên hạ nhìn cô ai cũng khen thầm”
2/
"Heo đem bán rồi mua những con Bò
Bò nuôi nhiều ít tốn sức cần lao
Vừa cày ruộng lại được sữa tươi hoài
Đẻ quanh năm nhiều Bê con thật béo
Bò đem bán rồi mua ngói xây nhà
Giường Ai Cập bát chén dĩa Hồng Kong
Đèn nhiều màu mua tận xứ Hoa Kỳ
Và khi không Cô Pê Rét thành công chúa sang giàu
Lòng Cô Pê Rét nhẹ nhàng thơ thới
Đường đi xa lắm tưởng như gần tới
Lòng cô nay bỗng dường như đổi mới
Trên đường gặp ai cô cũng tươi cười
Lòng Cô Pê Rét nhẹ nhàng thơm ngát
Bàn chân cô múa hòa theo gió mát
Bàn tay cô múa nhập theo tiếng hát
Đâu ngờ liễn sữa đổ tan xuống đường
Đừng mơ ước lớn để rồi vỡ lớn
Đừng mơ xa hoa trở thành lang thang
Đừng mơ sang Mỹ trở nên phú quý
Đừng như Cô Pê Rét…sẽ trở thành Béc Giê"
Thời gian này, người ta bỏ trốn đi vượt biên rất nhiều. Trốn đói khổ. Trốn cướp bóc. Trốn nghĩa vụ… Bạn bè thấy đó rồi mất đó. Vừa biết xao xuyến bởi một ánh mắt nhìn thì đã bàng hoàng nghe tin ánh mắt ấy cập bờ tự do. Mụn tình con chưa kịp kết nụ đã héo tàn. Ngay trong nhà mình , lúc thì bố, lúc thì con cái bần thần ra đi.
Người vượt biên gặp xui thì chịu cảnh tù đày, người hên đi được, có khi gặp sự bạc đãi , ghẻ lạnh của họ hàng quyến thuộc. Tới được miền đất hứa, nhiều anh vừa học vừa làm để nuôi thân, ban ngày ăn fast food, tối về đến nhà chỉ uống sữa trừ cơm trong bao năm tháng..
Truyện Coperette chắc ai cũng biết nhưng chỉ có Trần Quang Lộc viết thành nguyên bài hát. Và, câu cuối, hát lên ai cũng bật cười.
Bố tôi lúc đó, do có bạn cùng hội cùng thuyền, sáng tác xoành xoạch, cái chính là vì đói khổ triền miên, thân mình như cá nằm trên thớt, bị chém bất cứ lúc nào, bị bóp cổ bóp họng, ông chỉ có con đường viết để giải tỏa.
“ Đêm trên sông trăng” “ Quê hương thu nhỏ” “Ánh Dương mới” “ Căn Nhà Xưa” “ Bướm Xanh” “ Như trong một giấc mơ” “ Nhìn lại em đi anh”… là những bài mới toanh ông hát cho Trần Quang Lộc nghe.
“Đêm trên sông trăng”
1/ "Đêm trên sông trăng thuyền ta lướt êm
Trông ra hai ven bờ cây gió lên
Ôi đêm lân tinh đất trời xao xuyến
Những bóng hình thướt tha mềm
Hắt hiu buồn
Tiếng ai gọi ai đổi trăng thành nến
Em nghe ra không hồn xa lãng quên
Đang lênh đênh bay về trong khói đen
Khi mây âm u che mờ trăng sáng
Để hồn nhập với ta căng như dây tình duyên
Áo em mỏng hơn trăng
Tóc em dài như đêm
Lòng ta khoang thuyền bỏ không phai mòn gỗ quý
Một chiều nào đó rong chơi em bước về
Hằn dấu chân trên rêu buồn
Như tuổi trẻ đi qua , đi qua,
Đi qua tim ta rồi không nhớ chi
Nhưng riêng trong ta nhiều đêm lắng nghe
Ngân nga dư âm một bài thơ bé
Của thuở nào đó yêu ai tim ta thành bia”
2/ "Ôi ta đi qua tuổi xuân đã lâu
Nhưng đôi khi quay nhìn quanh hố sâu
Bông hoa thơm tho cũng đầy sắc máu
Có đêm hồn gióng chuông sầu
Đất đen dường đã len vào hồn ta tìm nơi ẩn náu
Hư vô vun ta thành cây nấm cao
Quên không ban cho cành chia nỗi đau
Em như chim sâu qua rừng nắng cháy
Động lòng nhìn dáng ngây ngô thương nhau ngừng bay
Sớt đôi đời gian nan
Chắp môi làm yêu thương
Từng đêm trăng rằm trăng sáng sương nguồn êm lắng
Một ngày nào đó nghe ra đời quá buồn
Và nhớ xa muôn trùng
Nên bỏ rừng bay đi, bay đi
Bay đi mang theo hồn ta ngẩn ngơ
Đêm đen đêm sâu lạnh trong gió mưa
Đôi khi ta trông lên vầng trăng cũ
Tưởng chừng là bóng trăng xa trăng muôn nghìn xưa”
Nhà tôi thường là chỗ khách khứa thích đến chơi, tụ họp, hát hò dù biết có thể bị chính quyền làm khó dễ. Thứ nhất, Làng Báo Chí vắng vẻ, yên ắng. Thứ hai, không có con nít khóc la , quấy phá, không có Chó sủa ngắt ngang cảm hứng. Thứ ba, bố tôi có cây đàn Guitar Gibson tiếng ấm, lịch sự, ai sờ vào cũng thích. Rất thường bố tôi mời vợ chồng họa sĩ Nghiêu Đề, vợ chồng ca sĩ Duy Trác, vợ chồng chú Đào Trường Phúc, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ…đến nhà, nghe Trần Quang Lộc và những người bạn của chú: Anh Khoa, Kim Lệ… hát.
Hát ở nhà tôi chán, mọi người lại kéo qua nhà bác Nghiêu Đề ở cư xá Thanh Đa chơi. Sau, ông cụ nảy ra ý tưởng rủ mọi người thuê chiếc xuồng con, chèo ra giữa dòng sông Sài Gòn, buông neo, tất cả dốc hết lòng ra hát mà không sợ ai nghe thấy.
Giữa mênh mông sông nước, trăng như dát bạc đầu ngọn sóng lăn tăn. Hai bên bờ sông nhấp nhô những hình khối đen sì, to nhỏ của đủ thứ loại cây : Dừa Xiêm, Dừa nước, Lồ Ô, Bần, Đước… và những căn nhà chỉ còn nhìn thấy ô cửa sổ nhỏ xíu, hắt ánh sáng vàng vọt, chập chờn từ ngọn đèn dầu. Trăng thấm đẫm vào từng nốt nhạc, tiếng đàn. Mọi người rứt ruột ra hát, hát cho thỏa những dồn nén, tích tụ, biết rằng chả ai rình mò được mình nơi đây. Men rượu càng làm cho giọng hát của các nghệ sĩ thêm nồng nàn, thêm la đà, ngây ngất.
“ Đêm trên sông trăng” của ông cụ đã ra đời sau những đêm bập bềnh trên dòng nước bạc đó.
*
Cơ hàn, vợ một họa sĩ gần nhà tôi đã kiếm kế mưu sinh bằng việc bán thuốc lá ở ngã tư đường. Trong một đêm mưa, nhìn dáng bà đội nón lá, trùm áo tơi, co ro thu mình sau cái tủ kính bé tẹo, bên trên có đặt chiếc đèn dầu hột vịt tim cháy leo lét - vặn lửa to làm gì cho hao dầu- chiếc nón lá và dáng lom khom của bà trông như dải đất tang thương hình chữ S, cám cảnh, bố tôi viết:
“ Quê hương thu nhỏ”
……..
“Đêm nào đó ta đứng trông ra ngọn đèn lu
Thắp trong sương mù dáng em ngồi co ro
Như quê hương mình thu nhỏ
Để người viễn xứ mang cho vừa”
……
Và, như một sự trùng hợp, dù không nhìn chung một cảnh với Bố, Trần Quang Lộc đã rỉ rả cho gia đình tôi nghe:
“ Trong dáng em ngồi”
“ Trong dáng em ngồi
Tôi chợt hiểu rằng
Chung quanh ta đời sống còn nhiều khốn khó”
……
Có điều lạ, Trần Quang Lộc thường hát nhạc của mình lúc thêm cái này lúc bớt cái kia, ít khi nhất quán cả lời lẫn nhạc. Có bài, chép trên giấy hẳn hoi, kết thúc như vầy, như vầy… Ít lâu sau nghe ông hát, khúc cuối được đem vô giữa bài, kết bằng chỗ khác nhưng vẫn hay.
“ Trong dáng em ngồi” được chính tác giả thu âm và một vài ca sĩ trình diễn , mất hẳn đoạn kết mà tôi rất ưng ý:
“Hãy giấu nỗi buồn như một hạt ngọc
Để mai sau em còn quý cuộc đời đang sống
Trong mỗi âu lo có một niềm hy vọng
Một ngày sẽ nở hoa những nụ hồng giấu kín
Và những giọt lệ xưa ngày mai sẽ ráo
Trên mặt những người biết đợi chờ”
“Còn tiếng hát gửi người” ra đời đúng vào thời điểm người nghệ sĩ sống phiêu bạt trong Làng Báo Chí. Ông viết nhạc và lời của mình hẳn hoi, hát cho bố nghe. Bố thích, đặt thêm lời thứ hai. Từ đấy Trần Quang Lộc và những người trong hội “chèo đò” - Anh Khoa, Duy Trác - chỉ hát bài này với lời ca mới. Mọi người, kể cả tác giả, cho đến nay quên bẵng luôn bản gốc của Trần Quang Lộc.
*
Có thể “ Về Đây Nghe Em”, “ Có phải em mùa Thu Hà Nội” đã được phô biến rộng rãi nên tôi không thích bằng hay tại vì nghe Trần Quang Lộc hát “ Mộ Trăng”, âm điệu Thượng Du, khóc cái chết của Vũ Hữu Định, tác giả bài thơ“ Còn chút gì để nhớ” quá hay:
“ Mộ trăng”
"Đêm không trăng mổ ngực chơi
Giữa tuyệt cùng
Đau thân thể
Thiên đường , thiên đường ơi
Mệt bước chân vui
Đi ngất ngất đi lặng lẽ trong đêm dài
Đêm không trăng
Của phố núi cao
Em Pleiku
Má đỏ môi hồng
Có thật đã ngủ yên
Trên ngọn núi cao kia
Trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần
Người ơi! Ơi hỡi người ơi !
Yêu thương thế giới tơi bời trái tim
Nào ngờ hơi thở im lìm, im lìm
Tuyệt diệu đức tin
Đêm không trăng
Đào mộ chôn
Giữa chập chùng
Sương hoa đỏ
Linh hồn xa đời nhưng
Chẳng thế kêu van
Trong hấp hối cơn buồn bã kêu tên người
Em Pleiku
Má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều
Quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt
Và mắt em ướt
Nên em mềm như
Mây chiều trong"
Và, “ Vá Áo Tìm Người” day dứt, thấm thía:
"Từ khi ly biệt người
Người đi mang hồn trinh trắng
Duyên đời mãi mãi không về
Tà áo vá bao năm tìm bóng cũ
Từ khi ly biệt đời
Đời trôi theo dòng sông máu
Theo ngày đau đớn khôn nguôi
Giọt nước mắt đêm đêm
Đợi chờ người
Chiều về lòng nương theo gió qua
Nhớ quê nhà và tiếng tơ lòng đau
Đêm quay quắt bóng nhòa hắt hiu bên đường
Lòng như vỡ tan
Về đâu ta gặp người
Tuổi xuân phai tàn như lá
Bay vào một cõi xa mù
Ngồi nhớ nắng bên hiên buồn xa vắng
Thời gian như dòng đời
Nhẹ trôi như màu tóc trắng
Mai vào chợt thấy quanh mình
Lòng vẫn cố nuôi hương đợi chờ người."
Nên nhắc đến Trần Quang Lộc, tôi lại nhớ đến “ Mộ Trăng” và “ Vá Áo Tìm Người” hơn là “ Về Đây Nghe Em” , “ Có phải em mùa Thu Hà Nội”. Và, khi đã nghe Trần Quang Lộc hát nhạc của chính mình, tôi không còn thấy ai thể hiện bài hát hay hơn tác giả. Thật đó !
*
Đặt bút viết bài đã lâu, chập chờn đóng mở giữa chừng vì bận bịu, vì tra cứu cái nọ cái kia…đến khi xong thì Trần Quang Lộc đã ra người thiên cổ.
Tự coi như chữ nghĩa đã thay mình đến viếng và thắp một nén nhang trước linh cửu của người nghệ sĩ mà tôi hằng mến mộ.
“Từ khi VĨNH biệt người…”
“Tà áo vá bao năm tìm bóng cũ”
21/6/20
(**) Lấy theo tựa bài hát của Trần Quang Lộc
Hình 1 từ trái qua phải : Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ. Mẹ. Thằng cháu nhỏ. Bố, Nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Họa sĩ Nghiêu Đề phu nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét