khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Trích: Chuyến Đi Ra Đảo Cũa Đoàn Y Khoa Saigon và Ca Đoàn Gió Khơi (1968) - Tác giả Lê T.L.

 

Mùa Hè năm 1968, Ông Khoa Trưởng Y Khoa D.T. BÙI tổ chức chuyến đi ra đảo Phú Quý bằng tàu sắt há mõm, do Đoàn Hải Quân giúp đưa đón nhóm Sinh Viên Y để khám bệnh phát thuốc miễn phí cho nguời dân ở đó. Mục đích của chuyến đi này cũng nằm trong chủ trương chung ở thời điểm ấy là đưa Y tế về Làng.

Cùng đi với nhóm Sinh Viên Y là gia đình Ông Bà Khoa Trưởng Y Khoa, Đoàn văn nghệ Gió Khơi. Làm việc Y tế là chính, ngoài ra chuyến đi còn kết hợp với làm văn nghệ và thăm viếng đảo.

Chúng tôi xuống tàu sắt há mõm đậu ở bến cảng sông Sài Gòn: Tàu thật lớn, có đủ chỗ cho vài chiếc xe vào bên trong. Tàu đi trên sông Sài Gòn thật êm ả, vừa ra tới biển là giao động mạnh. Nhóm nữ và các Bà các Cô ban văn nghệ Gió Khơi đuợc thủy thủ đoàn lịch sự nhuờng cho 1 phòng trên tàu gồm những giường ngủ 2 tầng và đủ tiện nghi nên còn đỡ. Những nguời khác ở bên ngoài, trên khoang tàu, không quen đi biển, bị say sóng ói mửa và rất mệt.

Sau này, nghe có nguời nói, đoàn còn có ý định sẽ đi xa hơn nữa, tới đảo khác lớn hơn, nhưng vì gặp lúc biển động nên chỉ đi tới đảo Phú Quý rồi phải quay về. Điều này thì còn phải hỏi lại Ông Khoa Trưởng, nếu có dịp.

Đảo Phú Quý cách thị xã Phan Thiết khoảng 120 Km đuờng chim bay, ở về huớng đông nam của Phan Thiết. Là 1 quần đảo gồm 10 đảo lớn nhỏ mà đảo lớn nhất là đảo Phú Quý. Đảo Phú Quý rộng: 4,5 km, dài: 7km. Diện tích: 16,5 km2. Hình chữ nhật. Đảo nằm gần hải lộ quốc tế. Diện tích chung: hơn 32 km2. Gồm 9 làng, 3 xã. Chỉ có 1/2 vùng đảo hướng Bắc, nhiều đá, là có đông người sinh sống. 

Vùng đảo phía Nam là những bãi cát dài.Đảo Phú Quý là điểm nối liền giữa đất liền và quần đảo 

Truờng Sa, (cách Phú Quý 540 km về hướng Tây), và Phú Quý cách Côn Đảo 333 km về hướng Đông Bắc. Dân số đảo năm 1999 gần 20.700 nguời. Đảo là 1 trong những huyện của Tỉnh Bình Thuận ** Về chiều, nhìn từ tàu sắt thấy đảo từ xa in bóng trên nền trời với 2 ngọn núi: núi Cao Cát và núi Cấm. Đến gần hơn mới thấy những rặng dừa vươn cao in trên trời xanh, như đang xõa tóc trong gió lộng.

Mọi nguời lần lượt rời tàu sắt bước xuống thuyền nhỏ để tới gần bờ, rồi bỏ thuyền lội bộ trong sóng biển lên bờ cát. Chúng tôi ngồi trên bờ thềm nhà cạnh bãi biển, chờ nhóm Y cùng Ông Khoa Trưởng đi liên lạc với Uỷ Ban Hành Chánh để sắp xếp mọi việc và nhờ người lo bữa ăn tối cho cả Đoàn.

Ngày ấy, đảo Phú Quý chưa có điện, nhà cửa bé nhỏ thưa thớt, leo lét ánh đèn dầu. Bãi biển rải rác vỏ dừa, rong rêu và hàng trăm thứ không tên tấp vào. Cuối cùng, chúng tôi theo con đường đất mấp mô vào xóm, cùng vài người khuân vác những thùng thuốc và dụng cụ đi trước. Hai bên đường là những bức tường thấp, cũ đen, lâu đời, ngăn chia các nhà, và ở trước mỗi nhà có 1 mảnh sân hay vườn nhỏ. Rồi chúng tôi tụ tập vào 1 ngôi nhà tranh rộng để ăn tối tập thể. Mọi người ngồi trên chiếu trải trên mặt đất cát.

Có lẽ vì phải nấu vội cho nhiều ngừời ăn cùng 1 lúc nên nhà bếp ở chỗ này không thể nấu kỹ càng bài bản các món có cá như các nhà trong đất liền: trước hết là phải phi hành tỏi hay sả, ớt ..., thêm thật nhiều gia vị như tiêu, gừng, nghệ ...và nhiều loại rau thơm..., để loại bỏ mùi tanh của cá. Đang đói và đã trễ giờ ăn, mọi nguời trong nhóm nói cười vui vẻ, nhanh chóng xong bữa để còn bàn bạc và phân công việc.

Nhóm nữ và ban văn nghệ Gió Khơi được tạm trú trong gian nhà làm việc công của Ban Hành chánh Đảo. Những người khác của Đoàn thì qua đêm ở Trường học gần đó.

Buổi sáng, chúng tôi dậy sớm dọn dẹp. Nhóm Y làm việc trong những căn phòng của Trường học. Các Sinh Viên lớp lớn khám bệnh, các Sinh Viên lớp thấp thì coi toa, phát thuốc miễn phí và dặn dò cách uống thuốc, cách "xử lý", cách giữ gìn vệ sinh chung đối với trẻ em...

  Những đứa bé bụng lớn, xanh xao, phần nhiều được cho thuốc xổ sán. Đoàn Y đã có quá nhiều kinh nghiệm với các loài giun sán: nhiều vụ mổ cấp cứu tắt nghẽn ruột do sán sinh sôi nẩy nở quá đông đảo và quá nhanh trong ruột của trẻ con hay người lớn, từ vùng quê xa xôi được chở gấp tới Bệnh viện ... Hình ảnh dòng họ nhà sán, già trẻ lớn bé vui vẻ ngọ nguậy trong mấy thau hạt đậu ở trên bàn mổ, đuợc gắp ra từ 1 lổ nhỏ chọc vào khúc ruột nghẽn căng cứng, là những bài học để nhớ đời!!!

 Mãi miết làm việc tới chiều tối thì đã vơi bệnh nhân, cả nhóm Y nghỉ tay dùng cơm rồi lo ngay đến việc sửa soạn làm văn nghệ bên lửa trại. Một sân khấu của địa phương đã có sẵn trên khoảng đất rộng cạnh trụ sở ủy ban với khán giả là nguời trong nhóm, số cư dân có nhà ở gần đó và đám con nít hiếu kỳ 

Nhóm Văn nghệ Gió Khơi  trình diễn thành thạo, nhiều tiết mục, với đàn hát, sáo, violon. Nhiều cô là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đoàn Y cũng đóng góp : Đàn, hát, ảo thuật, violon...
Rồi chúng tôi đi dọc biển từng nhóm, ngắm trăng mờ soi bãi cát và biển đêm cũng có 1 vẻ đẹp bí ẩn, khác biệt với biển ban ngày ...

Sáng sớm hôm sau, gia đình Ông Khoa Truởng và nhóm Gió Khơi  mướn 1 chiếc thuyền lớn ra vùng biển nước sâu có nhiều san hô để lặn xuống ngắm đáy biển với dụng cụ: Chân nhái, mặt nạ ..v..v.. Chúng tôi ngồi trên thuyền ngắm biển hòa màu xanh với trời mây không chán. Và nhìn xuống, qua sóng nước, là những cụm san hô đan nhau dày đặc bao phủ cả vùng biển chung quanh đảo. Về lại nhà hành chánh, đã có 1 chiếc xe lớn, rất cũ, chở cả nhóm đi 1 vòng quanh đảo, và theo con đường dọc những bờ biển. Chợ trên đảo nhóm họp bên đường, gồm những sản phẩm mà dân đảo đã tự trồng trọt, chăn nuôi hay đánh bắt dưới biển ....những rau củ trái cây, những con cá còn cựa quẫy, món nào cũng rất tươi. Vài nguời đàn bà đi chợ đeo gùi, có nguời bỏ con vào đó, thật là tiện. Nguời dân cũng đeo gùi khi đi làm rẫy.

Ở trên bờ biển có nhiều dãy khung tre, treo trên đó là những con cá hay mực để phơi khô dưới ánh mặt trời. Những chiếc ghe vừa ghé lại, người ta đem nhiều thúng cá lớn lên bãi. Chúng tôi nhìn và cố phân biệt các loại cá khác nhau, nhưng ít ai nhớ tên, nhớ hình dạng và biết chính xác loại cá nào nên vài người trong đoàn cứ cãi nhau: Cá cơm, cá rựa, cá hồng, ngừ, bạc má, chim, hố, đuối, cá nhám, cá nục, đối, mai, thiều, mực, hải sâm, ốc, ghẹ, tôm cua ...

Thuyền, ghe cá tới bờ thuờng bán cá cho 1 "đầu nậu" quen (là nguời thu mua cá số nhiều, hàng ngày). Riêng loại cá mòi đã vắng bóng từ sau 1954, có lẽ chúng đã di cư sang 1 vùng khác vì không chịu đuợc tiếng động cơ của tàu, ghe? Hay có thể vì lối đánh bắt cá cạn tàu ráo máng, lớn nhỏ không bỏ sót của ngư dân nên cá mòi tuyệt tích giang hồ? Đã có thời chúng tập trung nhiều ở vùng biển này, khiến cho nghề biển ở đây phát đạt vì cá mòi, cá nục, cá cơm thuộc vào loại ngon, làm mắm hay làm nước mắm đều thơm ngon, cho nên nguời dân vùng biển xưa kia đã ngạo nghễ cho rằng:

" Chữ nghĩa văn chuơng
   Không bằng cái xương cá mòi! "

Cũng cùng với Đoàn, chúng tôi theo những bậc cấp bằng đá lên núi, hai bên đường là 2 hàng dừa thật cao, nhiều năm tuổi. Từ trên đỉnh núi gió thổi lồng lộng, nhìn xuống là biển sóng bao la, nhiều gành đá lởm chởm chập chùng, bãi biển chạy dài truớc mắt. Chúng tôi chụp nhiều hình kỷ niệm ... Và mấy nguời trong nhóm, sau khi lên núi xong thì xuống biển tắm cho bớt cái nóng buổi trưa.

Gió biển thổi mạnh, chúng tôi ngồi dưới bóng những hàng dừa hay hàng dương hưởng 1 ngày đẹp trời trên hải đảo. Món cá nướng và bắp nướng cùng nuớc dừa tươi ngay trên bãi biển bao giờ cũng được mọi người thích.

Về nhà của Ủy ban hành chánh, những người trong nhóm Gió Khơi dẫn chúng tôi vào 1 căn phòng cũng gần đó và bảo rằng :
- " Bà ở đây có nhã ý mời cứ tự nhiên vào phòng nầy  cất đồ và thay áo ..."

Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy 1 căn phòng đầy đủ tiện nghi của 1 phụ nữ ở thành phố: Bàn trang điểm, tủ áo lớn có gương soi, giường đôi với chăn nệm, bàn viết ....Nếu thấy 1 căn phòng như thế này ở đất liền thì chẳng có gì lạ hay đáng ngạc nhiên cả, chỉ vì thấy những tiện nghi như vậy ở trên hải đảo xa xôi cách xa đất liền 120 km nên mới cảm thấy hơi lạ .

Các Cô nhóm Gió Khơi lại cho hay: " Bà ấy nói Bà ấy là Mộng Cầm".

Chúng tôi nhớ ra ngay vì bà Mộng Cầm là 1 khuôn mặt khá quen thuộc của thành phố biển Phan Thiết (Bình Thuận), được nhiều nguời biết đến như là 1 trong những nguồn cảm hứng để nhà thơ xấu số mắc bệnh cùi Hàn Mặc Tử làm những vần thơ tình và thất tình.

Người đi một nửa hồn tôi mất !
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ !

Tôi vẫn còn đây hay ở đâu ?
Ai đem tôi bỏ duới trời sâu ?
Sao bông Phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu !

(Những giọt lệ - Tập thơ: Đau thương . Hàn Mặc Tử)

Nhà thơ tên thật là Nguyễn Trọng Trí (1912-1940),  đã sống những ngày cuối trong trại cùi ở Quy Hòa và được chôn cất ở nghĩa trang gần đó.

Nhiều nhà thơ, nhà viết nhạc, soạn kịch, cải luơng, người viết truyện, nguời viết và đạo diễn phim đã tạo nên những tác phẩm đa dạng về  cuộc đời rất ngắn của thi sĩ. Năm 2005 đã có 1 phim dàn dựng rất công phu, dựa trên chuyện thật của đời nhà thơ Hàn Mặc Tử. Phim đẹp, gợi lại cuộc sống ở Việt Nam vào thế kỷ trước. Các tài tử đẹp, diễn xuất khá, phong cảnh hữu  tình.

Khi rời đảo, để cảm ơn Bà Mộng Cầm đã tử tế với Đoàn, chúng tôi nhận đem quà của Bà gởi về Sài Gòn và trao tận tay thư cùng 1 gói đặc sản của đảo cho người con gái của bà (cũng là Sinh Viên Y- Sài Gòn, thuở ấy). Cái tên Mộng Cầm chỉ là bút hiệu, tên thật của Bà là Huỳnh Thị Nghệ.

Đảo Phú Quý từ xưa cho đến nay có rất nhiều tên, dân gian thường gọi là "Hòn", hay đảo Thu (có lẽ vì nhiều cá Thu: Mackerel ?). Đất trên đảo màu nâu do núi lửa đã ngưng hoạt động từ nhiều triệu năm về truớc, rất màu mỡ để trồng nhiều loại cây và hoa mầu phụ, cây lương thực ngắn ngày... Trên đảo cây xương rồng được trồng như hàng rào, cây dứa cho bóng mát chống nắng gió và cho dây dứa để đan lưới, đan võng. Từ xa xưa, dân đảo đã có nghề bơi sâu lấy san hô biển bán cho các lò vôi hay bán cho du khách để trang trí trong nhà. Xưa kia trên đảo còn có nghề trồng cây bông vải, rồi kéo sợi, dệt vải bằng tay với dụng cụ, nên đảo có thể tự túc nhu cầu may mặc tại địa phương và có thể bán vải cho đất liền hay nộp thuế. Nhờ đó mà suốt thời chiến tranh, khi giao thông bế tắc, cả vùng này và nội địa không hề thiếu vải ta hay vải Hòn. Về sau, nghề thủ công trồng bông dệt vải này phải dẹp bỏ vì không thể cạnh tranh đuợc với hàng dệt công nghệ nhập cảng tràn ngập, giá rẻ và đẹp hơn. 

Cuối thập niên 60, "phát hiện" dầu lửa và khí đốt trên vùng thềm lục địa, nên miền biển gần Phú Quý đã có những dàn khoan dầu. Tổ tiên nguời dân đảo thuở xa xưa đã theo ghe vuợt biển đến đây từ các vùng khác như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định...Vì không quên nguyên quán, quê cha đất tổ mà họ đành lìa bỏ (bởi vì nhiều lý do khác nhau: chiến tranh, sưu cao thuế nặng, bị áp bức, hay vì miền đất mới hấp dẫn hơn,v.v...) nên từ xưa họ đã đặt tên làng tên đất theo các địa danh mà họ đã sống và đã yêu quý như: Mỹ Khê, Hội An, An Hòa, v.v... Đảo có 9 làng, 3 xã, mỗi nơi có mỗi cách phát âm khác nhau. Những người di dân ngày xưa dong thuyền tới đây lập nghiệp đã đem theo cùng với họ: tiếng nói, cách phát âm, phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng, ẩm thực, v.v...từ các miền khác nhau của đất nước. Ngoài ra đảo còn chịu ảnh hưởng cách phát âm tiếng Chàm và nền văn hóa Chàm từ bao đời truớc truyền lại.

Đa số dân đảo theo đạo Phật, trong toàn đảo có tới 7 ngôi Chùa, Chùa Linh Quang là lớn nhất, Chùa Linh Sơn nằm trên lưng chừng núi Cao Cát. Có nhiều Miếu, Dinh Vạn, miếu thờ Thành Hoàng và Thổ Thần. Dân đảo có tục thờ cúng cá Ông (Cá Voi) trong Dinh Vạn. Sử chép: khi Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi chạy về phuơng Nam, quyết bắt cho kỳ đuợc (1782). Tới gần Gò Công thì gặp bão tố. Thuyền Tây Sơn bị chìm rất nhiều, thuyền Nguyễn Ánh được Cá Ông nâng đỡ, đưa vào bờ. Sau khi thống nhất đất nước xong và lên ngôi, (nhờ kêu gọi sự giúp đỡ của triều đình Pháp và quân đội Pháp, lúc ấy đang để tâm tìm kiếm thuộc địa), Vua Gia Long (Nguyễn Ánh) phong Thần cho Cá Ông là Nam Hải Đại Tướng và sai cất Dinh Vạn để thờ. Suốt vùng biển miền Trung, từ phía Nam đèo Ngang cho tới miền biển Phuơng Nam đều có Dinh Vạn thờ Cá Ông. Ngày 12 tháng 6 âm lịch là ngày tế với những nghi thức trang trọng: cúng tế, cúng thí thực, xô giàn cộ, hò bá trạo, đua thuyền hay đua thúng, hát bội ... Người nào thấy Cá Ông bị lụy (chết) trước nhất được vinh dự làm con đầu, để tang 3 năm, vạn chài làm đám tang rất trọng thể, sau 3 năm chôn cá Ông duới đất, thì lấy xương đặt vào Vạn để thờ. Nhờ những tục lệ đáng yêu quý trọng các loài cá voi, rùa biển, cá nược, v.v... mà nước ta không cần  lập ra những hội bảo vệ những loài cá quý hiếm, như ở các nước khác. 

Hằng năm trên đảo Phú Quý vào tiết tháng 4 âm lịch có lễ hội cúng tế Thày và Bà Chúa. Từ xa xưa, Thày đuợc xem như vị cha già của đảo. Bà Chúa như 1 Bà Mẹ hiền của Đảo. Miễu Bà ở chân núi Cao Cát.

Người ta kể, ngày xưa Bà là 1 vị Công Chúa Chàm, mắc bệnh nan y, được triều đình Chàm cho ra ở đảo để "cách ly" và để tránh tiếng đồn, lời dị nghị. Bà là người được giáo dục có trình độ cao, lại có lòng nhân ái nên khi tới đảo sống, Bà đã giúp đỡ nhiều cho dân nghèo, dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề thu bắt hải sản, nghề trồng bông dệt vải, trị bệnh cho dân bằng cây cỏ có sẵn ở tại chỗ hay có ở ngoài biển.

Tuy nhiên tục thờ cúng Bà Chúa này có thể phát xuất từ nền văn hóa Chàm theo mẫu hệ, cho nên ở Nha Trang, trên ngọn đồi gần Cầu xóm Bống có Tháp Bà thờ nữ thần Chàm. Ở Phan Thiết, Phố Hải có Tháp Chàm thờ bà Chúa Pô Sha Nư trên đồi . Ở Phan lý Chàm có Tháp Bà, v.v...

Câu chuyện Bà Chúa Chàm ở đảo Phú Quý này cũng khá giống với chuyện nhà truyền giáo DAMIAAN (1840-1889) , hay DAMIEN, người ở Belgium (Europe), đã đến ở trên đảo Molokai, thuộc quần đảo Hawaï  để giúp đỡ nguời cùi đang sống cách ly rất thảm thương ở đó. Người ta bỏ người cùi ra đảo, thỉnh thoảng đem cho thực phẩm, đồ cần dùng, nhưng không ai dám bước chân lên đảo, chỉ vứt đồ ăn xuống gần bờ rồi dong thuyền gấp gáp bỏ đi. Người cùi phải ra ngoài biển vớt đồ nên thuờng bị sóng đánh trôi dạt, chết chìm! Damiaan đã viết nhiều bài báo nêu tình cảnh tội nghiệp khốn khổ của họ, sống lây lất vì trên đảo hết sức thiếu tiện nghi, xin khắp nơi giúp đỡ và được giúp rộng rãi. Ông ở luôn trên đảo (vì theo luật, ai đã lên đảo cùi rồi thì không về đất liền được nữa), đã xây cất nhà cho người cùi, sửa lại bệnh viện, cải thiện đời sống cho họ, tạo nguồn cung cấp nước sạch, chữa bệnh và làm hết sức để giúp họ. Thuở ấy chưa có thuốc chữa bệnh cùi. Do sống và tiếp xúc lâu với người cùi, ông bị lây bệnh cùi và khi chết đuợc chôn cất trên đảo. Ông đuợc xem là ân nhân của nuớc Mỹ. Có tuợng của Damiaan trên đảo Hawaï, và trong tòa Bạch Ốc hay điện Capitol (America) có hình của Ông, ngang hàng với các danh nhân.

Có phải Thượng Đế, đấng sáng tạo vũ trụ và thế giới này, đã cho mưa cho nắng đổ xuống, đã ban cho thực phẩm nuôi sống muôn loài, đã sai những nguời con ưu tú như Bà Chúa Chàm đảo Phú Quý, Damiaan và bao nhiêu nguời khác... đặt vào lòng họ 1 nhiệm vụ và 1 lý tuởng: đi giúp đỡ những nguời con khác của Thượng Đế ở khắp nơi trên thế giới, đang gặp khó khăn và đang cần sự giúp đỡ ...dù ở nơi chân trời góc biển nào ??

Người dân đảo Phú Quý nói chuyện với nhau, cách phát âm thay đổi tùy theo khu vực cư dân sinh sống và tùy theo vùng mà tổ tiên của họ đã phát xuất : dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tới, hay ở Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên di cư lại đây. Ngoài ra còn có ảnh hưởng văn hóa Chàm và cách phát âm của cư dân Chàm từ xa xưa. Họ phát âm có thể là gần với tiếng Chàm , hay tiếng Quảng Nam, Q. Ngãi, Q. Bình, Phú Yên, Bình Định, v.v... âm chữ A nói thành âm chữ E, và hầu như không bỏ dấu, tùy vùng trên đảo. Gặp 1 cô gái hải đảo đang cho đàn gà ăn trong sân, chúng tôi chào cô và chuyện trò đôi câu. Cô vui vẻ chỉ vào đàn gà và cho hay:

-" Ge ney cua Be cho " ( Gà này là của Bà cô cho Cô).

Chỉ trong 1 thời gian ngắn mà đã có vài sinh viên Y trẻ trung vui tính nói với nhau tiếng đảo với cách phát âm đặc biệt mà họ đã học được khi tiếp xúc với bệnh nhân, và khi về lại đất liền họ đem về 1 sinh ngữ mới như kỷ niệm của chuyến đi, để thỉnh thoảng gặp nhau gợi lại.

Tuổi trẻ vô tâm, vui nhộn, không ai nghĩ ngợi xa xôi đến câu tục ngữ dân gian:" Chửi Cha không bằng pha tiếng !"

Ông Khoa Trưởng đã tổ chức 1 bữa ăn trưa chung để đãi những người  giúp đỡ cho công việc của đoàn như các vị trong Ủy ban hành chánh, nhóm Hải Quân ... Mọi nguời được ngồi ăn trên ghế, với bàn, lần đầu ở trên đảo, thay vì ngồi trên chiếu trải trên mặt cát như những lần khác, dưới bóng những hàng dừa và hàng dương che cái nắng gắt buổi xế trưa. Rồi sau đó, chúng tôi lưu luyến chia tay với những người mới quen trên đảo, nhận mang về đất liền thư và quà của họ gởi cho thân nhân. Lại lội ra ngoài biển, dùng ghe nhỏ ra khơi, nơi có chiếc tàu sắt đang bỏ neo đợi.

Lên tàu, Ông Khoa Trưởng và đoàn thết đãi nhóm Hải Quân và mọi người món bê thui, đây là món được người dân đảo dùng trong những vụ cúng tế có đông nguời. Ngày ấy không ai nghĩ đến và e ngại bệnh bò điên! Đã thấy người ta thui con bê ở gần nhà tạm trú trên lửa rơm trong lúc gió biển thổi rất mạnh, nên thịt bê chưa chín, máu nhỏ ròng ròng khi cắt ra. Thịt bê thui được gói trong bánh tráng ướt hay bánh tráng khô, cuốn lại chung với bún, rau thơm, khế và chuối chát. Chấm với nước mắm gừng cay hay với mắm nêm, mắm dãnh, hoà với ớt, tỏi, riềng giã nhỏ, chanh, đường ...Lối ăn này phát xuất từ  vùng Phú Yên, Bình Định ...

Ông Khoa Trưởng và đoàn Y cũng đã thuyết phục được, chỉ trong 1 thời gian ngắn, 1 nhóm người mắc bệnh kinh niên đi theo lên tàu sắt cùng đoàn về đất liền để đuợc nhập Bệnh Viện ở Sài Gòn điều trị. Có vài người đàn ông bụng lớn như bụng đàn bà có mang gần ngày sinh nở, đi đứng rất khó khăn, chỉ ngồi 1 chỗ, lâu nay đã là gánh nặng cho gia đình họ. Nguời trên đảo vẫn cho là họ bị ai thù oán, bỏ bùa bỏ ngãi ... bị thư, bị ai ếm! Họ sẽ đuợc đoàn Y và Ông Khoa Trưởng để ý theo dõi và giúp đỡ để về Sài Gòn điều trị trong Bệnh Viện lớn mà không phải tốn kém nhiều.

Chuyến về trời yên bể lặng, chúng tôi lên sân tàu, nhìn biển sóng xanh ngắt mênh mông. Những con chim biển bay trên bầu trời cất tiếng kêu vang. Hải đảo lùi lại xa ở phía sau, chìm trong sóng nuớc và trở thành 1 kỷ niệm khó quên.

Tàu rẽ sóng băng băng tiến về đất liền, gió thổi lồng lộng. Mọi nguời hướng nhìn về phía trước, nóng lòng nhìn thấy lại Sài Gòn, về lại nhà.

"Tung cánh chim tìm về tổ ấm
 Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm "...

 (Ngày về - Hoàng Giác)

Đặt chân lại trên bến cảng Sài Gòn vào buổi chiều, mọi nguời đều vui mừng. Được nhìn lại thành phố thân yêu với ánh đèn rực sáng, thấy lại căn nhà êm ấm với người  thân, những Từ Thức tân thời tưởng chừng như  từ 1 thế giới nào khác trở về.

"Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Sài Gòn đẹp lắm !  Sài Gòn ơi !  Sài Gòn ơi ! "...

(Sài Gòn - Y Vân)

Ngày nay mới thấy ngạc nhiên vì sao thuở xưa, nước mình còn chậm tiến và sống dưới chế độ thực dân phong kiến, chiến tranh triền miên, mà ngành y tế Việt Nam đã tổ chức được mạng lưới y tế gồm rất nhiều bệnh viện, bệnh xá công, trải dài khắp nước từ Bắc tới Nam, còn được người dân gọi là nhà Thuơng thí, song hành là những dịch vụ y tế tư. Trong khi ở các nuớc văn minh tân tiến, nguời dân phải đóng $ hàng tháng mua bảo hiểm sức khoẻ bắt buộc (Europe) hay đóng $ bảo hiểm sức khoẻ ở các hãng tư (America). Chỗ thuê người đi làm phải trả $ bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên. Dĩ nhiên có $ thì "chất lượng" dịch vụ cao hơn. Các Bác sĩ ở các nước tân tiến luôn ở trong tư thế thủ vì sợ các bệnh nhân có trình độ trí thức cao thưa kiện và đòi bồi thuờng (Sue !).

Quyết định đem những người bệnh kinh niên ở đảo Phú Quý về đất liền của Ông Khoa Trưởng và đoàn Y có lẽ do lòng tin vào các nguời dân chất phác ấy sẽ không đi kiện cáo đòi bồi thuờng nếu họ không vừa lòng ... Ông Khoa Trưởng là 1 gương sáng cho chúng tôi: làm việc hết lòng, hết sức, nhưng vẫn dành thì giờ cho văn nghệ, du lịch, ẩm thực, và đã giúp cho cả đoàn thưởng thức vài  món đặc biệt của địa phuơng. Nhờ giao thiệp rộng, quen biết nhiều, Ông đã lo cho các Sinh Viên phuơng tiện di chuyển, tìm chỗ ở cho Sinh Viên không có nơi tạm trú ở Sài Gòn năm 1968. Cho dạy Đông Y, châm cứu mà ngày nay ở nhiều nước đã đuợc công nhận. Với những quyết định rất nhanh, táo bạo, Ông đã chuyển nguy thành an cho Trường Y sau biến cố Tết Mậu Thân 1968. Ngày nay, Ông vẫn còn làm việc nhiều giờ , dẫn Bà đi du lịch nhiều nơi. Năm 2006, Ông đã tới Bắc Cực (North  Pole), chọn cách đi phiêu lưu, và được đeo bảng chứng nhận :" Nguời Việt đầu tiên tới Bắc Cực ". Ông viết nhiều bài cho báo Y về các Y sư của Việt Nam (như Hải Thượng Lãn Ông,v.v...), và về ca nhạc dân gian cổ truyền: Ca Trù, hát cô đầu, quan họ ... Ông đã sống và làm đúng như Ông đã viết : “Tôi đã không làm nhiều việc mà mọi người thường làm, và tôi hay làm những việc mà ít nguời muốn làm hay dám làm".

Sẽ thiếu sót nếu bài viết về đảo này chưa nhắc đến 1 nguời bạn thời Trung Học 7 năm của chúng tôi, nhà văn Mỹ Khê ( M.H.Đỗ), một cư dân của đảo Phú Quý, hiện đang sống ở Bắc California. Bút hiệu Mỹ Khê lấy từ địa danh sinh quán trên đảo Phú Quý. Mỹ Khê viết nhiều bài văn với nhiều thể loại khác nhau, nhưng đặc biệt nhất là những bài viết về đảo Phú Quý: những kỷ niệm, chuyện xưa tích cũ, về nghề trồng cây bông vải và nghề dệt vải truớc đây, về chùa miếu vạn ... và tín ngưỡng ở trên đảo,v.v...

Mỹ Khê là 1 cây bút tài tử, viết trong những giờ rảnh, như 1 thú vui, dành những lời tâm sự gởi cho đồng hương, bạn bè:"Lòng tôi bao giờ cũng nhớ về quê hương. Tới nơi đất lạ quê nguời mà trái tim nhỏ bé của tôi còn để lại nơi quê nhà diệu vợi. Nơi đó bao nhiêu là kỷ niệm: những hàng dậu, thửa vuờn, những mái tranh đơn sơ, những miếu lăng cổ kính đã đi vào tim tôi. Những cái thô thiển mộc mạc lại là những hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức dễ dàng mà giờ đây mỗi lần nghĩ đến vẫn thấy nao nao. Cái thao thức của tôi lúc đó không khác hơn lúc tôi bắt đầu sống trên đất Mỹ , nghĩ về Việt Nam thân yêu.."   (Mỹ Khê)

Trong 1 bài hồi ký, Mỹ Khê thuật lại, khi còn là cậu bé rời đảo lên đất liền học, phải cẩn thận điều chỉnh lại cách phát âm để tránh làm các bạn cùng lớp chú ý rồi trêu chọc. 

Hai nguời bạn khác ngồi gần Mỹ Khê, người gốc Quảng Nam, cũng chung tâm trạng và cũng làm như vậy, mới ăn yên ở yên với đám người thứ ba: học trò, sau nhất quỷ, nhì ma! Điều này thì những ai tới sinh sống ở các xứ có tiếng nói và chữ viết hoàn toàn khác với những ngôn ngữ đã biết, đã học, cũng có chung kinh nghiệm bản thân như vậy, và phải mất  nhiều năm mới hội nhập được với môi truờng mới .

Nhờ có Mỹ Khê mà chúng tôi biết thêm 1 số thông tin về đảo ngày xưa và ngày nay, cùng  những nỗi khó khăn cực khổ trong nghề trồng bông dệt vải với rất nhiều "công đoạn" và cách thức phức tạp , "1 tấc vải gần như phải đổ 1 bát mồ hôi" .

Trước hết là phải chuẩn bị đất trồng cây bông vải, bón phân, gieo hạt, chắn gió, trừ sâu. Tới kỳ, hái bông vải phơi khô, cán để tách hạt, bật bông để nó tơi ra, kéo sợi, cuộn chỉ cho vào con thoi. Nguời dệt, chân đạp, tay đưa con thoi.

Con gái đảo Phú Quý ngày xưa mà không biết nghề trồng bông dệt vải thì xem như không có ai dám rước! Nhờ nghề này mà trên đảo không hề thiếu vải như các vùng khác,  dầu là trong  thời thế chiến hay khi chiến tranh ác liệt khiến giao thông  bị đình trệ, lại dư vải để bán cho đất liền hay nộp thuế bằng vải. Nghề trồng bông dệt vải trên đảo Phú Quý chấm dứt vào cuối thập niên 60, khi hàng vải công nghệ nhập cảng tràn ngập vào Việt Nam, giá rẻ.

- " Ngày nay, nhìn những sạp vải, cửa hàng bày bán hằng hà sa số vải nội ngoại nhập muôn hồng nghìn tía, người Phú Quý chợt vọng tưởng quá khứ đầy gian lao của Cha Ông mà lòng man mác nỗi buồn khôn tả "  (Mỹ Khê)

Đảo Phú Quý có 9 làng 3 xã. Ngày xưa dân đảo phải nộp cho triều đình phong kiến các hải sản, được xem như là đóng thuế : Mực khô, cá khô, vi cá, hải sâm và vải tự dệt bằng tay ...Ngày nay nguời dân trên đảo hay nguời hải đảo đi xa khắp nơi trên thế giới vẫn nhớ về cội nguồn, chốn cũ. Họ quy tụ lại ngày đầu mùa Hè hàng năm để cúng tế với những nghi thức cổ truyền, nhắc nhở cho con cháu về công đức các vị tiền nhân, về Thày và Bà Chúa.

 Miền Nam Cali có hội Đồng hương Phú Quý, họ đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, cùng tổ chức buổi tế và sau đó ăn tiệc chung với phần văn nghệ và hòa âm phối khí cây nhà lá vuờn. Họ tự nguyện đóng góp gởi về đảo để giúp đỡ, ngoài người thân ra, những người ở trên đảo có hoàn cảnh khó khăn, và để tu bổ, xây dựng lại các Chùa, Vạn, Lăng Bà Chúa, Dinh Thày, Miếu, v.v...

Đã nhiều lần đi theo Đoàn công tác cứu trợ, nhóm y tế về làng ...trước năm 1975, chúng tôi đã được đi tàu thủy, trực thăng hay máy bay dọc vùng biển Nha Trang, Phan Thiết, biển Vũng Tàu, biển miền Trung,  Huế, Hội An, Đà Nẵng ...Trực thăng nghiêng cánh trên vùng núi đồi Hải Vân, tàu thủy ngược sông Hương nhân dịp thăm các lăng tẩm và điện Hòn Chén của nguời Chàm. Tàu thủy xuôi trên những dòng sông ngang dọc miền Trung, và  miền Nam, với Kinh rạch có hàng dừa lã bóng. Sau này khi có dịp đi nhiều mới thấy phong cảnh quê huơng mình đa dạng và đẹp không thua kém gì các nơi nổi tiếng trên thế giới.

Thuở ấy, theo Đoàn Y trong những chuyến đi xa về vùng quê hẻo lánh, không dám thuật lại cho Cha Mẹ nghe vì sợ gây ra lo lắng và trách móc. Cha Mẹ lúc nào cũng cho Con đi máy bay hay Boeing, dù rằng rất đắt, tránh đi xe đò, dù rằng rất rẻ, sợ những vụ chặn đuờng, đào đường, đắp mô đặt mìn, lùa hành khách vào rừng nghe thuyết giảng, yêu cầu đóng góp hay bắt đi theo! Sau ngày đất nước chấm dứt chiến tranh, đọc lại các báo chí tài liệu cũ của miền Bắc mới nhận ra cái thời chúng ta còn trẻ, đi tới  các vùng xa xôi hẻo lánh là  "điếc không sợ súng": Vì tất cả các máy bay, tàu biển, trực thăng của miền Nam lúc ấy đều là mục tiêu được hô hào nhắm tới của các vũ khí tối tân viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa: AK 47, B40, 41, phóng lựu, phóng hỏa tiễn tầm nhiệt, đất đối không, đất đối đất, v.v... của quân đội chính quy miền Bắc, và các súng thô sơ cũ kỹ từ thời Pháp thuộc, đệ nhất đệ nhị thế chiến còn dùng lại của nam nữ du kích, dân quân hướng tới sẵn sàng nhả đạn...để lập thành tích dâng lên trên, để kỷ niệm ngày sinh ngày mất của lãnh tụ hay của 1 nhân vật quan trọng, để mừng ngày đặc biệt: ngày Độc Lập, ngày Quốc Khánh ... để gây tiếng vang đối với  dư luận công chúng trong và ngoài nước khi có hội nghị cao cấp, để tạo áp lực về chánh trị khi có bầu cử Tổng Thống, v..v...

Ngay cả trong các sách giáo khoa cho trẻ em miền Bắc tiểu học, trung học trước đó và ở trong miền Nam sau này, các bài học, bài tập, bài toán đều có cùng chủ đề: diệt địch, diệt xe tăng, bắn máy bay, tàu thủy địch lập công, nhổ đồn bót, chống càn, chống lấn đất dành dân ...

Và tàu sắt cũng không thể nào chắc chắn an toàn được khi biển động. Bao nhiêu  tàu sắt vĩ đại mà những người đóng tàu cho là vô địch cũng nằm duới lòng biển khi gặp tai nạn hay khi sóng gió bão bùng, như Titanic, Queen Mary... trong lịch sử hàng hải cho tới ngày nay với các tàu "hiện đại" nhất. Chỉ có sức mạnh của thiên nhiên là vô địch!

Đảo Phú Quý  có những ngư dân dày dạn kinh nghiệm tay nghề, theo mùa và tùy nơi mà đánh bắt cá Thu, cá mập, mực, cá ngừ đại dương và vô số các loài hải sản khác ...Nhật Bản, quốc gia có nhiều đảo, có đội tàu thuyền đông và "hiện đại", dùng kỹ thuật "tân tiến" để đánh bắt thủy hải sản cũng đã bỏ vốn vào đầu tư hải sản ở Việt Nam. Đó là vì nguồn nhân lực nhiều kinh nghiệm, chịu cực chịu khổ sẵn có ở địa phương, chấp nhận lương trả rẻ mạt, lại không đòi bảo hiểm sức khoẻ, bồi thường tai nạn lao động, bồi thường bệnh đau, không đòi tiền hưu, tiền tử. Không đòi nghỉ phép, nghỉ hè, nghỉ sinh ...như nhân công các nước "tân tiến", có trình độ cao, có công đoàn, có bảo hiểm, có luật chặt chẽ bảo vệ quyền lợi cho công nhân.

Biết đâu rồi sẽ có ngày, chúng ta, những người đã thăm đảo Phú Quý năm 1968 ấy, sẽ có dịp trở lại, để nhìn đảo ngày xưa, đã và đang thay đổi nhiều theo chuyển hướng mở cửa hội nhập đầy thách thức của quê hương ngày nay  ...??

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét