Miền Nam nước Việt có nhiều nơi cùng mang địa danh Tha La. Tỉnh Tây Ninh có những nơi như vậy, ở 2 huyện: 1. Tân Châu: suối Tha La dài 34km được đập cao su Tha La ngăn nước tạo thành hồ thủy lợi Tha La. 2. Trảng Bàng: xóm đạo nổi tiếng khắp nơi nhờ bài thơ của Vũ Anh Khanh đã được các nhạc sĩ phổ nên ca khúc tân nhạc, rồi được chuyển soạn thành tân cổ giao duyên, mà bài này sẽ phản ánh. Tha La do phiên âm từ psala, tiếng Khmer, nghĩa gốc là chòi trại của sư sãi, nghĩa phái sinh là ngôi nhà được các phum sóc tạo lập giúp khách qua lại có chỗ tạm nghỉ. GIÁO ĐƯỜNG THA LA Năm 1840, ở huyện Trảng Bàng, lúc ấy gọi huyện Quang Hóa, Tha La trở thành xóm đạo bởi ông Côximô Nguyễn Hữu Trí – giáo dân chứ không phải linh mục mà nhiều tài liệu ghi nhầm – cùng gia đình từ Huế vào định cư. Ông Trí đã mời quý linh mục đến Tha La để thực hiện các nghi thức phụng vụ, kể cả bí tích thánh tẩy / rửa tội. Năm 1860, Tha La mới có linh mục đầu tiên trú ngụ: Besombes Hạnh. Nhà thờ Tha La ban sơ đơn giản bằng tranh tre đã bị dân làng Lộc Giang kề cận phóng lửa thiêu rụi vào năm 1862 vì mâu thuẫn với linh mục Hạnh. Chẳng bao lâu sau, tín đồ Paulus Nguyễn Văn Viên được chính quyền Pháp bổ nhiệm cai tổng rồi tri huyện Trảng Bàng. Năm 1881, linh mục Laurenso Bính quản họ Tha La tiến hành vận động xây dựng nhà thờ, tri huyện Viên liền góp 2.200 đồng. Sau 3 năm thi công, giáo đường hoàn thành vào cuối năm 1885. Năm 1887, xây nhà cha sở. Năm 1888, xây tháp chuông và mua chuông. Năm 1956, đồng bào Công giáo từ miền Bắc di cư vào Nam được bố trí cư ngụ ở xóm Trường Đà, sinh hoạt với họ đạo Tha La. Linh mục Gioan Baotixita Hồ Văn Vui tu bổ giáo đường, xây trường học, dựng núi Đức Mẹ Lộ Đức trong sân nhà thờ Tha La vào năm 1957. Kỷ yếu Giáo phận Phú Cường (1965-2005) (NXB Tôn Giáo, 2005) ghi nhận: "Ðây là núi Ðức Mẹ, có mô hình hang đá Bê-lem, nơi Thiên Chúa ra đời. Dưới bóng me xanh mướt, đá núi sẫm đen làm nổi bật hai nấm mộ có bia bằng đá cẩm thạch trắng. Một bên là mộ ông bà tri huyện Nguyễn Văn Viên, người bỏ nhiều tài lực góp xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên. Và ngôi mộ kia của người đầu tiên khai mở nên giáo xứ Tha La là Côximô Trí." Tích cực chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, nên linh mục Gioan Baotixita Hồ Văn Vui tham gia đảo chính lần đầu do đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Quang Đông lãnh đạo. Vụ đảo chính này thất bại, linh mục Vui nhanh chân qua Campuchia, sang Thái Lan rồi sang Pháp. Sau khi vụ đảo chính thứ nhì do trung tướng Dương Văn Minh cầm đầu thành công ngày 1-11-1963, linh mục Vui hồi hương. Ngày 14-10-1965, Đức giáo hoàng Phaolô VI ban sắc chỉ thành lập giáo phận Phú Cường tách từ tổng giáo phận Sài Gòn. Ngày 22-9-1966, giám mục địa phận Phú Cường là Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên chính thức thành lập giáo xứ Tha La, tiếp tục cử linh mục Gioakim Nguyễn Văn Nghị quản xứ này. Linh mục Nghị kêu gọi tín hữu trong giáo xứ Tha La mỗi ngày tiết kiệm 2 đồng đóng góp xây dựng thánh đường mới do ông Ba Giúp thiết kế bằng cách phối hợp mẫu mã nhà thờ Bình Đại (Bến Tre) và nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Khởi công ngày 10-9-1967, hoàn thành ngày 13-12-1970, giáo đường Tha La được mọi người gọi vui là nhà thờ 2 Đồng. Vương Công Đức viết trong sách Trảng Bàng phương chí (NXB Tri Thức, 2014): "Nhà thờ Tha La sau khi xây mới trở thành một trong những nhà thờ giáo xứ lớn nhất tại miền Nam khi đó. Theo ước tính, tổng chi phí xay dựng khoảng 50 triệu đồng Việt Nam Cộng Hòa, trong đó giáo dân trong vùng đóng góp 5 triệu đồng." Năm 1995, linh mục Giuse Nguyễn Tấn Tước xây tường rào quanh sân nhà thờ. Năm 2016, linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Đức cải tạo và mở rộng nhà thờ, nâng cao mái tháp chuông. Phanxipăng thăm Tha La. Mặc dù Tha La đã trở thành giáo xứ từ năm 1966, nhưng cổng thánh đường lâu nay vẫn ghi họ đạo. Ảnh: Vàng CốmBÀI THƠ THA LA RA ĐỜI Tha La có những giáo dân và linh mục nhiệt tình tham gia quốc sự. Trước linh mục Gioan Baotixita Hồ Văn Vui, nơi đây xuất hiện linh mục Phêrô Nguyễn Bá Kính. Năm 1944, linh mục Phêrô Nguyễn Bá Kính về Tha La phụ giúp linh mục chánh xứ Gioan Baotixita Nguyễn Thái Tông. Năm 1946, linh mục Kính cùng một số giáo dân lên đường tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Linh mục Kính đã tử nạn ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Vũ Anh Khanh đến Tha La ăn Tết Kỷ Sửu 1949 với bạn tâm giao là nhà văn, nhà báo, nhà giáo Thẩm Thệ Hà. Biết chuyện linh mục liệt sĩ Phêrô Nguyễn Bá Kính, Vũ Anh Khanh vô cùng xúc động, bèn sáng tác bài thơ gồm 93 dòng, trích: Tha La giận mùa thu Tha La hận quốc thù Tha La hờn quốc biến Tha La buồn tiếng kiếm Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh Ơ... ơ... hơ... có một đám chiên lành Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy Quỳ cạnh Chúa, đám chiên lành run rẩy: Lạy Đức Thành Cha Lạy Đức Thánh Mẹ Lạy Đức Thánh Thần Chúng con xin về cõi tục để làm dân... Rồi... cởi trả áo tu Rồi... xếp kinh cầu nguyện Rồi... nhẹ bước trở về trần Viễn khách ơi! Viễn khách ơi! Người hãy dừng chân Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi, khách nhé! Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ Trời Tha La vần vũ đám mây tan Vui gì đâu mà tâm sự? Buồn làm chi mà bẽ bàng? Ơ... ơ... hơ... ờ... ơ... hơ... tiếng hát Rung lành lạnh ngâm trầm đôi khúc nhạc Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi! Tha La thương người viễn khách đi thôi! Trích đoạn bài thơ Hận Tha La được Vũ Anh Khanh in đầu "tiểu thuyết dài" Nửa bồ xương khô của chính mình (NXB Tân Việt Nam, 1949); sau đó in trong sách Thơ mùa giải phóng (NXB Sống Chung, 1950) với nhan đề Tha La. THƠ CA NÂNG CÁNH THA LA Vũ Anh Khanh có họ tên gì? Các tư liệu ghi nhận không thống nhất. Lược sử văn nghệ Việt Nam: nhà văn miền Nam 1945-1950 của Thế Phong cho rằng Vũ Anh Khanh có họ tên Vũ Văn Khánh. Từng nhiều lần tiếp xúc Vũ Anh Khanh trước lẫn sau khi tập kết ra Bắc, nhà văn Xuân Vũ cho rằng Vũ Anh Khanh có họ tên Võ Văn Khanh. Nhà văn Thẩm Thệ Hà quá thân thiết với Vũ Anh Khanh lại cho rằng bạn mình có họ tên Nguyễn Năm. Ngoại trừ hai tiểu thuyết Cây ná trắc và Sông máu in năm 1948, các tác phẩm khác của Vũ Anh Khanh đều ấn hành năm 1949 gồm các tiểu thuyết Bạc xỉu lìn, Nửa bồ xương khô, các tập truyện ngắn Đầm Ô Rô, Ngũ Tử Tư, Bên kia sông, tập thơ Chiến sĩ hành. Theo Từ điển văn học bộ mới (NXB Thế Giới, 2004), sách của Vũ Anh Khanh có "số lượng phát hành chiếm kỷ lục trong số ấn phẩm thời đó", là loạt "bức tranh bi thiết nhưng hào hùng của người dân Nam Bộ trên những chặng đường chống Pháp gay go". Soạn bài Vũ Anh Khanh – cây bút hàng đầu của dòng văn chương tranh đấu miền Nam 1945-1954 đăng tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 1-2012, Nguyễn Thị Phương Thúy nhận định: "Trên thi đàn thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng nhà thơ một tác phẩm. Trong khi có người sáng tác rất nhiều vẫn không đủ để người đời nhớ tên thì vẫn có những nhà thơ nổi danh chỉ nhờ một bài thơ thành công, ghi sâu vào lòng công chúng. Vũ Anh Khanh thuộc vào danh sách những nhà thơ này với bài thơ Tha La nổi tiếng, mặc dù đó không phải là bài thơ duy nhất của ông." Bài thơ Tha La của Vũ Anh Khanh liên tục vang xa, ngấm sâu vào lòng người, không chỉ bằng các tiết mục đọc và diễn ngâm, mà còn bởi chuyển thể để tiện tập luyện, trình diễn, ghi âm, ghi hình. Năm 1964, nhạc sĩ Dzũng Chinh có họ tên Nguyễn Bá Chinh (1941-1969) phổ bài thơ Tha La thành ca khúc Tha La xóm đạo với nhịp ₵ (2/2), điệu slow rumba. Năm 1965, nhạc sĩ Sơn Thảo tức Thanh Sơn có họ tên Lê Văn Thiện (1940-2012) phổ bài thơ Tha La thành ca khúc Hận Tha La với nhịp ₵, điệu bolero. Cũng năm 1965, nhạc sĩ Anh Tuyền phổ bài thơ Tha La thành ca khúc Vĩnh biệt Tha La với nhịp C (4/4), điệu slow rumba. Nguyên tác cả ba ca khúc đều chơi âm giai chủ rê thứ. Kết hợp ca khúc của Sơn Thảo, soạn giả cải lương Viễn Châu có họ tên Huỳnh Trí Bá (1924-2016) sáng tác bài tân cổ giao duyên Hận Tha La. Bài thơ Tha La của Vũ Anh Khanh cùng các bài ca vừa nêu đã-đang-sẽ đưa Tha La đến với đông đảo công chúng muôn phương. Ngược lại, lâu nay và mai sau, khá đông người gặp dịp ghé huyện Trảng Bàng đều háo hức tìm thăm Tha La xóm đạo. Ngay tại giáo đường Tha La, trong những chương trình văn nghệ phù hợp, bài thơ Tha La cùng các ca khúc tân nhạc và tân cổ giao duyên phổ thi phẩm này vẫn ngân nga truyền cảm. ♥
Phanxipăng thăm Tha La. Mặc dù Tha La đã trở thành giáo xứ từ năm 1966, nhưng cổng thánh đường lâu nay vẫn ghi họ đạo. Ảnh: Vàng Cốm
Chân dung Vũ Anh Khanh do Phanxipăng vẽ nhanh từ di ảnh cố nhà thơ, nhà văn, nhà báo
Bài thơ Hận Tha La được Vũ Anh Khanh sáng tác dịp Tết Kỷ Sửu 1949, trích đoạn in đầu "tiểu thuyết dài" Nửa bồ xương khô của chính mình (NXB Tân Việt Nam, Sài Gòn, 1949)
Ca khúc Tha La xóm đạo do Dzũng Chinh phổ thơ Vũ Anh Khanh
Ca khúc Hận Tha La do Sơn Thảo phổ thơ Vũ Anh Khanh
Ca khúc Vĩnh biệt Tha La do Anh Tuyền phổ thơ Vũ Anh Khanh |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét