khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

Thầy Tôi - Tác giả Tâm Tịnh An


Chiều hôm ấy như thường lệ, sau giờ học chúng tôi ở lại để trả cho Thầy những cuốn sách đã mượn tuần trước và đổi lấy sách mới. Sau khi các bạn tôi đã về hết, Thầy tìm một lúc rồi kéo ra một cuốn sách mỏng khổ lớn giấy vàng khá cũ kỹ và nói, “Đây là quyển Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, bản in đầu tiên, Thầy quí lắm nên ít cho ai mượn, Thầy nghĩ em đọc sẽ thích”. Sách để lâu trong tủ phảng phất một mùi thơm nhẹ của gỗ. Tôi cảm động ôm quyển sách mà nghẹn ngào muốn khóc, hít mùi gỗ thơm như nén vào lòng tất cả sự ưu ái của Thầy.

Khi tôi học lớp đệ ngũ thì Thầy T. đang vừa làm giám thị vừa dạy một số lớp Anh văn và Pháp văn. Nghe nói Thầy chỉ tự học mà thông thạo nhiều thứ tiếng. Thầy nổi tiếng nghiêm khắc và học trò lớn bé đứa nào cũng sợ Thầy một phép. Nếu thấy Thầy từ đàng xa, mấy đứa học trò trai lật đật bỏ áo vô quần, đứa nào tay áo đang xăng lên thì vội bỏ xuống gài nút lại. Một lần tôi thấy một anh học trò tay áo đang xăng lên, gặp Thầy thì Thầy bắt đứng ngay ngắn lại rồi Thầy vả cho một cái. Thầy nói xăng tay áo lên nghĩa là sắp đánh lộn với Thầy, vậy thì Thầy phải đánh trước! Với nữ sinh thì Thầy không đến nỗi khó như vậy nhưng bọn tôi vẫn cố tránh mặt Thầy. Nếu thấy không thể tránh được thì vội đứng ngay ngắn lại, nón lá cầm tay lí nhí cúi đầu chào Thầy rồi thở phào nhẹ nhõm khi Thầy đi qua.

Ấy vậy mà một hôm trong bữa cơm chiều, ba tôi thủng thỉnh nói, “Ba nghe nói Thầy T. dạy Anh văn hay lắm và Thầy có mở lớp dạy tư ở nhà, hôm nào rảnh ba sẽ dắt con tới xin học với Thầy.” Trời ơi!

Tôi nghe bỗng rụng rời.

Nhìn ba luống nghẹn lời…

Chén cơm đang ăn tôi nuốt không vô nữa. Những ngày sau đó tôi buồn bã và lo lắng không yên, mỗi lần nghĩ tới phải đi học Thầy là lòng tôi chùng xuống, đang vui cũng mất vui, cứ vái trời cho ba tôi quên luôn vụ đó. Vậy mà ba tôi không quên và ngày tôi lo sợ đã đến. Hôm ấy sau khi ăn cơm chiều xong, ba tôi lấy xe đạp chở tôi đến nhà Thầy. Ngồi sau lưng ba, tôi lâm râm khấn vái Quan Thế Âm Bồ Tát cho Thầy không có ở nhà. Khi Thầy bước ra mở cửa tôi tiếp tục vái cho Thầy đừng nhận tôi.

Phòng khách nhà Thầy được dùng làm phòng học với bốn dãy bàn gỗ được lau chùi bóng lộn, đối diện với vách ngăn có gắn tấm bảng lớn. Phòng được ngăn với lối đi vô bằng một tủ sách rất dài, hai mặt đều chứa đầy sách xếp thật ngăn nắp, thẳng tắp, trên kệ có các món trang trí nhỏ nhỏ rất đẹp mắt. Tỉnh tôi ở ngoài tiệm sách duy nhất của thị xã, tôi chưa thấy chỗ nào hay nhà nào có nhiều sách như thế. Tôi không để ý hai người nói gì với nhau, chỉ mải mê ngắm tủ sách của Thầy cho tới khi ba tôi bảo tôi đứng lên chào Thầy về sau khi hứa với Thầy là chiều thứ hai tuần sau tôi sẽ tới học.

Thế là tôi phải đi học Thầy! Học với Thầy rồi tôi mới thấy Thầy không quá nghiêm khắc như tôi tưởng và Thầy có một phương pháp dạy rất khác với những Thầy dạy sinh ngữ khác. Cách đây hơn 50 năm mà Thầy đã dạy cho chúng tôi học ngữ vựng bằng flash cards. Hồi đó không có card bán sẵn nên chúng tôi lấy giấy trắng cắt thành những tấm nhỏ cỡ 5x7.5cm. Mỗi từ mới được viết ở mặt trước, bên dưới là một câu có chữ mới đó. Như thế mình có thể đoán được nghĩa của chữ đó trong ngữ cảnh của nó. Khi nào không đoán được nữa thì mới lật qua mặt sau để xem nghĩa tiếng Việt của chữ đó. Cards được xếp theo thứ tự ABC nên rất dễ tìm lại khi cần.

Thầy lại hay đọc thơ. Chẳng hạn khi học chữ “valley” thì Thầy đọc:

Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u…
(Huy Cận)

Khi học chữ “to light a cigarette” thì Thầy đọc:

Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên mây…
(Hồ DZếnh)

Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù
Đốt điếu thuốc chiêu hồn sương quá khứ…
(Xuân Diệu)

Học chữ “moon” thì Thầy đọc:

Rừng xõa tóc để ngươi thành chiếc lược
Biển nhân ngươi thành ức triệu vòng khuyên
Gió căng ngươi trên những cánh buồm thuyền
Ngươi định nhịp cho sóng triều xuôi ngược…
(Xuân Diệu)

Khi Thầy hỏi đứa nào một câu mà chờ lâu chưa thấy trả lời thì Thầy cười cười, gõ gõ ngón tay lên bàn:

Ta đợi em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm…
(Vũ Hoàng Chương)

Cứ thế dần dà tôi đâm ra yêu thơ và yêu những giờ học với Thầy lúc nào không biết. Sau khi học được một thời gian thì Thầy nói, “Em nào thích đọc sách thì sau giờ học ở lại Thầy sẽ cho mượn sách đọc.” Tỉnh tôi ở không có thư viện, tôi lại không có nhiều tiền để mua sách nên đề nghị của Thầy khiến tôi mừng lắm. Thế là mỗi chiều thứ hai sau giờ học chúng tôi ở lại để mượn sách. Thầy chọn sách thích hợp cho từng đứa, từng trình độ. Nếu Thầy cho mượn một lúc nhiều cuốn thì Thầy sẽ dặn đọc cuốn nào trước cuốn nào sau. Khi tôi bắt đầu đọc được sách bằng tiếng Anh thì Thầy cho phép tôi đến gặp riêng Thầy mỗi sáng thứ bảy để hỏi Thầy những điều không hiểu. Thầy có lớp dạy Pháp văn cho các học sinh học Pháp văn như sinh ngữ chính, nhưng Thầy bảo tôi cứ tới học mà không phải đóng thêm tiền. Tôi nhận ra rằng bên dưới vẻ khó khăn nghiêm khắc của Thầy là một tấm lòng tận tụy với học trò vô bờ. Thầy đã khơi dậy trong tôi lòng yêu mến thơ văn, ngôn ngữ và nhất là tiếng Việt. Thầy không chỉ trao truyền kiến thức mà còn dạy cho chúng tôi cách tự học và làm việc sao cho có hiệu quả mà ít tốn thì giờ. Thầy đã làm cho tôi thấy việc học không còn là chuyện khó nhọc mà là một chuyện vui, là một niềm hạnh phúc trong khi đang học chứ không phải đợi đến khi thành đạt. Thầy còn dạy nhiều thứ khác nữa mà lúc ấy tôi không nghĩ là quan trọng nhưng khi lớn lên mới thấy thật hữu dụng. Cái vốn Anh ngữ Thầy truyền cho tôi đã giúp tôi thật nhiều nơi xứ người, và những cuốn sách đọc được trong tủ sách của Thầy đã thực sự nuôi dưỡng tâm hồn tôi. 

Sau biến cố 30/4/1975, nghe nói Thầy bị sa thải với lý do là không có bằng cấp. Việc mở lớp dạy tư cũng bị cấm. Thầy cố gắng duy trì công việc này bằng cách là dạy miễn phí và học trò trả công cho Thầy bằng gạo và thức ăn nhưng việc này cũng không kéo dài được lâu. Lúc ấy tôi đã vào Đại học và bản thân cũng gặp nhiều khốn đốn như bao nhiêu người khác nên tôi thực sự không rõ Thầy và gia đình đã sống cách nào trong giai đoạn ấy.

Sau gần nửa thế kỷ, khi tôi có cơ hội về thăm Thầy thì Thầy đã khuất núi. Tôi bùi ngùi nhìn lại căn phòng nơi tôi đã trải qua những ngày tháng êm đềm của tuổi học trò. Dãy bàn học không còn nữa nhưng tủ sách vẫn còn. Tôi mường tượng dáng Thầy gầy gầy với mái tóc hoa râm đang lom khom ngồi lựa sách cho học trò. Những cuốn sách thơm mùi gỗ vẫn còn đây mà Thầy đã khuất bóng. Tôi hỏi xin con của Thầy quyển Chùa Đàn để kỷ niệm một buổi chiều khó quên khi lần đầu tiên tôi nhận ra tình thương đặc biệt của Thầy dành cho mình. Buổi chiều hôm ấy Thầy không chỉ cho tôi mượn một quyển sách mà chính là Thầy đã trao cho tôi một ngọn lửa nhỏ xíu từ ngọn đuốc của Thầy. Trải qua hơn nửa thế kỷ ngọn lửa ấy vẫn âm ỉ cháy trong lòng và tôi tin rằng nó sẽ không bao giờ tắt. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét