khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2020

Những bộ óc vĩ đại có xuất thân từ trường chuyên?- Tác giả Ts Nguyễn xuân Xanh


Nhân tranh luận về trường chuyên, có thể thấy việc phát hiện và bồi dưỡng các tài năng thời nào cũng đều chính đáng, vì đó là tài sản quốc gia nhưng giáo dục thế nào để phát triển tài năng, xét về mặt con người, xã hội đó mới là vấn đề?

Trường chuyên chỉ nên hưởng một phần ngân sách nhà nước 

Người ta tin rằng thượng đế ban bố tài năng rất nhiều cho nhân loại, nhưng sự phát triển mỗi người có thể không giống nhau. Có những người phát triển nhanh, có người phát triển chậm. Có người phát triển tùy vào hoàn cảnh gia đình hay môi trường văn hóa, xã hội xung quanh mà họ may mắn hay không may mắn sống trong đó. Có những người làm những khám phá vĩ đại ở tuổi 20, trong khi những người khác ở tuổi 40.
GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện toán học Việt Nam, năm 2014 có viết một bài về trường chuyên tôi rất tâm đắc. Ông nói: "Chắc không ai “nói không” với bồi dưỡng học sinh giỏiNhưng, bồi dưỡng như thế nào, đầu tư vào việc đó như thế nào xét trong khung cảnh đầu tư cho giáo dục “đại trà”, lại là một câu hỏi lớn". Và "chúng ta không thể chỉ tập trung vào học sinh giỏi, mà mục tiêu là phải nâng cao mặt bằng dân trí chung, và cuối cùng, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội". Tuy bồi dưỡng năng khiếu đặc biệt, nhưng theo ông, chúng ta cần những con người toàn diện. “Con người toàn diện”, nói một cách cụ thể hơn, là người có khả năng đối diện với mọi thách thức của cuộc sống.
Nhà nước tập trung đầu tư vào trường chuyên nhưng lại thiếu đầu tư vào các trường đại học là nơi đào tạo con người tham gia vào phát triển xã hội, còn là nơi thu hút các học sinh tốt nghiệp tại các trường chuyên. Tài năng Việt Nam có nhiều điều kiện để  thăng hoa, cất cánh tại các quốc gia phát triển. Đây là một nghịch lý hết sức lớn mà không biết chừng nào mới chấm dứt.
Mặt khác, để giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính cho Nhà nước, trường chuyên nên trở thành những thực thể độc lập, một phần hưởng ngân sách Nhà nước ở mức độ nhất định, một phần phải tự tạo bằng sự vận động xã hội, giống như hệ thống các trường tư ở Mỹ. Trường nên có một Hội đồng tín thác (Board of Trustees) để lo việc đó, cũng như việc giáo dục của trường. Nếu trường là tư nhân thì nên phi-lợi nhuận.
Việt Nam đang có nhiều nhà toán học xuất sắc, nhưng toán học thực sự chưa đi vào đời sống kinh tế như các quốc gia phát triển. Toán học là một ngành khoa học còn đứng cô lập, có giá trị biểu tượng của năng lực tư duy nhiều hơn là đem sự hữu ích của nó phụng sự xã hội. Nhà nước cũng chỉ dừng lại ở sự đào tạo những người giỏi toán có thể giành giải Olympic quốc tế mà chưa nghĩ đến bước sau là phát triển nguồn nhân lực toán học đông đảo ở đại học để phụng sự kinh tế. 
Tôi chưa nghe Galilei, Newton, Darwin, hay Einstein là những học sinh của trường chuyên nào để được “luyện gà nòi”. Vào những thời điểm đó không có loại trường chuyên như bây giờ. Nhưng họ hết sức vĩ đại. Họ chỉ có những vị thầy giỏi, nâng đỡ và truyền cảm hứng. Chẳng hạn Newton có thầy toán Isaac Barrow ở ĐH Cambridge rất giỏi, giúp đỡ ông đọc nhiều hơn, để rồi sau này nhường lại chiếc ghế giáo sư Lucas cho Newton. Còn Galilei thì hầu như tự học. Darwin lại càng hoàn toàn tự học...

Không biến học sinh thành “chuyên gia” quá sớm

Trở lại vấn đề của giáo dục cho con người, chúng ta hãy nghe lại ý kiến của Albert Einstein từ trải nghiệm bản thân của mình:
"Động cơ quan trọng nhất cho thành tựu ở trường học và trong cuộc sống là niềm vui ở công việc, niềm vui ở kết quả của nó, và ý thức về giá trị của kết quả lao động cho cộng đồng. Trong việc đánh thức và củng cố những sức mạnh tâm lý đó ở người trẻ tuổi, tôi nhìn thấy nhiệm vụ quan trọng nhất giáo dục học đường. Chỉ một nền tảng tâm lý như vậy sẽ dẫn đến sự theo đuổi hoan hỉ những lợi ích cao quý nhất của con người: Nhận thức và sự sáng tạo nghệ thuật
 Albert Einstein  chống lại quan điểm cho rằng trường học phải dạy trực tiếp những kiến thức và những kỹ năng chuyên biệt mà người ta sẽ trực tiếp sử dụng sau này trong đời. "Trường học nên luôn luôn thiết tha nhắm đến mục tiêu, rằng người trẻ rời nhà trường như một nhân cách hài hòa, chứ không phải một chuyên gia", Einstein nhận định.
Max Planck người khai sinh lượng tử, cũng là người chống lại việc giáo dục để biến học sinh thành những “chuyên gia” quá sớm.
Cuối cùng, xin đựợc chia sẻ với độc giả một sự kiện đáng nhớ về giáo dục nhân cách nhân nói đến vấn đề trường chuyên lần này. Albert Camus, nhà văn lớn Pháp thế kỷ 20, sau khi nhận được giải Nobel văn chương năm 1957, viết ngay một lá thư cám ơn gửi đến người thầy đầu tiên của mình, thầy của trường tiểu học ở Belcourt, một khu phố nghèo thành phố Algier mà Camus đã lớn lên cùng với các gia đình di cư Pháp. Ảnh hưởng quyết định và lâu dài lên ông là người thầy ở đó, như ông viết trong tự thuật, đã tạo ra ý thức về nhân cách cho ông và các bạn học.
Với người thầy, đám học trò lần đầu tiên cảm thấy “chúng tồn tại, và là đối tượng của sự kính trọng cao nhất… chúng có đầy đủ nhân phẩm, xứng đáng để khám phá thế giới.” Calmus nói đến hai chữ “kính trọng”, và “nhân phẩm” từ một đứa trẻ đường phố vô danh và không nguồn gốc. Đó chính là trải nghiệm quyết định của thời học sinh đã tạo cho ông ý chí học hỏi và ý thức về mình. Ông cho thấy tác động của giáo dục tôn trọng nhân cách là sâu sắc đến dường nào, đáng để các nhà giáo dục lẫn phụ huynh phải suy ngẫm, nhất là khi bàn về trường chuyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét