khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2020

Thế Giới Trong Một Tuần Hỗn Loạn


KN: Kim Nhung(KN) xin kính chào quý KTG của tiết mục Thời Sự Ngày Mai với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa(NXN) trong Kim Nhung Show trên hệ thống SBTN. Tiết mục có tôn chỉ là luận đàm cùng ông Nghĩa để tìm hiểu nguyên nhân rồi hậu quả của các biến động kinh tế, an ninh hay chính trị trên thế giới để cùng khán thính giả suy luận ra những gì có thể trở thành thời sự, trong đó may ra thì được nhiều bài học hữu ích cho Việt Nam của hiện tại và tương lai. KN xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa và chúng ta có thể bắt đầu…
KN 1: Kính thưa quý vị, mở đầu cho Tháng Sáu với hàng loạt biến động ở khắp mọi nơi trong suốt một tuần cho nên Kim Nhung chưa biết hỏi kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa rằng thời sự ngày mai sẽ là gì! Nhưng có lẽ đây lại là cơ hội cho ông Nghĩa trình bày cách nhìn của ông. Kim Nhung xin mời ông….
NXN 1: - Tùy giác độ và mối quan tâm của từng người, thì thời sự tuần qua là một kho vàng cho truyền thông báo chí vì có cả chục biến cố dồn dập ở mọi nơi như cô Kim Nhung vừa nói. Quan tâm đến kinh tế thì ai cũng có thể nói tới các quyết định của Chính quyền Donald Trump là thứ nhất tăng sức ép mậu dịch với Bắc Kinh, thứ hai là chấm dứt việc đặc miễn thuế nhập nội trên thép và nhôm của những đối tác hàng đầu là Canada, Mexico và các nước Âu Châu. Hai quyết định ấy nối tiếp việc Mỹ sẽ áp thuế trên xe hơi của Nhật Bản khiến Thủ tướng Shinzo Abe phải than phiền là khó hiểu và không chấp nhận được. Tuần này, Thủ tướng Nhật sẽ trực tiếp nói về những chuyện đó khi gặp Tổng thống Hoa Kỳ vào mùng bảy.
- Riêng tôi lại cho chuyện mậu dịch đó là nhỏ, chẳng khác gì những lời báo động về trận chiến thương mại toàn cầu do chánh sách bất ngờ và bất nhất của ông Trump. Tôi chú ý nhiều hơn tới những mâu thuẫn đa diện, thậm chí toàn diện, giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, về cả an ninh lẫn kinh tế và không quên rằng trong cuộc hội thảo tại Singapore, hôm Thứ Bảy mùng một Tháng Sáu, Tổng trưởng Quốc phòng James Mattis đã chính thức và công khai cảnh báo hành động nguy hiểm của Bắc Kinh trên vùng biển Đông Nam Á. Sau nhiều tướng lãnh Hoa Kỳ, tiếng nói của ông Mattis có trọng lượng rõ rệt và khiến ông Trump hết còn khen Tập Cận Bình như một người bạn tử tế có thể góp phần giải quyết vụ Bắc Hàn!
KN 2: Nói về chuyện Bắc Hàn thì ai cũng thấy sự lạ vào tuần qua là Hoa Kỳ có ba cuộc họp với đại diện của chế độ Bắc Hàn tại ba nơi là New York, Singapore và ngay trong vùng phi quân sự giữa Nam Bắc Hàn. Sau đó là việc Tổng thống Mỹ đã gặp nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng ngay tại tòa Bạch Cung và nhận lá thư chính thức của lãnh tụ Kim Chính Ân vào hôm Thứ Bảy mùng một. Thưa ông Nghĩa, ông đánh giá thế nào về cuộc gặp gỡ này?
NXN 2: - Như mọi khi, tôi sẽ lại nói ngược với đám đông báo chí lếu láo nói rằng ông phát biểu về lá thư trước khi đọc. Hài kịch giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn có nhiều pha cụp lạc trong cả một tuần với lá thư hôm 24 Tháng Năm của ông Trump đòi hủy bỏ thượng đỉnh khiến Bắc Hàn đổi giọng và xuống nước. Sau đó, khi nhận thư của Kim Chính Ân, ông Trump cũng đổi giọng theo ý hạ thấp kỳ vọng của mọi người vào Thượng đỉnh ngày 12 tại Singapore. Ít ai chú ý là lá thư của Kim Chính Ân cho ông Trump phải được các cơ quan hữu trách kiểm tra kỹ xem có tẩm chất độc hay phóng xạ không. Qua tiến trình đó ta nên thấy rằng chẳng ai tin ai và có khi ông Trump đã biết nội dung lá thư qua bản sao trước khi chính thức mở ra. Báo chí lếu láo xòe ra sự bần tiện của họ khi nói ông Trump chưa mở thư đã phát biểu!
- Tôi cho rằng Thượng đỉnh chỉ là màn khai diễn chưa đi tới đâu, mà cũng chẳng là thắng lợi ngoại giao cho ông Trump như ông có thể lầm tưởng. Thời sự Ngày mai sẽ là “truyện dài Bắc Hàn chưa có đoạn kết”. Chúng ta còn nhiều cơ hội phân tách chuyện này trong những ngày và những tháng tới.
- Nói đến các biến cố tuần qua, trước khi ta bước vào Quý III của năm nay, tôi đánh giá ba chuyện sẽ có ảnh hưởng lâu dài là vụ khủng hoảng chính trị tại hai nước miền Nam của Liên Âu là Ý và Tây Ban Nha, và khủng hoảng tài chánh sắp tới trong cột trụ của Âu Châu là nước Đức khi các nước miền Nam đó lâm nạn. Chúng ta đang chứng kiến tình trạng phân rã của Âu Châu, như một chuyến tầu sẽ lao xuống vực khi các vụ khủng hoảng ấy bùng nổ. Vụ ông Trump áp thuế với Liên Âu chẳng có nghĩa lý gì so với chuyện đó!...
KN 3: Thưa quý KTG, ông Nghĩa vừa làm chúng ta giật mình khi đánh giá thấp kết quả sắp tới của Thượng đỉnh tại Singapore nhưng lại chỉ ra một nguy cơ rất lớn trong khối Liên hiệp Âu châu như một chuyến tầu đang lao xuống vực. Ông có cách gì giải thích lối phân tách đó cho khán thính giả của chúng ta không?
NXN 3: - Chúng ta nên quen dần với hài kịch của Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn. Nói là hài kịch vì có nhiều kịch tính khi nóng khi lạnh của đôi bên. Sau khi nói chuyện với nhân vật số hai của chế độ Bắc Hàn, là Tướng Kim Anh Triệt ông Trump có nhấn mạnh với báo chí rằng Thượng đỉnh sẽ không giải quyết được mọi vấn đề và ông còn có vẻ dịu giọng với chế độ, rằng sẽ không gây áp lực tối đa và chẳng áp dụng cả trăm biện pháp trừng phạt đã chuẩn bị sẵn.
- Tôi cho là ông Trump cần có Thượng đỉnh như bước đầu để chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã. Sau đó mới là nhiều cuộc đàm phán khác giữa Mỹ với Bắc Hàn rồi có nhiều nước khác tham dự là Nam Hàn, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Liên bang Nga. Đạt kết quả ban đầu là thắng lợi ngoại giao cho Chính quyền Trump, nhưng thắng lớn chính là Bắc Hàn, Nam Hàn và cả Bắc Kinh vì nguy cơ chiến tranh từ bán đảo Triều Tiên đã bị đẩy lui. Còn chiến thắng biểu kiến của ông Trump thì bị đối lập Dân Chủ và báo chí hạ tầm ảnh hưởng trong khi ba nước Trung Quốc, Nam Hàn và Nhật Bản đang tính xem là phải chi những gì cho việc tái thiết kinh tế Bắc Hàn, như ông Trump đã kêu gọi. Chúng ta có một tuần trước ngày Thượng đỉnh để kiểm chứng chuyện ấy trước khi các phe liên hệ đàm phán về những chi tiết kỹ thuật rắc rối khác. Vì vậy tôi không coi Thượng đỉnh là quan trọng. Nó chỉ là màn khai mở thôi trong khi hàng ngày sẽ có cả trăm lời bình luận đúng sai hay khen chê.
KN: Ông Nghĩa vừa nhắc rằng chúng ta bước vào sáu tháng sau cùng của năm 2018 với nhiều biến động dồn dập trong tuần vừa qua. Sau phần thông tin thương mại, Kim Nhung xin được trở lại tiết mục Thời Sự Ngày Mai với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin quý vị đừng rời máy.
Thông tin Thương mại
KN: Kim Nhung xin cảm tạ sự theo dõi của quý vị và xin đi ngay vào phần hai của tiết mục Thời Sự Ngày Mai của Kim Nhung Show.
KN 4: Thưa ông Nghĩa, một số người ủng hộ Tổng thống Donald Trump thì cho là khi hủy Thượng đỉnh với Bắc Hàn khiến lãnh tụ Kim Chính Ân lập tức đổi ý và xin tiếp xúc trở lại thì ông Trump giống Tổng thống Ronald Reagan ngày xưa vì ông Reagan đã thách thức lãnh tụ Xô Viết thời ấy là Mikhael Gorbachev. Ông nghĩ sao về nhận định này khi chính ông lại hạ thấp tầm quan trọng của Thượng đỉnh vào tuần tới tại Singapore?
NXN 4: - Tôi cho là còn quá sớm để có thể lạc quan kết luận như vậy. Ông Reagan đã bỏ thượng đỉnh thứ nhì với Gorbachev tại Reyjavick vào cuối năm 1986 để gây áp lực, sau đó năm năm thì chế độ Xô Viết mới tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc. Ông Trump chưa có khoảng thời gian đó. Nhưng đồng thời, ông đã có vẻ khá hơn vị tiền nhiệm là Barack Obama trong cách xử trí với Bắc Hàn, Bắc Kinh và Liên bang Nga! Với Bắc Hàn, Tổng thống Trump lên giọng gây chiến và tăng áp lực đến tối đa khiến Kim Chính Ân chột dạ phải tìm kế khác. Với Bắc Kinh, ông Trump không hề nhượng bộ như Obama mà tấn công trên nhiều mặt và đang có chủ trương dứt khoát hơn về an ninh, là điều sẽ thành thời sự sau này. Với Nga, Trump cứ bị mang tiếng là thân Putin mà lại có nhiều quyết định trừng phạt rất cứng rắn và còn công khai hỗ trợ các nước Đông Âu như Ba Lan, Hung hay Cộng hòa Tiệp ngăn đà bành trướng của Nga. Chuyện lạ là Tổng thống Putin lại có vẻ dịu giọng và trong khi thời sự đang nóng bỏng ở mọi nơi vào tuần qua thì tình hình Trung Đông lại êm ắng một cách bất ngờ!
KN 5: Trở lại Liên hiệp Âu châu. Kim Nhung nghĩ rằng nhiều KTG của chúng ta hơi ngạc nhiên khi thấy ông cho là khu vực này đang lao vào khủng hoảng như một đoàn tầu lao xuống vực. Như vậy, phải chăng sự bất ổn của Âu Châu sẽ là thời sự ngày mai?
NXN 5: - Lục địa Âu Châu có bốn nền kinh tế lớn nhất là Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Hai nước sau cùng đang bị khủng hoảng chính trị với nước Ý không có chính phủ sau cuộc bầu cử từ mùng bốn Tháng Ba rồi lâm tai họa khi hai đảng dẫn đầu thuộc cánh cực tả và cực hữu lại liên kết với nhau để lập chính phủ thì bị Tổng thống bác bỏ một cách dại dột, thậm chí ngu xuẩn và nay đành chấp nhận. Tây Ban Nha thì vừa đó Thủ tướng mới mà chưa biết cầm quyền ra sao vì đảng của ông ta chỉ được thiểu số trong Quốc hội. Nhìn rộng ra ngoài, hệ thống tiền tệ thống nhất là khối Euro sẽ lại bị khủng hoảng nữa vì nước Ý không thể xoay trở nổi về tài chánh trong cơ chế Euro cứng ngắc mà sẽ phát hành một loại trái phiếu quốc gia, thực chất là một đồng tiền riêng của Ý, có tư thế độc lập với đồng Euro, để mặc ý tăng chi. Vấn đề chuyên môn rắc rối đó ít được báo chí Mỹ loan tải có khi chỉ vì họ không hiểu!
- Chuyện thứ ba là việc Đức trục lợi nhờ khối Euro trong khi các nước miền Nam như Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị tơi tả. Nếu khối Euro lâm khủng hoảng lần nữa, là chuyện có xác suất rất cao, thì cỗ xe Đức sẽ trật đường rầy và lao xuống vực vì nền kinh tế xứ này quá lệ thuộc vào xuất cảng. Ít ai chú ý rằng ngân hàng lớn nhất của Đức là Deutsche Bank vừa bị hạ điểm tín dụng xuống tới một cấp khá nguy hiểm. Chỉ cần một xứ bị biến động là cả hệ thống sẽ trôi xuống vực mà không vì Donald Trump. Đấy là thời sự ngày mai của một khu vực có 500 triệu dân và sản lượng kinh tế còn cao hơn Hoa Kỳ!
KN 6: Kim Nhung xin giành phần cuối cho đề mục mà KTG của chúng ta quan tâm nhất. Đó là Trung Quốc, dưới tầm nhắm của Donald Trump. Thưa ông Nghĩa, đầu năm nay, Chính quyền Trump đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, theo đó có hai cường quốc đang thách thức Hoa Kỳ là Trung Cộng và Liên bang Nga và hai chế độ hung đồ đang đe dọa an ninh của thế giới là Bắc Hàn và Iran. Sau đó, Iran đã bị Chíng quyền Trump gây sức ép mà khối Liên Âu và Nga không thể cứu được, còn Bắc Hàn thì đang tiến vào thời kỳ vừa đánh vừa đàm, vừa dọa vừa dụ. Bây giờ thì Trung Cộng sẽ xoay trở thế nào trước nhiều áp lực liên tục của Chính quyền Trump?
NXN 6: - Bước vào Thế kỷ 21, Chính quyền George W. Bush đã muốn có đối sách với Trung Cộng mà nạn khủng bố 9-11 năm 2001 khiến nước Mỹ phân tâm và tản lực trong trận chiến chống khủng bố Hồi giáo. Vụ khủng hoảng tài chánh vào Tháng Chín năm 2008 khiến một chính khách bất tài và mị dân thắng cử là Obama. Ông ta cải tạo xã hội Mỹ, rồi đi vái tứ phương mà cứ coi như nước Mỹ có tội nên hai cường quốc hung đồ là Tầu và Nga được thể bành trướng.
- Tám năm sau thì Donald Trump phải xử trí với chuyện này và Liên bang Nga không là mối nguy nghiêm trọng bằng Trung Cộng và ưu tiên của Mỹ ngày nay chính là Bắc Kinh. Trên diễn đàn này, tôi cứ nói rằng chuyện mậu dịch Mỹ-Hoa không quan trọng bằng kinh tế và rằng kinh tế không nguy bằng an ninh. Hồi nãy, mình vừa nói Tổng thống Reagan đã mất nhiều năm xử trí với Liên bang Xô viết trước khi Liên Xô tan rã. Bây giờ, chúng ta sẽ mất vài năm theo dõi xem Hoa Kỳ xử trí với Bắc Kinh như thế nào, nhưng ít ra cũng thấy Chính quyền Trump chẳng dại như Obama khi từ chối mời Trung Cộng vào cuộc thao dượt RIMPAC và còn bật tín hiệu là có thái độ mạnh với việc Bắc Kinh bành trướng ngoài Đông Hải. Rốt cuộc thì đại lục Âu Á đang rung chuyển cả hai đầu, từ Tây Âu tới Viễn Đông, và Hoa Kỳ không tự cô lập như người ta lo sợ mà đứng ra chặn cả hai đầu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét