khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020

Sophie Quinn-Judge: "Hồ Chí Minh 'không phải vị thánh cộng sản"




Trong cuốn sách 'Hồ Chí Minh: Những năm chưa biết đến" (Ho Chi Minh: The missing years, 1919-1941), tác giả Sophie Quinn-Judge nhận định rằng trong giai đoạn được nói đến trong sách, ông Hồ là “nhà vận động khôn khéo cho độc lập” và không thích 'giáo điều, lý luận cộng sản'.
Tác giả dựa trên tư liệu về Quốc tế cộng sản được giải mật năm 1992 của Trung tâm lưu trữ quốc gia Nga – và tư liệu từ kho lưu trữ quốc gia Pháp, để đánh giá việc tìm đến với chủ nghĩa cộng sản của người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi sống tại Pháp, và quá trình không được hoạt động nhiều ở Moscow sau khi ông sang Liên Xô.
Tiến sĩ Sophie Quinn-Judge cũng công bố các tài liệu của những người cộng sản Việt Nam khác phê phán Hồ Chí Minh là “người dân tộc chủ nghĩa, tiểu tư sản”, bằng chứng về xung đột nội bộ các nhóm cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu họ tìm đến chủ nghĩa của Lenin và tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Xô và Quốc tế Cộng sản cho cuộc đấu tranh giành độc lập khỏi tay thực dân Pháp.
Về giai đoạn Nguyễn Tất Thành hoạt động ở Pháp, sống trong số nhà 6 Villa des Gobelins, Paris cùng Phan Chu Trinh và một số người khác, bà Sophie Quinn-Judge cho rằng đây là một nhóm cùng ký tên Nguyễn Án Quốc cho kiến nghị gửi đến hội nghị đại cường Paris tháng 6/1919.
Tuy nhiên, sau đó, Phan Chu Trinh không đồng ý với hướng đi cực đoan hóa là theo cộng sản của Nguyễn Tấn Thành, dù vẫn hỗ trợ người thanh niên cùng quê.
Phan Chu Trinh cũng nhắc Nguyễn Tất Thành đừng ảo tưởng (no rosy illusions) về sự hỗ trợ của người Pháp nói chung, kể cả đảng Xã hội Pháp, về vấn đề Việt Nam (trang 37 – The Radical Solution 1920-23).
Ngày nay nhìn lại, có vẻ như Phan Chu Trinh đã đúng vì sau 1945, Hồ Chí Minh quay lại Paris tìm sự ủng hộ của Đảng Xã hội Pháp và các phái cộng sản cho độc lập của VN nhưng không nhận được gì.
Tuy thế, vào giai đoạn 1920-21, Nguyễn Tất Thành đã chọn con đường theo Quốc tế III của Liên Xô và đồng sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, rồi sang Liên Xô.
Tại Pháp, hoạt động của Nguyễn Tất Thành không phải là riêng biệt, mà ông đã cộng tác với Trần Tiến Nam, Nguyễn Thế Truyền, và nhiều khả năng được luật sư Phan Văn Trường sửa giúp các bản văn chính luận tiếng Pháp.
Các hoạt động của Nguyễn Tất Thành mà giấy tờ chính quyền Pháp cấp ghi là 'sinh viên', sinh ngày 15/01/1894, bị mật thám Pháp theo dõi kỹ, kể cả giai đoạn ông sang Anh, sống ở Bedford, và London.

Không phải là 'nhân vật đủ màu đỏ'

Theo bà Sophie Quinn-Judge thì các tài liệu tiếng Nga ở Moscow sau được giải mật, và hồ sơ của đảng Cộng sản Pháp cho thấy một hình ảnh Nguyễn Tất Thành không được các quan chức cao cấp của Quốc tế Cộng sản đánh giá cao.
Ông liên tục vận động, kiến nghị để họ chú ý hơn vào vấn đề các nước thuộc địa châu Á nhưng ít được hồi đáp.
Cùng lúc, Quốc tế Cộng sản (Conmintern) sau khi Lenin qua đời năm 1924, tập trung nhiều hơn vào các vấn đề mà Stalin cho là cần ưu tiên ở châu Âu.
Stalin cũng nhấn mạnh đến ý thức hệ cộng sản lấy Liên Xô làm trung tâm và đặt nặng đấu tranh giai cấp.
Việt Nam không có tên trong các câu chuyện của Moscow, mà nằm trong hồ sơ chung về Đông Dương thuộc Pháp, và đường lối cộng sản sẽ do Đảng Cộng sản Pháp phụ trách.
Thậm chí, khi Nguyễn Ái Quốc có giấy phép 'không phải nhân viên' (non-staff worker) để vào văn phòng Comintern tháng 4/1924, ông chỉ được làm một việc là thu thập tin tức về Đông Dương.
Công tác báo chí này không đem lại nhiều kết quả.
Các thư ông gửi, như lời đề nghị hai lần, vào tháng 2 và 4/1924, xin phỏng vấn một lãnh đạo Liên Xô là Zinoview chỉ được ông kia chuyển cho người khác là Fyodor Petrov (tức E. F. Raskolnikov), chủ nhiệm phân bộ Đông phương.
Có vẻ như việc xin phỏng vấn là để tiếp xúc với quan chức cộng sản cao cấp hơn là vì công tác báo chí.
Vẫn theo cuốn sách của bà Sophie Quinn-Judge, Nguyễn Ái Quốc “gửi lên Petrov ba trang giấy đánh máy, đề nghị lập ra 'Liên đoàn Cộng sản châu Á' (Federation of Asian Communists).
Đề nghị này không được ai quan tâm và thực hiện, tuy thế, người ta chú ý đến Nguyễn Ái Quốc và sau đó, khi Liên Xô ủng hộ Quốc-Cộng hợp tác ở Trung Quốc thì ông được cho về Quảng Châu.
Một vấn đề khác Nguyễn Ái Quốc gặp phải là những người trẻ hơn từ Đông Dương, đi theo chủ nghĩa cộng sản bằng con đường của họ.
Những người Việt Nam đầu tiên theo chủ nghĩa cộng sản là theo đảng Cộng sản Pháp ở Pháp, và theo đảng Cộng sản Trung Quốc khi họ chạy sang nước Trung Hoa láng giềng.
Những thanh niên này ít có quan hệ gì với Nguyễn Ái Quốc.
Cuốn sách cũng cho rằng Quốc Dân Đảng ở Trung Quốc và đảng Cộng sản Nam Dương (đa số là người Hoa và Indonesia), cũng có tác động lớn đến số phận chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, trong khi Nguyễn Ái Quốc bị cho là thuộc phái từ Pháp tới.
Việc ông bị nghi ngờ là “chưa đủ chất cộng sản” đã trở thành vấn đề liên tục tới nhiều năm về sau, kể cả sau khi ông làm Chủ tịch nước VNDCCH.
Sự kiện Hồ Chí Minh cho giải tán Đảng Cộng sản ở Việt Nam vào tháng 11/1945, hai tháng sau ngày tuyên bố độc lập (không được Liên Xô công nhận), đã đến tai Moscow.
Không phải ai khác, mà chính ông Trần Ngọc Danh, em trai cố TBT Trần Phú, đã tự ý đóng văn phòng đại diện của chính phủ VN tại Paris năm 1948, bỏ sang Prague và gửi ít nhất là hai lá thư tới Moscow tố cáo Hồ Chí Minh.
“Tôi hoàn toàn bất đồng với đường lối cơ hội chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa mà đảng của tôi đang đi theo, sau khi tự giải thể. Vụ giải thể này, hoàn toàn trái ngược với ý chí của các đồng chí trong đảng, không thể xảy ra nếu không có sự can thiệu rất tích cực của đồng chí Hồ Chí Minh...,” Trần Ngọc Danh viết.
Sang năm 1950, trong thư đề ngày 10 tháng 1, Trần Ngọc Danh tiếp tục tố cáo ban lãnh Đảng CS Đông Dương “bị lũng đoạn bởi phần tử dân tộc chủ nghĩa, tiểu tư sản, thiếu niềm tin vào cách mạng vô sản, và “tính cách Hồ Chí Minh là có tính quyết định, chia rẽ”.

Nên công bằng và thấy Hồ Chí Minh thực sự giỏi ở đâu

Trong phần kết luận về cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh (trang 251-257), Sophie Quinn-Judge viết:
“Từ Hội nghị Hòa bình Paris (1919) đến năm 1945 khi ông tuyên bố độc lập [cho Việt Nam], động cơ chính của Hồ Chí Minh là lòng yêu nước chân thành (sincere patriotism) và sự căm giận chủ nghĩa đế quốc Pháp rất sâu nặng. Và hiển nhiên ông không phải là một vị thánh cộng sản nào đó (he was not some sort of communist holy man). Ông đã từng sống với một số phụ nữ ở các thời điểm khác nhau, đã thỏa hiệp, và xâm nhập cả vào các đảng phái quốc gia...Chiều sâu của sự gắn bó mà ông có với chủ nghĩa cộng sản thì rất khó thăm dò, nhưng ta có thể nói ông không chú ý bao nhiêu đến giáo điều. Con đường ông chọn thường bị phụ thuộc bởi những gì hoàn cảnh bên ngoài tạo ra mà ông không kiểm soát nổi.”
Bà Sophie Quinn-Judge trong tác phẩm ấn hành lần đầu năm 2003 cũng bác bỏ điều mà đảng CS VN khi đó mới đề ra, là 'Tư tưởng Hồ Chí Minh'.
Điều bà muốn nói đến là các công bố hồi 1995 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh' cho rằng các tư tưởng của ông Hồ “là sự phát triển mới của học thuyết Marx-Lenin”.
Theo quan sát của bà Sophie Quinn-Judge thì đảng CSVN này sau khi thấy các đảng CS ở Đông Âu nối tiếp bị đẩy khỏi quyền lực, đã xoay ra chọn cách giữ tính chính danh của họ bằng tuyên bố tự thân rằng họ “đại diện cho Tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Vấn đề là ở chỗ, theo bà Sophie Quinn-Judge, nhiều người Việt Nam biết Hồ Chí Minh “không để lại tác phẩm mang tính lý thuyết nào”.
Theo bà thì để công bằng với ông hơn, cách tốt nhất là đánh giá Hồ Chí Minh “như một nhà chính trị giỏi giang, nhà ngoại giao đã đem lại cho quốc gia của ông mô hình xây dựng liên minh (a model of coalition building), và liên tục thỏa hiệp, điều mà bất cứ nhà nước nào cũng đánh giá cao.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét